Đề đọc hiểu đoạn trích Thái sư Trần Thủ Độ Ngữ văn 10

Đề 1:

  1. Ngô Sĩ Liên người làng Chúc Lí, huyện Chương Đức, nay thuộc xã Chúc Sơn, huyện Chương Mĩ, Hà Tây. Ông đỗ Tiến sĩ năm 1442 và giữ vai trò quan trọng trong việc biên soạn bộ Đại Việt sử kí toàn thư. Tác phẩm không chỉ có giá trị về mặt lịch sử mà còn có giá trị lớn về văn học nghệ thuật. Ngô Sĩ Liên cùng nhóm tác giả soạn Đại Việt sử kí toàn thư trên cơ sở bộ Đại Việt sử kí của Lê Văn Hưu và Sử kí tục biên của Phan Phu Tiên, hoàn thành năm 1479.
  2. Đại Việt sử kí toàn thư gồm hai phần : ngoại kỉ và bản kỉ, phần ngoại kỉ viết về lịch sử nước ta từ thời Hồng Bàng đến thế kỉ X ; phần bản kỉ viết tiếp từ thời Đinh Tiên Hoàng đến thời Hậu Lê. Đại Việt sử kí toàn thư được viết theo lối biên niên, lấy thời gian làm trục chính để ghi lại các sự kiện lịch sử theo trình tự năm, mùa, tháng, ngày…

Đoạn trích Thái sư Trần Thủ Độ thuộc phần bản kỉ. Khi viết về một nhân vật lịch sử, người viết sử thường kể lại công lao của nhân vật, đồng thời thể hiện thái độ của mình. Trần Thủ Độ là một nhân vật có vai trò vô cùng quan trọng đối với triều đại nhà Trần. Trong đoạn trích, người viết đã lựa chọn bốn câu chuyện tiêu biểu để ngợi ca nhân cách chính trực, chí công vô tư của Tướng quốc Trần Thủ Độ. Bốn sự kiện ấy phản ánh bốn khía cạnh trong nhân cách Trần Thủ Độ. Bài viết đã thể hiện tài năng của người viết: vừa kể chuyện lịch sử vừa thể hiện thái độ và tình cảm trân trọng đối với các anh hùng dân tộc.
( Trích Đọc hiểu Ngữ văn 10, Nguyễn Trọng Hoàn)
1/ Nêu nội dung chính của văn bản?
2/ Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản ?
3/ Tướng quốc Trần Thủ Độ là người chí công vô tư. Vậy chí công vô tư là gì?
4/ Viết đoạn văn ngắn ( 5 đến 7 dòng) bày tỏ suy nghĩ về phẩm chất chí công vô tư  của tuổi trẻ trong cuộc sống.
Trả lời:
1/ Nội dung chính của văn bản:
– Giới thiệu tác giả Ngô Sĩ Liên ;
– Khái quát về tác phẩm Đại Việt sử kí toàn thư của soạn giả Ngô Sĩ Liên ;
– Tóm tắt nội dung và nghệ thuật đoạn trích Thái sư Trần Thủ Độ.
2/ Phương thức biểu đạt chính của văn bản : thuyết minh.
3.Chí công vô tư: là phẩm chất đạo đức của con người thể hiện ở sự công bằng, không thiên vị, giải quyết công việc theo lẽ phải vì lợi ích chung của tập thể và toàn xã hội.
4/ Đoạn văn đảm bảo các yêu cầu :
-Hình thức: đảm bảo về số câu, không được gạch đầu dòng, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp. Hành văn trong sáng, cảm xúc chân thành ;
-Nội dung :
+ Chí công vô tư là gì ?
+ Ý nghĩa của phẩm chất chí công vô tư
++ Đối với cá nhân: Người chí công vô tư sẽ luôn sống thanh thản, được mọi người vị nể, kính trọng.
++ Đối với tập thể, xã hội: Đem lại lợi ích cho tập thể, cộng đồng, xã hội, đất nước.
+ Rèn luyện phẩm chất chí công vô tư như thế nào?
++ Có thái độ đồng tình, ủng hộ cách cư xử, giải quyết công việc một cách công bằng, không thiên vị, theo lẽ phải, vì lợi ích chung.
++Phê phán những hành động vụ lợi cá nhân, thiếu công bằng trong giải quyết công việc hàng ngày ở lớp, ở trường và ở ngoài xã hội.
 
 
 
Đề 2:
Trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất chống quân xâm lược Mông Cổ, Trần Thủ Độ có vai trò hết sức quan trọng. Tháng 12 năm Đinh Tỵ (tức tháng 1-1258), quân Mông Cổ, sau khi tiêu diệt nước Đại Lý (Vân Nam), đã tiến vào lưu vực sông Hồng. Thế giặc rất mạnh. Quân Đại Việt bị đánh lui, vua Thái Tông phải bỏ Thăng Long rút xuống phía nam. Vua ngự thuyền nhỏ đến thuyền em ruột là Thái úy Trần Nhật Hạo hỏi kế. Nhật Hạo lấy ngón tay chấm nước viết hai chữ “Nhập Tống” ở mạn thuyền, ý khuyên vua nên chạy sang nhờ vả nước Tống. Vua bèn rời thuyền đến hỏi Thái sư Trần Thủ Độ, Trần Thủ Độ trả lời: 
 – Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo! 
Vào lúc gay go nhất của cuộc kháng chiến, câu trả lời đanh thép ấy của ông đã giữ vững được tinh thần dám đánh và quyết thắng của quân dân Đại Việt trong cuộc phản công quyết liệt đánh vào Đông Bộ Đầu ngày 29-1-1258, buộc địch phải rút chạy về nước. 
             Trần Thủ Độ xứng đáng được xếp vào hàng những nhân vật kiệt xuất, đi đầu trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước trong lịch sử dân tộc.
(Hà Ân – Trần Quốc Vượng)
1/ Xác định phương thức biểu đạt chính trong văn bản ?
2/ Trong văn bản, chi tiết nào tiêu biểu thể hiện thái độ của nhân vật Thái úy Trần Nhật Hạo Thái sư Trần Thủ Độ khi vua Thái Tông hỏi kế đánh giặc? Nêu hiệu quả nghệ thuật của các chi tiết đó ?
3/ Nhân vật kiệt xuất là gì ?
4/ Viết đoạn văn ngắn ( 5 đến 7 dòng) bày tỏ suy nghĩ về bài học dành cho tuổi trẻ được rút ra từ văn bản .
Trả lời:
1/ Phương thức biểu đạt chính của văn bản : tự sự.
2/ Chi tiết tiêu biểu thể hiện thái độ của nhân vật Thái úy Trần Nhật Hạo  khi vua Thái Tông hỏi kế đánh giặc: Nhật Hạo lấy ngón tay chấm nước viết hai chữ “Nhập Tống” ở mạn thuyền, ý khuyên vua nên chạy sang nhờ vả nước Tống.
Hiệu quả nghệ thuật: Qua hành động của Nhật Hạo, người đọc nhận ra sự bất lực, thiếu niềm tin và ý chí đánh giặc trước sức mạnh của kẻ thù.
Chi tiết tiêu biểu thể hiện thái độ của nhân vật Thái sư Trần Thủ Độ khi vua Thái Tông hỏi kế đánh giặc: đó là câu nói nổi tiếng : Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo! 
Hiệu quả nghệ thuật: Câu nói của Thái sư Trần Thủ Độ thể hiện tinh thần căm thù giặc cao độ, ý chí chiến đấu đến cùng, sẵn sàng hy sinh vì đất nước. Đó cũng là biểu hiện của hào khí Đông A thời nhà Trần.
3.Nhân vật kiệt xuất là người vượt trội hẳn lên về giá trị, tài năng so với bình thường
4/ Đoạn văn đảm bảo các yêu cầu :
-Hình thức: đảm bảo về số câu, không được gạch đầu dòng, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp. Hành văn trong sáng, cảm xúc chân thành ;
-Nội dung: Câu nói nổi tiếng : Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo! của Thái Sư Trần Thủ Độ trở thành niềm tự hào về truyền thống đánh giặc cứu nước của dân tộc ta.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *