Rèn kĩ năng viết phần mở bài kết bài cho học sinh THPT

Rèn kĩ năng viết phần mở bài kết bài cho học sinh THPT

Hướng dẫn học sinh rèn kĩ năng mở và kết bài trong bài văn nghị luận, áp dụng với kiểu bài nghị luận văn học.

CÁCH VIẾT PHẦN MỞ BÀI TRONG BÀI NGHỊ LUẬN VĂN HỌC

Yêu cầu của phần mở bài:
+ Mở bài nhằm giới thiệu một cách khái quát vấn đề sẽ được triển khai, bàn bạc. Mở bài hay, tự nhiên sẽ như một dòng chảy được khơi thông, ý văn sẽ được mở ra. Ngược lại, mở bài lúng túng không trúng vấn đề sẽ khiến việc triển khai ý khó khăn, khó tạo ra sự lien thông liền mạch.
+ Về hình thức: mở bài thường là một đoạn văn khoảng 5- 7 dòng.
+ Về nội dung:
Mở bài gồm hai phần: Phần dẫn dắt vào vấn đề và phần nêu vấn đề.
+ Thông thường mở bài đối với các tác phẩm văn học như phân tích, cảm nhận một đoạn văn hay nhân vật thường viết như sau : tác giả + vị tí của tác giả trông nền văn học hoặc phong cách + đề tài tiêu biểu+ tác phẩm tiêu biểu+ nêu đoạn văn, đoạn thơ, nhân vật mà đề bài yêu cầu
+ Để viết phần mở bài không vướng mắc, học sinh cần phải nắm được những từ khóa về mỗi tác giả.
Ví dụ với Thanh Thảo cần phải nhớ ông là một trong số nhà thơ tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ.
Hay với Quang Dũng, phải nhớ đó là nhà thơ của xứ Đoài mây trắng, với hồn thơ phóng khoáng, lãng mạn, hào hoa.
Với Nguyễn Trung Thành là nhà văn gắn bó máu thịt với mảnh đất Tây Nguyên trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ.
Ví dụ minh họa :Hướng dẫn học sinh viết mở bài cho 3 đề bài sau:
+ Đề 1: Vẻ đẹp của con người Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ qua hai tác phẩm Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi và Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành.
+ Đề 2: Cảm nhận của anh (chị) về hai đoạn thơ sau

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi

(Tây Tiến– Quang Dũng)

Nhớ gì như nhớ người yêu

Trăng lên đầu núi nắng chiều lưng nương

Nhớ từng bản khói cùng sương

Sớm khuya bếp lửa người thương đi về

(Việt Bắc- Tố Hữu)

+ Đề 3: Bàn về nghệ thuật xây dựng hai chân dung phụ nữ điển hình, trong truyện ngắn Vợ nhặt– Kim Lân, có ý kiến cho rằng “Chị vợ nhặt được khắc họa ở  phương diện bên ngoài, còn bà cụ Tứ lại hiện lên qua những khắc họa nội tâm bên trong”. Ý kiến của bạn?
Mở bài mẫu tham khảo :
+ Đề bài 1: Hình ảnh những con người Việt Nam đã đi vào thơ ca với những phẩm chất cao đẹp, cần cù trong lao động, nh hung trong chiến đấu. Văn thơ thời kì kháng chiến chống Mĩ đã khám phá, tìm tòi ngợi ca vẻ đẹp của con người Việt Nam. Rừng xà nu và Những đứa con trong gia đình đều là hai tác phẩm xuất sắc viết về đề tài chiến tranh. Qua hai tác phẩm ta thấy được những phẩm chất của con người Việt Nam được hiện lên rất rõ nét.
+ Đề bài 2: Trong cuộc đời ai cũng có ít nhất một niềm thương nỗi nhớ. Có lẽ vì thế mà nỗi nhớ đã trở thành đề tài quen thuộc với các nhà thơ, nhà văn. Nếu trong Tây Tiến, Quang Dũng nhớ da diết về thiên nhiên và con người Tây Bắc thì trong Việt Bắc là nỗi nhớ về những năm tháng nghĩa tình cách mạng. Nỗi nhớ đó được thể hiện qua hai đoạn thơ sau:
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
                         ….
Mường Lát hoa về trong đêm hơi”
 
“Nhớ gì như nhớ người yêu
                          …
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về”
+ Đề bài 3: Kim Lân là một trong số những nhà văn tiêu biểu của văn xuôi Việt Nam hiện đại. Ông có sở trường viết truyện ngắn với đề tài nông thôn và những người dân quê. Vợ nhặt là một trong những tác phẩm xuất sắc của Kim Lân được rút ra từ tập truyện Con chó xấu xí. Truyện đã xây dựng thành công hai nhân vật phụ nữ .Về 2 nhân vật này có ý kiến cho rằng”Chị vợ nhặt được khắc họa ở phươngdiện bên ngoài còn bà cụ Tứ lại hiện lên qua những khắc họa nội tâm bên trong”.
Những lỗi học sinh thường mắc phải:
+ Phần dẫn dắt nhiều khi không lien quan đến phần nêu.
+ Mở bài sáo rỗng dùng ngôn từ khoa trương.
+ Ý dẫn dắt không lien quan đến trọng tâm của bài.
+ Dẫn lan man dài dòng.
+ Trình bày chi tiệt, cụ thể nội dung lẽ ra chỉ triển khai ở phần thân bài.

CÁCH VIẾT PHẦN KẾT BÀI TRONG BÀI NGHỊ LUẬN VĂN HỌC

– Vai trò của kết bài:
+ Kết bài là phần cuối của bài viết, có tính chất hô ứng với phần trên nhưng không phải là một vế đối cứng nhắc.
+ Nếu ta coi mở bài có tính chất của một câu hỏi, thì kết bài có tính chất là một câu trả lời, một cách trả lời. Phần kết bài không chỉ khẳng định vấn đề nghị luận mà còn có nghiệm vụ giúp người đọc thấy được khả năng của vấn đề đã được giải quyết với những vấn đề khác, với những thắc mắc tiếp tục được giải đáp. Điểu này chỉ có ý nghĩa khi nó thực sự cần thiết đối với người đọc nếu không nó chỉ là phần liên hệ nhạt nhẽo, cứng nhắc.
→ Vì vậy kết bài nhầm tổng kết thâu tóm lại vấn đề đã được đặt ra ở mở bài và phát triển ở thân bài, đồng thời khơi ngợi những nội dung cảm xúc nối tiếp cho người đọc từ những vấn để đã nêu ra và giải quyết. Việc thâu tóm lại nội dung vấn đề không phải là lặp lại những gì đã trình bày trong phần thân bài mà phải dùng một cách diễn đạt khái quát và ngắn gọn. Việc khơi gợi, tạo những dư ba là lời đã hết nhưng ý vẫn không hết, vẫn khiến người đọc trăn trở, day dứt tiếp nối những gì đã nêu và triển khai ở bài viết.
–  Kết bài có thể được viết theo những cách thức sau:
+ Thâu tóm nội dung đã được trình bày trong toàn bộ bài viết.
+ Từ nội dung đã trình bày kêu gọi hành động.
+ Từ nội dung đã được trình bày gợi cho người đọc vấn đề mới.
+ Từ nội dung đã trình bày mở rộng vấn đề đã liên quan.

  • Cần lưu ý: Lối viết sáng tạo luôn tìm thấy trong những khuôn mẫu, một cách thức thể hiện mới không giống bất cứ khuôn mẫu nào. Đích đến của làm văn trong đó việc rèn luyện viết mở bài, kết bài cũng là như thế.

Hướng dẫn viết kết bài cho một số đề bài:
Trở lại ba đề bài của phần viết mở bài.
+ KB1: “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành và “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi là những tác phẩm xuất sắc của văn học chống Mỹ ở Miền Nam. Mỗi tác phẩm có một vẻ đẹp riêng, không khí riêng, cách nhìn riêng về hiện thực đấu tranh cách mạng và nghệ thuật xây dựng nhân vật. Vẻ đẹp của con người Việt Nam đã làm lên linh hồn của dân tộc góp phần làm cho tác phấm sống mãi với thời gian. Văn học thời kì chống Mỹ cứu nước đã được nhịp sống của dân tộc lật giở lại, chúng ta không khỏi tự hào về những năm tháng đất nước mình đã đi qua, về vẻ đẹp muôn đời của con người đất Việt.
+ KB2: Hai đoạn thơ đếu diễn tả những nỗi nhớ rất sâu đậm về một địa danh cụ thể gắn với một vùng đất chan chứa kỉ niệm. Dù là nỗi nhớ “chơi vơi” hay nỗi nhớ “người yêu” thì chúng ta đều nhận thấy mức độ sâu nặng trong tình cảm nhớ thương của hai nhà thơ. Họ không chỉ nhớ về một nơi cụ thể mà nó còn là nơi cất dấu những kỉ niệm, những ân tình kháng chiến, những gian khổ đã từng trải qua và hơn thế nữa còn là tình cảm quân dân gắn bó. Từ đó có thể coi “Tây Tiến” của Quang Dũng và “Việt Bắc” của Tố Hữu là hai thi phẩm đặc sắc của thơ ca cách mạng. Thông qua cách thể hiện nỗi nhớ rất riêng biệt của từng nhà thơ, chúng ta thấy được cá tính sáng tạo đặc biệt của họ và điều đó tạo nên dấu ấn lâu bền trong lòng người đọc.
+ KB3: Bằng ngòi bút tài hoa khi khắc họa nhân vật, Kim Lân đã thể hiện lòng cảm thông với số phận cùng quẫn của người nông dân trong nạn đói và thái độ ngợi ca trân trọng những phẩm chất tốt đẹp của họ. “Vợ nhặt” xứng đáng là một truyện ngắn đặc sắc viết về đề tài người nông dân trong văn học hiện đại Việt Nam.

­Hướng dẫn học sinh cách triển khai cụ thể:

+ Bước 1: Đọc kĩ đề bài, nhận diện đề rõ ràng, nhận diện đây là kiểu bài gì?  Nghị luận về một bài thơ, một đoạn thơ, một đoạn trích hay một tác phẩm văn xuôi. Nghị luận về một ý kiến về văn học, hai ý kiến bàn về văn học; nghị luận về hai đoạn trích văn xuôi. Muốn viêt tốt phần này đọc kỹ về phấn tiểu dẫn về tác giả trong sách giáo khoa.
+ Bước 2: Với từng kiểu bài cụ thể

  • Với kiểu bài nghị luận về một đoạn thơ, một bài thơ, một đoạn trích, một tác phẩm văn xuôi học sinh giới thiệu tác giả, tác phẩm, nội dung nghị luận (lưu ý phải đảm bảo ngắn gọn, đúng, trúng) trích dẫn nội dung vấn đề cần nghị luận.
  • Với kiểu bài nghị luận về hai đoạn thơ, hai đoạn trích: Học sinh giới thiệu từng tác giả một, giới thiệu hai tác phẩm, tìm ra điểm chung của hai đoạn (viết một câu khái quát) rồi trích dẫn vấn đề.
  • Với kiểu bài nghị luận về một ý kiến, hai ý kiến: Ngoài phần giới thiệu về tác giả, tác phẩm dứt khoát phải giới thiệu được một ý kiến, hai ý kiến đó vào trong phấn mở bài

Ví dụ: Đề thi chọn học sinh giỏi môn ngữ văn 12 năm 2016 của tỉnh Nam Định
“Tôi sẵn sãng gặp gió, gặp bào, gặp em
Nhưng sự hững hờ là tôi không chờ gặp”
Nếu Thanh Thảo “hững hờ” thì có viết được “Đàn ghi ta của Lorca”? Anh/ chị hãy làm sáng tỏ.
Có thể mở bài như sau: Nhà thơ Tố Hữu cho rằng “thơ là điệu tâm hồn đi tìm đồng điệu” Thơ phải dựa trên sự đồng cảm tri âm. Cũng như thế, nhà thơ Thanh Thảo từng viết ““Tôi sẵn sãng gặp gió, gặp bào, gặp em – Nhưng sự hững hờ là tôi không chờ gặp” Chính sự hững hờ không chờ gặp đó đã giúp Thanh Thảo thể hiện tình cảm, sự trân trọng của mình trước nhân cách cao quý của F.G. Lorca trong bài thơ nhuốm màu tượng trưng siêu thực “Đàn ghi ta của Lorca”
+ Bước 3: Phần kết bài
Cách kết bài ngắn gọn và phổ biến nhất học sinh thường làm:

  • Khái quát nội dung, nghệ thuật của đoạn, của bài được nêu ra trong đề bài.
  • Khằng định vị trí của bài, của đoạn trong sự nghiệp văn học của tác giả.
  • Khẳng định vị trí của tác giả trong giai đoạn văn học.

(Lưu ý: Học sinh hay nhầm phần kết bài với phấn đánh giá ở trên)
Với đề bài về nghị luận về một ý kiến, hai ý kiến

  • Khái quát nội dung của phần thân bài
  • Một lần nữa trích dẫn lại một ý kiến, hai ý kiến

Một số mở bài mẫu tham khảo

– Đề 1: Cảm nhận về đoạn thơ sau:
“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”
(Tây Tiến – Quang Dũng)
Phần mở bài của học sinh:
Quang Dũng là nhà thơ đa tài, ông làm thơ vẽ tranh và soạn nhạc. Nhưng người đọc biết đến Quang Dũng nhiều hơn cả là một nhà thơ.  Thi phẩm được đánh giá là đứa con đầu lòng tráng kiện và hào hoa đó là Tây Tiến (1947). Cả bài thơ là nỗi nhớ về thiên nhiên miền Tây Bắc và binh đoàn Tây Tiến. Nỗi nhớ đó được cụ thể trong đoạn thơ sau
“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”
( Bài làm của em Nguyễn Lan Hương 12A10)
– Đề 2: Về nhân vật Việt trong “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi, có ý kiến cho rằng “Việt là một cậu bé mới lớn, hồn nhiên, ngộc nghệch, vô tư”, ý kiến khác lại nhấn mạnh “Việt là một chiến sĩ dũng cảm, kiên cường”. Ý kiến của anh/ chị?
Bài viết của học sinh:
Nguyễn Thi là nhà văn của người nông dân Nam Bộ, những nhân vật trong sáng tác của ông thường là những người nông dân dũng cảm, có lòng căm thù giặc sâu sắc. Ông là nhà văn có biệt tài đi sâu vào tâm lý của nhân vật. Điều này được thể hiện ở nhân vật Việt trong tác phẩm “Những đứa con trong gia đình”. Về nhân vật này có ý kiến cho rằng “Việt là một cậu bé mới lớn, hồn nhiên, ngộc nghệch, vô tư” và ý kiến khác lại nhấn mạnh “Việt là một chiến sĩ dũng cảm, kiên cường”
(Bài làm của Dương Quốc Nhật – 12A10)

Lược trích Sáng kiến kinh nghiệm của cô giáo Trần Thị Tươi : Định hướng phát triển năng lực mở bài, kết bài cho học sinh qua bài “Rèn kĩ năng mở bài, kết bài”. ( có chỉnh sửa )

Xem thêm :

  1. Tổng hợp những mở bài cho các tác phẩm lớp 12, phần 1
  2. Một số mở bài cho học sinh tham khảo ( phần 2 )
  3. Tổng hợp những mở bài hay về các tác phẩm lớp 12 ( phần 3 )
  4. Tuyển tập những mở bài hay nhất về các tác phẩm lớp 12 ,dành cho học sinh tham khảo ( Phần 4 )
  5. Tổng hợp những kết bài hay về các tác phẩm lớp 12 ( phần 1 )
  6. Tổng hợp kết bài mẫu về các tác phẩm lớp 11-Hay và đầy đủ
  7. Tuyển tập những kết bài hay và độc đáo về các tác phẩm lớp 12 ( phần 2 )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *