Đề nguồn thi HSG duyên hải Bắc Bộ Ngữ văn 11 năm 2019 – Chuyên Sơn La

TRƯỜNG ĐH SƯ PHẠM HÀ NỘI
TRƯỜNG PTTH CHUYÊN
————-
  CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—-—«™—-

ĐÁP ÁN ĐỀ NGUỒN THI HSG DUYÊN HẢI BẮC BỘ 2019
MÔN NGỮ VĂN 11
Câu 1 (8.0 điểm)

  1. Yêu cầu về kĩ năng

– Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội, biết vận dụng tốt các thao tác lập luận.
– Tổ chức bố cục bài viết mạch lạc, chặt chẽ; không mắc lỗi diễn đạt, chính tả, ngữ pháp.

  1. Yêu cầu về kiến thức

Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần đảm bảo một số yêu cầu cơ bản sau:

  1. Giải thích nội dung ý kiến

Ý kiến trên đã nêu lên một nghịch lý, cũng chính là sai lầm của con người:
Con người thường đánh giá người khác theo chỗ đứng, quan điểm, thước đo của bản thân; nhưng cuộc sống của chính mình lại bị chi phối bởi cái nhìn, quan điểm, tiêu chuẩn của người khác.

  1. Bình luận

* Mỗi con người là một thế giới riêng tư, và là duy nhất. Mỗi người có một quan điểm, lập trường, tiêu chuẩn riêng. Không thể có tiêu chuẩn, thước đo nào áp dụng đúng với tất cả mọi người, trong mọi thời điểm. Tuy nhiên, con người thường mắc vào những sai lầm:
Chúng ta thường đánh giá người khác theo tiêu chuẩn của mình:
+ Con người thường có thói quen đánh giá, phán xét người khác. Nhưng khi đánh giá người khác, ta lại thường lấy quan điểm, lập trường của ta để đánh giá họ, chứ không tìm hiểu kĩ về họ, không đặt mình vào vị trí của họ để thấu hiểu.
+ Vì thế, sự đánh giá của ta thường chủ quan, phiến diện và dễ mắc sai lầm. Ta dễ trở thành kẻ áp đặt, định kiến, hẹp hòi, khó cảm thông, đồng cảm với mọi người xung quanh.
sau đó lại dành cả đời để sống theo tiêu chuẩn của người khác:
+ Con người thích phán xét người khác, nhưng lại sợ bị người khác phán xét; con người dễ bị chi phối bởi quan niệm, cái nhìn của những người xung quanh. Nhiều người chọn sống trong cái kén được bao bọc bởi tiêu chuẩn của người khác, thay vì sống với thang giá trị, với mong muốn, khát vọng của chính mình. Điều này thường gặp ở những con người thiếu tự tin, không dám thể hiện bản ngã, luôn lo sợ nếu sống khác với tiêu chuẩn của mọi người, ta sẽ bị cô lập, sẽ bị soi mói, sẽ bị thất bại,…
+ Lựa chọn sống theo tiêu chuẩn của người khác, con người thường rơi vào trạng thái gồng mình, gò ép mình cho vừa khuôn mẫu của người khác, khó đạt được thành công, hạnh phúc và cảm giác bình yên; dễ đánh mất bản ngã, bỏ lỡ sở trường, khát vọng của riêng mình.
Học sinh lấy dẫn chứng để làm sáng tỏ.

  1. Bài học nhận thức và hành động

– Cần biết tôn trọng cá nhân, biết đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu, đồng cảm; tránh cái nhìn chủ quan, phiến diện, áp đặt.
– Cần biết lắng nghe bản thân, xác lập và sống với tiêu chuẩn, thang giá trị của chính mình, biết tiếp thu góp ý từ người khác một cách tích cực, có bản lĩnh sống vững vàng để không bị chi phối bởi cái nhìn, quan niệm phiến diện của người khác.
Câu 2 (12.0 điểm)

  1. Yêu cầu về kĩ năng

– Biết cách làm bài văn nghị luận về một vấn đề lí luận văn học, bố cục rõ ràng, vận dụng tốt các thao tác lập luận.
– Biết cách chọn và khai thác dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận.
– Tổ chức bố cục bài viết mạch lạc, không mắc lỗi diễn đạt, chính tả, ngữ pháp.

  1. Yêu cầu về kiến thức

Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần đảm bảo một số yêu cầu cơ bản sau:

  1. Giải thích ý thơ của Lưu Quang Vũ

– Những câu thơ của Lưu Quang Vũ đã nêu lên quan niệm về nhà thơ và thơ:
+ Thơ mang lửa đến cho đời: đó là những vần thơ đem tới ánh sáng, hơi ấm cho cuộc đời; thơ thắp lửa trong tim người đọc, đó là ngọn lửa của tình yêu thương, của lương tri, của khát khao hướng về chân – thiện – mĩ. Theo Lưu Quang Vũ, đó chính là sứ mệnh của thơ ca nói riêng và văn chương nói chung.
+ Để sáng tạo được những vần thơ mang lửa đến cho đời, người nghệ sĩ bên cạnh tài năng, chữ “Tâmphải lớn – chữ Tâm ấy là tấm lòng yêu thương con người sâu sắc, đau trước nỗi đau của con người, nâng niu trân trọng vẻ đẹp của con người, cuộc đời, khao khát đem tới những điều tốt đẹp cho con người; chữ Tâm ấy còn là bản lĩnh và nhân cách của người nghệ sĩ.
Chữ “tâm” phải lớn mới khiến nhà văn can đảm bước lên con đường gian khổ nhất, đau nỗi đau của mỗi trái tim người. Trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, nhà văn phải dấn thân vào những mảng hiện thực gồ ghề, gai góc, thậm chí là đau thương nhất, đến gần với những cá nhân con người, để thấy nỗi đau chung của con người và cả những niềm đau riêng của họ; đồng cảm sâu sắc cùng với những nỗi đau ấy. Nhà văn phải cháy lên ngọn lửa của tình yêu thương, niềm tin với cái đẹp, cái thiện; ngọn lửa căm hờn trước cái xấu, cái ác để viết lên những vần thơ mang ngọn lửa ấy truyền tới độc giả.

  • Những câu thơ của Lưu Quang Vũ đã đề cao chữ Tâm của nhà thơ và sứ mệnh cao cả của thơ ca đối với con người và cuộc đời.
  1. Bình luận về ý thơ của Lưu Quang Vũ

– Ý thơ của Lưu Quang Vũ đúng đắn và sâu sắc không chỉ riêng đối với nhà thơ và thơ ca, mà còn đối với người nghệ sĩ và văn chương nói chung:
+ Sứ mệnh của văn chương là mang ngọn lửa của trái tim người nghệ sĩ truyền tới độc giả, để thắp lên trong lòng họ ngọn lửa của yêu thương, tình người, của niềm tin, khát vọng…
+ Để thực hiện sứ mệnh cao cả ấy, trước tiên nhà văn cần có cái tâm trong sáng và tha thiết yêu con người, cuộc đời. Dù có tài năng, nhưng nếu thiếu cái tâm, nhà văn sẽ không thể viết những tác phẩm chân chính, cho con người và vì con người. Như Nguyễn Du đã khẳng định: Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài, hay nhà văn T.Sê khốp nhận định: Một nghệ sĩ chân chính phải là một nhà nhân đạo từ trong cốt tủy.
+ Trên hành trình sáng tạo, người nghệ sĩ phải hòa mình vào cuộc đời, không chỉ nâng niu, trân trọng niềm hạnh phúc của con người mà còn cần thấu hiểu, đồng cảm sâu sắc với cuộc đời, với nhiều số phận, cảnh ngộ; dám nói lên nỗi đau và cả khát vọng chính đáng của con người, lên tiếng tố cáo cái xấu, cái ác. Sự xúc động ấy phải mãnh liệt thì nhà văn mới có thể cầm bút sáng tạo. Con đường ấy gian khổ, lắm chông gai, hành trình trên con đường ấy nhọc nhằn, thậm chí cô đơn nhưng người nghệ sĩ phải dấn bước và đi tới cùng để tìm sự thật, để truyền tới người đọc ngọn lửa yêu thương, niềm tin, nhiệt huyết và khát vọng đẹp.
(Học sinh có thể bàn về thơ – một thể loại trữ tình, thơ chứa đựng những cảm xúc mãnh liệt của cá nhân nghệ sĩ, vì thế xúc cảm, tấm lòng của nhà văn có ý nghĩa tối quan trọng: Thơ phát khởi từ trong lòng người ta (Lê Quý Đôn), Hãy xúc động hồn thơ cho ngọn bút có thần (Ngô Thì Nhậm)
+ Ý thơ của Lưu Quang Vũ đề cao tấm lòng của người cầm bút, coi đó là là yếu tố quan trọng bậc nhất trong sáng tạo văn chương, tuy nhiên không có nghĩa hạ thấp vai trò của tài năng, bởi nhà thơ, nhà văn dù chữ tâm có lớn tới đâu cũng không thể thiếu tố chất của người nghệ sĩ. Cái tài nhờ có cái tâm để “cháy lên”, cái tâm nhờ có cái tài mà “tỏa sáng”, đó là hai yếu tố không thể tách rời.
Học sinh phân tích các dẫn chứng văn học để làm sáng tỏ.

  1. Đánh giá

– Ý thơ của Lưu Quang Vũ đã nhấn mạnh tới hai yếu tố quan trọng đối với sáng tạo nghệ thuật, đó là chữ tâm và chữ tài của người nghệ sĩ; trong đó đặc biệt nhấn mạnh tấm lòng của người nghệ sĩ phải lớn để sáng tạo những tác phẩm mang lửa cho đời.
Qua đó, đặt ra yêu cầu với người sáng tạo và người tiếp nhận:
– Người cầm bút phải có cái tâm trong sáng, bản lĩnh vững vàng và yêu thương con người sâu nặng, phải tiếp cận ở bề sâu cuộc sống, chứng kiến, đồng cảm sâu sắc với mọi vui buồn, hạnh phúc và đau khổ của con người. Đồng thời, nhà văn phải trau dồi tài năng để truyền tải được ngọn lửa trong trái tim của mình đến với người đọc.
– Ý kiến trên còn là lời gợi nhắc người đọc trong quá trình tiếp nhận phải có sự tri âm với người nghệ sĩ, để nhận ra được ngọn lửa ẩn giấu trong mỗi trang văn và thắp lên ngọn lửa ấy trong trái tim mình.


ĐỀ THI ĐỀ XUẤT HƯỚNG DẪN CHẤM

  1. Yêu cầu chung

Giám khảo cần:
– Nắm bắt kĩ nội dung trình bày của thí sinh để đánh giá được một cách tổng quát và chính xác, tránh đếm ý cho điểm.
– Vận dụng linh hoạt hướng dẫn chấm, nên sử dụng nhiều mức điểm một cách hợp lí. Đặc biệt khuyến khích những bài viết có cảm xúc và sáng tạo…
– Chấm theo thang điểm 20 (câu 1: 8,0 điểm; câu 2: 12,0 điểm)

  1. Yêu cầu cụ thể

Câu 1 (8,0 điểm)

  1. Yêu cầu về kĩ năng

– Biết cách làm một bài nghị luận xã hội: hệ thống luận điểm rõ ràng, lập luận chặt chẽ, hành văn trong sáng, giàu cảm xúc, hình ảnh.
– Biết kết hợp các thao tác lập luận, bố cục hợp lí, không mắc lỗi diễn đạt, lỗi chính tả.

  1. Yêu cầu về kiến thức

Chấp nhận kiến giải của học sinh. Song cần đáp ứng một số ý chính sau:

Yêu cầu Biểu điểm
Lí giải vì sao “Sống tử tế” trở thành một chương trình hoạt động xã hội được tuyên truyền vận động trong suốt năm 2014:
– Trên nhiều báo hay mạng xã hội hiện nay, dễ dàng thấy những tít bài được giật mạnh khiến chúng ta suy nghĩ dường trong xã hội các giá trị tốt đẹp đang bị đổ vỡ, nhìn đâu cũng thấy cái xấu. Mọi nơi từ trong nhà trường, công sở đến xã hội đều có vấn đề. Sống trong xã hội đó ta dường như đang là nạn nhận của những hành vi phi đạo đức và những thứ không tử tế.
– Thậm chí khi người ta sống tử tế lại bị nghi ngờ: Ví dụ như vụ tai nạn xe khách ở Lào Cai, nhóm đi phượt giúp đỡ nhiệt tình lại bị vu là hôi của…
– Ông Lê Quang Bình, Viện trưởng iSEE, kể về sự ra đời của ý tưởng thúc đẩy “sống tử tế”: Nhiều người Việt Nam lo lắng và bực mình vì họ cảm thấy không được đối xử tử tế. Ra đường, sợ tài xế taxi đi gian đường – tính sai cước; mua thức ăn sợ phải đồ ngâm hóa chất hay phun thuốc trừ sâu; vào bệnh viện sợ bị kê đơn thuốc đắt tiền không cần thiết; đến cơ quan công quyền thì sợ bị sách nhiễu, vòi vĩnh… Tại sao người bán hàng bán đồ độc hại cho khách hàng – những người mang lại thu nhập cho họ? Tại sao công chức sẵn sàng hạch sách người dân, dù tiền lương họ hưởng, bổng lộc họ có đều do người dân đóng góp từ thuế?… Đây thực sự là những vấn đề nghiêm trọng vì qua đó chúng ta thấy những giá trị đúng – sai đang bị đảo lộn.
– Tuy nhiên, trong cuộc sống, trong xã hội của chúng ta vẫn còn có những người sống tử tế.
2 điểm
Đưa ra cách hiểu của bản thân về “sống tử tế”: “Sống tử tế” có thể nhìn nhận ở những góc độ khác nhau:
– Cơ sở nền tảng của “Sống tử tế” là sự tôn trọng lẫn nhau, xem người khác cũng quan trong như mình, thậm chí hơn mình. Vì thế mà bản chất của “sống tử tế” là sống đẹp, sống nhân văn.
– Thí sinh có thể lí giải về mặt từ ngữ: tại sao không nói là sống đẹp, sống nhân văn mà là sống tử tế -> ở đây muốn nhấn mạnh phương diện hành động sống cụ thể, chứ không phải về mặt nhận thức sống.
– Biểu hiện của “Sống tử tế”: ở nhiều cấp độ từ vi mô đến vĩ mô, trên nhiều mối quan hệ:
+ Thành thật với chính mình
+ Bao dung, vị tha
+ Thói quen chào hỏi như một nét đẹp văn hóa
+ Biết nói lời cảm ơn- xin lỗi
+ Sống hài hòa, tôn trọng người khác, không gây hại cho người khác: Ví như không kì thị người tàn tật, người mắc bệnh xã hội, người đồng tính/ chuyển giới…
 
 3 điểm
Ý nghĩa của việc “sống tử tế”:
– Giúp tâm hồn con người thanh thản, phát huy hết khả năng tiềm ẩn
– Xã hội trở nên nhân ái hơn, gây dựng được niềm tin của mọi người. Khi chúng ta tin xã hội đang tử tế là chính thì chúng ta sẽ sống tử tế hơn. Còn nếu như chúng ta nghĩ rằng xã hội không tử tế, chúng ta sẽ đặt câu hỏi tại sao phải sống tử tế và như vậy lại rơi vào vòng xoáy sống không tử tế” -ông Lê Quang Bình chia sẻ.
2 điểm
Bài học nhận thức và hành động:
– Hãy sống là chính mình song cũng đừng nên ích kỷ, cần tôn trọng người khác và tuân theo trật tự xã hội.
– Sống tử tế đòi hỏi hành động thực sự, sự vào cuộc của cả xã hội, sự tham gia của mọi người dân để xây dựng một môi trường sống văn minh và giàu tính nhân văn.
1 điểm

 
Câu 2 (12 điểm)

  1. Yêu cầu về kĩ năng

– Biết cách làm một bài nghị luận văn học: hệ thống luận điểm rõ ràng, lập luận chặt chẽ, hành văn trong sáng, giàu cảm xúc, giàu hình ảnh.
– Biết kết hợp các thao tác lập luận, bố cục hợp lí, không mắc lỗi diễn đạt, lỗi chính tả.

  1. Yêu cầu về kiến thức

Cần đáp ứng một số ý cơ bản sau:

Nội dung Điểm
1. Giải thích ý kiến 1.0
     Qua thực tế sáng tác, chiêm nghiệm, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã đưa ra lời nhận định về một thể loại văn học “gần gũi với đời sống hàng ngày, súc tích, dễ đọc, lại thường gắn liền với hoạt động báo chí, do đó có tác dụng, ảnh hưởng kịp thời trong đời sống” (Từ điển thuật ngữ văn học): truyện ngắn. Ý kiến của nhà văn đề cập đến các khía cạnh sau của truyện ngắn:
– Đặc điểm về dung lượng của truyện ngắn: đúng như tên gọi của nó “ngắn”- vì truyện ngắn thuộc loại hình tự sự cỡ nhỏ.
-Tuy nhiên, phạm vi phản ánh hiện thực, nội dung tư tưởng của nó thì ngược lại: “có sức chứa đựng một thực tế vừa lớn lao, vừa bén nhọn”. Nội dung của truyện ngắn bao trùm hầu hết các phương diện đời sống: đời tư, thế sự hay sử thi. Truyện ngắn có thể chỉ kể về một khoảnh khắc trong đời sống nhân vật nhưng lại có khả năng phản chiếu cả một chặng đường lịch sử, một thời đại.
– Chính vì vậy mà truyện ngắn đòi hỏi: “những gì mà nó chứa đựng phải được nén chặt, gọn mà nặng…chi tiết thật đắt”. So với các thể loại tự sự khác, truyện ngắn không nhiều nhân vật, ít sự kiện phức tạp nhưng vẫn phải đảm bảo khắc họa một hiện tượng, một nét bản chất trong quan niệm nhân sinh hay đời sống con người. Nhà văn viết truyện ngắn đòi hỏi phải như nhà thơ tứ tuyệt- có một trình độ nghệ thuật điêu luyện: phải biết sáng tạo tình huống đặc sắc, phải biết xây dựng những hình tượng điển hình, phải lựa chọn được những chi tiết đắt giá…
2.Bàn luận 9.0
– Bàn về truyện ngắn có nhiều ý kiến, ý kiến của Nguyễn Quang Sáng rất xác đáng và có giá trị. Nhà văn vừa nêu lên một định nghĩa, một kinh nghiệm sáng tác, vừa đánh giá cao một thể văn tuy ra đời muộn nhưng không thể thiếu trong loại hình văn học.
– Thí sinh tự chọn và phân tích một truyện ngắn để khẳng định tính chất đúng đắn của ý kiến. Yêu cầu:
+ Lựa chọn đúng thể loại truyện ngắn, không nhầm lẫn truyện dài hay tiểu thuyết.
+ Phân tích bám sát vấn đề lí luận: làm rõ đặc trưng của truyện ngắn: -> dung lượng nhỏ gọn nhưng nội dung tư tưởng rộng mở
-> tạo tình huống truyện
-> xây dựng hình tượng điển hình
-> chi tiết đặc sắc
+ Thể hiện năng lực cảm thụ, phân tích tác phẩm tự sự (phân tích tình huống, nhân vật, cảm thụ chi tiết)
1.0
 
 
8.0
 
 
 
 
 
 
 
3.Bàn luận 2.0
– Về lí luận: với những đặc trưng nêu trên truyện ngắn trở thành thể loại mũi nhọn của loại hình tự sự: năng động, phù hợp với thị hiếu người đọc, giàu tính thời sự, tính báo chí.
– Đối với nhà văn: phải rèn luyện ngòi bút cho tinh nhạy, có khả năng sáng tạo những thiên truyện ngắn đặc sắc về nghệ thuật, vừa chứa đựng những tư tưởng lớn lao.
 
 
 
 

 
 
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *