Đề thi theo hướng mới :Phân tích ý nghĩa hình ảnh nắm lá ngón qua 3 lần miêu tả trong Vợ chồng A Phủ

 
ĐỀ TRẮC NGHIỆM THAM KHẢO
MÔN NGỮ VĂN
(Đề thi có 02 trang)

 
Câu 1: (NB) Trong đêm tình mùa xuân, khi nghe tiếng sáo từ xa vọng lại, hành động đầu tiên của Mị là gì?

  1. Mị quấn lại tóc và chuẩn bị đi chơi.
  2. Mị nhẩm theo bài hát của người đang thổi sáo.
  3. Mị lén lấy hủ rượu cứ uống ừng ực từng bát.
  4. Mị muốn ăn lá ngón cho chết ngay.

Câu 2: (NB) Nhận định nào sau đây đúng với tác giả Tô Hoài ?

  1. Ông là cây bút chuyên viết truyện ngắn, thường viết về nông thôn và người nông dân.
  2. Ông là nhà văn của người dân Nam Bộ, am hiểu sâu sắc về cuộc sống và con người Nam Bộ.
  3. Ông là nhà văn có vốn hiểu biết sâu sắc về phong tục tập quán của nhiều vùng khác nhau trên đất nước.
  4. Ông là nhà văn gắn bó máu thịt với chiến trường Tây Nguyên trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ.

 
Câu 3: (TH) Vì sao Mị bị bắt về làm dâu nhà thống lí ?

  1. Vì A Sử, con trai thống lí yêu Mị.
  2. Vì Mị phải làm con dâu gạt nợ thay cho bố mẹ.
  3. Vì Mị muốn làm dâu nhà giàu, quyền thế nhất vùng.
  4. Vì Mị bị cha ép gả để trừ nợ cho bố mẹ.

 
Câu 4: (TH) Sức mạnh nào đã thôi thúc Mị cắt dây cởi trói cho A Phủ rồi vùng chạy theo A Phủ để giải thoát cho chính mình?

  1. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của sức sống.
  2. Lòng thương người, thương mình.
  3. Nhận thức được sự tàn ác của cha con nhà thống lí.
  4. Nhận thức được cơ hội bỏ trốn khỏi nhà thống lí.

 
Câu 5: (VDT) Biểu hiện của ngòi bút nhân đạo Tô Hoài qua diễn biến tâm lí của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân ?

  1. Phát hiện tài năng thổi lá cũng hay như thổi sáo của Mị.
  2. Phát hiện vẻ đẹp của tuổi trẻ và lòng yêu đời của Mị.
  3. Phát hiện niềm mong muốn được đi chơi ngày tết của Mị.
  4. D. Phát hiện sức sống tiềm tàng, mãnh liệt trong tâm hồn Mị.

 
Câu 6: (VDC) Qua việc xây dựng hai yếu tố tác động đến tâm trạng và nhận thức của nhân vật (tiếng sáo bát cháo hành), cho thấy điểm tương đồng trong cách nhìn nhận con người của hai nhà văn Tô Hoài và Nam Cao:

  1. Cảm thông cho sự thống khổ và trân trọng khát khao sống mãnh liệt của con người.
  2. Ca ngợi sự tài hoa khéo léo và trân trọng khát khao sống mãnh liệt của con người.
  3. Cảm thông cho sự thống khổ và ca ngợi tinh thần lạc quan, yêu lao động của con người
  4. Ca ngợi tình người chân thật và khả năng vươn lên mạnh mẽ của con người khi có cơ hồi sinh.

 

   SỞ GDĐT ĐỒNG THÁP ĐỀ THI THAM KHẢO THPT QG NĂM 2019
TRƯỜNG THPT LẤP VÒ 3 MÔN NGỮ VĂN
         
         (Đề thi có 02 trang)
Thời gian làm bài:120 phút

 
ĐỌC HIỂU (3 điểm)
Đọc đoạn trích dưới đây:
Khi nói đến ước mơ của mỗi người thì điều đầu tiên cần phải xác định đó không phải là những mong ước viển vông mà chính là mục đích con người đặt ra và cố gắng phấn đấu để đạt đến trong cuộc đời mình.
            Đồng thời một yếu tố cũng hết sức quan trọng là cần phải xác định cách thức để đạt được mục đích đó, bởi không ai trong cuộc đời này lại không muốn đạt đến một điều gì đó. Sự khác biệt chính là ở phương thức thực hiện, cách thức đạt đến ước mơ của mỗi người và điều này sẽ quyết định “đẳng cấp” về nhân cách của mỗi người.
            Có người đi đến ước mơ của mình bằng cách trung thực và trong sáng thông qua những nỗ lực tự thân tột cùng. Đây là những người có lòng tự trọng cao và biết dựa vào sức của chính mình, tin vào khả năng của chính mình và sự công bằng của xã hội. Đối với họ, mục tiêu chưa chắc là điều họ quan tâm, cái họ quan tâm hơn chính là phương thế để đạt đến mục tiêu trong cuộc sống.
            Chính vì vậy họ là những người không bao giờ chấp nhận sống trong thân phận “tầm gửi”, trở thành công cụ trong tay người khác hay giao phó tương lai của mình cho người khác. Sở dĩ như thế là bởi họ chỉ tự hào với những gì do chính bản thân họ làm ra và đạt đến, đồng thời cũng là những người xem phương tiện quan trọng như mục tiêu của cuộc đời mình.
(Nguồn: Lê Minh Tiến, Đẳng cấp về nhân cách, http://tuoitr e.vn)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Chỉ ra cách con người đi đến ước mơ của mình được nêu trong đoạn trích.
Câu 2. Theo tác giả, điều gì sẽ quyết định “đẳng cấp” về nhân cách của mỗi người?
Câu 3. Vì sao tác giả cho rằng: những người không bao giờ chấp nhận sống trong thân phận “tầm gửi” chỉ tự hào với những gì do chính bản thân họ làm ra và đạt đến?
Câu 4. Từ đoạn trích trên, hãy rút ra bài học có ý nghĩa nhất đối với anh/chị?

  1. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)
Từ nội dung ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn về cách thức đạt đến ước mơ để quyết định “đẳng cấp” nhân cách của mỗi người.
Câu 2 (3,0 điểm)
Trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài có ba lần nhắc đến phản ứng của Mị trước hình ảnh lá ngón:

  • Lần thứ nhất, sau mấy tháng làm dâu cho nhà thống lí, Mị trốn về nhà quỳ lạy bố, “Mị chỉ bưng mặt khóc, ném nắm lá ngón xuống đất, nắm lá ngón Mị đã tìm hái trong rừng…”;
  • Lần thứ hai, “Lần lần, mấy năm qua, mấy năm sau, bố Mị chết. Nhưng Mị cũng không còn tưởng đến Mị có thể ăn lá ngón tự tử nữa.”;
  • Lần thứ ba, trong đêm tình mùa xuân khi nghĩ đến tình cảnh của mình “Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi ngày Tết. Huống chi A Sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau! Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay,…”.

(Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017)
Vì sao có lúc Mị đã tìm đến lá ngón, nghĩ về lá ngón, có lúc Mị không còn nghĩ đến chuyện ăn lá ngón tự tử nữa? Nhận xét nét tương đồng và khác biệt ở hai phản ứng tưởng chừng như đối lập trên, để làm rõ đời sống nội tâm ở nhân vật Mị và tài năng nghệ thuật bậc thầy của nhà văn Tô Hoài./.
 
 
——–HẾT——–

   SỞ GDĐT ĐỒNG THÁP HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI THAM KHẢO THPT QG NĂM 2019
TRƯỜNG THPT LẤP VÒ 3 MÔN NGỮ VĂN
         
         (Đề thi có 02 trang)

 
A. Hướng dẫn chung
1) Nếu học sinh làm bài không theo cách nêu trong đáp án nhưng đúng, chính xác, chặt chẽ thì cho đủ số điểm của câu đó.
2) Việc chi tiết hóa (nếu có) thang điểm trong hướng dẫn chấm phải bảo đảm không làm sai lệch hướng dẫn chấm và phải được thống nhất thực hiện trong tổ chấm.
Đáp án và thang điểm
ĐỌC HIỂU
Câu 1. (0,5 điểm)
Con người đi đến ước mơ của mình bằng cách trung thực và trong sáng thông qua những nỗ lực tự thân tột cùng.
Câu 2: (0,5 điểm)
Điều sẽ quyết định “đẳng cấp” về nhân cách của mỗi người là: phương thức thực hiện, cách thức đạt đến ước mơ của mỗi người.
Câu 3: (1,0 điểm)
Những người không bao giờ chấp nhận sống trong thân phận “tầm gửi” chỉ tự hào với những gì do chính bản thân họ làm ra và đạt đến. Tác giả nói như vậy vì:
– “Tầm gửi” là lối sống dựa dẫm vào người khác, là những người kém bản lĩnh, bất tài.
– Những người không bao giờ chấp nhận sống trong thân phận “tầm gửi” là những người có lòng tự trọng, có ý thức về giá trị bản thân, luôn nỗ lực vươn lên để đạt được mục đích.
Câu 4. (1,0 điểm)
– Nỗ lực thực hiện ước mơ bằng chính khát vọng và khả năng của bản thân.
– Tự tin, tự trọng làm nên giá trị con người.
LÀM VĂN
Câu 1. (2,0 điểm)

  1. Đảm bảo hình thức đoạn văn nghị luận. (0.25 điểm).
  2. Xác định đúng vấn đề nghị luận: cách thức đạt đến ước mơ để quyết định “đẳng cấp” nhân cách của mỗi người. (0,25 điểm).
  3. Thí sinh vận dụng hợp lý các thao tác lập luận để triển khai, làm sáng tỏ vấn đề nghị luận: (1,0 điểm)

– Ước mơ là mong muốn đến những điều tốt đẹp ở tương lai. “Đẳng cấp” nhân cách chỉ mức độ cao về bản lĩnh, đạo đức, nhân cách của một con người. Cách thức thực hiện ước mơ của mỗi người sẽ cho thấy bản lĩnh, đạo đức, lối sống và giá trị đích thực của người đó.
– Ước mơ hiện diện trong tất cả các lĩnh vực có vai trò quan trọng trong cuộc sống con người. Nhờ có ước mơ con người có thể chinh phục tự nhiên, cải thiện đời sống, tạo nên những thành tựu về khoa học và công nghệ, làm nên cuộc sống tốt đẹp hơn… Thực tế cho thấy có nhiều cách thức để thực hiện những mong ước như tự thân theo đuổi mục tiêu đúng đắn, rèn luyện ý chí và nghị lực, nỗ lực phấn đấu không ngừng, tương tác trí tuệ tập thể… Nhưng cũng có trường hợp dựa dẫm, ỷ lại vào các mối quan hệ, dùng vật chất đánh đổi…
– Cách thức chính đáng để chinh phục ước mơ không chỉ làm nên vinh quang và giá trị của ước mơ mà còn thể hiện sự trung thực, trong sáng, tài năng, ý chí… là biểu hiện  của nhân cách, bản lĩnh, trí tuệ và đạo đức ở con người.
-Từ đó, biết phê phán thói dựa dẫm, ỉ lại, thụ động, không có ước mơ, hoài bão;  Cần sống có ước mơ và dám ước mơ. Tự trọng, tự tin khi thực hiện ước mơ của mình.

  1. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận. (0,25 điểm).
  2. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo qui tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. (0,25 điểm)

 
Câu 2: (5,0 điểm)

  1. Đảm bảo hình thức bài văn nghị luận văn học. (0.25 điểm).
  2. Xác định đúng vấn đề nghị luận: đời sống nội tâm ở nhân vật Mị và tài năng nghệ thuật bậc thầy của nhà văn Tô Hoài qua nét tương đồng và khác biệt ở hai phản ứng tưởng chừng như đối lập của Mị trước lá ngón: có lúc Mị đã tìm đến lá ngón, nghĩ về lá ngón, có lúc Mị không còn nghĩ đến chuyện ăn lá ngón tự tử nữa. (0,5 điểm).
  3. Thí sinh vận dụng hợp lý các thao tác lập luận để triển khai vấn đề:

* Giới thiệu khái quát về tác giả Tô Hoài, tác phẩm Vợ Chồng A Phủ và nêu vấn đề nghị luận. (0,5 điểm)
* Đời sống nội tâm của Mị qua những phản ứng với hình ảnh lá ngón (2,0 điểm)
– Giới thiệu về nhân vật Mị và hình ảnh lá ngón
+ Mị là hình tượng đẹp về thiếu nữ Tây Bắc tràn trề cơ hội được hưởng tình yêu và hạnh phúc nhưng bi kịch đến với cô một cách phủ phàng bởi cường quyền bạo lực và thần quyền hủ tục.
+ Lá ngón là lá của một dạng cây leo, hoa và quả màu vàng, lá màu xanh, rất độc, ăn chết người. Hình ảnh lá ngón xuất hiện 3 lần trong tác phẩm, mỗi lần mang một ý nghĩa khác nhau, nêu bật đời sống nội tâm đầy biến động của nhân vật Mị qua hai cách phản ứng tưởng chừng như đối lập.
– Có lúc Mị đã tìm đến lá ngón, nghĩ về lá ngón:
+ Lần thứ nhất:
++ Hoàn cảnh:
+++Mị bị bắt về làm “con dâu gạt nợ” nhà thống lí Pá Tra mà thực chất là làm thân trâu, ngựa. Suốt mấy tháng trời, đêm nào Mị cũng khóc.
+++Mị trốn về nhà, quỳ lạy bố, chào bố lần cuối. Nhưng rồi, Mị không đành lòng. Mị ném nắm lá ngón xuống đất, nắm lá ngón Mị đã tìm hái trong rừng, Mị vẫn giấu trong áo. Đây là lần thứ nhất Mị muốn ăn lá ngón.
++ Ý nghĩa của phản ứng:
++ Mị muốn ăn lá ngón để tự kết liễu đời mình khi không đủ khả năng thoát khỏi những xiềng gông vô hình của nhà thống lí. Cho thấy cô không thể chấp nhận và chịu đựng một kiếp sống đọa đày.
+++Là một sự phản kháng của ý thức, biểu hiện một khát khao tự do và hạnh phúc cháy bỏng của tuổi trẻ trong con người Mị.
+++Nhưng Mị đã ném nắm lá ngón xuống đất, Mị không đành lòng chết. Ý muốn của bản thân đã không thắng được những ràng buộc về bổn phận. Vì chữ hiếu, Mị tiếp tục cuộc sống mà như đã chết.
+ Lần thứ hai:
++Hoàn cảnh:
+++ Ý nghĩ ăn lá ngón lại xuất hiện trong đêm tình mùa xuân.
+++ Khi nghe tiếng sáo thiết tha bổi hổi, Mị ngồi nhẩm thầm lời bài hát,… Mị nhận ra mình vẫn còn trẻ, nhận thức hoàn cảnh thực tại, Mị lại muốn quyên sinh… Đây là lần thứ hai Mị muốn ăn lá ngón.
++ Ý nghĩa của phản ứng:
+++ Tô đậm bi kịch đau khổ mà Mị phải gánh chịu.
+++ Là tín hiệu cho thấy ý thức về thân phận chưa bao giờ bị dập tắt hoàn toàn trong Mị. Sức sống trong Mị vẫn âm ỉ, tiềm tàng.

  • Có lúc Mị không còn nghĩ đến chuyện ăn lá ngón tự tử nữa:

++ Hoàn cảnh:
+++ Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi. Mị cúi mặt, không nghĩ ngợi nữa. Mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa.
+++ Mị âm thầm cam chịu kiếp sống người – vật trong nhà thống lí.
++ Ý nghĩa của phản ứng:
+++ Sức phản kháng trong con người Mị đã bị đè nén đến mức tê liệt.
+++ Mị không còn tưởng đến việc ăn lá ngón bởi tâm hồn cô như đã chết.
* Nét tương đồng và khác biệt ở hai phản ứng tưởng chừng như đối lập trên (1,5 điểm)
– Nét tương đồng:
+ Phản ánh đời sống nội tâm đầy mâu thuẫn, phức tạp trong tâm hồn Mị.
+ Làm nổi bật hiện thực đau khổ, số phận bi đát của người phụ nữ vùng cao dưới ách thống trị của cường quyền bạo ngược và thần quyền hủ tục.
+ Tài năng miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật chân thật, tinh tế của nhà văn.
+ Thể hiện tình cảm nhân đạo sâu sắc.
– Nét khác biệt:
+ Lúc Mị không còn tưởng đến Mị có thể ăn lá ngón là sự khắc họa sâu sắc hiện thực tủi nhục, sự tàn bạo của bọn lãnh chúa phong kiến mà cô đang gánh chịu. Phản ứng khắc sâu sự cam chịu của nhân vật.
+ Phản ứng muốn ăn lá ngón cho thấy sự phản kháng, tâm hồn giàu khát khao và sức sống mạnh mẽ tiềm tàng trong con người Mị. Nó không vĩnh viễn tan biến mà chỉ tạm thời chìm khuất, chỉ chờ cơ hội là bùng lên mãnh liệt.Phản ứng tô đâm sức sống tiềm tàng, ý thức phản kháng mãnh liệt.
       * Đánh giá: (0,25 điểm).
– Những phản ứng của Mị trước sự xuất hiện của hình ảnh lá ngón là biểu hiện cho đời sống nội tâm phong phú, phức tạp  và vẻ đẹp tâm hồn, khát vọng sống, khát vọng tự do của người phụ nữ, người dân nghèo Tây Bắc trong sự đày đọa đến cùng cực của bọn chúa đất phong kiến ở xã hội cũ.
– Là sản phẩm sáng tạo thành công của Tô Hoài, thể hiện tài năng nghệ thuật bậc thầy trong việc khắc họa nội tâm nhân vật, góp phần làm nên sức sống lâu bền cho tác phẩm.

  1. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận. (0,25 điểm).
  2. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo qui tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. (0,25 điểm)

 
 

,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *