Nghị luận xã hội : suy nghĩ về thông điệp câu chuyện Chú cừu Lily

Bài 8
Chú cừu Lily
Có một chú cừu được gia đình ông bà lão ở một vùng quê nuôi dưỡng và đặt cho cái tên yêu quý là Lily. Hàng ngày, cừu Lily được bà chủ bê cỏ tươi và nước sạch đến tận chỗ ngủ, chỗ ngủ của chú là một miếng đệm đặt cạnh lò sưởi ấm áp. Lily cảm thấy mình thật sung sướng và may mắn. Nhưng ít lâu sau, gia đình ông bà chuyển lên thành phố, bỏ chú cừu lại ở một khu rừng xanh tốt. Những ngày tháng ở trong rừng, chú cừu luôn nằm ở gốc cây đợi bà chủ mang đồ ăn đến chứ không chịu uống thứ nước suối bẩn thỉu và thứ cỏ mất vệ sinh bị chân mình giẫm lên. Chú càng ngày càng yếu ớt. Một hôm, cừu Lily bị một con sói trấn đường đòi ăn thịt nhưng vì sống trong sự bao bọc quá lâu, chú quên mất khả năng và đặc tính của mình, chú không biết chạy trốn và bị sói ăn thịt.
Bài làm
Được quan tâm, bao bọc và chăm sóc là nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống con người. Con người dù mạnh mẽ, cứng rắn đến đâu cũng cần có sựu che chở, bao bọc. Nhưng che chở, bao bọc thế nào để vừa đủ cho con người có thể trưởng thành một cách tốt nhất? Câu chuyện “Chú cừu Lily” đã cho ta những suy nghĩ về vấn đề này.
Câu chuyện viết về một chú cừu tên là Lily được sống trong sự chăm sóc và bao bọc ân cần của gia đình ông bà chủ ở một vùng quê. Hàng ngày, cừu Lily chỉ nằm cạnh lò sưởi đợi bà chủ bê cỏ tươi và nước sạch đến tận chỗ nằm để ăn. Sau này, gia đình ông bà phải chuyển về thành phố sinh sống, bỏ chú cừu lại ở một khu rừng xanh tốt nhưng vì sống trong sự chăm sóc tận tình quá lâu, chú không tự đi tìm kiếm cỏ và nước uống để ăn, quên mất bản năng sinh tồn của mình dẫn đến chú bị sói ăn thịt. Trong câu chuyện trên, chú cừu Lily là đại diện cho những người được chăm sóc, nâng niu quá mức, việc làm của bà chủ hàng ngày mang cỏ và nước cho chú cừu là đại diện cho sự chăm sóc thái quá và việc chú cừu khi ở trong rừng chỉ nằm chờ có người mang thức ănđến là thái độ thụ động, ỷ lại của những người đã quen được chăm sóc quá lâu, không thể tự lập được và kết quả cừu bị sói ăn thịt là hậu quả của người sống trong sựu nâng niu, chăm sóc lâu ngày đứng trước khó khăn, thử thách của cuộc đời sẽ gục ngã và bị vùi dập.
Câu chuyện để lại cho ta một bài học. Con người sống trong sung sướng , chăm sóc và nâng niu thái quá và lâu ngày sẽ trở nên ỷ lại, thụ động và không thể tự lập, mạnh mẽ trong cuộc sống của mình. Vì vậy, con người cần được che chở, bao bọc nhưng không nên được nhận sự chăm sóc, nâng niu ấy một cách thái quá và lâu ngày sẽ làm cho bản thân con người trở nên yếu đuối, lười biếng, ỷ lại và không có tính tự lập, không thể trưởng thành.
Được chăm sóc và quan tâm là nhu cầu của mỗi người trong cuộc sống này. Nhưng phải chăm sóc và che chở thế nào mới là đúng, là hợp lí để người được chăm sóc không trở thành một cái kén yếu ớt, không dám chịu ra ngoài vỏ bọc để đối mặt với cuộc đời. Ta nghĩ đến ngày còn bé, mẹ ta dắt tay ta, dìu ta đi từng bước lẫm chẫm đầu tiên của mình nhưng khi mẹ bỏ tay ra, ta bị ngã. Sau rất nhiều lần như vậy, ta học cách đứng lên để đi tiếp dù xoay sở rất khó khăn vì đôi chân còn yếu ớt. Nhưng nếu bàn tay mẹ cứ mãi nâng đỡ ta như vậy thì liệu bây giờ ta có thể đi từng bước chắc chắn như thế này không? Con người sinh ra ai cũng có bản năng của mình đó là có thể tự làm những việc để chăm sóc và phục vụ cho bản thân mình. Đó là điều tối thiểu. Khi chúng ta chăm sóc một ai đó, chúng ta nên biết được họ có thể tự làm được điều gì, có khả năng làm được những gì để cho họ tự lập. Chúng ta cần biết đỡ đúng lúc và thả tay đúng lúc, không nên như gia đình bà chủ trong câu chuyện, luôn mang cỏ tươi và nước sạch đến tận chỗ nằm của cừu Lily và chú chỉ việc ăn, uống và nằm ngủ. Chúng ta không nên để người được mình chăm sóc chỉ việc nằm hưởng thụ và bản thân chúng ta cũng không nên nhận sự chăm sóc, che chở và bao bọc quá mức bởi như vậy sẽ dẫn đến những hậu quả cho sự trưởng thành của mình.
Một cái cây ngày nào cũng được bón phân, tưới nước đầy đủ, rễ cây sẽ không đào sâu vào lòng đất để tìm chất dinh dưỡng. Khi gặp giông bão, gió to mưa lớn, cây sẽ khó đứng vững và chịu đựng. Chú cừu Lily được gia đình bà chủ quá chăm sóc đến mức khi bị bỏ rơi ở rừng, chú không chủ động đi tìm thức ăn, nước uống cho mình thậm chí còn quên mất bản năng sinh tồn của loài cừu. Một đứa trẻ từ nhỏ được “phục vụ”, chăm sóc và “nâng như nâng trứng”, không phải vất vả, không phải động tay vào bất cứ việc gì lớn nên sẽ trở thành những người chỉ biết hưởng mà không biết làm. Những người như vậy, ông bà ta thường nói là “Sướng quen rồi khổ không chịu được”. Họ là những người thụ động, lười biếng, không thể sống tự lập vì từ trước đến nay chỉ quen được chăm sóc. Tự lập là yếu tố quan trọng để trưởng thành. Ấy vậy mà người không tự lập, không thể chăm sóc được cho bản thân chỉ chờ đợi sự phục vụ từ người khác thì làm sao có thể chăm sóc được cho những người xung quanh mình. Người sống trong sự bao bọc, nâng niu quá lâu sẽ yếu đuối, không cứng rắn, dễ gục ngã trước thử thách của cuộc đời và luôn ngại ngần trước khó khăn, gian khổ.
Tôi có quên một chị đang là sinh viên năm thứ nhất đại học, tháng đầu tiên chị ấy bị những trở ngại và khó khăn khi lần đầu tiên ra ngoài tự lập. Suốt 18 năm ở với mẹ, chị không phải làm một việc gì ngoài ăn, ngủ, học. Bây giờ đi học, tháng đàu tiên chị chỉ biết ăn mì gói và cơm sẵn mua về, quần áo mang ra tiệm giặt ủi khiến mất nhiều kinh phí và khi tiếp xúc với nhiều kiểu người, nhiều lời nói từ thiên hạ bên ngoài chê bai bản thân mình, chị muốn bỏ học về nhà. Sau rồi mẹ chị đã bỏ việc lên thành phố chăm sóc chị.
Những người như chị là những người đang bị phê phán và cần thay đổi lại lối sống bởi những người như vậy sẽ trở nên thụ động và thiếu tự lập trong cuộc sống. Ngoài ra, những người không chăm sóc, quan tâm người khác ở mức đủ sẽ dẫn đến sự thờ ơ, lạnh lùng trong lối sống. Đó cũng là những tư tưởng cần thay đổi và loại bỏ.
Câu chuyện về chú cừu Lily đã để lại cho chúng ta bài học quý giá. Con người không nên nhận sự chăm sóc và nâng niu thái quá sẽ dẫn đến việc thụ động và lười nhác trong cuộc sống. Chúng ta phải biết thế nào là yêu thương đúng cách, không quá chiều chuộng người được ta chăm sóc. Nếu chúng ta là người đang được sống trong sự bao bọc quá mức, chúng ta cần xem xét, suy nghĩ lại và thay đổi bản thân, tập cho mình cách sống tự lập. Không thể chỉ biết hưởng thụ. Có như vậy, chúng ta mới có thể trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Câu chuyện về chú cừu Lily đã để lại cho tôi một lời nhắc nhở thấm thía để tôi rèn luyện bản thân trở thành người có lối sống tốt, tự làm chủ cuộc sống tươi đẹp của mình.
Xem thêm : NGHỊ LUẬN XÃ HỘI
Xem thêm : HỌC SINH GIỎI

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *