Sáng kiến Giáo dục kĩ năng sống qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh lớp chủ nhiệm

ĐỀ TÀI SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM CẤP THPT

Tên sáng kiến:

Giáo dục kĩ năng sống qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh lớp chủ nhiệm

 
 
MỤC ĐÍCH, SỰ CẦN THIẾT
Đất nước phát triển đòi hỏi phải đổi mới toàn diện và mạnh mẽ nền giáo dục để đáp ứng yêu cầu chuẩn bị nguồn nhân lực, tăng cường khả năng hợp tác, cạnh tranh cho hội nhập quốc tế; phục vụ ngày càng tốt hơn sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Trong tiến trình đổi mới ấy, giáo dục kĩ năng sống cho học sinh là một trong những quan điểm giáo dục đã trở thành xu thế trong việc xác định nội dung dạy học trong nhà trường phổ thông và trong chương trình xây dựng môn học.
Hiện nay, nội dung giáo dục kĩ năng sống đã được nhiều quốc gia trên thế giới đưa vào dạy học cho học sinh trong các trường phổ thông, dưới nhiều hình thức khác nhau. Dạy học cần đảm bảo cho người học được tiếp cận với chương trình giáo dục kĩ năng sống phù hợp và kĩ năng sống cần được coi như một nội dung của chất lượng giáo dục.
Công văn số 463/BGDĐT-GDTX ngày 28 tháng 01 năm 2015 của Bộ GDĐT về việc hướng dẫn triển khai thực hiện giáo dục KNS tại các cơ sở GDMN, GDPT và GDTX yêu cầu “…đẩy mạnh hoạt động giáo dục KNS cho học sinh theo định hướng phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực của học sinh gắn với định hướng nghề nghiệp…”
Thực tiễn đã chứng tỏ việc giáo dục kĩ năng sống trong giáo dục và dạy học sẽ giúp phát triển những năng lực giải quyết những vấn đề phức tạp và làm cho việc học tập trở nên có ý nghĩa hơn đối với học sinh. Giáo dục kĩ năng sống là một trong những quan điểm giáo dục nhằm nâng cao năng lực của người học, giúp đào tạo những người có đầy đủ phẩm chất và năng lực để giải quyết các vấn đề của cuộc sống hiện đại. Nhiều nước trong khu vực châu Á và trên thế giới đã thực hiện giáo dục kĩ năng sống trong dạy học và cho rằng quan điểm này đem lại hiệu quả nhất định.
Trường PTDTNT là loại hình trường chuyên biệt nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân. Học sinh của trường PTDTNT được nuôi dạy và đảm bảo các điều kiện để phát triển toàn diện theo hệ thống quản lí suốt cả ngày tại trường. Chính vì vậy, việc giáo dục kĩ năng sống qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo là rất cần thiết. Điều đó sẽ giúp trang bị những năng lực cần thiết cho các em học sinh; phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của người học. Bên cạnh đó giáo dục kĩ năng sống qua hoạt động thực tiễn tăng cường khả năng làm việc theo nhóm, rèn luyện khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho học sinh, giúp cho việc học tập các môn học và tham gia các hoạt động giáo dục của học sinh trở nên nhẹ nhàng, thoải mái, thiết thực và có hiệu quả hơn.
Sau thời gian tìm tòi, nghiên cứu và áp dụng thực tiễn, tôi thực hiện sáng kiến: “Giáo dục kĩ năng sống qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh lớp chủ nhiệm.” Với sáng kiến này, sẽ trang bị cho học sinh những kiến thức, kĩ năng sống cơ bản, chuẩn bị hành trang cho các em bước vào cuộc sống tự lập.

PHẠM VI TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

– Nội dung: Sáng kiến đề xuất một số giải pháp giáo dục kĩ năng sống thông qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh lớp chủ nhiệm.
– Đối tượng áp dụng: Học sinh lớp 10A2 trường Phổ thông DTNT THPT huyện Điện Biên Đông.
– Thời gian áp dụng: Năm học 2016-2017.
NỘI DUNG
TÌNH TRẠNG GIẢI PHÁP ĐÃ BIẾT
Theo Điều 2 của Luật Giáo dục năm 2005, mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, nội dung và phương pháp giáo dục trong các nhà trường hiện nay còn coi trọng việc dạy chữ, chưa chú trọng đúng mức dạy làm người, nhất là việc giáo dục KNS cho học sinh. Trong quá trình dạy học, giáo viên dường như chỉ quan tâm tới việc hình thành các kĩ năng mang tính kĩ thuật, gắn với chuyên môn, gắn với các môn học cụ thể. Trong khi đó, việc hình thành kĩ năng sống cho học sinh qua các hoạt động trải nghiệm sáng tạo là một mục tiêu ẩn của quá trình dạy học. Đây là điều người học cần có, cần sử dụng trong cuộc sống hàng ngày để các em trở thành công dân đích thực đóng góp cho sự phát triển của xã hội hiện đại.
NỘI DUNG GIẢI PHÁP
Bối cảnh, động lực ra đời của giải pháp
1.1. Cơ sở lí luận
1.1.1. Kĩ năng sống và giáo dục kĩ năng sống
a) Quan niệm về kĩ năng sống
Thuật ngữ kĩ năng sống (KNS) bắt đầu xuất hiện trong các nhà trường phổ thông Việt Nam từ những năm 1995-1996, thông qua Dự án “Giáo dục KNS để bảo vệ sức khỏe và phòng chống HIV/AIDS cho thanh thiếu niên trong và ngoài nhà trường” do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) phối hợp với Bộ giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thực hiện. Từ đó đến nay, nhiều cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế đã tiến hành giáo dục KNS gắn với các vấn đề giáo dục xã hội như: phòng chống ma túy, phòng chống mại dâm, phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống tai nạn bom mìn, bảo vệ môi trường…Giáo dục phổ thông nước ta những năm vừa qua đã đổi mới cả về mục tiêu, nội dung và phương pháp dạy học (PPDH) gắn với bốn trụ cột giáo dục của thế kỉ XXI: Học để biết, học để làm, học để tự khẳng định, học để chung sống, mà thực chất là một cách tiếp cận KNS. Đặc biệt, rèn luyện KNS cho học sinh (HS) đã được bộ Giáo dục và Đào tạo xác định là một trong năm nội dung của phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong các trường Phổ thông giai đoạn 2008-2013.
Vậy KNS là gì?
Có nhiều quan niệm khác nhau về KNS:
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), KNS là khả năng để có hành vi thích ứng (adaptive) và tích cực (positive), giúp các cá nhân có thể ứng xử hiệu quả trước các nhu cầu và thách thức của cuộc sống hàng ngày.
Theo UNICEF, KNS là cách tiếp cận giúp thay đổi hoặc hình thành hành vi mới. Cách tiếp cận này lưu ý đến sự cân bằng về tiếp thu kiến thức, hình thành thái độ, kĩ năng.
Theo UNESCO, KNS gắn với 4 trụ cột của giáo dục, đó là: Học để biết (Learning to know) gồm các kĩ năng tư duy như: tư duy phê phán, tư duy sáng tạo, ra quyết định, giải quyết vấn đề, nhận thức được hậu quả…; Học làm người (Learning to be) gồm các kĩ năng cá nhân như: ứng phó với căng thẳng, kiểm soát cảm xúc, tự nhận thức, tự tin,…Học để sống với người khác (Learning to live together) gồm các kĩ năng xã hội như: giao tiếp, thương lượng, tự khẳng định, hợp tác, làm việc nhóm, thể hiện sự cảm thông; Học để làm (Learning to do) gồm kĩ năng thực hiện công việc và các nhiệm vụ như: kĩ năng đạt mục tiêu, đảm nhận trách nhiệm,…
Từ những quan niệm trên đây, có thể thấy KNS bao gồm một loạt các kĩ năng cụ thể, cần thiết cho cuộc sống hàng ngày của con người. Bản chất của kĩ năng sống là kĩ năng tự quản lí bản thân và kĩ năng xã hội nếu cần thiết để cá nhân tự lực trong cuộc sống, học tập và làm việc hiệu quả. Nói cách khác, KNS là khả năng làm chủ bản thân của mỗi người, khả năng ứng xử phù hợp với những người khác và với xã hội, khả năng ứng phó tích cực trước các tình huống của cuộc sống.
KNS không phải tự nhiên có được mà phải hình thành dần trong quá trình học tập, lĩnh hội và rèn luyện trong cuộc sống. Quá trình hình thành KNS diễn ra cả trong và ngoài hệ thống giáo dục.
KNS vừa mang tính cá nhân, vừa mang tính xã hội. KNS mang tính cá nhân vì đó là khả năng của cá nhân. KNS mang tính xã hội vì KNS phụ thuộc vào các giai đoạn phát triển của lịch sử xã hội, chịu ảnh hưởng của truyền thống và văn hóa gia đình, cộng đồng, dân tộc.
Như vậy, có thể hiểu KNS là năng lực tâm lí xã hội, là khả năng ứng phó một cách có hiệu quả với những yêu cầu và thách thức của cuộc sống. Đó cũng là khả năng của một cá nhân để duy trì trạng thái khỏe mạnh về thể chất và tinh thần, biểu hiện qua các hành vi phù hợp và tích cực khi tương tác với người khác, với nền văn hóa và môi trường xung quanh; là khả năng phân tích tình huống và ứng xử các tình huống một cách hợp lí. Trong đó, KNS giúp chuyển dịch kiến thức “đã biết” với quá trình tư duy thành hành động thực tế để biết “làm gì và làm cách nào” là tích cực và hiệu quả nhất; là năng lực cá nhân để thực hiện đầy đủ các chức năng và tham gia vào cuộc sống hàng ngày. Đó là khả năng làm cho hành vi và sự thay đổi của bản thân phù hợp với cách ứng xử tích cực, giúp kiểm soát, quản lí có hiệu quả các nhu cầu và những thách thức trong cuộc sống hàng ngày.
b) Phân loại kĩ năng sống
Có nhiều cách phân loại KNS, tùy theo quan niệm về KNS. Ví dụ:
Theo UNESCO, WHO và UNICEF, có thể xem KNS gồm các kĩ năng cốt lõi sau:
Kĩ năng giải quyết vấn đề (proplem solving);
Kĩ năng suy nghĩ/ tư duy phê phán (critical thinking);
Kĩ năng giao tiếp hiệu quả (effective communication skills);
Kĩ năng ra quyết định (decision – making);
Kĩ năng tư duy sáng tạo (creative thinking);
Kĩ năng giao tiếp ứng xử cá nhân (interpersonal relationship skills);
Kĩ năng tự nhận thức/ tự trọng và tự tin của bản thân, xác định giá trị (selfawarenss building skills, incl self-awareness, self-esteem and self-confidence, ang values analysis);
Kĩ năng thể hiện sự cảm thông (empathy);
Kĩ năng ứng phó với căng thẳng và cảm xúc (coping with stress and emotions).
Trong giáo dục ở vương quốc Anh, KNS được chia thành 6 nhóm chính là:
Hợp tác nhóm;
Tự quản;
Tham gia hiệu quả;
Suy nghĩ/ tư duy bình luận, phê phán;
Suy nghĩ sáng tạo;
Nêu vấn đề và giải quyết vấn đề.
Trong giáo dục ở nước ta những năm vừa qua, KNS thường được phân loại theo các mối quan hệ, bao gồm các nhóm sau:
Nhóm kĩ năng nhận biết và sống với chính mình, bao gồm các KNS cụ thể như: tự nhận thức, xác định giá trị, ứng phó với căng thẳng, tìm kiếm sự hỗ trợ, tự trọng, tự tin…
Nhóm các kĩ năng nhận biết và sống với người khác, bao gồm các KNS cụ thể như: giao tiếp có hiệu quả, giải quyết mâu thuẫn, thương lượng, từ chối, bày tỏ sự cảm thông, hợp tác,…
Nhóm các kĩ năng ra quyết định một cách có hiệu quả, bao gồm các KNS cụ thể như: tìm kiếm và xử lý thông tin, tư duy phê phán, tư duy sáng tạo, ra quyết định, giải quyết vấn đề…
Cách phân loại KNS chỉ mang tính chất tương đối. Trên thực tế, các KNS có mối quan hệ mật thiết với nhau bởi khi tham gia vào một tình huống cụ thể, con người cần phải sử dụng rất nhiều kĩ năng khác nhau. Dù phân loại theo hình thức nào thì một số kĩ năng vẫn được coi là kĩ năng cốt lõi như kĩ năng xác định giá trị, kĩ năng giáo tiếp, kĩ năng đương đầu với cảm xúc, kĩ năng giải quyết mâu thuẫn tích cực, kĩ năng tự nhận thức, kĩ năng ra quyết định, kĩ năng đạt được mục tiêu…
c) Tầm quan trọng của việc giáo dục kĩ năng sống cho học sinh trong nhà trường phổ thông
* Kĩ năng sống thúc đẩy sự phát triển cá nhân và xã hội
Thực tế cho thấy có khoảng cách giữa nhận thức và hành vi của con người, có nhận thức đúng chưa chắc đã có hành vi đúng. Ví dụ: Nhiều người biết hút thuốc lá là có hại cho sức khỏe, có thể dẫn đến ung thư vòm họng, ung thư phổi…nhưng họ vẫn hút thuốc; Có những người là luật sư, công an, thẩm phán,…có hiểu biết rất rõ về pháp luật nhưng vẫn vi phạm pháp luật…Đó chính là vì họ thiếu KNS.
Có thể nói KNS chính là những nhịp cầu giúp con người biến kiến thức thành thái độ, hành vi và thói quen tích cực, lành mạnh. Người có KNS phù hợp sẽ luôn vững vàng trước những khó khăn, thử thách; biết ứng xử, giải quyết vấn đề một cách tích cực và phù hợp. Họ thường thành công hơn trong cuộc sống, luôn yêu đời và làm chủ cuộc sống của chính mình. Ngược lại, người thiếu KNS thường bị vấp váp, dễ bị thất bại trong cuộc sống. Ví dụ người không có kĩ năng ra quyết định sẽ dễ mắc sai lầm hoặc chậm trễ trong việc đưa ra quyết định và phải trả giá cho quyết định sai lầm của mình; người không có kĩ năng ứng phó với căng thẳng sẽ hay bị căng thẳng hơn những người khác và thường có cách ứng phó tiêu cực khi bị căng thẳng, làm ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, học tập, công việc…của bản thân. Hoặc người không có kĩ năng giao tiếp sẽ khó khăn hơn trong việc xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp với mọi người xung quanh, sẽ khó khăn hơn trong hợp tác cùng làm việc, giải quyết những nhiệm vụ chung,…
Không những thúc đẩy sự phát triển cá nhân, KNS còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội, giúp ngăn ngừa các vấn đề xã hội và bảo vệ quyền con người. Việc thiếu KNS của cá nhân là một nguyên nhân làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội như: nghiện rượu, nghiện ma túy, mại dâm, cờ bạc…Việc giáo dục KNS sẽ thúc đẩy những hành vi mang tính xã hội tích cực, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống xã hội và giảm các vấn đề xã hội. Giáo dục KNS còn giải quyết một cách tích cực nhu cầu và quyền con người, quyền công dân được ghi trong luật pháp Việt Nam và quốc tế.
* Giáo dục kĩ năng sống là yêu cầu cấp thiết đối với thế hệ trẻ
Giáo dục KNS càng trở lên cấp thiết đối với thế hệ trẻ bởi vì:
Các em chính là những chủ nhân tương lai của đất nước, là những người sẽ quyết định sự phát triển của đất nước trong những năm tới. Nếu không có KNS, các em sẽ không thể thực hiện tốt trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, cộng đồng và đất nước.
Lứa tuổi học sinh là lứa tuổi đang hình thành những giá trị nhân cách, giàu mơ ước, ham hiểu biết, thích tìm tòi, khám phá song còn thiếu hiểu biết sâu sắc về xã hội, còn thiếu kinh nghiệm sống, dễ bị lôi kéo, kích động…Đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cơ chế thị trường hiện nay, thế hệ trẻ thường xuyên chịu tác động đan xen của những yếu tố tích cực và tiêu cực, luôn được đặt vào hoàn cảnh phải lựa chọn những giá trị, phải đương đầu với những khó khăn, thách thức, những áp lực tiêu cực. Nếu không được giáo dục KNS, thiếu KNS, các em dễ bị lôi kéo vào các hành vi tiêu cực, bạo lực, vào lối sống ích kỉ, lai căng, thực dụng, dễ bị phát triển lệch lạc về nhân cách. Một trong các nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tiêu cực của một bộ phận học sinh phổ thông trong thời gian vừa qua như: nghiện hút, bạo lực học đường, đua xe máy, ăn chơi sa đọa, ngáo đá…chính là do các em thiếu những KNS cần thiết như: kĩ năng xác định giá trị, kĩ năng từ chối, kĩ năng kiên định, kĩ năng gải quyết mâu thuẫn, kĩ năng thương lượng, kĩ năng giao tiếp,…
Vì vậy, việc giáo dục KNS cho thế hệ trẻ là rất cần thiết, giúp các em rèn luyện hành vi có trách nhiệm cho bản thân, gia đình, cộng đồng và Tổ quốc; giúp các em có khả năng ứng phó tích cực trước các tình huống của cuộc sống, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với gia đình, bạn bè, mọi người, sống tích cực, chủ động, an toàn và lành mạnh.
* Giáo dục kĩ năng sống nhằm thực hiện yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông
Đảng ta đã xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển của đất nước. Để thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cần phải có những người lao động mới phát triển toàn diện, do vậy cần phải đổi mới giáo dục nói chung và đổi mới giáo dục phổ thông nói riêng. Nhiệm vụ đổi mới giáo dục đã được thể hiện rõ trong các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội, trong Luật Giáo dục năm 2005.
Nghị quyết 40/2000/QH10 về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đã khẳng định mục tiêu là xây dựng nội dung chương trình, phương pháp giáo dục, sách giáo khoa phổ thông mới nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện thế hệ trẻ, đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đát nước, phù hợp với thực tiễn và truyền thống Việt Nam, tiếp cận trình độ giáo dục phổ thông ở các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng lần thứ IX (4-2001) đã đề ra nhiệm vụ: Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đổi mới nội dung, phương pháp dạy học.
Luật giáo dục năm 2005, Điều 2 đã xác định: Mục tiêu của giáo dục phổ thông là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mĩ và nghề nghiệp; trung thành với lí tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Như vậy, mục tiêu giáo dục phổ thông đã chuyển từ chủ yếu là trang bị kiến thức cho học sinh sang trang bị những năng lực cần thiết cho các em, đặc biệt là năng lực hành động, năng lực thực tiễn. Phương pháp giáo dục phổ thông cũng đã được đổi mới theo hướng “phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, tư duy sáng tạo của người học, khả năng thực hành, lòng say mê học tập và ý chí vươn lên” (Luật giáo dục năm 2005, Điều 5).
Giáo dục KNS cho học sinh, với bản chất là hình thành và phát triển cho các em khả năng làm chủ bản thân, khả năng ứng xử phù hợp với những người khác và xã hội, khả năng ứng phó tích cực trước các tình huống của cuộc sống rõ ràng là phù hợp với mục tiêu giáo dục phổ thông.
Phương pháp giáo dục KNS, với các phương pháp và kĩ thuật tích cực như: hoạt động nhóm, giải quyết vấn đề, nghiên cứu trường hợp điển hình, đóng vai, trò chơi, dự án, tranh luận, động não, hỏi chuyên gia, viết tích cực…cũng là phù hợp với định hướng đổi mới phương pháp dạy học ở trường phổ thông.
Như vậy, việc giáo dục KNS cho học sinh trong các nhà trường phổ thông là rất cần thiết để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.
* Giáo dục kĩ năng sống cho học sinh trong các nhà trường phổ thông là xu thế chung của nhiều nước trên thế giới
Hiện nay, có hơn 155 nước trên thế giới quan tâm đến việc đưa KNS vào nhà trường, trong đó có 143 nước đã đưa vào chương trình chính khóa ở Tiểu học và Trung học. Việc giáo dục KNS cho học sinh ở các nước được thực hiện theo ba hình thức:
KNS là một môn học riêng biệt.
KNS được tích hợp vào một vài môn học chính.
KNS được tích hợp vào nhiều hoặc tất cả các môn học trong chương trình.
Tuy nhiên, chỉ có một số không đáng kể các nước đưa KNS thành một môn học riêng biệt, ví dụ: Ma-la-wi, Căm-pu-chia,…Còn đa số các nước, để tránh sự quá tải trong nhà trường, thường tích hợp KNS vào một phần nội dung môn học, chủ yếu là khoa học xã hội như: giáo dục sức khỏe, giáo dục giới tính, quyền con người, giáo dục môi trường…Một số nước đã sử dụng tiếp cận “Whole School Approach” trong đó có hình thức xây dựng “Trường học thân thiện” nhằm thúc đẩy việc giáo dục KNS cho học sinh trong nhà trường.
Từ những lí do đã trình bày ở trên có thể khẳng định, việc giáo dục KNS cho học sinh trong các trường phổ thông là rất cần thiết và có tầm quan trọng đặc biệt.
1.1.2. Hoạt động trải nghiệm sáng tạo
1.2.1. Khái niệm
Hoạt động TNST là hoạt động giáo dục, trong đó, dưới sự hướng dẫn của nhà giáo dục, từng cá nhân học sinh được tham gia trực tiếp vào các hoạt động khác nhau của đời sống nhà trường cũng như ngoài xã hội với tư cách là chủ thể của hoạt động, qua đó phát triển năng lực thực tiễn, phẩm chất nhân cách và phát huy tiềm năng sáng tạo của cá nhân mình.
Hoạt động trải nghiệm trong nhà trường cần được hiểu là hoạt động có động cơ, có đối tượng để chiếm lĩnh, được tổ chức bằng các việc làm cụ thể của học sinh, được thực hiện trong thực tế, được sự định hướng, hướng dẫn của nhà trường. Đối tượng để trải nghiệm nằm trong thực tiễn. Qua trải nghiệm thực tiễn, người học có được kiến thức, kĩ năng, tình cảm và ý chí nhất định. Sự sáng tạo sẽ có được khi phải giải quyết các nhiệm vụ thực tiễn phải vận dụng kiến thức, kĩ năng đã có để giải quyết vấn đề, ứng dụng trong tình huống mới, không theo chuẩn đã có, hoặc nhận biết được vấn đề trong các tình huống tương tự, độc lập nhận ra chức năng mới của đối tượng, tìm kiếm và phân tích  được các yếu tố của đối tượng trong các mối tương quan của nó, hay độc lập tìm kiếm ra giải pháp thay thế và kết hợp được các phương pháp đã biết để đưa ra hướng giải quyết mới cho một vấn đề.
“Trải nghiệm” là phương thức giáo dục và “sáng tạo” là mục tiêu giáo dục, phải được làm rõ. Hoạt động này giúp cho học sinh có nhiều cơ hội trải nghiệm để vận dụng những kiến thức học được vào thực tiễn từ đó hình thành năng lực thực tiễn cũng như phát huy tiềm năng sáng tạo của bản thân.
Hoạt động TNST hướng đến những phẩm chất và năng lực chung như đã được đưa ra trong Dự thảo Chương trình mới, ngoài ra hoạt động TNST còn có ưu thế trong việc thúc đẩy hình thành ở người học các năng lực đặc thù sau:
Năng lực hoạt động và tổ chức hoạt động;
Năng lực tổ chức và quản lý cuộc sống;
Năng lực tự nhận thức và tích cực hóa bản thân;
Năng lực định hướng nghề nghiệp;
Năng lực khám phá và sáng tạo;
Chính vì vậy đầu ra của hoạt động TNST khá đa dạng và khó xác định mức độ chung, nhất là khi nó lại luôn gắn với cảm xúc – lĩnh vực mang tính chủ quan cao, cũng là cơ sở quan trọng của sự hình thành sáng tạo và phân hóa.
1.2.2. Mục đích ý nghĩa của hoạt động trải nghiệm sáng tạo
Nội dung hoạt động trải nghiệm sáng tạo rất đa dạng và mang tính tích hợp, tổng hợp kiến thức kĩ năng của nhiều môn học, nhiều lĩnh vực học tập và giáo dục như: giáo dục đạo đức, giáo dục trí tuệ, giáo dục kĩ năng sống, giáo dục giá trị sống, giáo dục thẩm mĩ, giáo dục thể chất, giáo dục lao động, giáo dục an toàn giao thông, giáo dục môi trường… điều này giúp cho các nội dung giáo dục thiết thực hơn, gần gũi hơn với thực tế cuộc sống, giúp các em vận dụng vào trong thực tiễn cuộc sống một cách dễ dàng, thuận lợi hơn.
Mục đích chính: Hình thành và phát triển những phẩm chất, tư tưởng, ý chí, tình cảm, giá trị, kỹ năng sống và những năng lực chung cần có ở con người trong xã hội hiện đại.
Nội dung:
– Kiến thức thực tiễn gắn bó với đời sống, địa phương, cộng đồng, đất nước, mang tính tổng hợp nhiều lĩnh vực giáo dục, nhiều môn học; dễ vận dụng vào thực tế.
– Được thiết kế thành các chủ điểm mang tính mở, không yêu cầu mối liên hệ chặt chẽ giữa các chủ điểm.
Hình thức tổ chức:
– Đa dạng, phong phú, mềm dẻo, linh hoạt, mở về không gian, thời gian, quy mô, đối tượng và số lượng…
– Học sinh có nhiều cơ hội trải nghiệm
– Có nhiều lực lượng tham gia chỉ đạo, tổ chức các hoạt động trải nghiệm với các mức độ khác nhau (giáo viên, phụ huynh, nhà hoạt động xã hội, chính quyền, doanh nghiệp,…).
Tương tác, phương pháp:
– Đa chiều
– Học sinh tự hoạt động, trải nghiệm là chính.
Kiểm tra, đánh giá:
– Nhấn mạnh đến kinh nghiệm, năng lực thực hiện, tính trải nghiệm.
– Theo những yêu cầu riêng, mang tính cá biệt hóa, phân hóa
– Thường đánh giá kết quả đạt được bằng nhận xét.
Nếu mục tiêu chủ yếu của dạy học trên lớp là phát triển trí tuệ thì mục tiêu chủ yếu của hoạt động TNST là phát triển phẩm chất. Cụ thể là: hình thành và phát triển những phẩm chất, tư tưởng, ý chí, tình cảm, giá trị, kỹ năng sống và những năng lực chung cần có ở con người trong xã hội hiện đại thông qua những trải nghiệm thực tiễn.
Các chuyên gia giáo dục cũng khẳng định, hoạt động trải nghiệm sáng tạo là hoạt động giáo dục, trong đó, dưới sự hướng dẫn và tổ chức của nhà giáo, từng cá nhân học sinh được tham gia trực tiếp vào các hoạt động thực tiễn khác nhau của đời sống gia đình, nhà trường cũng như ngoài xã hội với tư cách là chủ thể của hoạt động, qua đó phát triển năng lực thực tiễn, phẩm chất nhân cách và phát huy tiềm năng sáng tạo của mình.
1.2. Cơ sở thực tiễn
1.2.1. Thuận lợi
Nhà trường luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của Sở Giáo dục và Đào tạo, các phòng chuyên môn nghiệp vụ Sở.
Cán bộ giáo viên, nhân viên trong nhà trường luôn coi các em học sinh như con em trong gia đình. Không chỉ giảng dạy trên lớp, từ bữa ăn, giấc ngủ, nếp sinh hoạt của các em cũng được các thầy giáo, cô giáo chăm lo chu đáo. Việc quan tâm, chăm sóc vừa để nắm bắt được tâm tư, tình cảm, tư vấn, giúp các em lựa chọn những môn học, ngành học phù hợp với mình, vừa chia sẻ với các em những niềm vui, nỗi buồn trong sinh hoạt và học tập. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường luôn đoàn kết thống nhất, nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao, tích cực trong việc xây dựng và phát triển nhà trường và tiếp cận các phương pháp dạy học mới.
Các em học sinh chăm ngoan, có ý thức kỷ luật tốt, biết vươn lên trong học tập và cuộc sống. Do điều kiện ăn ở và sinh hoạt tập trung nên giao tiếp là một hoạt động đặc biệt giúp các em rèn kĩ năng sống cho bản thân. Đối tượng giao tiếp hàng ngày thường là thầy, cô, bạn bè và những người thân trong gia đình. Qua hoạt động giao tiếp giúp các em nhận thức được người khác và bản thân mình, từng bước phát triển các kĩ năng cần thiết như: so sánh, phân tích, khái quát hành vi của mình và của người khác, trên cơ sở đó từng bước tự điều chỉnh hành vi, hoạt động để hoàn thiện nhân cách bản thân.
Ngoài thời gian học tập trên lớp theo chương trình giáo dục chính thức của cấp học, thời gian còn lại đều là thời gian ngoài giờ lên lớp. Số thời gian này chiếm một dung lượng khá lớn trong tổng số thời gian của học sinh tại trường. Hoạt động trải nghiệm sáng tạo là hoạt động giáo dục thực hiện trong thời gian ngoài giờ lên lớp ở trường PTDTNT, góp phần giáo dục toàn diện học sinh về đức, trí, thể, mĩ. Đó không chỉ là điều kiện để mỗi học sinh được thể hiện mà các em còn được giao lưu học hỏi, được trải nghiệm sáng tạo, thân thiện với môi trường sống… Qua hoạt động rải nghiệm sáng tạo, học sinh được hòa nhập với bạn bè, hiểu biết và ứng xử phù hợp với những tình huống thực tiễn trong cuộc sống…Từ đó biết điều chỉnh, tiếp thu những giá trị tích cực của cuộc sống tạo nên sự hòa nhập, thân thiện với tập thể bạn bè, thầy cô, gia đình và xã hội.
1.2.2. Khó khăn
Về kinh tế-xã hội: Trường Phổ thông DTNT THPT huyện Điện Biên Đông đóng trên địa bàn thị trấn huyện Điện Biên Đông tỉnh Điện Biên, là một trong 64 huyện nghèo của cả nước. Huyện có địa hình hiểm trở, bị chia cắt bởi nhiều khe suối, vực sâu, giao thông đi lại khó khăn, đặc biệt có những bản chưa có điện lưới quốc gia, cách xa trung tâm huyện cả trăm km. Đây là địa bàn cư trú của các dân tộc ít người như: Hmông, Thái, Khơ mú, Lào, Xinh mun… Trình độ dân trí, đời sống của nhân dân trên địa bàn nhìn chung ở mức thấp và không đồng đều, sự giao lưu học hỏi văn hóa giữa các vùng miền còn hạn chế, tập quán đốt rừng làm nương rẫy vẫn còn tồn tại…Tất cả những lí do trên ảnh hưởng không nhỏ tới công tác giáo dục toàn diện của nhà trường.
Về  kĩ năng: Nhiệm vụ giáo dục ở mỗi nhà trường không ngoài mục đích phát triển con người toàn diện cả về nhân-trí-thể-mỹ, vì vậy khi học tập tại trường, học sinh cần được trang bị những kĩ năng: kỹ năng giao tiếp xã hội, kĩ năng hoạt động, học tập, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, kĩ năng làm việc đồng đội, kĩ năng tổ chức công việc và quản lí thời gian,… Các em chưa quen thực hiện nhiệm vụ một cách độc lập. Khả năng tập trung, chấp hành những qui định chung và làm theo sự chỉ dẫn của thầy cô còn nhiều hạn chế. Thực tế này đặt ra vấn đề cần hình thành những kĩ năng thiết yếu cho học sinh để các em bắt nhịp tốt với môi trường học tập và sinh hoạt chung.
Về tâm lí: Học sinh THPT bắt đầu xuất hiện sự quan tâm đến bản thân, đến những phẩm chất nhân cách của mình, các em có biểu hiện nhu cầu tự đánh giá, so sánh mình với người khác. Điểm nổi bật ở lứa tuổi này là dễ xúc động, dễ bị kích động, vui buồn thường hay đan xen, tình cảm còn mang tính bồng bột. Đặc điểm này là do ảnh hưởng của sự phát dục và sự thay đổi về tâm sinh lí, nhiều khi do hoạt động hệ thần kinh không cân bằng, quá trình hưng phấn thường mạnh hơn quá trình ức chế, khiến các em không tự kiềm chế được bản thân. Khi tham gia các hoạt động vui chơi, học tập, lao động các em đều thể hiện tình cảm rõ rệt và mạnh mẽ. Bên cạnh đó, do điều kiện địa lí, xã hội, môi trường giao tiếp hạn hẹp nên các em học sinh chưa phát huy được vai trò chủ động trong học tập cũng như lao động. Với tâm lí nhút nhát, e dè, hạn chế trong giao tiếp là cản trở lớn đối với các hoạt động nhóm của các em khi học tập tại trường.
Về học tập: động cơ học tập của học sinh THPT rất phong phú đa dạng, nhưng chưa bền vững, nhiều khi còn thể hiện sự mâu thuẫn. Nhìn chung, các em đều ý thức được tầm quan trọng và sự cần thiết của học tập, nhưng thái độ và sự biểu hiện rất khác nhau.
Bên cạnh những khó khăn kể trên, công tác chủ nhiệm lớp ở trong nhà trường đôi lúc chưa được quan tâm đúng mức. Giáo viên mỗi người hiểu, tiếp cận và thực hiện một cách khác nhau. Nhiều giáo viên vẫn coi nhẹ công tác chủ nhiệm lớp từ đó cũng coi nhẹ việc rèn các kĩ năng sống cho học sinh.
Mô tả chi tiết, bản chất nội dung của giải pháp
2.1. Mục tiêu chung của giải pháp
Phát triển năng lực sáng tạo và tư duy tích cực cho các em học sinh.
Giáo dục học sinh hình thành các kĩ năng sống cần thiết, linh hoạt xử lí các tình huống trong cuộc sống.
Giúp học sinh có kiến thức cơ bản trong mọi hoạt động của bản thân, gia đình-nhà trường và xã hội.
2.2. Tính mới của giải pháp so với giải pháp đã được áp dụng
Các đề tài, sáng kiến kinh nghiệm trước trước đã nghiên cứu việc giáo dục kĩ năng sống thông qua các môn học tại lớp. Sáng kiến này giáo dục kĩ năng sống qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo của các em học sinh. Chính các em học sinh là người tích hợp được các kĩ năng đã học để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn.
Sáng kiến có thể ứng dụng rộng rãi trong các trường THPT, Phổ thông DTNT, bán trú, THCS.
Kết quả nghiên cứu góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các nhà trường.
Học sinh yêu trường lớp, yêu các hoạt động, chủ động, tự tin bước vào cuộc sống khi rời ghế nhà trường.
Sáng kiến sẽ phát huy rất tốt việc tích lũy kiến thức cho học sinh, và đặc biệt chú trọng đến việc định hướng cho học sinh học tiếp một ngành nghề phù hợp sau khi tốt nghiệp. Với vốn kiến thức tích lũy được, học sinh có thể học tiếp ở các trường dạy nghề hoặc học tiếp ở đại học,…
2.3. Nội dung của giải pháp
2.3.1. Xây dựng kế hoạch
Ngay từ đầu năm học, tôi đã tham mưu với Ban giám hiệu nhà trường kế hoạch giáo dục kĩ năng sống qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho các em học sinh lớp tôi chủ nhiệm. Đây là phần quan trọng trong kế hoạch hoạt động chuyên môn của nhà trường.
Thời gian thực hiện kế hoạch từ tháng 9 năm 2016 đến tháng 3 năm 2017 (đây là thời gian hợp lí để các em học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong năm học trừ thời gian ôn thi).
Việc thiết kế các hoạt động TNST cụ thể được tiến hành theo các bước sau (ví dụ như kỹ năng làm việc theo nhóm) cho học sinh THPT:
Bước 1: Xác định nhu cầu tổ chức hoạt động TNST. Công việc này bao gồm một số việc như: căn cứ nhiệm vụ, mục tiêu và chương trình giáo dục, giáo viên cần tiến hành khảo sát nhu cầu, điều kiện tiến hành; xác định rõ đối tượng thực hiện; việc hiểu rõ đặc điểm học sinh tham gia giúp giáo viên thiết kế hoạt động phù hợp đặc điểm lứa tuổi THPT. Nhu cầu làm việc nhóm, kỹ năng làm việc nhóm là cần thiết với học sinh THPT.
Bước 2: Đặt tên cho hoạt động TNST. Đặt tên cho hoạt động là một việc làm cần thiết vì tên của hoạt động tự nó đã nói lên được chủ đề, mục tiêu, nội dung, hình thức của hoạt động. Tên hoạt động cũng tạo ra được sự hấp dẫn, lôi cuốn, tạo ra được trạng thái tâm lý đầy hứng khởi và tích cực của học sinh. Việc đặt tên cho hoạt động đảm bảo các yêu cầu: rõ ràng, chính xác, ngắn gọn; phản ánh được chủ đề và nội dung của hoạt động; tạo được ấn tượng ban đầu cho học sinh. Ví dụ như: “Nhóm Ước mơ xanh”, “Nhóm Hi vọng”, “Nhóm Bình minh”…
Bước 3: Xác định mục tiêu của hoạt động TNST. Mục tiêu của hoạt động là dự kiến trước kết quả của hoạt động. Các mục tiêu hoạt động cần được xác định rõ ràng, cụ thể và phù hợp; phản ánh được các mức độ cao thấp của yêu cầu cần đạt về kiến thức, kỹ năng, thái độ và định hướng giá trị. Khi xác định mục tiêu phải trả lời các câu hỏi sau: Hoạt động này có thể hình thành cho học sinh những kiến thức ở mức độ nào? Những kỹ năng nào có thể được hình thành ở học sinh và các mức độ đạt được sau khi tham gia hoạt động? Những thái độ, giá trị nào có thể được hình thành hoặc thay đổi ở học sinh sau hoạt động? Ví dụ như: Các em học sinh có sự tương tác với nhau trong một nhóm, nhằm thúc đẩy hiệu quả công việc phát triển tiềm năng của tất cả các thành viên.
Bước 4: Xác định nội dung và phương pháp, phương tiện, hình thức của hoạt động. Căn cứ vào từng chủ đề, các mục tiêu đã xác định, các điều kiện hoàn cảnh cụ thể của lớp, của nhà trường và khả năng của học sinh để xác định các nội dung phù hợp cho hoạt động. Liệt kê đầy đủ các nội dung hoạt động phải thực hiện. Từ nội dung, xác định cụ thể phương pháp tiến hành, xác định những phương tiện cần có để tiến hành hoạt động. Từ đó lựa chọn hình thức hoạt động tương ứng. Có thể một hoạt động nhưng có nhiều hình thức khác nhau được thực hiện đan xen hoặc trong đó có một hình thức nào đó là chủ đạo, còn hình thức khác là phụ trợ.
Bước 5: Lập kế hoạch. Lập kế hoạch để thực hiện hệ thống mục tiêu, tức là tìm các nguồn lực và thời gian, không gian,…cần cho việc hoàn thành các mục tiêu. Tính cân đối của kế hoạch đòi hỏi giáo viên phải tìm ra đủ các nguồn lực và điều kiện để thực hiện mỗi mục tiêu. Ví dụ như: Người tham gia là học sinh; không gian trong trường hoặc ngoài trường; thời gian là ngoài giờ lên lớp chính khóa; nguồn lực cần có là nhân lực (giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh, mạnh thường quân, nhà tài trợ,…), vật lực (cơ sở vật chất, trang thiết bị, …), tài lực (kinh phí, tài chính cho hoạt động).
Bước 6: Thiết kế chi tiết hoạt động TNST. Bước này cần xác định: Bao nhiêu việc phải thực hiện? Các việc đó là gì? Nội dung của mỗi việc đó ra sao? Tiến trình và thời gian thực hiện các việc đó như thế nào? Các công việc cụ thể cho các tổ, nhóm, cá nhân? Yêu cầu cần đạt của mỗi việc? Ví dụ như: Chủ nhiệm CLB, thành viên CLB, số lần sinh hoạt CLB trong một năm học, những nội dung chính, những chủ đề chính, thời gian tiến hành, không gian tổ chức, phương tiện hỗ trợ, mục tiêu cần đạt trong năm học, mức độ đạt được về kỹ năng làm việc nhóm qua mỗi lần hoạt động (nghe, nói, diễn đạt, vốn sống, tình cảm, thái độ, sự hiểu biết, …)
Bước 7: Kiểm tra, điều chỉnh và hoàn thiện chương trình hoạt động. Rà soát, kiểm tra lại nội dung và trình tự của các việc, thời gian thực hiện cho từng việc, xem xét tính hợp lý, khả năng thực hiện và kết quả cần đạt được. Khi phát hiện những sai sót, bất hợp lý ở khâu nào, bước nào, nội dung nào hoặc việc nào thì kịp thời điều chỉnh. Hoàn thiện bản thiết kế chương trình hoạt động và cụ thể hóa chương trình đó bằng văn bản. Đó là giáo án tổ chức hoạt động nhóm cho học sinh lớp chủ nhiệm.
Bước 8: Lưu trữ kết quả hoạt động vào hồ sơ của học sinh. Thông qua lưu trữ hồ sơ để biết và nắm chắc năng lực hoạt động tập thể của các em học sinh. Từ đó, giáo viên có phương pháp giáo dục phù hợp với từng HS, giúp các em hình thành kỹ năng hoạt động nhóm thông qua hoạt động TNST.
Tóm lại, hoạt động TNST có vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển KNS cũng như nhân cách cho HS. Điều này đòi hỏi nội dung, các hình thức và phương pháp tổ chức của hoạt động TNST phải  được thiết kế theo hướng tích hợp nhiều lĩnh vực, môn học thành các chủ điểm mang tính chất mở. Hình thức và phương pháp tổ chức đa dạng, phong phú, mềm dẻo, linh hoạt, mở về không gian, thời gian, quy mô, đối tượng và số lượng,… để HS có nhiều cơ hội trải nghiệm, từng bước tự hoàn thiện nhân cách.
2.3.2. Biện pháp thực hiện
2.3.2.1. Mục tiêu
a) Kiến thức
Học sinh có kiến thức đầy đủ về quan niệm, vai trò, tầm quan trọng của việc giáo dục kĩ năng sống. Bên cạnh đó là những kiến thức cơ bản về hoạt động trải nghiệm sáng tạo của học sinh trong cuộc sống.
b) Kĩ năng
Hoạt động TNST nhằm hình thành và phát triển phẩm chất nhân cách, các năng lực tâm lý-xã hội…; giúp học sinh tích lũy kinh nghiệm riêng cũng như phát huy tiềm năng sáng tạo của cá nhân mình; làm tiền đề cho mỗi cá nhân tạo dựng được sự nghiệp và cuộc sống hạnh phúc sau này; góp phần hình thành năng lực chủ yếu như tự hoàn thiện, tích ứng, hợp tác, giao tiếp ứng xử; có lối sống phù hợp với các giá trị xã hội.
Chính vì vậy, giáo dục kĩ năng sống qua hoạt động này giúp các em học sinh hình thành được các nhóm kĩ năng cơ bản sau:
– Nhóm kĩ năng học tập, làm việc, vui chơi giải trí, gồm: các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết, quan sát, đưa ra ý kiến chia sẻ trong nhóm;kĩ năng giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh chung; kĩ năng làm việc theo nhóm;các kĩ năng tư duy logic, sáng tạo, suy nghĩ nhiều chiều, tư duy xuyên môn.
– Nhóm kĩ năng giao tiếp, hòa nhập, ứng phó với các tình huống trong cuộc sống, gồm: kĩ năng biết chào hỏi lễ phép ở trường, ở nhà, ở nơi công cộng; kĩ năng kiểm soát tình cảm, kìm chế thói hư tật xấu, sở thích cá nhân;kĩ năng biết phân biệt đúng – sai, phòng tránh tai nạn; kĩ năng trình bày ý kiến, diễn đạt, thuyết trình trước đám đông; kĩ năng ứng phó với biến đổi khí hậu như động đất, sóng thần, bão lũ, cháy nổ; kĩ năng ứng phó với tai nạn đuối nước; kĩ năng hiểu biết về giới tính, chống lại sự cám dỗ từ tệ nạn xã hội, chống xâm phạm tình dục; kĩ năng ứng phó với một tình huống bạo lực trong  trường học.
c) Thái độ
Giáo dục kĩ năng sống qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo giáo dục các em học sinh những điều sau:
Khơi dậy tính tự lập, tinh thần đoàn kết, tinh thần trách nhiệm, yêu thiên nhiên, môi trường trong học sinh. Học sinh từ biết lao động đến yêu lao động.
Thích các hoạt động ngoài trời (cắm trại, leo núi, làm vườn…).
Có ý thức trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội; tích cực tham gia hoạt động tập thể, lựa chọn nghề nghiệp tương lai.
2.3.2.2. Cách thức thực hiện
a) Trải nghiệm sáng tạo “Em tập làm hướng dẫn viên du lịch”
Tập làm hướng dẫn viên du lịch là một hoạt động trải nghiệm sáng tạo vô cùng ý nghĩa dành cho các em học sinh. Bởi lẽ khi đóng vai trò là một hướng dẫn viên du lịch, các em sẽ được trải nghiệm và thuần thục các kĩ năng cơ bản như: Kĩ năng giao tiếp; Kĩ năng thuyết trình trước đám đông; Kĩ năng làm chủ cảm xúc; Kĩ năng quan sát; Biết cách tổ chức sắp xếp; Vốn ngoại ngữ; Kĩ năng ứng biến/xử lý tình huống.
Trong dịp nghỉ lễ 02/9/2016, với vai trò là người hướng dẫn tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh của lớp mình, tôi đã quyết định thưởng cho cả lớp 10A2 một chuyến trải nghiệm thực tế về nguồn. Địa điểm chúng tôi đến là tháp cổ Mường Luân (xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên). Các em học sinh rất hào hứng giới thiệu cho thầy cô giáo và các bạn về di tích lịch sử tháp cổ Mường Luân của quê hương Điện Biên Đông.
Qua cuộc trải nghiệm này, các em học sinh đã rèn luyện cho mình những kĩ năng sống cần thiết. Kĩ năng giao tiếp, kĩ năng thuyết trình trước đám đông của học sinh tiến bộ rõ rệt. Các em biết cách tổ chức, sắp xếp bài thuyết trình về tháp cổ Mường Luân một cách khoa học, tích hợp với các môn học khác như Địa lý, Lịch sử, Giáo dục công dân…Bên cạnh việc giáo dục kĩ năng sống cho học sinh qua trải nghiệm về nguồn, các em còn thực sự sáng tạo với ý tưởng sẽ làm một phóng sự ngắn giới thiệu về tháp cổ Mường Luân (được dịch sang cả tiếng Anh) làm món quà giới thiệu về di tích lịch sử của quê hương. HS cũng thay đổi nhận thức về di tích lịch sử. Điều này cho thấy hoạt động trải nghiệm sáng tạo của học sinh có tác động tích cực. Bản thân HS thông qua cách làm clip đã biết lồng âm thanh, hình ảnh, phối cảnh, phối hình, tạo thoại. Cách làm sáng tạo của học sinh nhiều khi khiến thầy cô ngạc nhiên vì khi giao việc cho các em chúng tôi cũng không nghĩ các em làm được như vậy. Thế nhưng thực tế học sinh đã làm được điều vượt hơn cả mong đợi của giáo viên.
b) Tổ chức mô hình lớp học gắn liền với sản xuất kinh doanh
Ngay từ đầu năm học, tôi đã tham mưu với Ban giám hiệu nhà trường mô hình lớp học gắn liền với sản xuất kinh doanh. Việc sản xuất kinh doanh được đề cập đến ở đây chủ yếu là hoạt động trồng rau của học sinh. Bởi lẽ nhà trường có một diện tích đất trống khá rộng; học sinh ăn ở và sinh hoạt tập trung nên thuận lợi cho việc triển khai mô hình. Bên cạnh đó, thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ đang là vấn đề nhức nhối với toàn xã hội. Chính vì vậy những sản phẩm an toàn luôn được đón nhận. Không ngoài mục tiêu cung cấp thực phẩm rau sạch cho bếp ăn tập thể, các em học sinh đều yêu thích hoạt động trồng rau sau mỗi giờ học chính khóa để được tận hưởng sản phẩm lao động sạch do chính đôi bàn tay và khối óc của mình làm ra. Các em còn có một nguồn thu nhập khá lớn cho quỹ lớp sau mỗi mùa vụ.
Thời gian thực hiện kế hoạch trong thời vụ từ tháng 9 năm 2016 đến tháng 3 năm 2017 (đây là thời gian khí hậu ở huyện Điện Biên Đông phù hợp cho trồng trọt).
Tham gia “Mô hình lớp học gắn liền với sản xuất kinh doanh”, các em học sinh sẽ trang bị cho mình những kĩ năng sống cơ bản như: Kỹ năng lao động; Kỹ năng làm việc nhóm; Kỹ năng sinh hoạt tập thể…
Hàng ngày, vào buổi chiều sau khi hết giờ học, các em học sinh dành thời gian cho việc chăm sóc vườn rau với những công việc quen thuộc như: lên luống, gieo hạt, tưới nước, bón phân,… Để có những luống rau xanh tốt, phong phú chủng loại và an toàn cho các bữa ăn đòi hỏi các thầy cô giáo chủ nhiệm chủ động hướng dẫn các em tiếp thu những kinh nghiệm mùa vụ trồng rau của nhân dân địa phương. Đồng thời, nhà trường cũng đã cộng tác với Trung tâm Khuyến nông huyện Điện Biên Đông để được tư vấn kỹ thuật nuôi trồng. Học sinh sẽ được hướng dẫn cách làm vườn hoặc được cung cấp những thông tin hữu ích như: mỗi loại rau sẽ có kĩ thuật chăm sóc và thu hoạch khác nhau, các biện pháp phòng trừ sâu bệnh bằng phương pháp sinh học…
Bên cạnh việc trồng các loại rau như: cải ngọt, cải ngồng, cải cúc, cải bẹ, cải bắp, su hào… các em học sinh còn chủ động trồng thêm các loại củ, quả khác như: mướp, bí, su su, đỗ… để đảm bảo dinh dưỡng cho các bữa ăn.
Để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tăng gia sản xuất, nhà trường đã mở rộng mô hình nuôi lợn, gà, chim bồ câu nhằm tận dụng lượng rau già, thức ăn dư thừa từ bếp ăn tập thể. Sản lượng lãi thu được từ nguồn chăn nuôi có giá trị kinh tế lớn đạt 40.000.000 đồng/năm (Bốn mươi triệu đồng trên năm).
Năng động, sáng tạo hơn, các em học sinh lớp chủ nhiệm còn tự thành lập các nhóm làm dự án về rau, quả sạch để mang làm quà biếu cho gia đình mỗi dịp được về nghỉ cuối tuần.
Thực tế trải nghiệm đã cho các em rất nhiều những bài học quý giá. Em Lầu A Pó hồ hởi chia sẻ : “Em mong muốn sẽ có nhiều cơ hội trải nghiệm hơn nữa để khả năng sáng tạo của em được phát huy”… Em Lường Thị Kiêm, học sinh lớp 10A2 cho biết: “Em rất thích được học tập lí thuyết kết hợp với trải nghiệm thực tế. Qua trải nghiệm chúng em hiểu lí thuyết sâu hơn và có nhiều kinh nghiệm trong việc sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm rau sạch. Em mong rằng sẽ có nhiều môn học được kết hợp với trải nghiệm thực tế để nâng cao kĩ năng sống cho chúng em”.
c) Chương trình “Chung tay bảo vệ môi trường”
“Sống xanh là sống có trách nhiệm, học sống xanh để sống xanh với mình và với mọi người”. Trường học là môi trường tốt nhất cho việc giáo dục môi trường. Do đó, giáo dục về môi trường sẽ là trải nghiệm quý báu cho học sinh có được những kĩ năng sống cần thiết như: Kĩ năng làm việc nhóm; Kĩ năng ứng phó khó khăn trong cuộc sống; Kĩ năng hợp tác và chia sẻ…
Các em học sinh tự ý thức trong việc chung tay bảo vệ môi trường lớp học , học đường bằng cách thu gom rác, phân loại rác. Những thùng phân loại rác được dán các hình rất ngộ nghĩnh truyền tải thông điệp “Bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sông của chính chúng ta”.
Bên cạnh đó, các em học sinh lớp chủ nhiệm cùng với các em học sinh toàn trường vô cùng thích thú hưởng ứng các hoạt động ý nghĩa: “Tết trồng cây”, “Vì màu xanh Điện Biên Đông”, quét dọn, giữ gìn vệ sinh thường xuyên khuôn viên trường học và trung tâm huyện Điện Biên Đông.
“Ý nghĩa lớn từ những sản phẩm nhỏ” là thông điệp mà các em học sinh tâm đắc nhất trong “Ngày hội tái chế” do Đoàn trường phát động. Các em học sinh lớp chủ nhiệm ai nấy đều hăm hở lên ý tưởng, thu gom những vật liệu phế thải để cho ra mắt Hội thi những sản phẩm tái chế mang tính trải nghiệm thực tiễn đầy sáng tạo. Với mục đích nhằm khơi dậy tiềm năng và phát huy tư duy sáng tạo của học sinh, giúp các em trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng sáng tạo, ước mơ trở thành nhà sáng chế trong tương lai, thúc đẩy phong trào thi đua học tập, lao động sáng tạo, đồng thời Cuộc thi là sân chơi trí tuệ của lứa tuổi học sinh và là nơi hội tụ những tài năng trẻ đam mê sáng tạo. Cuộc thi còn có ý nghĩa thúc đẩy, khích lệ các các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh cùng chăm lo giáo dục kết hợp với truyền thụ kiến thức, quan tâm hướng dẫn, giúp đỡ về tinh thần, vật chất cho hoạt động sáng tạo ở lứa tuổi học sinh, từng bước hình thành một thế hệ năng lực cao và tư duy sáng tạo.
d) Thành lập Ban tư vấn học đường
Ban tư vấn học đường có nhiệm vụ rất phong phú xoay quanh các vấn đề học đường cần giải đáp như: “Học để làm gì?”; “Bạn sẽ chọn nghề gì trong tương lai?”; “Sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên”; “Làm thế nào để giải quyết xung đột dân tộc trong lớp, trường?”…Với nội dung phong phú và đa dạng, câu lạc bộ chính là “đất” để phát triển các kĩ năng sống cần có cho các em học sinh.
Ví dụ 1: Một buổi tọa đàm tâm lý “Học để làm gì?”
Với mục đích giúp các em học sinh có cái nhìn sáng rõ, khái quát, khách quan và tỉnh táo về việc học tập của bản thân, từ đó định hướng đúng đắn về động cơ học tập đồng thời thay đổi thái độ học tập cho các em học sinh người DTTS. Khi hiểu biết về tầm quan trọng của học tập, mục đích của việc học, các bạn sẽ có những định hướng đúng đắn và lâu dài trong học tập.
          Buổi tọa đàm được tổ chức vào 14h00 ngày 12/01/2017 tại phòng Hội đồng, tầng 2, trường Phổ thông DTNT THPT huyện Điện Biên Đông với thành phần tham dự bao gồm:
– Thầy giáo Vũ Trung Hoàn, Hiệu trưởng nhà trường;
– Thầy giáo Nguyễn Khắc Hùng, Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn;
– Bác Vừ A Thống, hội trưởng hội phụ huynh trường;
– Giáo viên chủ nhiệm và tập thể học sinh lớp 10A2 cùng khách mời.
 Xuyên suốt buổi tọa đàm, các em học sinh đưa ra câu trả lời cho câu hỏi “Học để làm gì?” với nhiều ý kiến trái chiều khác nhau từ khía cạnh học sinh người dân tộc. Chính điều này đã rèn luyện kĩ năng ứng phó trước các tình huống thực tiễn của các em học sinh.
Bạn T. người dân tộc H’mông mạnh dạn: “Em rất thích được đi học, đọc sách và nghe thầy cô giảng cho em những kiến thức mà trước đây em chưa từng biết. Em biết rằng phía sau dãy núi cao kia là một cuộc sống khác so với cuộc sống hiện tại của em.”
Bạn M. nói: “Làm nương vất vả lắm thầy cô, em muốn đi học sau này có một công việc ổn định, kiếm thật nhiều tiền.”
Bạn N. thì nghĩ: “Em muốn đi học, muốn trở thành một kĩ sư, xây cây cầu thật đẹp cho bản em.”
Bạn P. chia sẻ: “Bản em xa và nghèo lắm, bố mẹ, các bác, các chú mong em đi học rùi về bản làm, giúp bản thoát nghèo.”
Ví dụ 2: Tư vấn “Sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên”
Thông qua các buổi ngoại khóa và chương trình vui chơi “Hiểu biết thông thái về tuổi vị thành niên” các em học sinh trong đã có những giây phút bổ ích vận dụng những gì đã được xây dựng và tuyên truyền vào cuộc thi. Các em thực sự làm chủ kiến thức và giải quyết các tình huống thực tế một cách xuất sắc.
 
Bên cạnh đó, hoạt động trải nghiệm sáng tạo này còn giúp các em củng cố, nâng cao kiến thức các môn học trên cơ sở vận dụng kiến thức liên môn vào tình huống thực tế từng bước nâng cao kĩ năng sống cho bản thân, cụ thể:
Với bộ môn Sinh học: các em học sinh sẽ có kiến thức để thấy rằng tuổi vị thành niên là một giai đoạn phát triển đặc biệt quan trọng trong cuộc đời của mỗi con người. Đây chính là giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ con thành người lớn. Khi đó tâm sinh lý của các em đã phát triển, cơ thể đã hoàn thiện các chức năng cơ bản, bắt đầu có khả năng sinh sản. Do đó, các em cần phải có kiến thức về sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh về thể chất và tinh thần cho các em, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Với bộ môn Giáo dục công dân: Giáo dục cho các em hiểu được luật hôn nhân gia đình, tình bạn, tình yêu…để từ đó các em có hiểu biết vận dụng vào đời sống thực tế.
Với môn Ngữ văn: Những tác phẩm văn học ngợi ca vẻ đẹp của con người trong các mối quan hệ, trong cách đối nhân xử thế sẽ bồi đắp cho học sinh những tình cảm cao đẹp, tình yêu cuộc sống và trân trọng những giá trị của cuộc sống…Khi cho học sinh trải nghiệm sáng tạo, có những cái nhà trường không có đủ điều kiện, thời gian để truyền đạt hết kiến thức khi học ở trên lớp, nhưng thực tế trải nghiệm đã bổ sung cho các em. Các em trưởng thành cả về trình độ và nhận thức, vốn sống. Bản thân các em rút ra được kinh nghiệm sống cho mình. Đây chính là điều thực tế đôi khi nhà trường không thể dạy hết được.
KHẢ NĂNG ÁP DỤNG CỦA GIẢI PHÁP
Giáo dục KNS qua hoạt động TNST là rất cần thiết và hoàn toàn khả thi vì giáo dục KNS đã, đang và sẽ là xu thế tất yếu của giáo dục.
Những giải pháp đưa ra trong sáng kiến này có thể áp dụng với các lớp khác và các đơn vị khác trong toàn tỉnh. Tùy điều kiện cụ thể của từng trường mà giáo viên có thể thiết kế các nhiệm vụ cụ thể phù hợp. Tuy nhiên, giáo dục KNS qua hoạt động TNST cần phải được thực hiện linh hoạt ở  nội dung cơ bản.
HIỆU QUẢ, LỢI ÍCH THU ĐƯỢC CỦA GIẢI PHÁP
Hiệu quả thu được
Khi thực hiện sáng kiến, tôi đã nhận thấy sự hào hứng, sôi nổi của học sinh. Nhiều em học sinh rụt rè, ít nói nay đã cởi mở hơn trong giao tiếp và tham gia các hoạt động do trường, lớp tổ chức. Các em thực sự chủ động giải quyết và ứng phó trước các tình huống trong thực tiễn.
Chất lượng học tập và rèn luyện của học sinh lớp chủ nhiệm được Ban chấp hành Đoàn trường, Ban giám hiệu đánh giá rất cao. Tập thể lớp 10A2 luôn xếp thứ tự cao trong bảng xếp loại thi đua của Đoàn trường. Kết quả cụ thể:
Đáng tự hào và vui mừng hơn nữa, sau khi áp dụng một trong số các giải pháp giáo dục KNS qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo, trong “Cuộc thi Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn dành cho học sinh năm học 2016-2017” do sở giáo dục Điện Biên tổ chức, học sinh lớp chủ nhiệm của tôi đã đạt giải Ba cấp tỉnh với sản phẩm “Thuyết minh về di tích lịch sử tháp cổ Mường Luân”, bài dự thi tiếp tục được gửi tham dự thi cấp quốc gia.
Từ kết quả trên, có thể thấy rằng việc giáo dục KNS qua hoạt động TNST là rất hữu ích và thiết thực. Sự thành công và chủ động của học sinh trong các hoạt động là niềm động viên lớn với người thực hiện sáng kiến.
Bài học kinh nghiệm
Từ thực tế làm công tác chủ nhiệm, thực hiện sáng kiến tôi nhận thấy những bài học kinh nghiệm sau:
Phạm vi các chủ đề/nội dung hoạt động và kết quả đầu ra của TNST là năng lực thực tiễn, phẩm chất và năng lực sáng tạo đa dạng, khác nhau của các em HS. Vì vậy, giáo viên không làm thay, không tổ chức, không phân công học sinh một cách trực tiếp mà chỉ hướng dẫn, hỗ trợ, giám sát cho tập thể hoặc cá nhân học sinh tham gia trực tiếp; hoặc GV đứng ở vai trò tổ chức hoạt động, giúp học sinh chủ động, tích cực trong càng nhiều hoạt động càng tốt.
Giáo viên phải là người quan sát, nhận xét, góp ý để đánh giá và phải ngay trong quá trình hoạt động thực tiễn, dựa trên các biểu hiện cụ thể về phương thức chứ không chỉ dựa vào kết quả hoạt động cuối cùng của học sinh. Thí dụ: Đặt học sinh trước tình huống có vấn đề cần giải quyết, quan sát cách thức và kết quả giải quyết tình huống của học sinh để đánh giá được năng lực giải quyết vấn đề và nhiều năng lực khác. Hồ sơ sản phẩm của một nghiên cứu khoa học hay của một chuyến tham quan thực địa cũng là minh chứng thuyết phục để đánh giá nhiều năng lực khác nhau của học sinh. Nhìn chung, đánh giá năng lực đầu ra của hoạt động trải nghiệm sáng tạo cần sử dụng nhiều hình thức đánh giá, nhiều bộ công cụ đánh giá, coi trọng nhận xét quá trình tiến bộ về nhiều mặt khác nhau của học sinh.
Ngoài việc giáo dục KNS qua hoạt động TNST được thiết kế thành hoạt động riêng, trong từng môn học cũng cần coi trọng việc tổ chức, hướng dẫn các hoạt động TNST phù hợp với đặc trưng nội dung môn học và điều kiện dạy học; cần phải lưu ý đến các điều kiện để thực hiện chương trình hoạt động TNST (ví dụ: tăng biên chế giáo viên nếu thiếu, hỗ trợ giáo viên về tài liệu, tổ chức tập huấn hoặc đào tạo cấp chứng chỉ về tổ chức hoạt động TNST…)
Khi giáo dục KNS qua hoạt động TNST cần lưu ý thu hút sự tham gia, phối hợp, liên kết nhiều lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường như: giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, cán bộ Đoàn, Ban giám hiệu nhà trường, cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương…
PHẠM VI ẢNH HƯỞNG CỦA GIẢI PHÁP
Qua kết quả thu được cho thấy sáng kiến có tính khả thi cao và có thể áp dụng rộng rãi cho giáo viên chủ nhiệm và học sinh các trường THCS, THPT, các trường DTNT, bán trú trong toàn tỉnh.
KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT
Với Sở Giáo dục và Đào tạo
Tổ chức nhiều hơn nữa các lớp bồi dưỡng giáo dục KNS, gắn giáo dục KNS qua các hoạt động trải nghiệm để các giáo viên có nhiều cơ hội trao đổi, học hỏi lẫn nhau.
Tiếp tục tập huấn các hoạt động đổi mới giáo dục đáp ứng nhu cầu dạy- học hiện nay của xã hội nhằm phát triển năng lực người học một cách toàn diện.
Với nhà trường và địa phương
Khích lệ giáo viên tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng.
Coi giáo dục KNS qua hoạt động TNST là một trong những chiến lược phát triển giáo dục của nhà trường trong những năm tiếp theo./.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hoàng Phê (2008), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng.
  2. Bộ GD-ĐT (2015), Tài liệu tập huấn kĩ năng xây dựng và tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong trường trung học.
  3. Huỳnh Xuân Nhựt – Lê Tấn Huỳnh Cẩm Giang (2016), Giáo dục kĩ năng sống cho học sinh trung học phổ thông bằng phương pháp trải nghiệm sáng tạo.
  4. Tạp chí Dạy và học ngày nay (số 5-2016).
  5. Nguyễn Thị Thu Hằng (2011), Hiện trạng triển khai giáo dục kĩ năng sống trên thế giới và ở Việt Nam. 
  6. Các trang web:

http:  //www.google.com.vn/search
http:  //www.youtube.com/watch
 
 MỤC LỤC
BẢNG DANH MỤC CHỮ CÁI VIẾT TẮT. 1

  1. MỤC ĐÍCH, SỰ CẦN THIẾT. 2
  2. PHẠM VI TRIỂN KHAI THỰC HIỆN.. 3
  3. NỘI DUNG.. 3
  4. TÌNH TRẠNG GIẢI PHÁP ĐÃ BIẾT. 3
  5. NỘI DUNG GIẢI PHÁP. 3
  6. Bối cảnh, động lực ra đời của giải pháp. 4

1.1. Cơ sở lí luận. 4
1.1.1. Kĩ năng sống và giáo dục kĩ năng sống. 4
1.1.2. Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. 10
1.2.1. Khái niệm.. 10
1.2.2. Mục đích ý nghĩa của hoạt động trải nghiệm sáng tạo. 11
1.2. Cơ sở thực tiễn. 13
1.2.1. Thuận lợi 13
1.2.2. Khó khăn. 14

  1. Mô tả chi tiết, bản chất nội dung của giải pháp. 15

2.1. Mục tiêu chung của giải pháp. 15
2.2. Tính mới của giải pháp so với giải pháp đã được áp dụng. 15
2.3. Nội dung của giải pháp. 16
2.3.1. Xây dựng kế hoạch. 16
2.3.2. Biện pháp thực hiện. 18
2.3.2.1. Mục tiêu. 18
2.3.2.2. Cách thức thực hiện. 19

  1. KHẢ NĂNG ÁP DỤNG CỦA GIẢI PHÁP. 27
  2. HIỆU QUẢ, LỢI ÍCH THU ĐƯỢC CỦA GIẢI PHÁP. 27
  3. Hiệu quả thu được. 27
  4. Bài học kinh nghiệm.. 28
  5. PHẠM VI ẢNH HƯỞNG CỦA GIẢI PHÁP. 29
  6. KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT. 29

TÀI LIỆU THAM KHẢO.. 30
BẢNG DANH MỤC CHỮ CÁI VIẾT TẮT

STT CHỮ VIẾT TẮT NỘI DUNG
1 PTDTNT Phổ thông dân tộc nội trú
2 THPT Trung học phổ thông
3 DTNT Dân tộc nội trú
4 KNS Kĩ năng sống
5 TNST Trải nghiệm sáng tạo

 Họ tên tác giả: Nguyễn Văn Dáp
Tài liệu sưu tầm .Nguồn tài liệu : Sở GD ĐT tỉnh Điện Biên
Sáng kiến còn có thêm một số hình ảnh tư liệu.
Xem thêm : Sáng kiến kinh nghiệm môn văn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *