Sự biến đổi nhận thức của Phùng và Đẩu trong Chiếc thuyền ngoài xa

Soạn bài chiếc thuyền ngoài xa.
Xem thêm : Tuyển tập những đề thi , bài văn mẫu, giáo án Chiếc thuyền ngoài xa soạn theo định hướng phát triển năng lực. Xây dựng bài học theo tiến trình hoạt động của học sinh: Chiếc thuyền ngoài xa
Đề bài :Sự biến đổi nhận thức của nghệ sĩ Phùng và chánh án Đẩu trong tác phẩm
Đặt vấn đề:
– Nguyễn minh Châu (1930 – 1989) thuộc lớp nhà văn chiến sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Sau năm 1975, ông chủ yếu tiếp cận đời sống ở góc độ thế sự. Các nhà nghiên cứu đánh giá NMC là một trong những cây bút tiên phong “người mở đường tinh anh và tài năng nhất” của văn học Việt Nam thời kì đổi mới.
– Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” được Nguyễn minh Châu sáng tác năm 1983, sau đưa vào tập truyện ngắn cùng tên xuất bản năm 1987. Tác phẩm là một minh chứng tiêu biểu, thể hiện những nhận thức mới mẻ của ông trong cách nhìn hiện thực. Chúng ta có thể thấy rõ điều đó qua tìm hiểu sự biến đổi nhận thức của hai nhân vật nghệ sĩ Phùng và Chánh án Đẩu trong tác phẩm.
Giải quyết vấn đề:
Giới thiệu chung:
Tuy là hai nhân vật, hai con người khác nhau – một người là nghệ sĩ, một người là chánh án toà án, nhưng hành trình biến đổi nhận thức lại giống nhau. Đều xuất phát từ những mục đích tốt đẹp và đầy thiện ý song cả hai đều ngạc nhiên, ngỡ ngàng… rồi vỡ ra nhiều điều mới mẻ: cuộc đời này còn có nhiều góc khuất mà nghệ thuật cần vươn tới; còn có nhiều trái ngang mà lí thuyết sách vở chưa soi tỏ.
Phân tích:
* Nghệ sĩ Phùng:     
– Đứng trước một sản phẩm nghệ thuật tuyệt vời của hoá công:
+ Người nghệ sĩ trở nên “bối rối” và “trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào”. Tức là bức ảnh đã khiến cho tâm hồn người nghệ sĩ rung dộng thật sự và một cảm xúc thẩm mĩ đang dấy lên trong lòng anh.
+ Trong giây lát, người nghệ sĩ còn “khám phá thấy cái chân lí của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”. Nói cách khác, trong một khoảnh khắc của cuộc sống, nghệ sĩ Phùng đã cảm nhận được cái Chân, cái Thiện, cái Mĩ của cuộc đời, thấy tâm hồn mình như được gột rửa, trở nên thật trong trẻo, tinh khôi. Điều này có nghĩa là cái đẹp đã có tác dụng thanh lọc tâm hồn con người. (Với tác dụng ấy, cái đẹp chẳng phải là “đạo đức” hay sao?).
Tuy nhiên, ngay sau những phút giây bay bổng trong những cảm xúc thẩm mĩ ấy, khi chiếc thuyền vào bờ, Phùng đã chứng kiến một bức ảnh phong cảnh khác, không thơ mộng, không hài hoà, mà là sự thực trần trụi, sự thực thô bạo, sự thực méo mó chênh vênh, và nó chính là “cận cảnh” từ cái bức tượng đài thơ mộng kia:
+ Trước hết là hai con người với những nét thô kệch bước ra từ chiếc thuyền ngư phủ đẹp như trong mơ.
+ Sau đó, một cảnh tượng khủng khiếp, tàn nhẫn, không thể nào tin nổi và không thể nào chấp nhận: người chồng đánh vợ.
Ò Điều đáng sợ không chỉ ở chỗ lão dân chài đánh vợ, mà ở cách đánh bài bản như thói quen, coi việc hành hạ, đánh đập, nguyền rủa vợ như một phương cách để giải toả những uất ức, khổ đau, nhọc nhằn. Còn đáng sợ hơn nữa, người đàn bà cam chịu một cách bình tĩnh như thực hiện một nghĩa vụ.
+ Rồi đến sự xuất hiện của thằng bé Phác. Đứa con vì thương mẹ đã đánh lại cha để rồi nhận lấy hai cái bạt tai của bố ngã dúi xuống cát…
Ò Bức ảnh biển cả buổi sớm có sương thì đẹp như bức cổ hoạ bằng mực tàu, còn bức ảnh nhân sinh lại như một vết nhơ của cuộc sống, một nỗi sỉ nhục nhân loại.
– Chứng kiến những cảnh tượng đó, nghệ sĩ Phùng ngạc nhiên đến thẫn thờ. Người nghệ sĩ như “chết lặng”, không tin vào những gì đang diễn ra trước mắt. Phùng đã từng là người lính cầm súng chiến đấu để có vẻ đẹp thanh bình của thuyền biển mênh mông, anh không thể chịu được khi chứng kiến cảnh lão đàn ông đánh vợ một cách vô lí và thô bạo. Nhưng anh chưa kịp xông ra thì thì thằng Phác xuất hiện che chở cho người mẹ đáng thương. Đến lần thứ hai, khi lại phải chứng kiến cảnh ấy, Phùng mới thể hiện được bản chất người lính là không thể làm ngơ trước sự bạo hành của cái ác. Phùng trở thành người hùng, anh quật ngã người đàn ông vũ phu.
Ò Sở dĩ nghệ sĩ Phùng trở nên như vậy là vì anh không thể ngờ rằng đằng sau cái vẻ kì diệu của tạo hoá lại có cái ác, cái xấu đến mức không thể tin được. Vừa mới lúc trước anh còn cảm thấy “bản thân cái đẹp chính là đạo đức”, thấy “chân lí của sự hoàn thiện” thế mà chỉ ngay sau đó chẳng còn cái gì là “đạo đức” là cái “toàn thiện” của cuộc đời. Phùng cay đắng nhận thấy những cái trái ngang, xấu xa, những bi kịch trong gia đình thuyền chài làm cho tấm ảnh mà anh chụp được kia như nhuốm màu đau thương, ghê sợ.
– Phùng nhờ Đẩu mời người đàn bà đến toà án huyện vì muốn giúp đỡ. Và tại đây, anh đã tận mắt chứng kiến cuộc gặp gỡ giữa người đàn bà ấy với chánh án Đẩu, nghe những lời trải lòng và biết được câu chuyện cuộc đời của người đàn bà. Phùng đã lặng im sau câu chuyện của chị. Có lẽ, người nghệ sĩ nhiếp ảnh cũng đang trầm ngâm suy nghĩ sau những gì vừa diễn ra. Câu chuyện mà người đàn bà hàng chài kể ở toà án đã giúp nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng hiểu rõ hơn về Đẩu, về người đàn bà hàng chài và ngay cả chính mình:
+ Người đàn bà: Không hề cam chịu một cách vô lí, không hề nông nổi một cách ngờ nghệch mà thực ra chị ta là người rất sâu sắc, thấu hiểu lẽ đời. Người phụ nữ này có một cuộc đời nhọc nhằn, lam lũ nhưng biết chắt chiu những hạnh phúc đời thường. Sống cam chịu và kín đáo, hiểu sâu sắc lẽ đời nhưng chị không để lộ điều đó ra bên ngoài. Đây là người phụ nữ có ngoại hình xấu xí, thô kệch nhưng tâm hồn đẹp đẽ, thấp thoáng bóng dáng của người phụ nữ Việt Nam nhân hậu, bao dung, giàu đức hi sinh và lòng vị tha.
+ Người đồng đội cũ – chánh án Đẩu: Anh có lòng tốt, sẵn sàng bảo vệ công lí nhưng anh chưa thực sự đi sâu vào đời sống nhân dân. Lòng tốt là đáng quý nhưng chưa đủ. Luật pháp là cần thiết nhưng cần phải đi vào đời sống. Cả lòng tốt và luật pháp đều phải được đặt vào những hoàn cảnh cụ thể, không thể áp dụng với mọi đối tượng.
+ Chính mình: Mình đơn giản khi đã nhìn nhận cuộc đời và con người.
* Chánh án Đẩu:
Đẩu là một chánh án, vừa làm công việc, vừa thực hiện mệnh lệnh của trái tim. Sau khi thấy các biện pháp giáo dục, răn đe người chồng không có kết quả, thẩm phán Đẩu đã mới người đàn bà hàng chài đến toà án giải quyết chuyện gia đình.
– Trước khi nghe câu chuyện của người đàn bà vùng biển, thái độ của anh là rất cương quyết. Anh muốn giải thoát khỏi những trận đòn bất công người đàn bà khỏi những trận đòn bất công, ngược đãi bằng một “phán quyết”: li hôn. Anh khuyên người vợ bỏ chồng để giảI thoát cho chị khỏi cảnh bị ngược đãi và nạn bạo hành trong gia đình. Anh hào hứng, say mê và tin tưởng vào giải pháp của mình. Cái lí lẽ của pháp luật và lí lẽ của trái tim làm cơ sở, chỗ dựa vững vàng để anh tự tin, chủ động và ngạo nghễ.
– Nhưng anh đã lầm. Người đàn bà khốn khổ ấy đã từ chối sự giúp đỡ của Đẩu cũng như Phùng, chị cầu xin đừng bắt chị phải bỏ chồng vì cuộc sống tăm tối của chị còn những lí lẽ khác. Sau khi nghe những gì mà người phụ nữ vùng biển giãi bày, trong đầu “vị Bao Công của cái phố huyện vùng biển” có “một cái gì mới vừa vỡ ra”, “lúc này trông Đẩu rất nghiêm nghị và đầy suy nghĩ”. Có lẽ Đẩu đã vỡ lẽ ra rằng lòng tốt của anh là phi thực tế; kiến thức sách vở mà anh đã được học trở thành vô nghĩa trước những lí lẽ sâu sắc nhưng đầy nhân sinh của người đàn bà quê mùa, thất học. Anh bảo vệ luật pháp bằng sự thông hiểu sách vở nhưng trước cuộc sống, anh thành kẻ quá nông nổi, ngây thơ. Qua thái độ và sự lí giải của người đàn bà khốn khổ làng vạn chài có thể trong Đẩu vừa mới giác ngộ ra những nghịch lí của đời sống, cái nghịch lí buộc những con người khốn khổ phải chấp nhận một cách thật bất công: “Mong các chú cách mạng thông cảm cho, đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn, nuôi nấng đặng một sắp con nhà nào cũng trên dưới chục đứa… Trên thuyền phải có một người đàn ông…, dù hắn man rợ, tàn bạo”. Cũng có thể, Đẩu bắt đầu hiểu ra rằng, muốn con người thoát ra khỏi cảnh man rợ, tăm tối, cơ cực thì cần phải có những giải pháp thiết thực chứ không phải chỉ là thiện chí hoặc các lí thuyết  đẹp đẽ, xa rời thực tiễn.
Ò Đến đây có thể nói, thông điệp nghệ thuật về cách nhìn nhận con người và cuộc đời mà Nguyễn minh Châu muốn chuyển đến người đọc, nhất là người nghệ sĩ là: Đừng bao giờ nhìn nhận cuộc đời và con người một cách dễ dãi, xuôi chiều. Cần phải nhìn nhận mọi sự việc, hiện tượng trong hoàn cảnh cụ thể của nó và trong quan hệ với nhiều yếu tố khác nữa
Kết bài:
Với sự biến đổi nhận thức của hai nhân vật Đẩu và Phùng, “Chiếc thuyền ngoài xa” một lần nữa khẳng định vẻ đẹp của văn xuôi Nguyễn minh Châu giai đoạn sau năm 1975: vẻ đẹp toát ra từ tình yêu tha thiết đối với con người và sự sống, trong đó bao hàm cả khát vọng kiếm tìm, phát hiện, tôn vinh những vẻ đẹp con người còn lẫn trong lấm láp, lam lũ thường ngày, và cả những nguy cơ tiềm ẩn của cái xấu, cái ác,…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *