Đề thi đội tuyển HSG Ngữ Văn năm 2019-2020 – THPT Hà Trung Thanh Hóa

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THANH HOÁ
TRƯỜNG THPT HÀ TRUNG

ĐỀ CHÍNH THỨC

 
 
(Đề thi gồm có 02 trang)
 

ĐỀ THI KSCL ĐỘI TUYỂN HỌC SINH GIỎI
NĂM HỌC 2019 – 2020
Môn thi: N
Thời gian làm bài: 180 phút (Không kể thời gian giao đề)
Ngày thi 07 tháng 11 năm 2019.

 

  1. Đọc – hiểu (6,0 điểm):

       Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Cậu chăn cừu Santiago mở mắt khi vầng đông ló rạng ở chân trời. Đêm trước nơi đó còn lấp lánh ánh sao, giờ đây là một hàng cây chà là dài ngút mắt.
        “Chúng ta đến nơi rồi”, chàng người Anh nói và thấy nhẹ cả người. Anh ta cũng mới vừa thức giấc.
          Cậu không nói gì. Cậu đã học được sự nín lặng của sa mạc và hài lòng với việc ngắm hàng chà là nơi chân trời kia. Cậu còn phải đi xa nữa mới tới được Kim Tự Tháp và một ngày nào đó buổi sáng hôm nay sẽ chỉ còn là kỉ niệm. Nhưng lúc này đây nó là khoảnh khắc của hiện tại, là ngày hội mà người phu lạc đà đã nói. Cậu thưởng thức nó, nhớ lại những bài học của quá khứ và những ước mơ cho tương lai. Một ngày kia cả nghìn cây chà là này sẽ chỉ là kỉ niệm, nhưng giờ đây, với cậu, chúng là bóng mát, là nước và nơi tránh chiến tranh. Hôm qua, tiếng kêu của con lạc đà có thể gây nguy hiểm, thì giờ đây rừng chà là có thể báo hiệu sự kì diệu.
          “Thế giới nói bằng nhiều thứ ngôn ngữ”, cậu nghĩ.
          “Đoàn lữ hành tới cũng hối hả như thời gian trôi”, nhà luyện kim đan thầm nghĩ khi nhìn cả trăm người và thú vật đến được ốc đảo. Dân chúng lớn tiếng hò reo chạy về phía đoàn người mới tới. Bụi bay mù trời. Lũ trẻ reo hò, nhảy như choi choi khi thấy đoàn người lạ. Nhà luyện kim đan thấy tù trưởng ốc đảo lại chào trưởng đoàn lữ hành và hai người trò chuyện hồi lâu.
          Nhưng nhà luyện kim đan không quan tâm mấy đến những điều ấy. Ông đã từng thấy nhiều người đến rồi đi, trong khi ốc đảo và sa mạc vẫn là ốc đảo và sa mạc. Ông đã thấy vua chúa và kẻ ăn xin đi qua biển cát này, cái biển cát thường xuyên thay hình đổi dạng vì gió thổi nhưng vẫn mãi mãi là biển cát mà ông đã biết từ thuở nhỏ. Tuy vậy, tự đáy lòng mình, ông không thể không cảm thấy vui trước hạnh phúc của mỗi người lữ khách, sau bao ngày chỉ có cát vàng với trời xanh nay được thấy chà là xanh tươi hiện ra trước mắt. “Có thể Thượng Đế tạo ra sa mạc chỉ để cho con người biết quý trọng cây chà là”, ông nghĩ.
(Trích Nhà giả kim, Paulo Coelho, NXB Hội nhà văn, 2018, tr.121-123)
Câu 1:Theo tác giả, với cậu bé Santiago, giờ đây cây chà là có ý nghĩa là gì?
Câu 2: Khi đứng trước hàng cây chà là dài ngút mắt, cậu bé Santiago đã bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ  gì?
Câu 3:Thái độ, cảm xúc của nhà luyện kim đan khi chứng kiến cảnh dân chúng reo hò, vui mừng đón đoàn lữ hành đến được ốc đảo gợi cho anh/chị suy nghĩ gì?
Câu 4: Anh/Chị có đồng tình với quan điểm: “Có thể Thượng Đế tạo ra sa mạc chỉ để cho con người biết quý trọng cây chà là”?

  1. Làm văn: (14,0 điểm)

 Câu 1: (4,0 điểm)
          Từ đoạn ngữ liệu trong phần đọc – hiểu và những trải nghiệm thực tế, anh/chị hãy viết một bài văn (khoảng 400 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về ý nghĩa của khoảnh khắc trong cuộc đời mỗi con người
.Câu 2: (10,0 điểm)
“Sáng tạo nghệ thuật là một quá trình kép: nhà văn vừa sáng tạo ra thế giới vừa kiến tạo gương mặt mình”. ( Tôn-xtôi)
        Anh/Chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Qua việc cảm nhận tác phẩm Hai đứa trẻ (Thạch Lam, Ngữ văn 11, tập 1, NXBGD Việt Nam 2018) và liên hệ với Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên (Nguyễn Dữ, Ngữ văn 10, tập 2, NXBGD Việt Nam 2018) hãy làm sáng tỏ ý kiến.
——————-Hết—————–
 
HƯỚNG DẪN CHẤM
ĐỀ THI KSCL ĐỘI TUYỂN HỌC SINH GIỎI
NĂM HỌC 2019 – 2020
Môn thi: VĂN
 

Câu Ý Yêu cầu cần đạt Điểm
    I. Đọc – hiểu 6,0
1        Theo tác giả, với cậu bé Santiago, giờ đây cây chà là có ý nghĩa là: “bóng mát, là nước và nơi tránh chiến tranh”. 1,0
2        Khi đứng trước hàng cây chà là dài ngút mắt, cậu bé Santiago đã bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ: cậu hài lòng khi đứng trước hàng chà là, khi đã vượt qua chặng đường đầy gian nan, thử thách khắc nghiệt; cậu nhớ về khó khăn đã qua, trân trọng những giây phút tươi đẹp của hiện tại và tiếp tục mơ ước cho tương lai. 1,0
3        -Khi chứng kiến cảnh dân chúng reo hò, vui mừng đón đoàn lữ hành đến được ốc đảo, nhà luyện kim đan không quan tâm mấy đến những điều ấy nhưng không thể không cảm thấy vui trước hạnh phúc của mỗi người lữ khách. Như vậy, điều mà nhà luyện kim đan quan tâm chính là niềm hạnh phúc của con người khi họ vượt thử thách, hiểm nguy thậm chí cả cái chết đe dọa trên sa mạc để đến được ốc đảo.
-Suy nghĩ của bản thân: học sinh trình bày suy nghĩ của bản thân. (Gợi ý: Trong cuộc sống, điều đáng quan tâm là cảm xúc của những người vừa vượt qua những khó khăn thử thách, vừa có những trải nghiệm sâu sắc, ý nghĩa trong cuộc đời. Đó là kết quả của khát vọng; của quyết tâm thực hiện mục tiêu; của ý chí, nghị lực, niềm tin của con người. Chúng ta cần biết trân trọng điều đó.)
2,0
4        Đồng tình với ý kiến của tác giả: “Có thể Thượng Đế tạo ra sa mạc chỉ để cho con người biết quý trọng cây chà là”?
Bởi vì:
–        Sa mạc là con đường mà người lữ khách phải vượt qua, là nơi khô cằn, khắc nghiệt. Hình ảnh này là biểu tượng cho những khó khăn, thử thách, hiểm nguy trong cuộc sống.
–        Cây chà là bóng mát, là nước và nơi tránh chiến tranh trong suy nghĩ của cậu bé chăn cừu. Đó là biểu tượng của sự sống ngọt ngào, niềm vui, nơi che chở, chốn bình yên. Là những giá trị mà con người luôn kiếm tìm, khát khao vươn tới.
=>Con người trải qua những thăng trầm, thử thách gian nan mới tìm đến sự trân quý, tìm đến cuộc sống tươi đẹp hơn; thấy được giá trị, ý nghĩa cao cả của mình. Khi đó, con người sẽ trân trọng hơn những giá trị của cuộc sống, trân trọng hơn những gì mình đã nỗ lực để đạt được trong hiện tại.
 (Thí sinh có thể có suy nghĩ khác nhưng cách lí giải phải hợp lí, phù hợp với đạo đức, văn hoá và pháp luật thì mới được chấp nhận).
2.0
    II. Làm văn 14,0
1             Từ đoạn ngữ liệu trong phần đọc – hiểu và những trải nghiệm thực tế, anh/chị hãy viết một bài văn (khoảng 400 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về ý nghĩa của khoảnh khắc trong cuộc đời mỗi con người. 4,0
Về kĩ năng:
Thí sinh biết cách làm bài văn nghị luận xã hội, vận dụng tốt các thao tác lập luận.
– Bài viết đảm bảo bố cục ba phần, rõ ràng, diễn đạt trong sáng, mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
0,5
Về kiến thức:
Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng cần đạt được những yêu cầu sau:
 
1 Giải thích:  Khoảnh khắc là khoảng thời gian ngắn ngủi, trôi qua một cách nhanh chóng, không lặp lại; đó cũng là cơ sở tạo nên toàn bộ thời gian cuộc đời. 0,5
2 Bàn luận:
-Khoảnh khắc có vai trò, ý nghĩa rất lớn đối với cuộc đời mỗi người:
+ Cuộc đời mỗi người là sự tiếp nối của rất nhiều khoảnh khắc. Đó là những mảnh ghép cho cuộc sống, dù vui hay buồn, theo năm tháng sẽ tạo nên bức tranh phong phú, muôn màu của cuộc đời con người.
+ Mỗi khoảnh khắc sống có ý nghĩa sẽ tạo nên một cuộc đời ý nghĩa. Một cuộc đời có ý nghĩa sẽ có nhiều khoảnh khắc có giá trị, đáng trân trọng.
+ Trong cuộc đời mỗi người, có những khoảnh khắc làm nên giá trị cuộc sống, quyết định số phận con người; cũng có những khoảnh khắc tẻ nhạt, trôi qua vô nghĩa thậm chí có những khoảnh khắc đẩy con người vào số phận bi kịch… Vì cuộc sống không bao giờ hoàn hảo tuyệt đối. Cuộc sống thực sự là một chuỗi khoảnh khắc vui- buồn, thành công – thất bại, đan xen, kết hợp với nhau.
-Làm thế nào để tận hưởng từng khoảnh khắc trọn vẹn của cuộc đời. Bạn hãy tập trung vào hiện tại và niềm vui, hạnh phúc của ngày hôm nay để cuộc đời mình không bị trôi qua vô ích. Khoảnh khắc của hiện tại là khoảng thời gian quý giá, giàu ý nghĩa. Khi sống tích cực với hiện tại chúng ta sẽ được kế thừa quá khứ, hiện thực hóa ước mơ, chuẩn bị cho tương lai. Đừng chờ đợi mà hãy sống hết mình cho mỗi phút giây hiện tại để tìm được hạnh phúc đích thực.
-Phê phán những người lãng phí từng khoảnh khắc của cuộc đời để thời gian trôi qua vô nghĩa.
 
 
 
0,5
 
 
 
 
0,5
 
 
 
0,5
 
 
 
 
 
0,5
 
 
 
 
 
 
0,5
3 Bài học:
Hãy trân trọng.từng khoảnh khắc, sống hết mình tạo nên những khoảnh khắc đẹp đẽ.
– Chỉ bằng cách sống cuộc đời mình trong từng khoảnh khắc của nó, bạn sẽ sống trọn vẹn từng ngày của đời mình.
0,5
2          “Sáng tạo là một quá trình kép: nhà văn vừa sáng tạo ra thế giới vừa kiến tạo gương mặt mình”. ( Tôn-xtôi)
        Anh/Chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Qua việc cảm nhận tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam và liên hệ với Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên của Nguyễn Dữ, hãy làm sáng tỏ ý kiến.    
10,0
  Yêu cầu:
–  Kiểm tra năng lực viết bài nghị luận văn học của thí sinh. Đòi hỏi thí sinh phải huy động kiến thức về lý luận văn học, tác phẩm văn học, kĩ năng tạo lập văn bản, khả năng cảm nhận văn chương của mình để làm bài
– Thí sinh có thể cảm nhận và kiến giải theo những cách khác nhau, nhưng phải có lý lẽ, căn cứ xác đáng.
 
  Về kĩ năng:
Thí sinh biết cách làm bài văn nghị luận văn học, vận dụng tốt các thao tác lập luận.
– Bài viết đảm bảo bố cục ba phần, rõ ràng, diễn đạt trong sáng, mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
0.5
  Về kiến thức:Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng cần đạt được những yêu cầu sau:  
1 Giải thích ý kiến: 1,0
      – Sáng tạo ra thế giới:
Thế giới chính là thực tế của thời đại được nhà văn phản ánh trong tác phẩm dựa trên nền tảng sự thật của hiện thực đời sống, thể hiện tư tưởng thẩm mĩ cũng như phong cách nghệ thuật của nhà văn.
à Sáng tạo ra thế giới: là cách nhìn, cách cảm nhận riêng của nhà văn về hiện thực đời sống với những khám phá, phát hiện, khơi dậy những điều mới mẻ, tiềm ẩn trong hiện thực đời sống. Thế giới ấy vừa mang dấu ấn hiện thực nhưng lại chưa có bao giờ để phản ánh sâu sắc thực tế thời đại và con người.
– Kiến tạo gương mặt mình: từ sự trải nghiệm hiện thực, nhà văn chắt lọc được những điều quý giá, đẹp đẽ của cuộc đời và con người để hoàn thiện bản thân. Đồng thời tạo ra nét khác biệt, dấu ấn riêng, cá tính sáng tạo trên trang văn của mình.
– Quá trình kép: hai hoạt động song song, không tách rời, bổ sung, nâng đỡ nhau: khi tạo ra thế giới mới mẻ từ cách nhìn cách cảm của mình thì đồng thời nhà văn cũng thể hiện rõ cá tính sáng tạo, phong cách  riêng trong cách phản ánh hiện thực  để bộc lộ tư tưởng quan điểm nghệ thuật của mình. Chính phong cách độc đáo của tác giả khiến cho “ thế giới mới vừa được tạo lập” trở nên cuốn hút đặc biệt
=> Ý kiến trên nhấn mạnh bản chất của sáng tạo nghệ thuật và yêu cầu đối với người nghệ sĩ: nhà văn vừa tìm tòi, sáng tạo cái mới, cái chưa từng có trong phản ánh hiện thực, vừa hoàn thiện bản thân và tạo nên phong cách nghệ thuật của riêng mình.
 
 
0,25
 
 
 
 
 
 
 
 
 
0,25
 
 
 
 
 
0,25
 
 
 
 
 
 
0,25
2 Lý giải mở rộng 1,0
   Văn học bắt nguồn từ đời sống, phản ánh hiện thực đời sống nhưng không phản ánh đơn thuần, không sao chép nguyên bản “ những điều trông thấy” mà còn thể hiện tình cảm của người nghệ sĩ trước cuộc đời. Vì thế giới nghệ thuật gắn liền với hoạt động nhận thức, tư tưởng, từ ấn tượng tới cảm xúc. Người nghệ sĩ quan sát rồi ghi lại dấu ấn chủ quan, nhào nặn, tái tạo hiện thực theo quy luật của cái đẹp, in dấu xúc cảm thẩm mỹ của mình. Văn học là sự thật ở đời nhưng chỉ được phơi bày qua lăng kính chủ quan của nhười nghệ sĩ. Bằng năng lực sáng tạo và độ nhạy bén tinh tế, nhà văn sẽ tạo lập cho mình một thế giới riêng và thế giới ấy là hiện thực được phản chiếu qua ánh sáng tư tưởng của nhà văn.
Trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, người nghệ sĩ không chỉ phản ánh, tái hiện cuộc sống, nêu lên những hiểu biết về thế giới, nhận thức thế giới mà còn bày tỏ thái độ chủ quan của mình, nói lên ước mơ, khát vọng của mình về thế giới, về cuộc sống. Những ưu tư day dứt về cuộc đời, con người sẽ khiến nhà văn càng thêm đầy đủ trong nhận thức về thế giới và đôi mắt sẽ luôn hướng về con người với bao niềm yêu thương và tin tưởng, nhà văn mới dần trở nên hoàn thiện mình, lấp đầy những thiếu xót và bồi dưỡng cho tâm hồn thêm trong sáng và thuần khiết. Đồng thời, nhà văn phản ánh hiện thực bằng cách thức riêng, tạo cho mình dấu ấn không thể trộn lẫn- phong cách riêng, độc đáo. Trong quá trình lao động nghệ thuật, nhà văn chân chính luôn có ý thức tạo ra cho mình một dấu ấn riêng .Văn chương là bản ngã, là cái tôi, là tài năng và tâm hồn người cầm bút.
0,5
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
0,5
 
3         Cảm nhận tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam và liên hệ với Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên của Nguyễn Dữ, hãy làm sáng tỏ ý kiến.     6,5
  a.Cảm nhận tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam
Vài nét về tác giả Thạch lam và truyện ngắn Hai đứa trẻ .
Hai đứa trẻ “bắt rễ ở cuộc sống hàng ngày của con người”
+ Hiện thực xã hội đương thời được Thạch Lam phản ánh trong    “ Hai đứa trẻ” là cảnh đời đơn điệu, hắt hiu ở một phố huyện nhỏ, nghèo nàn, xa xôi hẻo lánh lúc chập choạng tối và khi đêm về. Với những nhân vật bé  nhỏ; cử chỉ lặng lẽ, chậm chạp, nói năng kiệm lời và giọng thấp như hòa lẫn hơi thở dài. Tất cả đều vô vọng, bế tắc. Đó là : “ mấy đứa trẻ con nhà nghèo ở ven chợ cúi lom khom trên mặt đất, đi lại tìm tòi. Chúng nhặt nhạnh mẩu nứa, thanh tre, hay bất kỳ cái gì có thể dùng được của người bán hàng để lại..”; là chị Tý ban ngày mò cua bắt tép, tối đến ra đường dựng cái hàng chè tươi, lèo tèo leo lét ngọn đèn dầu “ chả kiếm được bao nhiêu, nhưng chiều nào chị cũng dọn hàng từ chập tối cho đến đêm…”, một gánh hàng phở rong ế khách và một đám hát xẩm còn ế hơn. “ Gia đình bác xẩm ngồi trên manh chiếu, cái thau trắng để ở trước mặt, nhưng bác chưa hát vì chưa có khách (…) vợ chồng bác xẩm góp chuyện bằng mấy tiếng đàn bầu bần bật trong yên lặng. Thằng con bò ra đất, ngoài manh chiếu, nghịch nhặt những rác bẩn vùi trong cát ven đường.” Họ ở vị trí tiền cảnh của bức tranh đời buồn thảm, mờ mờ lay động.
Trái hẳn với những nhân vật như: chị Tý, vợ chồng bác xẩm…Liên – An còn ý thức được nỗi đau số kiếp, còn có một khát khao thay đổi. Chị em: “Liên và em cố thức vì cớ khác, vì muốn được nhìn chuyến tàu”, được nhìn thấy toa đèn sang trưng và đoàn tàu chạy về phía ánh sáng phố phường, nghĩa là ánh sáng văn minh.Tuy nhiên, đó chỉ là niềm vui ngắn ngủi và sự buồn tẻ lại lấp tràn cái “ cửa hàng tạp hóa nhỏ xíu” của chị em Liên. Hiện thực xã hội đương thời là vậy.
à Tác phẩm “Hai đứa trẻ” là bức tranh hiện thực về cuộc sống tù đọng, tối tăm của xã hội Việt Nam trước CMT8- 1945. Một bức tranh được vẽ bằng những gam màu u tối, nhợt nhạt. Ánh sáng chỉ le lói, yếu ớt. Họa vào đó là những âm thanh nhỏ nhoi, uể oải, chậm chạp, mệt mỏi. Những con người tàn tạ, nghèo nàn, khốn khổ sống đơn điệu, quẩn quanh tẻ nhạt…
+ Tác phẩm phản ánh được những vấn đề tồn tại của hiện thực đời sống. Nhưng tác giả không sao chép thực tế một cách cứng nhắc mà gửi gắm vào đó nhiều điều mới mẻ, sâu sắc. Điều mà tác giả muốn gửi đến độc giả chính là cuộc sống nghèo khó nhưng đầy tình người và khát vọng của những người dân nơi một phố huyện trước Cách mạng tháng Tám. Thạch Lam thể hiện niềm trân trọng thương xót đối với những kiếp người nhỏ bé, sống trong hoàn cảnh nghèo nàn, tăm tối, buồn chán nơi phố huyện;  trân trọng, đồng cảm với những khoảnh khắc đẹp, những tâm hồn chưa hẳn đã lụi tàn, những cuộc đời đang cố gắng sống và hi vọng vào một tương lai tốt đẹp, tươi sáng hơn. Thạch Lam dường như còn muốn lay tỉnh những tâm hồn đang buồn chán, đang sống quẩn quanh, lam lũ hay cố vươn tới ánh sáng ?
-Quá trình sáng tạo là một hành trình song song, cuộc đời đã được thể hiện qua cái nhìn của nhà văn chất chưa bao duy tư, trăn trở của một tấm lòng yêu thương con người và chính những ưu tư day dứt về cuộc đời con người ấy nhà văn mới dần trở nên hoàn thiện mình, lấp đầy những thiếu xót và bồi dưỡng cho tâm hồn thêm trong sáng và thuần khiết. Nhà văn càng thêm đầy đủ trong nhận thức về thế giới và đôi mắt sẽ luôn hướng về con người với bao niềm yêu thương và tin tưởng. Sau tác phẩm không riêng độc giả vươn đến giá trị chân – thiện –mỹ mà nhà văn, người sáng tạo cũng dần hoàn thiện bản thân hơn.
Đồng thời, truyện khẳng định một phong cách độc đáo của Thạch Lam: giàu chất thơ. Truyện thể hiện một lối kết cấu độc đáo, truyện không có chuyện, không có mâu thuẫn, xung đột, chỉ là những chi tiết, hình ảnh khơi gợi cảm giác, suy tư trăn trở về những kiếp người sống tàn tạ, lay lắt nơi ga xép, phố huyện nghèo nàn. Truyện đi sâu vào miêu tả tâm lý, tâm trạng nhân vật với những biểu hiện cảm xúc vi tế, mơ hồ mà có sức lay động tâm hồn sâu sắc. Giọng điệu trữ tình, nhẹ nhàng, câu văn mang đậm chất thơ, diễn tả được nhiều sắc thái tâm trạng nhân vật.
b. Liên hệ với Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên của Nguyễn Dữ
 – Nguễn Dữ phơi bày hiện thực xã hội mà ông đang sống – đầu thế kỉ XVI với nhiều bất công ngang trái: kẻ ác lộng hành, được hưởng an nhàn, sung sướng, người hiền phải chịu nhiều oan khuất, sống khổ cực; quan lại tham lam của đút, người đại diện cho pháp luật bị lấp tai, che mắt. Đó chính là hiện thực hết sức bất ổn được Nguyễn Dữ phản ánh trong tác phẩm.
– Qua hiện thực được phản ánh  Nguyễn Dữ gửi gắm nhiều tư tưởng, quan điểm sâu sắc: đề cao tinh thần khảng khái, cương trực, dám đấu tranh chống lại cái ác trừ hại cho dân của, một trí thức yêu chính nghĩa, dũng cảm, cương trực, dám đấu tranh. Truyện thể hiện khát vọng công lí, niềm tin công lí, chính nghĩa nhất định sẽ chiến thắng. Tác phẩm cũng là lời kêu gọi của tác giả, mọi người hãy đứng lên để cùng đấu tranh tiêu diệt cái xấu, cái ác, bảo vệ công lí, chính nghĩa.
Chuyện chức phán sự đền Tản Viên của Nguyễn Dữ là một tác phẩm nghệ thuật mà ở đó hiện thực cuộc sống được phản ánh theo cách riêng của thể loại truyền kì và tài năng của người nghệ sĩ. Chuyện chức phán sự đền Tản Viên tiêu biểu cho đặc trưng thể loại truyền kì với tính chất kì ảo, phản ánh đúng tinh thần chung của Nguyễn Dữ trong cuốn Truyền kì mạn lục là lấy cái “kì” để nói cái “thực”. Kì ảo là phương thức đặc biệt chuyên chở nội dung và cảm hứng hiện thực làm cho câu chuyện sinh động hấp dẫn, tạo dấu ấn riêng cho trang văn Nguyễn Dữ.
4.0
0,5
2.0
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
1.5
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
2.5
 
 
1.0
 
 
 
 
 
 
0.5
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
1.0
4 Bình luận, đánh giá 1.0
    – Ý kiến của Tôn-xtôi rất xác đáng, hữu ích đối với cả người cầm bút và người thưởng thức văn chương.
– Đối với người sáng tácQuá trình sáng tạo nghệ thuật là một hành trình lao động miệt mài. Nó đòi hỏi người nghệ sĩ phải sống thật với đời, thấu cảm được những vui buồn, sướng khổ của con người trước cuộc đời để sáng tạo và hoàn thiện tâm hồn mình. Nhà văn cần có ý thức sâu sắc về sứ mệnh của mình, đồng thời có đủ tâm, tài, bản lĩnh và khát vọng trên con đường sáng tạo để tạo nên phong cách nghệ thuật riêng độc đáo.
Đối với người đọc: Phải cùng với nhà văn không ngừng nâng cao nhận thức và bồi đắp tâm hồn, tình cảm của mình qua tác phẩm văn học.
 
 
Lưu ý chung:
1. Đây là hướng dẫn chấm mở, khuyến khích những bài trình bày sáng tạo. Chấp nhận những bài tư duy không giống hướng dẫn chấm, nhưng có hệ thống ý thuyết phục, căn cứ xác đáng.
2.Thang điểm có thể không quy định chi tiết đối với từng ý nhỏ, chỉ nêu mức điểm của phần nội dung lớn cần phải có.
3. Chỉ cho điểm tối đa theo thang điểm với những bài viết đáp ứng được những yêu cầu đã nêu ở mỗi câu, đồng thời phải được triển khai chặt chẽ, diễn đạt lưu loát.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *