Đề nguồn thi HSG duyên hải Bắc Bộ Ngữ văn 11 năm 2019 trường ĐH KH GD

TRƯỜNG ĐẠI HỌC GIÁO DỤC- ĐHQGHN

ĐỀ THI ĐỀ XUẤT XUẤT

TRƯỜNG THPT KHOA HỌC GIÁO DỤC

KÌ THI HỌC SINH GIỎI CÁC TRƯỜNG CHUYÊN KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ
LẦN THỨ XII, NĂM 2019
Môn: Ngữ văn- Khối 11
Thời gian làm bài: 180phút (không kể thời gian phát đề)
    Ngày thi: 20/04/2019

 
Câu 1 (8 điểm)
Trong Chuyện con mèo dạy hải âu bay, chú mèo Zorba đã nói với cô hải âu con mà mình cứu sống và nuôi dưỡng:
Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương một kẻ nào đó giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình thực sự rất khó khăn,
Từ câu nói trên, anh/ chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về tình yêu thương và sự khác biệt.
Câu 2. (12 điểm)
Trong tiểu thuyết Sông nhà văn Nguyễn Ngọc Tư viết:
Thật là lạ, ngay cả khi nghe người nào đó kể chuyện đời họ, mình cũng không có cảm giác chắc chắn là đã biết. Không chắc chắn được cái củ hành đó đã được bóc đến lớp tận cùng chưa.
Bằng hiểu biết của mình về các tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 11, anh/ chị hãy bàn về niềm trăn trở của nhà văn đối với thân phận con người.
 
GIÁO VIÊN RA ĐỀ
Hoàng  Lan Hương
 
 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC GIÁO DỤC- ĐHQGHN
TRƯỜNG THPT KHOA HỌC GIÁO DỤC
KÌ THI HỌC SINH GIỎI CÁC TRƯỜNG CHUYÊN KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ
Môn: Ngữ văn- Khối 11
NĂM HỌC: 2018 – 2019
    Ngày thi: 20/04/2019

GỢI Ý ĐÁP ÁN
Câu 1 (8 điểm)

  1. Yêu cầu chung
  2. Học sinh hiểu được ý nghĩa của câu văn, từ đó suy nghĩ về mối quan hệ giữa tình yêu thương và sự khác biệt trong đời sống.
  3. Huy động những kiến thức xã hội có liên quan, đặc biệt là trải nghiệm của chính người viết để giải quyết một cách thuyết phục những nội dung mà đề bài đặt ra
  4. Bài viết rõ ràng, mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, diễn đạt…
  5. Yêu cầu cụ thể
Các ý chinh Điểm
1.  Giải thích– Phân tích
–  Giải thích ý nghĩa của câu văn trích trong Chuyện con mèo dạy hải âu bay:Trong cuộc sống chúng ta thường dễ dàng gắn bó và dành tình cảm cho những người giống mình. Tuy nhiên, để chấp nhận, gắn bó và yêu thương những người khác mình lại cực kì khó khăn. Nếu như sự gần gũi, gắn bó với những người giống mình thường là tình cảm tự nhiên thì yêu thương những kẻ khác biệt là cả một sự nỗ lực, cố gắng
– Phân tích chi tiết:
· Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương một kẻ nào đó giống mình: chúng ta thường dễ dàng gần gũi và yêu thương những người giống mình, thậm chí cảm thấy sự gần gũi ấy như một lẽ tự nhiên bởi những điểm chung bản thân nó đã là cầu nối giữa hai con người. Càng có nhiều điểm giống nhau, người ta càng dễ thấu hiểu, chia sẻ, tin tưởng và gắn bó với nhau. Đồng cảnh thường dễ khiến người ta đồng cảm, và nhất là khi tìm được sự đồng điệu trong tâm hồn thì con người gắn bó với nhau càng bền chặt hơn.
· Để yêu thương ai đó khác mình thực sự rất khó khăn:  nếu như sự tương đồng tạo nên một cầu nối tự nhiên giữa hai con người, hai tâm hồn thì sự khác biệt, bản thân nó đã là khoảng cách mà nếu không vượt qua được, không rút ngắn được thì con người ta mãi mãi đứng bên cạnh nhau là hai mảnh đời xa lạ. Sự khác biệt luôn là một rào cản tâm lý khiến cho con người ta khó chấp nhận và thích ứng với tính cách của nhau, khó có thể lắng nghe, thấu hiểu hay mở lòng chia sẻ. Sự khác biệt thậm chí còn có thể tạo nên những xung đột căng thẳng khiến cho hai tâm hồn vốn khác biệt lại càng trở nên xa cách, không thể dung hòa. Yêu thương những kẻ khác mình thực sự khó khăn còn bởi con người thường có xu hướng đề cao bản thân mình, khó mà đặt mình vào vị trí của người khác. Hơn thế, để chấp nhận và yêu thương một con người với tất cả những khác biệt là một quá trình dài, đòi hỏi sự bao dung, kiên nhẫn và rất nhiều nỗ lực. Chúng ta đều ý thức được việc cần phải nỗ lực để hiểu và yêu thương một con người nhưng không phải ai cũng làm được điều đó.
→ Câu văn nói về một quy luật tâm lý của con người để nhắc nhở chúng ta về tình yêu thương trong cuộc đời cần vượt qua được khó khăn đến từ sự khác biệt.
–  Từ câu văn trên, học sinh trình bày và giải thích ý kiến của mình về tình yêu thương và sự khác biệt (những ý tưởng sau chỉ mang tính chất tham khảo, học sinh có thể đưa ra những suy nghĩ khác, miễn là diễn giải một cách thuyết phục)
+ Yêu thương là chấp nhận sự khác biệt: để có thể yêu thương cần có sự thấu hiểu. Tuy nhiên chúng ta quen nghĩ rằng phải có nhiều điểm chung thì mới dễ dàng thấu hiểu nhau, chúng ta cố gắng tìm kiếm điểm tương đồng ở nhau, xóa bỏ sự khác biệt hay tìm cách thay đổi bản thân để những khác biệt có thể trở nên những tương đồng. Đây đúng là một nỗ lực đáng trân trọng nhưng không hoàn toàn đúng đắn. Chúng ta chỉ có thể thay đổi để hoàn thiện chính mình, học cách thích nghi và hòa nhập chứ không nên và không thể chối bỏ bản thân để tìm cách trở thành phiên bản của người khác. Xét cho đến cùng, con người ta sinh ra đã khác biệt, những trải nghiệm trong cuộc sống làm cho chúng ta khác biệt và giá trị của chúng ta cũng nằm trong chính những khác biệt đó. Vì thế, để thấu hiểu nhau điều đầu tiên là phải trân trọng những nét cá tính riêng biệt của nhau, chấp nhận và đừng bao giờ đem sự khác biệt ra để phán xét một con người.
+ Yêu thương chính sự khác biệt ấy: để có thể yêu thương nhau, chúng ta không chỉ phải học cách chấp nhận sự khác biệt mà hơn thế cần học cách yêu thương chính sự khác biệt ấy như là một phần của mỗi người. Chỉ khi ấy, sự khác biệt mới thôi không còn là rào cản, không còn là khoảng cách mà lại khiến chúng ta dễ dàng đến gần nhau hơn, dành tình cảm cho nhau một cách vô tư, dễ dàng bao dung với nhau hơn.
+ Yêu thương vượt lên trên sự khác biệt: tình yêu thương giữa con người với con người theo ý nghĩa đẹp đẽ và lý tưởng nhất của nó sẽ là thứ vượt lên trên mọi giới hạn. Xét cho đến cùng chúng ta mang trong mình vô số sự khác biệt từ màu da, dân tộc, tôn giáo đến quê hương bản quán, không gian sinh sống, văn hóa, tiếng nói… cho đến tính cách, suy nghĩ, thói quen… nhưng chúng ta cũng lại giống nhau vô cùng trong những ước mơ, khát vọng yêu thương, hòa bình, công bằng, hạnh phúc… trong cả sự mạnh mẽ và yếu đuối… Vì thế, chúng ta sẽ yêu thương nhau vì chúng ta giống nhau và sẽ còn phải yêu thương nhau hơn vì chúng ta khác biệt, để yêu thương có thể lấp đầy những khoảng cách của sự khác biệt. Đó là thứ tình cảm nhân loại.
4 điểm
2.  Chứng minh:
Học sinh lấy dẫn chứng từ các hiện tượng, sự kiện đời sống và từ chính trải nghiệm của bản thân để chứng minh
3 điểm
3.  Bình luận
–  Khẳng định giá trị của tình yêu thương vượt lên trên mọi khác biệt
–  Có thể mở rộng bàn luận về cách mà chúng ta đem tình yêu thương ra để ứng xử với sự khác biệt đôi khi không thực sự đúng đắn. Với sự khác biệt của thiểu số, nhiều khi ta thương hại, ban phát tình thương cho họ hơn là một sự cảm thông, yêu thương vô tư, chân thành…
–  Liên hệ bản thân
1 điểm

 
Câu 2 (12 điểm)

  1. Yêu cầu chung
  2. Học sinh hiểu được ý kiến của Nguyễn Ngọc Tư về niềm trăn trở của nhà văn đối với thân phận con người- từ đó thêm trân trọng lao động nghệ thuật của nhà văn cùng những giá trị mà tác phẩm văn chương đem lại.
  3. Huy động các kiến thức lí luận văn học có liên quan: nhà văn và lao động nghệ thuật, đặc trưng và những giá trị cơ bản của văn chương…để giải thích một cách thuyết phục vấn đề mà đề bài đặt ra
  4. Huy động cách kiến thức về quan niệm văn học, các tác giả, tác phẩm văn học để chứng minh cho ý kiến đề bài đưa ra, đặc biệt là các kinh nghiệm tiếp nhận tác phẩm văn học của chính bản thân người viết
  5. Bài viết rõ ràng, mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, diễn đạt…
  6. Yêu cầu cụ thể
Các ý chính Điểm
1.   Giải thích + Phân tích
–       Giải thích khái quát: Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư dùng hình ảnh “củ hành” để nói về niềm trăn trở của nhà văn đối với thân phận con người. Trước một thân phận người, nhà văn không bao giờ có thể bằng lòng về những điều đã nghe đã thấy, nhà văn phải không ngừng đặt câu hỏi, không ngừng nghĩ suy về những điều còn ẩn giẩu bên trong. Như một củ hành có nhiều lớp, nhà văn phải đi tìm con người bên trong con người, đi tìm sự thật bên trong sự thật, bóc tách từng lớp để chạm đến được bản chất của con người, cốt lõi của cuộc đời. Cũng như bóc một củ hành, hành trình cố “tìm để hiểu” một con người, chạm đến được cốt lõi của đời sống là một hành trình đầy khổ đau và nhiều nước mắt.
–       Phân tích chi tiết: lí giải từ đặc trưng của văn chương và ý thức về trách nhiệm của người cầm bút.
+ Đặc trưng, bản chất của văn chương: văn chương ra đời từ cuộc đời, phản ánh hiện thực đời sống nhưng không đơn thuần chỉ là một bức ảnh chụp, một bản sao nhợt nhạt của cuộc đời. Sở dĩ văn chương có ý nghĩa với cuộc đời là bởi nó đem đến những nhận thức sâu sắc về con người và cuộc đời. Văn chương không tái hiện bề mặt mà khám phá chiều sâu của đời sống, văn chương thức tỉnh con người về một thực tại không giản đơn, một cuộc đời trăm ngả bộn bề, những phận người ngổn ngang trăm mối, những xung đột của con người với hoàn cảnh, với hệ giá trị và cả những cuộc đấu tranh, dằn vặt trong thế giới nội tâm…
+ Ý thức trách nhiệm của nhà văn trước cuộc đời: nhà văn không phải chỉ là người thư ký ghi chép lại các sự việc xảy ra, không chỉ là người thợ chép lại trong tranh những điều mắt thấy, phận sự của nhà văn là đem đến một cái nhìn mới, một cái nhìn sâu sắc hơn về con người và cuộc đời. Nhà văn khám phá những uẩn khúc, những trái ngang giữa cuộc đời tưởng bình yên muôn thuở. Nhà văn tìm thấy những góc khuất bên trong thân phận mỗi con người, những vẻ đẹp bị che lấp đi, những giấc mơ và khát vọng bị bào mòn bởi chính cuộc đời nhọc nhằn, lam lũ… Nhà văn không bao giờ được phép bằng lòng với những điều đã thấy, phải liên tục đặt câu hỏi tại sao, phải dỡ bỏ những rào cản định kiến để nhìn có thể nhìn thật sâu vào thân phận con người.
+ Cho dù hành trình đi tìm sự thật về tâm hồn con người, bản chất của cuộc đời không phải là một hành trình đơn giản, nhà văn sẽ phải chịu nhiều tổn thương từ chính những điều mình nghe thấy, những điều trông thấy nhưng nhà văn chân chính sẽ không chấp nhận thỏa hiệp với cái nhìn hời hợt, giản đơn về con người và cuộc đời
5
2.   Chứng minh
Học sinh chứng minh quan niệm của Nguyễn Ngọc Tư bằng sự hiểu biết của mình về quan niệm sáng tác của các nhà văn, trải nghiệm tiếp nhận các tác phẩm văn chương nói chung và các tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 11 nói riêng
5
3.   Bình luận:
Từ quan niệm của Nguyễn Ngọc Tư, bàn luận về sứ mệnh của nhà văn chân chính và giá trị của văn chương đích thực, ý thức trách nhiệm của người sang tạo ra văn chương và sự trân trọng đối của người tiếp nhận đối với lao động của nhà văn và thành quả là tác phẩm.
2

 
GIÁO VIÊN LÀM GỢI Ý CHẤM
Hoàng  Lan Hương
 
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *