Cảm nhận về hai chi tiết đặc sắc trong bài Vợ Nhặt- Kim Lân

Đề bài :
“Thế là thị ngồi sà xuống, ăn thật. Thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì.” “Người con dâu đón lấy cái bát, đưa lên mắt nhìn, hai con mắt thị tối lại. Thị điềm nhiên và vào miệng”
Cảm nhận của anh (chị) về hình tượng người “vợ nhặt” (“Vợ nhặt” – Kim Lân, SGK Ngữ văn 12, tập 2) qua hai chi tiết trên? Qua đó làm rõ tư tưởng nhân đạo của nhà văn trong cách xây dựng nhân vật?
Gợi ý :
a.Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận
Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Hai chi tiết cũng chính là hai hành động của người vợ nhặt trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Kim Lân: hành động ăn bốn bát bánh đúc mà Tràng mời ở chợ và hành động ăn bát cháo cám của bà cụ Tứ khi đã trở thành vợ của Tràng.
Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm: thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.
– Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, nhân vật , trích dẫn chi tiết
Kim Lân thuộc hàng những cây bút truyện ngắn tài năng của văn học Việt Nam hiện đại. Ông thường viết về nông thôn và những con người dân quê , lam lũ hồn hậu , chất phác mà giàu tình yêu thương . Vợ nhặt là một trong những sáng tác tiêu biểu của ông . Tác phẩm đã khắc hoạ thành công nhân vật Thị , một người phụ nữ nghèo khổ nhưng luôn khao khát hạnh phúc gia đình giản dị , biết hướng tới tương lai tươi đẹp .
Trong truyện ngắn Vợ nhặt, Kim Lân bộc lộ một quan điểm nhân đạo sâu sắc của mình. Nhà văn phát hiện ra vẻ đẹp kì diệu của người lao động trong sự túng đói quay quắt, trong bất kì hoàn cảnh khốn khổ nào, con người vẫn vượt lên cái chết, hướng về cuộc sống gia đình, vẫn yêu thương nhau và hi vọng vào ngày mai tươi sáng
Trích dẫn hai chi tiết trong đề bài
– Cảm nhận về hình tượng người vợ nhặt qua hai chi tiết:
+Chi tiết thứ nhất: “Thế là thị ngồi sà xuống, ăn thật. Thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì.”
 .Chi tiết này xuất hiện trong hoàn cảnh gặp gỡ của nhân vật với Tràng ngoài chợ tỉnh, khi anh cu Tràng đang ngồi nghỉ và thị bỗng nhiên xuất hiện với một ngoại hình của một con ma đói, quần áo rách như tổ đỉa, khuôn mặt lưỡi cày xaám xịt, thị gầy sọp hẳn đi , chỉ còn thấy hai con mắt . Sự biến đổi về ngoại hình ấy khiến Tràng không nhận ra người đàn bà đã đẩy xe cho mình lần trước. Thị trông nhếch nhác, tội nghiệp. Cái đói đã khiến người đàn bà không chỉ thay đổi về ngoại hình mà còn biến đổi cả nhân cách. Thị trở nên “chao chát”, “chỏng lỏn”, “chua ngoa”, “đanh đá”. Thị “cong cớn, sưng sỉa” khi giao tiếp, nói chuyện. Thị gợi ý để được ăn. Và khi được cho ăn, Thế là thị ngồi sà xuống, ăn thật. Thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì.”
 . Thị phải đánh đổi cả danh dự, cái duyên của người con gái , lòng tự trọng để kiếm miếng ăn và nuôi niềm hi vọng sống…Thị đã đặt sự tồn tại của mình, miếng ăn lên trên cả nhân cách. Nhưng qua đó ta thấy nhân vật có một lòng ham sống mãnh liệt . Thị đang cố gắng bám lấy sự sống. Thị tỏ ra “đanh đá chua ngoa cũng là để bảo vệ sự sống. Sống rồi mới tính tiếp được. Và một hành động tưởng như nông nổi, dễ dãi tiếp theo là sau câu nói đùa của Tràng, thị đã đồng ý theo người đàn ông xa lạ về làm vợ. Hành động này cũng là xuất phát từ niềm ham sống mãnh liệt, thị như người sắp chết đuối cố gắng bám lấy cái phao của sự sống, với một niềm hi vọng được sống, được hạnh phúc.Cận kề bên cái chết, người đàn bà ấy không hề buông xuôi sự sống mà trái lại, thị vẫn vượt lên cái thảm đạm để hướng đến hạnh phúc, tương lai. Niềm lạc quan yêu sống của thị thật đáng quý, đáng trân trọng.
+Chi tiết thứ 2 : “Người con dâu đón lấy cái bát, đưa lên mắt nhìn, hai con mắt thị tối lại. Thị điềm nhiên và vào miệng”
 . Chi tiết này xuất hiện vào bữa cơm đầu tiên đón nàng dâu mới của gia đình nhà Tràng. Đọc chi tiết này ta thấy thị đã thay đổi , không còn như trước.
.Sáng hôm sau thị đã dậy sớm cùng mẹ chồng quét tước dọn dẹp nhà cửa cho quang quẻ, sạch sẽ.Thị cùng mẹ chồng dọn cơm. Bữa cơm ngày đói trông thật thảm hại, giữa cái mẹt rách chỉ có đĩa rau chuối thái rối và niêu cháo lõng bõng mà mỗi người chỉ được hai lưng bát là hết nhẵn. Bà cụ Tứ vui vẻ đon đả bưng ra một nồi cháo cám mà bà gọi vui là chè khoán để đãi nàng dâu. Tràng “chun mặt lại , miếng cám đắng chát nghẹn bứ trong cuống họng” không thể nuốt nổi.
Nhưng thị đón lấy cái bát, đưa lên mắt nhìn, hai con mắt thị tối lại,  Thị điềm nhiên và vào miệng..Cách ăn đó cho ta thấy thái độ chấp nhận sự nghèo khổ, khó khăn ở một gia đình mới,Thị  không kêu ca, phàn nàn trước cái đói nghèo, cũng không thấy khó chịu . Vậy đằng sau nỗi vất vưởng là  sự ý tứ biết điều , Thị cảm thông với những khó khăn của nhà chồng…cho nên dù phải ăn cháo cám nhưng thị vẫn vui vẻ bằng lòng.
=> Thị đã đem đến sinh khí mới cho gia đình Tràng, trong bữa cơm mẹ con nói chuyện vui vẻ, thị còn là người truyền tin cách mạng, đem đến cho gia đình này niềm hi vọng, niềm tin  khi chia sẻ: “Trên mạn Thái Nguyên…” Sự hiểu biết của thị đã đem đến cho Tràng sự giác ngộ về con đường phía trước mà anh sẽ lựa chọn.
+ Nghệ thuật xây dựng nhân vật: nhà văn đã đặt nhân vật trong tình huống truyện độc đáo , phân tích diễn biến tâm lí sâu sắc, lựa chọn chi tiết điển hình , ngôn ngữ mộc mạc, giản dị, phù hợp với tính cách nhân vật.
– Bình luận về tư tưởng nhân đạo của nhà văn trong cách xây dựng nhân vật:
+ Cảm thông, chia sẻ với thân phận rẻ rúng của con người
+ Gián tiếp tố cáo tội ác thực dân, phong kiến, phát xít đối với nhân dân ta
+ Niềm tin vào nhân cách tốt đẹp của con người cùng niềm khao khát sống, hi vọng vào một tương lai tốt đẹp ở tương lai phía trước trong bối cảnh của nạn đói khủng khiếp năm 1945 .
=> Đánh giá về tư tưởng nhân đạo của nhà văn Kim Lân qua cách xây dựng nhân vật : Thông qua nhân vật, và đặt biệt là hai chi tiết ta thấy nhà văn Kim Lân có tư tưởng nhân đạo sâu sắc. Ông luôn quan tâm đến những biến đổi tinh tế trong tâm hồn người dân nghèo để phát hiện những vẻ đẹp về nhân cách , để trân trọng nâng niu, ngợi ca họ. Qua nhân vật này , nhà văn đã thể hiện một ý nghĩa nhân văn cao đẹp. Con người Việt Nam dù sống trong hoàn cảnh khốn khổ như thế nào thì họ cũng sẽ luôn hướng về tương lai với niềm tin vào sự sống.
-Sáng tạo
-Chính tả, dùng từ, đặt câu :Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu
Xem thêm : Tuyển tập đề thi về các tác phẩm lớp 12
Những bài văn hay Cảm nhận về bài Vợ nhặt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *