Đề thi HSG Trại hè Hùng Vương Ngữ văn 11 năm 2019 Chuyên Hoàng Văn Thụ

 

HỘI CÁC TRƯỜNG CHUYÊN
VÙNG DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ
TRƯỜNG THPT CHUYÊN
HOÀNG VĂN THỤ – HÒA BÌNH
ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN – KHỐI 11
NĂM 2018
 Thời gian làm bài: 180 phút
(Đề thi gồm 2 câu trong 01 trang)
ĐỀ THI ĐỀ XUẤT

 
Câu 1 (8,0 điểm)
     Nhà bác học Albert Ainstein từng nói: Tôi biết ơn tất cả những người đã nói KHÔNG với tôi. Bởi nhờ họ tôi đã tự mình làm được điều đó”
Anh (chị) hãy trình bày quan điểm của mình về ý kiến trên.
Câu 2 (12,0 điểm)
Nhà phê bình Chu Văn Sơn cho rằng:
Câu thơ hay là câu thơ có khả năng đánh thức bao ấn tượng vốn ngủ quên trong kí ức của con người”
Bằng hiểu biết về văn học, anh/ chị hãy làm sáng tỏ nhận định trên.
 
 
…………………………….HẾT………………………………
Người ra đề:
 
Nguyễn Thị Hạnh  (SĐT: 0977.584.179)
 
ĐÁP ÁN + BIỂU ĐIỂM CHẤM MÔN: NGỮ VĂN – KHỐI 11

Câu Nội dung chính cần đạt Điểm
1 Câu 1 (8,0 điểm)
     Nhà bác học Albert Ainstein từng nói: Tôi biết ơn tất cả những người đã nói KHÔNG với tôi. Bởi nhờ họ tôi đã tự mình làm được điều đó”
8,0
 Đây là dạng đề mở. Thí sinh có quyền tự do trình bày suy nghĩ của mình theo những hướng khác nhau. Tuy nhiên, cần đạt được một số yêu cầu cơ bản sau:
– Về hình thức và kĩ năng
Trước hết, thí sinh cần phải xác định đây là đề nghị luận xã hội. Dạng đề này cho phép thí sinh tự do lựa chọn các kiểu bài và thao tác tạo lập văn bản khác nhau, nhưng phải phù hợp và nhuần nhuyễn. Đồng thời, thí sinh cũng đựoc tự do huy động các chất liệu khác nhau như: chất liệu thuộc tri thức sách vở, tri thức đời sống và những trải nghiệm của riêng mình. Tuy nhiên, vẫn phải xác định rõ vấn đề ở câu này thuộc về thực tế đời sống chứ không phải trong các tác phẩm văn học.
– Về nội dung
Bài làm cần đạt được những nội dung cơ bản sau:
I/ Mở bài : Giới thiệu vấn đề, trích dẫn nhận định
 
0,5
II/ Thân bài
a.Giải thích
­Biết ơn : thái độ chỉ sự cảm kích, trân trọng với việc người khác làm cho mình
Nói KHÔNG : là sự từ chối, không giúp đỡ
Tự mình làm được điều đó : Tự mình nghĩ ra cách giải quyết vấn đề, giải quyết khó khăn mà không cần dựa dẫm vào sự giúp đỡ của người khác
-> Như vậy có thể hiểu ý kiến đã cho thấy một cách ứng xử một cách đúng mực, nhân văn khi bị người khác từ chối giúp đỡ, thay vì sự oán trách, ghét bỏ lại là thái độ biết ơn vì chính nhờ sự từ chối đó đã giúp cho mỗi người biết tự mình tìm cách giải quyết những vấn đề của chính mình. Từ đó có thể thấy trong ý kiến này nhà bác học Albert Ainstein đã cho thấy tác động tích cực của việc từ chối giúp đỡ người khác và cách ứng xử nên có khi bị từ chối.
 
`
 
1,5
b. Bình
Học sinh cần đưa ra được chính kiến của cá nhân về tư tưởng này : đồng ý hay không đồng ý. Mọi ý kiến đều được chấp nhận miễn là học sinh có lập luận chặt chẽ, dẫn chứng hợp lý để chứng minh cho quan điểm của mình.
– Học sinh cần khẳng định đây là một quan điểm bổ ích và sâu sắc.
– Học sinh cần dùng lý lẽ, dẫn chứng để chứng minh cho nhận định. Có một vài gợi ý như sau :
+ Việc từ chối giúp đỡ một ai đó trong cuộc sống không phải lúc nào cũng là xấu, là ích kỉ, đáng lên án mà nhiều khi mang ý nghĩa tích cực. Bởi khi ta nói không, từ chối giúp đỡ một ai đó sẽ khiến họ không thể ỉ lại, trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác từ đó tìm cách giải quyết vấn đề. Quá trình tự xoay sở sẽ giúp họ hình thành tính độc lập, đánh thức khả năng sáng tạo, đưa ra những ý tưởng, phương án để giải quyết được vấn đề hoặc rút ra được bài học để đến gần hơn với thành công.
+ Nếu chỉ trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác, chúng ta sẽ vĩnh viễn trở thành cây tầm gửi không thể tồn tại độc lập, không đánh thức được khả năng sáng tạo trong bản thân và mọi khó khăn dù nhỏ đến lớn đều có thể khiến ta gục ngã
+ Khi tiếp nhận lời nói KHÔNG- sự từ chối của người khác cần có thái độ tích cực. Thay vì oán trách thì hãy tự mình nỗ lực, chủ động để giải quyết vấn đề. Thái độ này vừa không khiến cho mối quan hệ giữa mọi người trở nên xấu đi, vừa biến khó khăn thành động lực, thành lực đầy để nỗ lực vượt qua.
3
c/ Luận
Học sinh cần lật xuôi, lật ngược vấn đề để bàn luận và rút ra bài học cho bản thân.
– Cần nhận thấy, biết nói không, biết từ chối có thể mang đến hiệu quả tuy nhiên cần phải HỌC cách từ chối sao cho hiệu quả và tế nhị, tránh làm tổn thương người đang gặp khó khăn, tránh đẩy họ đến sự tuyệt vọng. Biết từ chối và biết giúp đỡ là hai mặt của một vấn đề, cần được sử dụng một cách khôn ngoan để tránh vào việc trở nên vô tâm, vô cảm hay lòng tốt đặt không đúng lúc đúng chỗ.
– Để tiếp nhận lời nói không, lời từ chối của người khác là điều không hề dễ dàng. Mỗi người cần có bản lĩnh để đón nhận, tránh thái độ tiêu cực, suy sụp hay thù oán mà cần phải nỗ lực để tự mình giải quyết khó khăn
– Học sinh cần liên hệ bản thân để rút ra những bài học về nhận thức cũng như hành động đối với việc học cách từ chối và tiếp nhận lời từ chối. Đây là phần cần được đánh giá cao : khuyến khích những cảm xúc chân thành, những câu chuyện cảm động, chân thực của bản thân học sinh về cuộc sống  của chính mình
2,5
  III/ Kết bài: Khẳng định lại ý nghĩa việc sống độc lập, có bản sắc cá nhân. 0,5
 
 
2
  Bình luận ý kiến sau của nhà phê bình Chu Văn Sơn
Câu thơ hay là câu thơ có khả năng đánh thức bao ấn tượng vốn ngủ quên trong kí ức của con người”
12,0
Thí sinh có quyền triển khai bài làm của mình theo những hướng và các cách khác nhau. Tuy nhiên, bài làm cần đạt được một số yêu cầu cơ bản sau:
Mở bài:
Dẫn dắt để giới thiệu được luận đề
0,5
1/ Giải thích ý kiến:
Thơ: là một thể loại văn học được sáng tác bằng phương thức trữ tình, thường có vần có nhịp, dùng để thể hiện tình cảm, cảm xúc của người viết
Câu thơ hay: Là câu thơ có giá trị, mang đến rung cảm mãnh liệt cho người đọc
-Đánh thức:  làm sống dậy, thức tỉnh
Bao ấn tượng vốn ngủ quên trong kí ức của con người: những nhận thức, những cảm xúc, những rung động…về đời sống, về con người mà mỗi người đã từng được chứng kiến, được trải nghiệm nhưng bị chai sạn, bị vùi lấp, bị lãng quên…
=> Ý kiến của nhà phê bình Chu Văn Sơn đưa ra một quan điểm về thơ ca và văn học nói chung trong đó khẳng định với một câu thơ hay, một câu thơ thực giá trị thì điều quan trọng nhất là có thể thức tỉnh, làm sống dậy những ấn tượng, cảm xúc, rung động, những nhận thức …về cuộc sống, con người (mà chủ yếu là những điều đẹp đẽ, cao cả, nhân văn…)vốn có trong mỗi người đọc nhưng bị thời gian, bị cuộc sống xô bồ làm cho lãng quên, chai sạn, vùi lấp..
 
1,5
2/ Bình
          *  Khẳng định ý kiến trên là một quan điểm đánh giá có căn cứ về thơ ca.
*Chứng minh:
Học sinh kết hợp kiến thức lí luận và kiến thức văn học để chứng minh
+ Câu thơ hay cần đánh thức bao ấn tượng vốn ngủ quên trong kí ức của con người” vì để đánh thức được những ấn tượng đó chứng tỏ nhà thơ phải thực sự thấu hiểu về cuộc đời và con người, những gì nhà thơ viết ra thân thuộc với mọi người nhưng cách viết lại ấn tượng để đọc xong người đọc có thể bừng sáng và nhận ra một ấn tượng nào đó về cuộc đời. Đó là phẩm chất cần có, thể hiện cả tài năng và tâm huyết của nhà thơ
+ Câu thơ hay cần đánh thức bao ấn tượng vốn ngủ quên trong kí ức của con người” còn bởi sứ mệnh của thơ ca nói chung và văn học nói riêng không đơn thuần là để thỏa mãn nhu cầu giải trí mà còn là thức tỉnh con người khỏi những lầm lạc, u mê, hướng người đọc về cái đích của CHÂN, THIỆN, MỸ. Khi đánh thức được bao ấn tượng vốn ngủ quên trong kí ức của con người đồng nghĩa với việc thơ ca sẽ giúp con người tìm lại được sự tinh tế, sự nhạy cảm, sự rung động trước cái đẹp, cái nhân văn cao cả mà cuộc sống thường ngày làm cho chai sạn, hay nói cách khác thơ ca sẽ giúp con người tìm lại được chính mình
+ Quá trình sáng tạo nghệ thuật không kết thúc ở việc tác phẩm được khai sinh, mà còn ở quá trình tác phẩm sống trong lòng người đọc. Khi đánh thức bao ấn tượng vốn ngủ quên trong kí ức của con người” thơ ca sẽ giúp người đọc tiếp cận tác phẩm không hời hợt mà còn bằng tất cả rung động, trải nghiệm của mình, từ đó khơi gợi quá trình đồng sáng tạo với tác giả trong mỗi người đọc
 
Để làm sáng tỏ những lí lẽ trên học sinh cần dùng các dẫn chứng trong các tác phẩm văn học. Đánh giá cao những học sinh biết chọn và phân tích dẫn chứng phù hợp, sắc sảo. Tiêu chí đánh giá là những dẫn chứng được chọn phải đảm bảo tiêu chí là Câu thơ hay và khi phân tích học sinh phải chỉ ra câu thơ đã đánh thức được ấn tượng nào vốn ngủ quên trong lòng mình
 
6,5
 
3/ Luận:
Mở rộng vấn đề: Quan niệm về câu thơ hay, bài thơ hay rất linh hoạt, tùy quan điểm của mỗi người nhưng ngoài việc đánh thức được những ấn tượng vốn ngủ quên trong kí ức của người đọc nhà thơ còn cần chú ý đến việc lựa chọn ngôn từ, hình ảnh, sắp xếp tổ chức để tạo nên nhịp điệu, nhạc điệu…
– Bài học:
+ Với nhà văn: Cần đi sâu vào cuộc sống để có thể nắm bắt và ghi lại những ấn tượng đẹp đẽ, nhân văn của cuộc sống để từ đó đánh thức, gọi về trong mỗi người đọc những kí ức đẹp đẽ, trong trẻo
+ Với người đọc: Cần thưởng thức mỗi câu thơ hay, ý thơ đẹp để từ đó tìm lại chính những kí ức đẹp đẽ của chính mình
3,0
Kết bài: Khẳng định  ý nghĩa, giá trị vấn đề   0,5

   Họ và tên:
 
 Nguyễn Thị Hạnh  
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *