Phân tích đoạn trích Trao duyên-Truyện Kiều, Nguyễn Du

Phân tích đoạn trích Trao duyên-Truyện Kiều, Nguyễn Du

1.Tìm hiểu xuất xứ

Đây là một trong những đoạn ở vị trí mở đầu cho cuộc đời lưu lạc đầy đau khổ của Thuý Kiều. Khi Vương Ông và Vương Quan bị bắt giam do có kẻ vu oan, Thuý Kiều phải bán mình làm vợ  Mã Giám Sinh để lấy tiền đút lót quan lại cứu cha và em. Việc nhà đã tạm yên, Kiều mới nghĩ đến tình duyên lỡ dở của mình. Trước hết, nàng nghĩ cho người mình yêu, phận mình dù thế cũng đành, nhưng cảm thấy có lỗi với Kim Trọng. Phải làm thế nào cho người yêu đỡ khổ, suy nghĩ mãi, trong đêm cuối cùng, nàng quyết định nhờ em thay mình trả nghĩa cho KimTrọng.
Trao duyên trích từ câu 723 đến câu 756 trong Truyện Kiều.

2. Tìm hiểu bố cục đoạn trích

Có thể chia đoạn trích làm hai đoạn nhỏ:
–       Đoạn 1 (14 câu đầu): Thuý Kiều “trao duyên” cho Thuý Vân.
–       Kiều nói với em về nỗi bất hạnh của mình.
–       Nhờ em và trao kỉ vật tình yêu cho em.
–     Đoạn 2: 12 câu tiếp Kiều trao kỉ vật và dặn dò
-Đoạn 3 : 8 câu cuối :Tâm trạng Kiều sau khi “trao duyên”.
+         Kiều mong muốn “trở về” gặp lại người yêu.
+         Kiều hướng đến sự đồng cảm với người yêu.
+         Tâm trạng tuyệt vọng của Kiều bởi mâu thuẫn trong tâm hồn nàng (tình yêu sâu nặng và sự chia biệt vĩnh viễn) vẫn không thể giải quyết.

3. Nhan đề Trao Duyên

Nhan đề đoạn trích là Trao duyên nhưng trớ trêu thay đây không phải là cảnh trao duyên thơ mộng của những đôi nam nữ mà ta thường gặp trong ca dao xưa. Có đọc mới hiểu được, “Trao duyên”, ở đây là gửi duyên, gửi tình của mình cho người khác, nhờ người khác chắp nối mối tình dang dở của mình. Thúy Kiều trước phút dấn thân vào quãng đời lưu lạc, bán mình cứu cha, nghĩ mình không giữ trọn lời đính ước với người yêu, đã nhờ cậy em là Thúy Vân thay mình gắn bó với chàng Kim.

Cách viết phần mở bài cho đoạn trích Trao Duyên:

Khi phân tích đoạn trích “trao duyên”, các em có thể mở bài như sau:
+Giới thiệu tên tác giả ( Nguyễn Du) và Truyện Kiều
+Nêu vắn tắt xuất xứ đoạn “Trao duyên”
+Trích dẫn đoạn thơ cần phân tích : đề bài yêu cầu phân tích đoạn nào thì mình trích đoạn đó. Lưu ý : không nên chép hết đoạn thơ vào bài thi, mất thời gian. Các em chỉ cần chép câu thơ đầu,  xuống dòng ,chấm chấm (…) rồi chép câu cuối là được.
@ nếu đề bài yêu cầu chứng minh nhận định về đoạn trích thì các em trích dẫn nhận định đó vào phần mở bài, nêu vấn đề nghị luận.
Ví dụ mở bài sau:Đề bài : phân tích tâm trạng của Thúy Kiều trong đoạn trích Trao duyên
Bài làm:
Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta phải đứng trước những sự lựa chọn khắc nghiệt :Chữ Tình và chữ Hiếu. Tuy nhiên công đức sinh thành bao giờ cũng cao cả ,bởi vậy nếu là một người con hiếu thảo yêu thương cha mẹ thì dẫu cho tình yêu kia có đẹp đến mấy, người ta vẫn quyết định chọn chữ Hiếu để trả ơn bố mẹ. Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du đã chọn chữ Hiếu lớn lao ấy. Thế nhưng nàng vẫn muốn bù đắp cho tình yêu dang dở của mình. Vì thế nàng quyết định trao duyên cho em gái là Thúy Vân. Đoạn trích “trao duyên” thể hiện được tất cả những tâm trạng của Thúy Kiều khi trao duyên của mình cho nàng Thúy Vân
“Cậy em em có chịu lời

Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây”
(“Trao duyên”- trích “Truyện Kiều”, Nguyễn Du)
Trong mở bài trên, câu văn in đậm là câu nêu vấn đề nghị luận

Bài văn mẫu Phân tích Trao Duyên:

Thuý Kiều đã mở đầu câu chuyện mà đáng lí ra chẳng ai nói đến bao giờ :
Cậy em em có chịu lời,
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.
Nghe xong Thuý Vân chắc sẽ rất bất ngờ. Lời chị khẩn khoản, thiết tha chắc không thể chỉ là chuyện bình thường. Trong nhóm các từ biểu đạt sự nhờ vả, Nguyễn Du đã chọn được hai từ đắt nhất và cũng hợp với hoàn cảnh nhất : cậy và chịuCậy không chỉ là nhờ. Cậy còn là trông đợi và tin tưởng. Cũng vậy, chịu không chỉ là nhận lời, chịu còn là nài ép. Chuyện chưa nói ra nhưng Kiều biết người nhận không dễ dàng chịu nhận nên nàng đã chủ động đưa Vân vào thế khó xử, tiến thoái lưỡng nan. Lời xưng hô nghiêm cẩn và trang trọng của Thuý Kiều lại càng có tác dụng gây áp lực đối với Thuý Vân.
“Chọn” và “đặt vấn đề” một cách nhanh chóng và kĩ càng, Thuý Kiều dường như ngay lập tức tiếp lời như nếu để lâu sẽ không thể nào nói được :
Giữa đường đứt gánh tương tư,
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em.
Vậy là cái điều tưởng như khó nhất, Thuý Kiều đã nói. Thuý Vân hết sức ngỡ ngàng nhưng cũng nhanh chóng hiểu nỗi niềm của chị. Đoạn thơ ngắn gọn, hướng vào những chuyện riêng tư. Tình yêu dở dang, tan vỡ được thông tin ngắn gọn trong một thành ngữ nặng nề, chắc nịch (đứt gánh tương tư). Câu thơ thứ 4 lại hay ở hai chữ tơ thừa. Với Thuý Kiều, tình yêu trao cho  em chỉ là sự nối tiếp, chỉ là chắp mối tơ thừa mà thôi. Mặc em ở đây có thể hiểu là Kiều phó thác cho em, gắn trách nhiệm ở em phải cứu vãn tình yêu đó. Lời Kiều sâu sắc và cũng thật xót xa.
Những câu thơ tiếp điểm qua những biến cố đời Kiều. Những biến cố ấy, Thuý Vân đều chứng kiến, thấu hiểu và cảm thông “khi gặp gỡ chàng Kim” và cả “khi sóng gió bất kì”.
Tám câu thơ đầu, ngoài lời trao duyên, Thuý Kiều chủ yếu nói về những bất hạnh của mình. Nhưng để trao duyên, Thuý Kiều còn phải chọn những lời lẽ thuyết phục :
Ngày xuân em hãy còn dài,
Xót tình máu mủ thay lời nước non.
Chị dù thịt nát xương mòn,
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.
Đoạn thơ sử dụng nhiều thành ngữ, lời lẽ ý vị, kín đáo, vẹn tình. Người “nhận” có ba lí do để không thể khước từ. Trước hết, không cách nhau nhiều về tuổi tác nhưng phải nhắc đến hai chữ ngày xuân với Kiều sao giờ quá nặng nề. Rõ ràng xét về ngày xuân (hiểu là sự trong trắng tinh khôi) thì giờ đây Thuý Kiều đâu thể xứng đáng với Kim Trọng bằng Thuý Vân. Kiều dù sao cũng mang danh là đã có chồng. Lí do thứ hai lại càng thuyết phục hơn. Kiều đang nhờ Vân một điều mà chẳng ai nhờ vả bao giờ. Đã khó nhờ, khó nhận thì vả chăng chỉ có là tình chị em máu mủ mới dễ đồng cảm, để rồi “chấp nhận” cho nhau. Lí do thứ ba nghe sao như một lời khẩn cầu đầy chua xót :
Chị dù thịt nát xương mòn,
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.
Không hẳn là lí do nhưng lại hoàn toàn hợp lí. Câu thơ khẩn cầu như một lời trăng trối. Và có ai lại đang tâm từ chối ước nguyện của người thân sắp phải thuộc về hoàn cảnh bấp bênh, khôn lường bất trắc ? Người ta nói Nguyễn Du là người sâu sắc nước đời là ở những chỗ như vậy.
Duyên đã được trao, người “nhận” cũng không có lí do gì để từ chối. Thuý Kiều trao kỉ vật cho em :
Chiếc vành với bức tờ mây,
Duyên này thì giữ, vật này của chung.
Thuý Kiều mất bao công sức để thuyết phục Thuý Vân nhưng chính lúc Thuý Vân chấp nhận thì cũng là lúc Thuý Kiều bắt đầu chới với để cố níu mình lại với tình yêu. Duyên đã khó trao, tình làm sao trao được ? Tìm về với những kỉ vật thiêng liêng (chiếc vành, bức tờ mây, mảnh hương nguyền) cũng là để được về với tình yêu của nàng. Những kỉ vật đẹp đẽ đó gắn liền với những ngày đẹp nhất đời Kiều. Nó thiêng liêng khi nó chỉ là của riêng nàng và Kim Trọng. Tình yêu không có người thứ ba, khi có người thứ ba, sự thiêng liêng bắt đầu đổ vỡ. Câu thơ “Duyên này thì giữ vật này của chung” thể hiện tâm trạng của Kiều xiết bao đau đớn. Tình yêu và niềm tin đối với Thuý Kiều giờ đây đã hoàn toàn trượt mất.
Cố níu kéo tình yêu bằng kỉ vật (dù chỉ trong tâm tưởng), Thuý Kiều đành ngậm ngùi đau xót nghĩ về tương lai :
Mai sau dù có bao giờ,
Đốt lò hương ấy so tơ phím này.
Trông ra ngọn cỏ lá cây,
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về.
Thuý Kiều như chìm trong tê dại, mê man trong cảm giác xót xa. Nhưng ngay trong lúc tưởng chừng như đã hoàn toàn cách biệt âm dương thì lời thề vàng đá của Kiều vẫn không hề thay đổi :
Hồn còn mang nặng lời thề,
Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai.
Tìm về tình yêu bằng cảm giác từ cõi tâm linh, Thuý Kiều vẫn không quên nghĩ về sự tủi hổ, bất hạnh của mình :
Dạ đài cách mặt khuất lời,
Rảy xin chén nước cho người thác oan.
Đoạn thơ cuối là cảm giác trở về của Thuý Kiều từ cõi hư không. Thời gian không còn là thời gian tâm trạng, nó là thời gian khách thể. Trở về với hiện thực, Thuý Kiều xót xa chấp nhận sự phũ phàng của định mệnh, chấp nhận “trâm gãy bình tan”, “tơ duyên ngắn ngủi”, “phận bạc như vôi”. Đoạn thơ dùng nhiều thành ngữ để nói tới cái “nhất thành bất biến” không thể thay đổi, chuyển dời. ý thức về hiện tại, Kiều chỉ còn biết thương mình, oán hờn số phận. Ngay trong lúc tưởng chừng Kiều sẽ buông xuôi, thì suy nghĩ của nhân vật lại rẽ sang hướng khác :
Ôi Kim lang ! Hỡi Kim lang
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây !
Câu thơ thực chất là tiếng kêu thảng thốt, là tiếng nấc nghẹn ngào của người con gái đã hoàn toàn tuyệt vọng.
Thuý Kiều sau đó xa cách Kim Trọng mười lăm năm nhưng trong mười lăm năm ấy không lúc nào nàng nguôi nhớ đến mối tình đầu. Song có lẽ không cần phải đợi đến mười lăm năm. Ngay trong ngày phải đau đớn “trao duyên”, người đọc có thể thấy tình yêu trong lòng người con gái ấy không gì có thể chia cắt nổi.
Ở Trao duyên, cần phải ghi nhận một thành công của Nguyễn Du, đó là bút lực sắc sảo tuyệt vời trong nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật.
6. Các em có thể xem thêm đề thi sau: Cảm nhận của em về tám câu cuối đoạn trích trao duyên( Truyện Kiều -Nguyễn Du)
Hướng dẫn :

(8 câu cuối):Kiều  trở về với thực tại đau xót khi nhớ tới Kim Trọng
Hướng đến tương lai đã không cho Kiều một sự giải thoát, quay về thực tại Kiều càng đau đớn bội phần. Tiếng nói thành tiếng than khóc, nói với em mà như nói với chính mình, rời quên hẳn xung quanh chỉ còn hướng đến người yêu đang vắng mặt:
« Bây giờ trâm gãy gương tan
Kể làm sao xiết muôn vài ái ân !
Trăm nghìn gửi lạy tình quân,
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi !
Phận sao phận bạc như vôi !
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng

Ôi Kim lang hỡi Kim lang

Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây »
“Bây giờ” của Kiều là “trâm gãy gương tan”, “tơ duyên ngắn ngủi”, là“phận bạc như vôi”, là“nước chảy hoa trôi”. Hình ảnh ước lệ “trâm gãy gương tan” và một loạt những thành ngữ, từ ngữ dân gian cho thấy sự ý thức sâu sắc về bi kịch hiện tại của Thuý Kiều. Thực tại đó hoàn toàn đối lập với quá khứ hạnh phúc, đẹp đẽ không sao kể xiết mà nàng đã có “muôn vàn ái ân”. Quá khứ giờ đây đã trở thành niềm khát khao mãnh liệt của Kiều. Bi kịch vì vậy càng sâu sắc.
– Câu thơ “Trăm nghìn gửi lại tình quân” thể hiện sự day dứt, giày vò, biểu hiện tình yêu cao đẹp Kiều dành cho Kim Trọng, đồng thời cũng cho thấy một nhân cách vị tha trong sáng.
– Khi bi kịch tình yêu lên đến đỉnh điểm, Kiều thốt lên tiếng kêu xé lòng: “Ôi Kim lang! hỡi Kim lang / Thôi thôi tiếp đã phụ chàng từ đây.”+ Thán từ “ôi, hỡi” như một tiếng nấc đau thương.+ Lời gọi được lặp lại một cách trang trọng “Kim lang” như một lời kêu cứu tuyệt vọng.
+ Nhịp thơ 3/3 ở câu trên như một tiếng nấc nghẹn ngào, trong khi đó, điệp từ “thôi” vừa thể hiện sự dằn vặt, vừa xác nhận sự phụ bạc, nhịp thơ ngân dài như một tiếng than vọng mãi không lời đáp, tiếng kêu cứu trong tuyệt vọng.
Đoạn trích kết lại bằng tiếng kêu xé lòng trong tột cùng đau đớn của Thúy Kiều khi nàng ý thức sâu sắc bi kịch tình yêu tan vỡ của mình. Kiều thương mình thì ít, thương cho chàng Kim thì nhiều. Nàng đã nhận hết mọi trách nhiệm của sự tan vỡ tình duyên về mình. Có thể nói, trong đau khổ tột cùng Kiều vẫn sáng lên vẻ đẹp của một nhân cách cao thượng: ân cần, chu đáo với Kim Trọng mà vẫn tự trách, nàng quên đi bất hạnh của mình để cảm thông cho người khác. Đây là giây phút độc thoại thật nhất, nhân bản nhất.
Tổng kết:
– Trao duyênlà âm hưởng mở đầu cho cung đàn bạc mệnh của Thuý Kiều. Đoạn trích khắc hoạ những phẩm chất cao đẹp của Thúy Kiều: son sắt, thuỷ chung, giàu đức hi sinh, giàu lòng vị tha, quên mình vì hạnh phúc của người khác. Qua đoạn trích, Nguyễn Du đã tỏ ra thấu hiểu, cảm thông với những khổ đau và khát vọng tình yêu của nàng Kiều – một con người vừa cao cả về mặt đạo đức, vừa nhân bản về mặt con người.
– Tài năng bậc thầy của Nguyễn Du trong việc miêu tả nội tâm nhân vật (vừa sâu sắc, vừa phức tạp, vừa tinh tế), sử dụng ngôn từ chọn lọc, hàm súc đã được khẳng định qua đoạn trích.

(Có tham khảo bài viết từ : Lờigiảihay.com)

Có thể bạn quan tâm :
Tuyển tập đề thi và những bài văn hay về  trao duyên
1. tóm tắt Truyện kiều của Nguyễn Du
 http://vanhay.edu.vn/tom-luoc-truyen-kieu-cua-nguyen-du
2. Đoạn trường tân thanh là gì ?
http://vanhay.edu.vn/doan-truong-tan-thanh-la-gi
Xem thêm : Tuyển tập đề thi ngữ văn 10

39 bình luận trong “Phân tích đoạn trích Trao duyên-Truyện Kiều, Nguyễn Du

  1. Cô ơi.. em là học sinh trường khác nhưng cô trả lời câu hỏi này hộ em với ^^ cám ơn cô ..cô trả lời nhanh hộ em mai em thi rồi =((
    – Bài này cô viết hả cô? em thắc mắc là tyêu giữa kiều với kim mặn mà sâu sắc nhưng sao lại có đoạn ”Với Thúy Kiều, tình yêu chưa thể coi là đã đủ mặn mà” ?

  2. – Bài này cô viết hả cô? em thắc mắc là tyêu giữa kiều với kim mặn mà sâu sắc nhưng sao lại có đoạn ”Với Thúy Kiều, tình yêu chưa thể coi là đã đủ mặn mà” ?

    1. Cảm ơn em đã góp ý cho cô đoạn này:
      “Câu thơ thứ 4 lại hay ở hai chữ tơ thừa. Với Thuý Kiều, tình yêu chưa thể coi là đã đủ mặn mà nhưng với em (Thuý Vân) nó chỉ là sự nối tiếp. Lời Kiều sâu sắc và cũng thật xót xa.”
      Đoạn này chưa rõ ý. cô đã sửa lại rồi nhé

    1. mở bài cần giới thiệu tác giả tp. xuất xứ đoạn trích, rồi sau đó mới phân tích.có thể nêu vắn tắt nội dung chính của đoạn trước khi phân tích từng câu.
      Trường hợp đề bài yêu cầu ptich 1 phần đoạn trích Trao Duyên thì mình nêu bố cục nữa em nhé

  3. Cô giúp em cái đề này với :
    “Trích đoạn “Trao Duyên” là những dòng thơ thổn thức về nỗi đau, thân phận và cũng là những dòng thơ tuyệt bút của vẻ đẹp tâm hồn và nhân cách của Thúy Kiều”.
    Hãy phân tích đoạn thơ “Bây giờ trâm gãy … chàng từ đây !” để làm rõ ý kiến trên.

  4. em cần phân tích theo hai ý :
    +“Trao Duyên” là những dòng thơ thổn thức về nỗi đau, thân phận
    Lấy dẫn chứng từ bi kịch tình yêu của thuý Kiều
    + là những vần thơ thể hiện vẻ đẹp tâm hồn và nhân cách của Thúy Kiều : hiếu thảo, sống vị tha, trọng tình nghĩa, trọng chữ tín,…

    1. mất người còn chút của tin. câu này nói về tâm trang của THuý Kiều khi trao duyên, duyên đã trao, kỉ vật đã đưa cho Thuý Vân, nhưng Kiều vẫn coi những kỉ vật ấy là ” của chung”. đó là tài sản chung giữa ba người: Kim-Vân- Kiều. Nàng gửi gắm chút lòng tin vào kỉ vật. tuy đã trao duyên nhưng Kiều vẫn lưu luyến, ko muốn rời xa mối tình

  5. Cô ơi em muốn tham khảo về vẻ đẹp của Thuý Kiều trong Trao duyên thì có thể tham khảo bài này ko ạ? Nếu có bài vẻ đẹp của TK trong trao duyên cô cho em xin về tham khảo ạ!

    1. nếu đề bài yêu cầu phân tích vẻ đẹp thì mình chỉ cần nhấn mạnh vào vẻ đẹp của nhân vật thôi nhé ( vị tha, giàu đức hi sinh. có hiếu, yêu chân thành sâu nặng, trọng lời thề ,…)

  6. cô ơi cô có thể giải thích giúp em khó ạ) hãy xác định chức năng nghệ thuật và phương thức biểu đạt ở 18 câu đầu của tác phẩm trao duyên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *