Đề đọc hiểu Ngữ văn lớp 10

Đề 1:
Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi nêu ở dưới:
Nhà văn, nhà thơ thường có sở thích, sở trường riêng trong diễn đạt: có người thiên về miêu tả cặn kẽ, có người thiên về phác hoạ đôi nét làm dấu hiệu để gợi ra một cái gì đó; có người mạnh về dùng ngôn ngữ sinh hoạt ở nông thôn, cớ người sở trường về dùng ngôn ngữ sinh hoạt ở thành thị; có người ưa chuộng lối diễn đạt mang phong vị ca dao… Quả thực, sở thích và sở trường diễn đạt của nhà văn, nhà thơ rất khác nhau, rất đa dạng. Sở thích và sở trường ấy thể hiện đều đặn trong các tác phẩm của nhà văn nhà thơ đến một mức độ rõ ràng nào đấy thì tạo thành nét độc đáo của họ trong diễn đạt, làm nên dấu ấn riêng của tác giả. Chẳng hạn, thơ Hồ Xuân Hương không giống thơ Bà Huyện Thanh Quan, văn Nam Cao khác vãn Vũ Trọng Phụng… Nói như vậy là căn cứ vào dấu ấn riêng trong văn bản nghệ thuật do mỗi người sáng tạo ra.
(Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật, Ngữ văn 10 Nâng cao, tập hai,
NXB Giáo dục Việt Nam, 2014, tr. 22)

  1. Theo anh (chị), những từ ngữ nào có thể được xem là “từ khoá” trong đoạn văn trên?
  2. Phân biệt sở thích và sở trường của nhà văn trong công việc sáng tạo.
  3. Thế nào là dấu ấn riêng của tác giả? Theo nội.dung đoạn văn trên, dấu ấn riêng của tác giả được biểu hiện như thế nào?
  4. Dấu ấn riêng của tác giả có vai trò như thế nào đối với một nền văn học?

 
Trả lời :

  1. “Từ khoá” là một khái niệm chỉ các từ ngữ có tần suất xuất hiện cao trong các văn bản. Khái niệm này được dùng quen thuộc trong việc tra cứu các bài viết trên mạng internet hiện nay. Trong một bài viết được công bố trên một trang mạng nào đó, có những từ ngữ chủ chốt, chỉ cần nhập chúng vào trang tìm kiếm (chẳng hạn trang Google), bài viết sẽ nhanh chóng được tìm ra. Câu hỏi này mượn khái niệm “từ khoá” để chỉ những từ ngữ quan trọng trong đoạn văn được dẫn. Hiểu như vậy, trong đoạn văn có các “từ khoá” như: sở thích, sở trường, diễn đạt, nét độc đáo, dấu ấn riêng của tác giả…
  2. Đoạn văn đề cập đến sở thích và sở trường của nhà thơ, nhà văn. Sở thích là những gì thu hút sự chú ý đặc biệt của nhà văn, nhà thơ, gây được hứng thú mạnh mẽ trong sáng tạo. Sở trường là những điểm mạnh của nhà văn, những chỗ mà nhà văn am hiểu sâu sắc, rất thuận lợi cho công việc sáng tạo. Đối lập với sở trường là sở đoản, tức là những điểm mà nhà văn không nắm vững, ít am hiểu.
  3. Dấu ấn riêng của tác giả là những nét khác biệt, độc đáo mà nhà văn, nhà thơ tạo nên qua ngôn ngữ tác phẩm. Những nét riêng biệt ấy trở đi trở lại nhiều lần, khiến chúng trở thành những dấu hiệu đặc thù rất dễ nhận ra. Theo nội dung của đoạn văn, dấu ấn riêng của tác giả được tạo nên từ cách diễn đạt độc đáo thể hiện ở nhiều tác phẩm. Nói đến diễn đạt là nói đến cách sử dụng ngôn ngữ ở các cấp độ: ngữ âm, từ vựng, cú pháp, các phương tiện và biện pháp tu từ, cách tổ chức văn bản… Như vậy, cái riêng của tác giả có thể biểu hiện với những mức độ đậm, nhạt khác nhau trong các bình diện nêu trên.
  4. Một nền văn học rất cần sự đa dạng, phong phú. Mỗi nhà văn xuất hiện trong bức tranh văn học phải là một cá thể sáng tạo riêng biệt, độc đáo. Muốn vậy, mỗi người phải có được dấu ấn riêng trong sáng tạo, biểu hiện ở nhiều mặt, trong đó có ngôn ngữ tác phẩm. Nói cách khác, dấu ấn riêng của tác giả là yếu tố quan trọng làm nên các phong cách khác nhau, và đó chính là sự đa sắc của một nền văn học.

 
Đề 2:
Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi nêu ở dưới:
Cũng giống như âm thanh trong âm nhạc, màu sắc và đường nét trong hội hoạ, ngôn ngữ trong văn bản nghệ thuật được xem là chất liệu xây dựng hình tượng. Bản thân loại chất liệu này là tổng hoà của những kí hiệu hai mặt ngữ âm và ngữ nghĩa. Với tài năng sáng tạo, nhà văn, nhà thơ hướng sự chú ý vào tổ chức văn bản, tìm mọi cách cho hai mặt ngữ âm và ngữ nghĩa của kí hiệu ngôn ngữ hoà phối với nhau, cùng phát huy tác dụng đối với cấu trúc từng câu, từng đoạn cũng như cấu trúc hoàn chỉnh của toàn bộ văn bản nghệ thuật. Chính vì vậy, văn chương được xem là tác phẩm nghệ thuật của ngôn ngữ, là sự thể hiện giá trị thẩm mĩ của ngôn ngữ.
(Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật, Ngữ vãn 10 Nâng cao, tập hai,
NXB Giáo dục Việt Nam, 2014, tr. 21)

  1. Muốn nắm được nội dung của đoạn văn trên, trước hết cần phải hiểu những khái niệm nào?
  2. Có sự khác biệt như thế nào giữa chất liệu của văn học và chất liệu của các loại hình nghệ thuật khác?
  3. Theo đoạn văn trên, giá trị thẩm mĩ của ngôn ngữ văn học thể hiện ở những yếu tố nào?

Trả lời
1/Đoạn văn dùng khá nhiều thuật ngữ khoa học (thuộc ngành nghiên cứu văn học). Muốn nắm được nội dung của đoạn văn, phải hiểu được các thuật ngữ: văn bản nghệ thuật, chất liệu, hình tượng, kí hiệu hai mặt, ngữ âm, ngữ nghĩa, tổ chức văn bản, cấu trúc, tác phẩm nghệ thuậ., giá trị thẩm mĩ…
2/Mỗi loại hình nghệ thuật đều có chất liệu riêng. Chất liệu của âm nhạc là âm thanh; chất liệu cùa hội hoạ là màu sắc, đường nét; chất liệu của điêu khắc là hình khối; còn chất liệu của văn học là ngôn ngữ. Chất liệu của văn học khác với chất liệu của các loại hình nghệ thuật khác ở chỗ: ngôn ngữ có hai mặt, đó là ngữ âm và ngữ nghĩa. Hơn nữa, ngôn ngữ tồn tại trong xã hội trước hết với tư cách là công cụ của tư duy và là phương tiện giao tiếp của con người. Ngôn ngữ có nhiều chức năng, trong đó có chức năng làm chất liệu cho sáng tạo văn học.
3/Khi tồn tại trong văn bản nghệ thuật, ngôn ngữ có giá trị thẩm mĩ, biểu hiện ở sự hoà phối giữa ngữ âm và ngữ nghĩa, ở cách, cấu trúc của câu, của đoạn, của chỉnh thể văn bản. Nói cách khác, cái đẹp của ngôn ngữ trong văn bản nghệ thuật có thể biểu hiện ở mọi bình diện ngôn ngữ.
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *