Xây dựng chuyên đề dạy học: Làm văn Nghị luận Ngữ văn 10

Xây dựng chuyên đề dạy học tích cực, soạn giáo án theo định hướng phát triển năng lực học sinh

CHUYÊN ĐỀ LÀM VĂN NGHỊ LUẬN LỚP 10

NỘI DUNG CHUYÊN ĐỀ LÀM VĂN NGHỊ LUẬN

Căn cứ lựa chọn chuyên đề
Hiện nay, trong sách giáo khoa Ngữ văn 10 (Tập hai) có một số bài học về làm văn nghị luận sau:
– Lập dàn ý bài văn nghị luận (1 tiết)
– Lập luận trong văn nghị luận (1 tiết)
Các thao tác nghị luận (1 tiết)
– Viết bài làm văn số 7: Văn nghị luận (Bài làm ở nhà)
– Luyện tập viết đoạn văn nghị luận (1 tiết)
– Trả bài làm văn số 7 (1 tiết)
Các bài học trên đang được các giáo viên dạy tách rời nhau, phân bố rời rạc ở những thời điểm cách xa nhau (2-3 tuần có 1 tiết). Do đó, khi dạy một tiết làm văn nghị luận, giáo viên mất nhiều thời gian để yêu cầu/hướng dẫn học sinh nhớ lại những kiến thức, kĩ năng đã học và dạy lí thuyết (mặc dù nhiều lí thuyết học sinh đã được học ở trung học cơ sở); ít có thời gian để hướng dẫn học sinh luyện tập, rèn luyện kĩ năng viết.
Để khắc phục hiện tượng trên, nên xây dựng một chuyên đề Làm văn nghị luận, dạy các bài học trên một cách liền mạch, tăng cường thời gian thực hành để giúp học sinh phát triển kĩ năng làm văn nghị luận.
Nội dung chuyên đề
Giáo viên sẽ tổ chức cho học sinh thực hiện các nhiệm vụ học tập sau:
– Huy động những kiến thức, kĩ năng về làm văn nghị luận đã học ở trung học cơ sở.
– Hướng dẫn học sinh lập dàn ý, viết đoạn văn, sử dụng các thao tác lập luận trong bài văn nghị luận (văn học và xã hội).
– Kiểm tra, đánh giá kĩ năng làm văn nghị luận (học sinh làm ở nhà).
Thời lượng dạy học chuyên đề: 5 tiết dạy học trên lớp.

 MỤC TIÊU DẠY HỌC CHUYÊN ĐỀ LÀM VĂN NGHỊ LUẬN

Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn quy định các chuẩn kiến thức, kĩ năng cho các bài học về làm văn nghị luận xã hội nói riêng, làm văn nghị luận nói chung như sau:
Mức độ cần đạt:
– Hoàn thiện những hiểu biết về văn bản nghị luận (đặc điểm, vai trò của luận điểm, yêu cầu của đề văn và ngôn ngữ của bài văn nghị luận,…).
– Hiểu cách thức triển khai các thao tác lập luận : giải thích, chứng minh,…
– Biết vận dụng kiến thức về văn nghị luận để đọc – hiểu văn bản nghị luận.
– Biết viết đoạn văn, bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội hoặc văn học ; biết điều chỉnh dung lượng của bài văn.
– Biết trình bày miệng một vấn đề trước tập thể.
Ghi chú:
– Biết viết đoạn văn, bài văn theo các thao tác giải thích, chứng minh,… ; biết huy động các kiến thức về tác phẩm văn học được học ở lớp 10 để viết bài.
Nay khi xây dựng chuyên đề Làm văn nghị luận để dạy học theo định hướng hình thành và phát triển năng lực, giáo viên sẽ giúp học sinh:

  1. Về kiến thức

Kĩ năng làm văn nghị luận.

  1. Về kĩ năng

– Phân tích đề để nắm được luận đề và thao tác lập luận chính.
– Lập dàn ý
– Viết các đoạn văn mở bài, thân bài, kết luận. Trong phần thân bài: nêu luận điểm và triển khai luận điểm (bằng những lí lẽ và dẫn chứng cụ thể); liên kết các luận điểm; sử dụng các thao tác lập luận (giải thích, phân tích, chứng minh …) một cách phù hợp; sử dụng kết hợp các phương thức biểu đạt trong bài văn nghị luận; viết đúng chính tả, ngữ pháp; diễn đạt chính xác và sáng tạo…
– Viết bài văn hoàn chỉnh theo yêu cầu của đề bài.

  1. Về thái độ

          – Quan tâm đến các vấn đề văn học và xã hội.
– Trân trọng những giá trị văn học của đất nước và nhân loại.
          – Có trách nhiệm với bản thân, cộng đồng, đất nước, nhân loại và môi trường tự nhiên.

  1. Định hướng hình thành năng lực: năng lực giao tiếp (ở đây là năng lực viết), năng lực giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo…

TIẾN TRÌNH DẠY HỌC

Hướng dẫn học sinh huy động những kiến thức, kĩ năng đã học về làm văn nghị luận ở THCS (chủ yếu ở lớp 7, 9).
Mục tiêu: Giúp học sinh nhớ lại những kiến thức, cùng cố những kĩ năng đã học về văn nghị luận (như phân tích đề, lập dàn ý, viết đoạn văn, viết bài văn có sử dụng các thao tác lập luận, kết hợp các phương thức biểu đạt…)
 Phương tiện cần thiết: Sách giáo khoa, máy tính và máy chiếu, các phương tiện khác (nếu có).
 Tổ chức dạy học:
Giáo viên chọn một trong những hình thức sau đây để giúp học sinh nhớ lại những kiến thức, cùng cố những kĩ năng đã học về văn nghị luận nói chung và nghị luận xã hội nói riêng:
– Đặt câu hỏi và tổ chức cho học sinh thảo luận nhóm, sau đó yêu cầu một số học sinh báo cáo kết quả thảo luận:
Câu 1: Hãy nêu các bước làm một bài văn nghị luận?
Câu 2: Nghị luận có hai kiểu bài: nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Hãy chỉ ra điểm giống nhau và khác nhau giữa hai kiểu bài này?
– Nêu hai đề bài, yêu cầu học sinh: nhận diện đề bài đó thuộc kiểu bài văn nghị luận nào (xã hội hay văn học), chỉ ra điểm giống và khác nhau giữa hai dạng bài về lập dàn ý, lập luận, sử dụng các thao tác lập luận, kết hợp các phương thức biểu đạt… Giáo viên có thể tổ chức cho học sinh thảo luận nhóm, sau đó yêu cầu một số học sinh báo cáo kết quả thảo luận.
Hướng dẫn học sinh lập dàn ý, lập luận, sử dụng thao tác lập luận, viết đoạn văn nghị luận
Mục tiêu: Giúp HS củng cố và phát triển kĩ năng làm văn nghị luận như lập dàn ý, lập luận, sử dụng thao tác lập luận, viết đoạn văn nghị luận.
Phương tiện cần thiết: Giáo án, bảng/máy chiếu và các phương tiện khác (nếu có).
Tổ chức dạy học:
Hướng dẫn học sinh lập dàn ý cho bài văn nghị luận
Hướng dẫn học sinh nắm được tác dụng của việc lập dàn ý.
– Giáo viên diễn giảng khái niệm “dàn ý”.
– Giáo viên cho học sinh thảo luận, phân tích lợi ích nhiều mặt của việc lập dàn  ý để thấy được việc lập dàn ý giúp cho bài viết đúng trọng tâm, mạch lạc; người viết chủ động được thời gian, tránh được việc triển khai lạc ý, thiếu ý, mất cân đối…
Hướng dẫn học sinh cách lập dàn ý cho bài văn nghị luận
* Hướng dẫn học sinh tìm ý cho bài văn nghị luận
– Giáo viên giải thích nội dung “tìm ý”.
– Giáo viên yêu cầu học sinh đọc đề bài trong sách giáo khoa, thảo luận để phân tích đề (xác định yêu cầu của đề về nội dung, hình thức và kiến thức cần huy động để làm sáng tỏ vấn đề); xác định luận đề, luận điểm và các luận cứ cho bài văn bằng cách lần lượt trả lời các câu hỏi trong sách giáo khoa.
* Hướng dẫn học sinh lập dàn ý
– Giáo viên giải thích khái niệm và yêu cầu cần đạt khi lập dàn ý.
– Giáo viên hướng dẫn học sinh chi tiết hóa thêm các luận cứ và lồng vào bố cục ba phần của văn bản. Cần lưu ý học sinh cách đặt tiêu đề gọi tên các luận điểm, luận cứ và các kí hiệu trước các tiêu đề đó.
Hướng dẫn học sinh luyện tập để củng cố, hệ thống hóa kiến thức, kĩ năng lập dàn ý cho bài văn nghị luận
          – Giáo viên sử dụng các đề bài trong sách giáo khoa (đã nêu ở mục D) để yêu cầu học sinh luyện tập trên lớp.
– Giáo viên sử dụng thêm các đề bài bổ sung (đã nêu ở mục D) để yêu cầu học sinh luyện tập ở nhà.
Hướng dẫn học sinh lập luận trong bài văn nghị luận
Hướng dẫn học sinh tìm hiểu khái niệm về lập luận trong bài văn nghị luận
– Giáo viên yêu cầu học sinh đọc đoạn văn lập luận của Nguyễn Trãi trích trong văn bản Lại dụ Vương Thông, thảo luận và trả lời hai câu hỏi đã nêu.
– Sau đó, giáo viên yêu cầu học sinh thảo luận và rút ra khái niệm về lập luận.
Hướng dẫn học sinh tìm hiểu cách xây dựng lập luận
– Giáo viên cho học sinh đọc sách giáo khoa để hiểu thế nào là luận điểm và tìm luận điểm trong bài Chữ ta của Hữu Thọ.
– Giáo viên cho học sinh đọc sách giáo khoa, trao đổi thảo luận và phát biểu quan niệm về luận cứ. Sau đó, tìm luận cứ cho các luận điểm trong hai ngữ liệu mà sách giáo khoa đã cung cấp.
– Giáo viên cho học sinh đọc sách giáo khoa để nắm khái niệm về phương pháp lập luận rồi thực hiện hai yêu cầu trong sách giáo khoa.
Hướng dẫn học sinh luyện tập để củng cố, hệ thống hóa kiến thức, kĩ năng lập luận trong bài văn nghị luận
– Giáo viên sử dụng các đề bài trong sách giáo khoa (đã nêu ở mục D) để yêu cầu học sinh luyện tập trên lớp.
– Giáo viên sử dụng thêm các đề bài bổ sung (đã nêu ở mục D) để yêu cầu học sinh luyện tập ở nhà.
Hướng dẫn học sinh sử dụng thao tác nghị luận trong bài văn nghị luận
Hướng dẫn học sinh tìm hiểu thao tác nghị luận
– Giáo viên tổ chức cho học sinh thảo luận để trả lời các câu hỏi ở mục I trong sách giáo khoa, từ đó hiểu được thế nào là “thao tác” và “thao tác nghị luận”. HOặc giáo viên cho  học sinh chuẩn bị trước ở nhà, đến lớp tập trung thảo luận hai câu hỏi: Thao tác là gì? Thế nào là thao tác nghị luận.
Hướng dẫn học sinh ôn tập các thao tác phân tích, tổng hợp, diễn dịch, quy nạp
– Ôn tập lí thuyết: Giáo viên có thể tiến hành theo các cách sau đây:
+ Cho học sinh tự điền các từ thích hợp vào chỗ trống trong mục II.1.a trong sách giáo khoa. Từ đó, giúp học sinh nhận ra phân tích và tổng hợp, diễn dịch và quy nạp là các cặp thao tác nghị luận vừa có mối quan hệ chặt chẽ với nhau lại vừa đối lập nhau. Có thể thay hình thức tự hoạt động bằng hình thức thảo luận trong tổ, nhóm/
+ Giáo viên đưa ra các đoạn văn mẫu và yêu cầu học sinh xác định thao tác nghị luận chủ yếu được dùng trong mỗi đoạn (dưới hình thức tự điền vào phiếu học tập, trả lời phát vấn hoặc thảo luận trong tổ, nhóm). Sau đó, giáo viên cũng hướng dẫn học sinh rút ra nhận xét như đã nói ở cách trên.
– Vận dụng, thực hành: Giáo viên hướng dẫn học sinh thảo luận các câu hỏi ghi ở mục II.1. trong sách giáo khoa. GV cũng có thể tìm ví dụ khác để học sinh nhận xét hoặc cho các em điền kết quả tìm hiểu vào một bảng hệ thống.
– Nâng cao kiến thức: Giáo viên cho học sinh thảo luận các câu hỏi ghi ở mục II.1.d trong sách giáo khoa.
Hướng dẫn học sinh sử dung thao tác so sánh
– Giáo viên đặt câu hỏi cho học sinh thảo luận để nắm được mục đích của việc sử dụng thao tác so sánh, các cách so sánh, một số điều cần lưu ý khi sử dụng thao tác này.
– Giáo viên cho học sinh đọc phần Ghi nhớ và thảo luận cách làm bài tập số 2 hoặc bài tập do giáo viên bổ sung.
Hướng dẫn học sinh luyện tập để củng cố, hệ thống hóa kiến thức, kĩ năng sử dụng các thao tác nghị luận trong bài văn nghị luận
– Giáo viên sử dụng các đề bài trong sách giáo khoa (đã nêu ở mục D) để yêu cầu học sinh luyện tập trên lớp.
– Giáo viên sử dụng thêm các đề bài bổ sung (đã nêu ở mục D) để yêu cầu học sinh luyện tập ở nhà.
Hướng dẫn học sinh viết đoạn văn văn nghị luận
Hướng dẫn học sinh cách viết đoạn văn nghị luận
– Giáo viên tổ chức cho học sinh đọc lại đàn ý đã được xây dựng ở tiết Lập dàn ý bài văn nghị luận, thống nhất chọn một ý trong dàn ý để viết.
– Học sinh viết bài và đổi bài cho nhau để chấm chéo.
– Giáo viên đọc một số bài, nhận xét, đánh giá và sửa chữa một số sai sót trong các bài viết.
Hướng dẫn học sinh luyện tập để củng cố, hệ thống hóa kiến thức, kĩ năng viết đoạn văn nghị luận
– Giáo viên sử dụng các đề bài trong sách giáo khoa (đã nêu ở mục D) để yêu cầu học sinh luyện tập trên lớp (nếu còn thời gian)
– Giáo viên sử dụng thêm các đề bài bổ sung (đã nêu ở mục D) để yêu cầu học sinh luyện tập ở nhà.
          III. Kiểm tra, đánh giá kĩ năng làm bài văn nghị luận của học sinh
Mục tiêu: Giúp học sinh nhớ ôn tập, củng cố những hiểu biết và kĩ năng viết bài văn nghị luận (lập dàn ý, lập luận, các thao tác nghị luân, viết đoạn văn…)
Phương tiện cần thiết: Đề bài kiểm tra, đáp án.
Tổ chức dạy học:
Nêu đề bài kiểm tra
– Giáo viên sử dụng các đề bài tham khảo trong sách giáo khoa hoặc các đề bài bổ sung (đã nêu ở mục D).
– Giáo viên có thể nêu 01 đề bài (nghị luận xã hội hoặc nghị luận văn học) hoặc 02 đề bài (có cả nghị luận xã hội và nghị luận văn học) cho học sinh lựa chọn.
Tổ chức cho học sinh làm bài
– Giáo viên có thể cho học sinh làm bài trên lớp hoặc ở nhà.
Thu bài và chấm bài
– Giáo viên thu và chấm bài.
– Khi chấm bài, giáo viên dựa vào những yêu cầu sau:
Với bài làm văn nghị luận xã hội
* Yêu cầu chung: Học sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận xã hội để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
* Yêu cầu cụ thể:
–  Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân.
–  Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Nêu được vấn đề mà đề bài yêu cầu nghị luận.
– Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm; biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; dẫn chứng phải lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động.
– Sáng tạo: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…) ; thể hiện được quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
 Chính tả, dùng từ, đặt câu: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
Với bài làm văn nghị luận văn học
* Yêu cầu chung: Học sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
* Yêu cầu cụ thể:
– Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân.
– Xác định đúng vấn đề cần nghị luận : Nêu được vấn đề mà đề bài yêu cầu nghị luận.
– Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác nghị luận để triển khai các luận điểm; biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng. Dẫn chứng  lấy từ các tác phẩm văn học.
– Sáng tạo: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…) ; văn viết giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
–  Chính tả, dùng từ, đặt câu: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

BẢNG MÔ TẢ MỨC ĐỘ YÊU CỦA CÁC ĐỀ BÀI KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC CỦA HỌC SINH TRONG DẠY HỌC CHUYÊN ĐỀ

Nhận biết Thông hiểu Vận dụng thấp Vận dụng cao
Xác định phương thức biểu đạt chính của bài văn (ở đây là nghị luận) Tìm các phương thức biểu đạt khác để kết hợp với thao tác chính (như tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh) Viết bài văn có sự kết hợp giữa phương thức biểu đạt chính với 01 phương thức biểu đạt khác Viết bài văn có sự kết hợp giữa phương thức biểu đạt chính với ít nhất 02 phương thức biểu đạt khác
Xác định vấn đề cần nghị luận (luận đề) Chỉ ra các khía cạnh khác nhau của vấn đề cần nghị luận (hệ thống luận điểm) Triển khai vấn đề cần nghị luận một cách hợp lí Thấy được các mặt khác nhau của vấn đề cần nghị luận hoặc mối liên quan giữa vấn đề cần nghị luận với những vấn đề khác; làm rõ được mối liên quan ấy trong bài làm; giải quyết được vấn đề nhờ việc sử dụng kiến thức liên môn.
Xác định thứ tự của các luận điểm Sắp xếp các luận điểm theo một trình tự hợp lí, thể hiện mối quan hệ chặt chẽ Với mỗi luận điểm, nêu được những lí lẽ và dẫn chứng cơ bản Với mỗi luận điểm, xác định được mức độ trình bày để làm nổi bật luận đề
Xác định thao tác lập luận chính của bài văn Xác định thao tác lập luận phù hợp với từng luận điểm Sử dụng các thao tác lập luận để triển khai từng luận điểm Sử dụng các thao tác lập luận một cách sáng tạo để giải quyết luận đề một cách trọn vẹn, hợp lí
Xác định phép lập luận (diễn dịch, quy nạp…) cho từng luận điểm Tìm được câu chủ đề và đặt ở vị trí phù hợp Viết câu chủ đề và các câu triển khai ý của câu chủ đề một cách hợp lí Viết câu chủ đề và các câu triển khai ý của câu chủ đề một cách sáng tạo
Xác định được phương tiện chính để trình bày bài văn (ở đây là chữ viết, có thể viết tay hoặc đánh máy) Tìm thêm được các phương tiện khác để trình bày bài văn (như tranh, ảnh, hình vẽ, biểu đồ, đồ thị…) Viết bài văn có sự kết hợp giữa chữ viết với 01 phương tiện khác Viết bài văn có sự kết hợp giữa chữ viết với ít nhất 02 phương tiện khác
Nhận biết được những lỗi chính tả, diễn đạt… trong bài văn Nêu được hướng sửa chữa các lỗi chính tả, diễn đạt… đã xác định được. Chữa được các lỗi chính tả, diễn đạt … cho đúng Chữa được các lỗi diễn đạt để bài viết hay hơn, sáng tạo hơn

 
Lưu ý: Trên đây là bảng mô tả các mức độ yêu cầu của đề bài nhằm kiểm tra, đánh giá năng lực viết (làm văn nghị luận) của học sinh. Tuy nhiên, khi xây dựng ma trận cho đề kiểm tra, đề văn nghị luận chỉ được xếp vào một trong hai mức: vận dụng hoặc vận dụng cao – trong đó đã bao hàm hai mức độ nhận biết và thông hiểu.

BIÊN SOẠN ĐỀ BÀI ĐỂ DẠY HỌC VÀ KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC VÀ PHẨM CHẤT CỦA HỌC SINH QUA CHUYÊN ĐỀ

Trong quá trình dạy học và hướng dẫn học sinh đọc thêm, giáo viên cần kiểm tra, đánh giá trước bài học (đánh giá kinh nghiệm, vốn kiến thức đã có của học sinh), kiểm tra, đánh giá trong bài học (đánh giá sau mỗi câu hỏi/bài tập/ nhiệm vụ mà học sinh thực hiện) và kiểm tra, đánh giá sau bài học/chuyên đề. Tuy nhiên, không nên sử dụng nhiều câu hỏi mang tính lí thuyết mà tăng cường đề bài yêu cầu học sinh thực hành để thể hiện năng lực viết của bản thân.
Mục tiêu: Đánh giá mức độ đáp ứng yêu cầu về kiến thức, kĩ năng làm văn nghị luận (văn học và xã hội)
Phương tiện: Các đề bài luyện tập lập dàn ý, viết đoạn, viết bài văn nghị luận; đề kiểm tra. Chú trọng các đề mở.
Đề bài thực hành lập dàn ý, lập luận, viết đoạn văn nghị luận
Lập dàn ý bài văn nghị luận
Đề bài tham khảo trong sách giáo khoa
Đề 1: Bàn về vai trò và tác dụng to lớn của sách trong đời sống tinh thần của con người, nhà văn M. Go-rơ-ki có viết: “Sách mở rộng trước mắt tôi những chân trời mới”.
Hãy giải thích và bình luận ý kiến trên.
Đề 2: Trong một lần nói chuyện với học sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.
Theo anh/chị, nên hiểu và vận dụng lời dạy đó của Người như thế nào?
Một bạn đã tìm được một số ý:
– Giải thích khái niệm tài đức.
– Có tài mà không có đức là người vô dụng.
– Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó.
Hãy:
– Bổ sung các ý còn thiếu.
– Lập dàn ý cho bài văn.
Đề 3: Lập dàn ý cho bài văn nghị luận với đề bài sau đây:
Trong lớp anh/chị có một số bạn gặp khó khăn trong đời sống nên chểnh mảng học tập. Các bạn đó thường mượn câu tục ngữ “Cái khó bó cái khôn” để tự biện hộ. Theo anh/chị, nên hiểu và vận dụng câu tục ngữ này như thế nào?

  1. Đề bài bổ sung

Đề 1: Lập dàn ý cho bài văn nghị luận với đề bài sau đây:
Chúng ta đang sống trong một thế giới số, nơi mọi hoạt động từ những sinh hoạt thường ngày đến những sự kiện đặc biệt, từ công việc đến vui chơi giải trí, chúng ta đều tự gắn chặt với thế giới số. (Trích Hãy gập máy tính, tắt điện thoại để nói và cười, http://giaoduc thoidai.vn ngày 23/5/2014)
Viết một bài văn ngắn (khoảng 600 chữ) nêu suy nghĩ của anh/chị về hiện tượng trên.
Đề 2: Lập dàn ý cho bài văn nghị luận với đề bài sau đây:
Giờ Trái Đất (tiếng Anh: Earth Hour) là một sự kiện quốc tế hằng năm, do Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (World Wildlife Fund) khuyên các hộ gia đình và cơ sở kinh doanh tắt đèn điện và các thiết bị điện không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt trong một giờ đồng hồ vào lúc 8h30 đến 9h30 tối (giờ địa phương) ngày thứ bảy cuối cùng của tháng ba. (Theo https://vi.wikipedia.org)
Viết bài văn (khoảng 600 chữ) nêu suy nghĩ của anh/chị về vấn đề trên.
Đề 3: Lập dàn ý cho bài văn nghị luận với đề bài sau đây:
Cảm nhận của anh/chị về bức tranh tâm trạng của người chinh phụ trong đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ (Trích Chinh phụ ngâm).
Lập luận trong văn nghị luận
Đề bài tham khảo trong sách giáo khoa
Đề 1: Hãy đọc đoạn văn lập luận sau đây và trả lời câu hỏi:
Người dùng binh giỏi là ở chỗ biết xét thời thế mà thôi. Được thời có thế thì biến mất làm còn, hóa nhỏ thành lớn. Mất thời không thế thì mạnh quay thành yếu, yên chuyển làm nguy, chỉ như khoảng trở bàn tay mà thôi. Nay các ông không rõ thời thế, lại trang sức bằng những lời dối trá, thế chẳng phải là kẻ thất phu hèn kém ư? Sao đủ để cùng nói việc binh được. (Nguyễn Trãi, Thư dụ Vương Thông lần nữa)
– Kết luận (mục đích) của lập luận là gì?
– Để dẫn tới kết luận đó, tác giả đã đưa ra những lí lẽ hoặc dẫn chứng (luận cứ) nào?
– Hãy cho biết thế nào là một lập luận.
Đề 2:
CHỮ TA
    Vừa ở Xơ-un (Hàn Quốc) về nước, đi công tác ở một số thành phố thấy cần phải viết ngay một điều.
    Ai cũng biết Hàn Quốc phát triển kinh tế khá nhanh, vào loại “con rồng nhỏ”, có quan hệ khá chặt chẽ với các nước phương Tây. Một nền kinh tế thị trường nhộn nhịp, có quan hệ quốc tế rộng rãi. Khắp nơi đều có quảng cáo nhưng không bao giờ quảng cáo thương mại được đặt ở công sở, hội trường lớn, danh lam thắng cảnh. Chữ nước ngoài, chủ yếu là tiếng Anh, nếu có thì viết nhỏ đặt dưới chữ Triều Tiên to hơn ở phía trên. Đi đâu, nhìn đâu cũng thấy nổi bật những bảng hiệu chữ Triều Tiên. Trong khi đó thì ở một vài thành phố của ta nhìn vào đâu cũng thấy tiếng Anh, có bảng hiệu của các cơ sở của ta hẳn hoi mà chữ nước ngoài lại lớn hơn cả chữ Việt, có lúc ngỡ ngàng tưởng như mình lạc sang một nước khác.
    Báo chí ở Hàn Quốc khá nhiều. Tôi không biết chữ Triều Tiên nhưng cũng xem qua khá nhiều tờ báo. Có một số tờ báo, tạp chí, số báo xuất bản bằng tiếng nước ngoài, in rất đẹp. Nhưng các tờ báo phát hành ở trong nước đều không có mấy trang cuối viết bằng tiếng nước ngoài, trừ một số tạp chí khoa học, ngoại thương có in ở trang cuối mục lục bằng tiếng nước ngoài để người đọc nước ngoài nhờ dịch những bài cần đọc. Trong khi đó ở ta, khá nhiều báo, kể cả một số tờ báo của các ngành của nhà nước ta lại có cái “mốt” là tóm tắt một số nội dung chính bằng tiếng nước ngoài ở trang cuối, xem ra đề cho “oai” trong khi đó người đọc trong nước lại bị thiệt mất mấy trang thông tin.
    Phải chăng, có cũng là thái độ tự trọng của một quốc gia khi mở cửa với bên ngoài, mà ta nên suy ngẫm.
(Theo Hữu Thọ – Bản lĩnh Việt Nam)
– Bài văn nghị luận trên bàn về vấn đề gì? Quan điểm của tác giả về vấn đề đó như thế nào?
– Bài văn có bao nhiêu luận điểm? Tìm các luận điểm đó.
– Tìm các luận cứ cho mỗi luận điểm.
– Cho biết đâu là luận cứ lí lẽ, đâu là bằng chứng thực tế.
– Xác định và phân tích các phương pháp lập luận được vận dụng.
– Kể thêm một số phương pháp lập luận thường được sử dụng trong văn bản nghị luận.
Đề 3: Tìm và phân tích các luận điểm, luận cứ và phương pháp lập luận trong đoạn trích ở bài Khái quát văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX (Ngữ văn 10, tập một, tr.109) sau đây:
Chủ nghĩa nhân đạo trong văn học trung đại cũng rất phong phú, đa dạng, biểu hiện ở lòng thương người; lên án, tố cáo những thế lực tàn bạo chà đạp lên con người; khẳng định, đề cao con người về các mặt phẩm chất, tài năng, những khát vọng chân chính như khát vọng về quyền sống, quyền hạnh phúc, quyền tự do, khát vọng về công lí, chính nghĩa; đề cao những quan hệ đạo đức, đạo lí tốt đẹp giữa người với người.
Có thể thấy những biểu hiện của chủ nghĩa nhân đạo nói trên qua các tác phẩm văn học Phật giáo thời lí (“Cáo bệnh, bảo mọi người” của Mãn Giác, “Tỏ lòng” của Không lộ,…), sáng tác của Nguyễn Trãi (“Đại cáo bình Ngô”, “Tùng”, “Cảnh ngày hè”,…), Nguyễn Bỉnh Khiêm (“Ghét chuột”, “Nhàn”,…), Nguyễn Dữ (“Chuyện người con gái Nam Xương”, “Chuyện chức phán sự đề Tản Viên”,…). Cảm hứng nhân đạo đặc biệt nổi bật ở các tác phẩm thuộc giai đoạn văn học thế kỉ XVIII – giữa thế kỉ XIX như “Chinh phụ ngâm”, “Cung oán ngâm khúc”, thơ Hồ Xuân Hương (“Bánh trôi nước”, “Mời trầu”, chùm thơ “Tự tình”), “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, “Truyện Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu,…
Đề 4: Hãy tìm luận cứ làm sáng tỏ luận điểm sau:
– Đọc sách đem lại cho ta nhiều điều bổ ích.
– Môi trường đang bị ô nhiễm nặng nề.
– Văn học dân gian là những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ truyền miệng.
Đề 5. Chọn một trong các lập luận vừa xây dựng ở bài tập 2 để viết thành một đoạn văn.
Đề bài bổ sung
Đề 1: Cho đề bài sau: Hiện nay, ở rất nhiều điểm công cộng như rạp chiếu phim, các cả hàng bán đồ ăn nhanh, công viên giải trí… nhiều người dường như quên cách xếp hàng mà cứ chen lấn, xô đẩy tạo nên những hình ảnh vô cùng xấu xí. Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) với chủ đề: Văn hóa xếp hàng nơi công cộng ở Việt Nam hiện nay.
– Lập dàn ý cho bài văn triển khai đề bài trên.
– Hãy tìm luận cứ và phương pháp lập luận cho từng luận điểm.
Đề 2: Cho đề bài sau: Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của thiên nhiên và tâm hồn Nguyễn Trãi qua bài thơ Cảnh ngày hè (Bảo kính cảnh giới, số 43).
Các thao tác nghị luận
Đề bài tham khảo trong sách giáo khoa
Đề 1: Trong lời tựa Trích diễm thi tập, Hoàng Đức Lương nhận định: “Thơ văn không lưu truyền hết ở đời là vì nhiều lí do”. Tiếp đó, ông lần lượt trình bày bốn lí do khiến thơ văn thời xưa đã không thể truyền lại đầy đủ được. Anh/chị thấy, ở trường hợp cụ thể này, tác giả đã sử dụng thao tác phân tích hay diễn dịch? Sử dụng thao tác đó có tác dụng gì?
Dựa vào kết quả tìm hiểu trên, hãy nhận xét và đánh giá về cách sử dụng thao tác nghị luận trong lập luận sau:
“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp. Vì vậy các đấng thánh đế minh vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên.
(Thân Nhân Trung, Bài kí đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ ba)
Đề 2: Cũng trong lời tựa Trích diễm thi tập, sau khi nêu bốn lí do hạn chế, Hoàng Đức Lương rút ra kết l uận: Vậy thì các bản thảo thơ văn cũ mỏng manh kia còn giữ mãi thế nào được mà không rách nát tan tành?
Kết luận này có được là nhờ tác giả tổng hợp hay quy nạp? Thao tác tổng hợp (hay quy nạp) đó giúp gì cho quá trình lập luận càng trở nên có sức thuyết phục hơn?
Hãy xét xem, trong đoạn trích sau đây có sử dụng thao tác tổng hợp (hay quy nạp) giống với trường hợp trên không? Vì sao?
Ta thường nghe: Kỉ Tín đem mình chết thay, cứu thoát cho Cao Đế: Do Vu chìa lưng chịu giáo, che chở cho Chiêu Vương; Dự Nhượng nuốt than để báo thù cho chủ; Thân Khoái chặt tay cứu nạn cho nước; Kính Đức, một chàng tuổi trẻ, thân phò Thái Tông thoát khỏi vòng vây Thế Sung; Cảo Khanh, một bề tôi xa, miệng mắng Lộc Sơn, không theo mưu kế nghịch tặc. Từ xưa, các bậc trung thần nghĩa sĩ bỏ mình vì nước, đời nào không có?
(Trần Quốc Tuấn, Hịch tướng sĩ)
          Đề 3: Trong bài Tinh thần yêu nước của nhân dân ta, sau khi dẫn ra những tấm gương của sự cống hiến, hi sinh cho kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh tổng kết:
Những cử chỉ cao quý đó, tuy khác nhau nơi việc làm, nhưng đều giống nhau nơi lòng nồng nàn yêu nước.
Tác giả phải dùng thao tác nào để có thể nhận rõ sự khác nhaugiống nhau? Câu văn trên được viết nhằm nhấn mạnh sự khác nhau hay sự giống nhau?
          Đoạn Bàn về việc so sánh đức nhà Lí và nhà Lê trong Đại Việt sử kí của Lê Văn Hưu dẫn dưới đây có cùng mục đích nhấn mạnh sự khác nhau (hoặc giống nhau) như câu trên không?
Có người hỏi Lê Đại Hành với Lí Thái Tổ ai hơn?
          Trả lời rằng: Về mặt dẹp gian bên trong, đánh giặc bên ngoài để làm mạnh nước Việt ta và ra uy với người Tống thì công của Lí Thái Tổ không bằng Lê Đại Hành gian nan khó nhọc. Về mặt ân uy rõ rệt, lòng người vui vẻ suy tôn, làm cho vận nước lâu dài, để phúc lại cho con cháu thì Đại Hành không biết lo xa bằng Lí Thái Tổ. Thế thì Lí Thái Tổ hơn.
          Từ đó suy ra: Thao tác so sánh bao gồm mấy loại chính?
          Đề 4: Tìm hiểu đoạn trích sau đây và cho biết:
– Tác giả muốn chứng minh điều gì?
– Để làm rõ điều  phải chứng minh, tác giả đã sử dụng những thao tác nghị luận chủ yếu nào?
– Cách dùng những thao tác nghị luận đó hay ở chỗ nào?
Thơ Nôm Nguyễn Trãi đã tiếp thụ nhiều thành tựu của văn hóa dân gian, văn học dân gian. Củ khoai, quả ổi, bè rau muống, luống dọc mùng,… vốn rất xa lạ với văn chương bác học đã được Nguyễn Trãi đưa vào thơ Nôm của mình một cách rất tự nhiên. Tục ngữ, thành ngữ, ca dao, những đặc điểm thanh điệu tiếng Việt, tất cả những khả năng phong phú ấy của ngôn ngữ dân gian đã được Nguyễn Trãi khai thác một cách tài tình, để cho hình tượng thơ có nhiều màu sắc dân tộc và lời thơ có âm điệu phong phú. […]
Viết về tác dụng của một làn dân ca, một nét dân nhạc, Nguyễn Trãi đã có những phát hiện tài tình. Ông chài hát lên ba lần thì mặt hồ phủ khói lại rộng thêm ra. Chú chăn trâu thổi lên một tiếng sáo thì mặt trăng trên bầu trời được đẩy cao hơn. Không gian rộng thêm ra, lớn thêm lên. Văn nghệ có thể và phải nâng con người lên một tầm vóc cao đẹp hơn là như thế.
(Theo Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Trãi – nhà văn hóa lớn, trong Nguyễn Trãi, thơ và đời, NXB Văn học, Hà Nội, 1997)
Đề bài bổ sung
Đề 1: Cho đề bài sau: Có ý kiến cho rằng: Đừng để thế giới ảo làm hỏng cuộc sống thật của bạn. Viết bài văn khoảng 600 chữ nêu suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên.
– Lập dàn ý cho đề bài trên.
– Xác định các thao tác nghị luận mà anh/chị sử dụng trong bài văn. Nêu lí do vì sao anh/chị lại sử dụng các thao tác đó.
Đề 2: Cho đề bài sau: Cảm nhận của anh/chị về cuộc sống, nhân cách Nguyễn Bỉnh Khiêm qua bài thơ Nhàn.
– Lập dàn ý cho đề bài trên.
– Xác định các thao tác nghị luận mà anh/chị sử dụng trong bài văn. Nêu lí do vì sao anh/chị lại sử dụng các thao tác đó.
Viết đoạn văn nghị luận
Đề bài tham khảo trong sách giáo khoa
Với đề bài: Sách mở rộng trước mắt tôi những chân trời mới. (Go-rơ-ki), vận dụng bài học Lập dàn ý bài văn nghị luận, chúng ta có dàn ý sau:
I – Mở bài
– Nêu vai trò của sách từ xưa đến nay trong đời sống tinh thần của con người.
– Trích dẫn câu nói của M.Go-rơ-ki.

  1. Thân bài
  2. Sách là sản phẩm tinh thần kì diệu của con người
  3. a) Sách là sản phẩm của văn minh nhân loại
  4. b) Sách là kết quả của lao động trí tuệ.
  5. c) Sách có sức mạnh vượt thời gian và không gian.
  6. Sách mở rộng những chân trời mới.
  7. a) Sách cung cấp những hiểu biết về thế giới xung quanh, về vũ trụ bao la, về các đất nước xa xôi trên thế giới
  8. b) Sách giúp hiểu biết về cuộc sống con người qua các thời kì khác nhau, hiểu biết đời sống văn hóa, tâm tư, tình cảm, khát vọng của con người những nơi xa xôi.
  9. c) Sách giúp con người tự khám phá dân tộc mình, bản thân mình và chắp cánh những ước mơ, nuôi dưỡng khát vọng.
  10. Cần có thái độ đúng với sách và việc đọc sách
  11. a) Đọc sách mang lại lợi ích nên phải biết chọn sách mà đọc, biết học hỏi và làm theo những điều tốt đẹp trong sách.
  12. b) Sách rất quan trọng nhưng chỉ học trong sách vở thì vẫn chưa đủ mà phải biết học cả trong thực tế.

III. Kết bài
– Khẳng định tác dụng to lớn của sách và việc đọc sách.
– Nêu phương hướng hành động của cá nhân.
Yêu cầu:
– Anh/chị hãy chọn một mục nhỏ trong dàn bài trên để viết thành một, hai đoạn văn ngắn (trong 25 phút).
– Đổi bài viết cho nhau đọc và nhận xét, đánh giá.
– Cả lớp chọn một bài viết tiêu biểu để đánh giá, nhận xét tập thể.
Đề bài bổ sung
Đề 1: Cho đề bài sau: Viết bài văn (khoảng 600 chữ) về chủ đề: Mạng xã hội.
– Lập dàn ý cho đề bài trên.
– Viết đoạn văn mở bài và kết bài cho bài văn triển khai đề bài trên.
Đề 2: Cho đề bài sau: Viết bài văn (khoảng 600 chữ) nêu suy nghĩ của anh/chị về hiện tượng sau:
“Năm 2014, tổng số vụ việc phạm pháp do người nước ngoài gây ra ở Nhật là 15.215 vụ, có đến 2.488 vụ liên quan đến người Việt Nam, chiếm 16,3%. Số người nước ngoài bị cảnh sát Nhật bắt giữ là 10.689, trong đó người Việt là 1.548, chiếm 14,48%(!). Tính ra, số người Việt bị bắt ở Nhật chỉ đứng sau người Trung Quốc (hai quốc gia có tệ nạn tham nhũng đáng nể), nhưng nếu tính theo tỷ lệ dân số Việt Nam ít hơn Trung Quốc 15 lần, thì số lượng người Việt trộm cắp ở Nhật là nhất thế giới. Trong số đó, 54,2% trường hợp phạm tội là những người đang du học.
Mà đâu chỉ có Nhật Bản? Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan…, đều là những quốc gia mà cảnh sát có việc làm bất đắc dĩ với người Việt xung quanh chuyện tăng xin, giảm mua, tích cực cầm nhầm này.
Thành phần người Việt ăn cắp vặt cũng đa dạng vô kể. Không chỉ có những người Việt trẻ du học, mà còn có cả cán bộ thành đoàn đi học. Không chỉ có nam, mà có cả nữ. Không chỉ có người đi trên mặt đất, mà còn có cả phi công bay bổng trên trời xanh, cũng làm cánh tay nối dài cho những kẻ ăn cắp tại xứ người”.
(Trích Cán bộ “đất, đô la” và hạng nhất tủi hổ – Dẫn theo http://vietnam net.vn ngày 23/5/2015).
– Lập dàn ý cho đề bài trên.
– Chọn hai luận điểm trong phần thân bài và triển khai mỗi luận điểm đó thành một đoạn văn theo thao tác diễn dịch và quy nạp.
Đề bài kiểm tra – viết bài văn nghị luận
Đề bài tham khảo trong sách giáo khoa
Đề 1: Dân tộc ta có truyền thống Tôn sư trọng đạo. Theo anh/chị, truyền thống ấy được nối tiếp như thế nào trong thực tế cuộc sống hiện nay?
Đề 2: Có ý kiến cho rằng: Những thói xấu ban đầu là người khách qua đường, sau trở nên người bạn thân ở chung nhà và kết cục biến thành ông chủ nhà khó tính.
Anh/chị thấy ý kiến này như thế nào?
Đề 3: Hưởng ứng đợt thi đua Xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động, chi đoàn lớp 10A tổ chức hội thảo với chủ đề: Hãy vì một mái trường xanh, sạch, đẹp.
Anh/chị hãy viết bài tham gia hội thảo đó.
Đề 4: Học bài thơ Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão, có bạn cho rằng: Sự hổ thẹn của tác giả là thái quá, kiêu kì. Ngược lại, có bạn ngợi ca và cho rằng đó là biểu hiện một hoài bão lớn lao của người thanh niên yêu nước.
Hãy cho biết ý kiến của anh/chị.
Đề bài bổ sung
Đề 1: Trong bức thư cho con, ông Tôn Vận Tuyền (cố thủ tướng Đài Loan) viết: “Tuy rằng rất nhiều vị công thành danh toại không học nhiều lắm, nhưng thế không có nghĩa là cứ lười học lười đọc là sẽ thành công… Tri thức con học được sẽ là vũ khí trong tay, có thể dựng cơ đồ từ bàn tay trắng, nhưng không thể chiến đấu không một tấc gươm. Mong con nhớ kĩ!” (Trích Bài học dạy con trứ danh của cố Thủ tướng Đài Loan – Dẫn theo vietnamnet.vn) TTLTSP
Viết bài văn (khoảng 600 chữ) nêu suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên.
Đề 2: Adam Khoo: Adam Khoo – tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Tôi tài giỏi, bạn cũng thế!” nhấn mạnh: “Chúng ta sinh ra đều là những thiên tài, vấn đề ở chỗ là bạn phải biết cách tận dụng sức mạnh tiềm ẩn bên trong bạn”.
Viết bài văn (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên.
Đề 3: Viết bài văn (khoảng 600 chữ) bàn về một kĩ năng sống mà anh/chị cho là quan trọng của tuổi trẻ hiện nay.
Đề 4: “Bảo kính cảnh giới” nghĩa là “Gương báu răn mình”. Hãy viết bài văn để cho làm rõ trong bài bài thơ “Bảo kính cảnh giới” số 43 (Cảnh ngày hè) Nguyễn Trãi đã đưa ra tấm “gương báu” nào để “răn mình” điều gì?
Đề 5. Người anh hùng Từ Hải là một sáng tạo đặc sắc của Nguyễn Du về phương diện cảm hứng sáng tạo và nghệ thuật miêu tả. (Dẫn theo Ngữ văn 10, Tập hai)
Anh/chị hãy làm rõ điều đó qua việc phân tích đoạn trích Chí khí anh hùng (trích Truyện Kiều)
 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2006), Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn, NXB Giáo dục
  2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2014), Ngữ văn 10, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam
  3. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2014), Sách giáo viên Ngữ văn 10, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam
  4. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2014), Tài liệu Hội thảo Đổi mới kiểm tra đánh giá chất lượng học tập môn Ngữ văn ở trường phổ thông
  5. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2014), Tài liệu tập huấn Dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh môn Ngữ văn cấp THPT
  6. Chính phủ (2012), Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 ban hành kèm theo Quyết định số 711/QĐ-TTg ngày 13/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ
  7. Nguyễn Văn Cường – Bernd Meier (2014), Lý luận dạy học hiện đại – Cơ sở đổi mới mục tiêu, nội dung và phương pháp dạy học, NXB Đại học Sư phạm
  8. 8. Phan Trọng Ngọ (2005), Dạy học và phương pháp dạy học trong nhà trường, NXB Đại học Sư phạm
  9. Dự án Việt – Bỉ, Một số phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực.

Giáo án sưu tầm
Xem thêm : Trọn bộ giáo án ngữ văn theo chủ đề dạy học
Giáo án ngữ văn 10 
Giáo án ngữ văn 11
Giáo án ngữ văn 12
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *