Sưu tầm những nhận định hay về các tác phẩm văn xuôi lớp 12

Tổng hợp những nhận định văn học hay về các tác phẩm trong chương trình Ngữ văn lớp 12,một số nhận định về các tác giả và tác phẩm.

Người lái đò sông Đà

“… Đọc Người lái đò sông Đà, ta có ấn tượng rõ rệt về sự tự do của một tài năng, của một đấng hóa công thực sự trong nghệ thuật ngôn từ… Khi gân guốc, khi mềm mại, khi nghiêm nghị như một nhà bác học, khi hồn nhiên như một đứa trẻ thơ, những trang viết, những câu văn của Nguyễn Tuân mang hơi thở ấm nóng của cuộc đời phức tạp, phong phú, đa dạng. Sự tự ý thức sâu sắc về tài năng của mình không phải là một biểu hiện tiêu cực, trái lại, nó tạo nên sự giải phóng năng lượng rất cần thiết để nhà văn có thể sáng tạo nên những tác phẩm kì vĩ…”. (Phan Huy Đông, in trong Vẻ đẹp văn học cách mạng).
“… Nguyễn Tuân đã sáng tạo ra một con Sông Đà không phải là thiên nhiên vô tri, vô giác, mà là một sinh thể có hoạt động, có tính cách, cá tính, có tâm trạng hẳn hoi và khá phức tạp. Nó có hai nét tính cách cơ bản đối lập nhau như tác giả nói- “hung bạo và trữ tình…” .( Nguyễn Đăng Mạnh).
“… Nguyễn Tuân- một cây bút vốn luôn khao khát những cảm giác, cảm xúc mới lạ, nồng nàn, say đắm…”. (Nguyễn Đăng Mạnh).

Ai đã đặt tên cho dòng sông

“… Nhiều thế hệ văn nghệ sĩ đến với Huế và đã bị con Sông Hương mê hoặc. Nhiều tác phẩm văn học đã đưa con sông này đến với người đọc để từ đó đem lòng yêu Huế, dù chưa một lần đặt chân đến nơi này. Nhưng với Hoàng Phủ Ngọc Tường, người một đời gắn bó với Huế, bằng tình cảm tha thiết, bằng tiềm năng văn hóa đã khám phá vẻ đẹp của Hương Giang một cách toàn diện, đưa Sông Hương trở thành biểu tượng của đất cố đô…” (Bùi Thị Hải Hạnh).

Những đứa con trong gia đình

“… Văn Nguyễn Thi thấm đượm chất triết lí- một thứ triết lý thoát li sách vở và bật lên từ những tình huống hiện thực, từ mạch ngầm tâm lí con người…. Truyện Nguyễn Thi thường hồn nhiên, rành mạch một cách sâu sắc…” (Hoàng Cẩm Giang).

Một người Hà Nội

“… Một người Hà Nội cho thấy sự vận động trong tư duy nghệ thuật của Nguyễn Khải nói riêng và văn học nói chung, khi giờ đây các nhà văn có ý thức trình bày lịch sử qua số phận cá nhân… Sự trường cửu và sự lộng lẫy của dân tộc mình chỉ có thể có được khi mỗi chúng ta phải biết sống hết mình vì Tổ Quốc. Và sống kiêu hãnh như một Con Người…” (Nguyễn Đăng Điệp, in trong Vẻ đẹp văn học cách mạng).
Xem thêm : Sưu tầm những nhận định hay về các tác phẩm thơ lớp 12

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *