Kĩ năng viết mở bài trong văn nghị luận

CHUYÊN ĐỀ

KỸ NĂNG VIẾT MỞ BÀI TRONG VĂN NGHỊ LUẬN

 
Nhà văn Nga Macxim Gorki đã từng nói: “ Khó hơn cả là phần mở đầu, cụ thể là câu đầu, cũng như trong âm nhạc, nó chi phối giọng điệu của tác phẩm và người ta thường tìm nó rất lâu”. Với yêu cầu đặt ra của việc viết đoạn mở bài một cách nhanh chóng, đảm bảo các yêu cầu chức năng của nó làm cho không ít học sinh cảm thấy khó khăn.
* Mục đích:
Mục đích của mở bài là giới thiệu về vấn đề mà mình sẽ viết, thực chất là trả lời câu hỏi: Ở bài viết này, mình định viết về điều gì?
* Yêu cầu:
– Ngắn gọn: Phần mở bài quá dài dòng không những khiến học sinh mất thời gian mà còn khiến các em bị cạn kiệt ý tưởng cho phần thân bài. Trong phần này chỉ nên hé mở những gì mình định viết ở phần thân bài.
– Đầy đủ: Phần mở bài phải nêu được vấn đề cần nghị luận, phạm vi tư liệu, thao tác nghị luận chính.
– Độc đáo: Phần mở bài phải gây được sự chú ý cho người đọc về vấn đề cần nghị luận bằng cách nêu hoặc có những liên tưởng khác lạ, bất ngờ cho người đọc. Bạn sẽ dễ chiếm cảm tình của người đọc bằng cách này nhất, bởi nó làm bạn nổi bật giữa hàng trăm bài văn khác.
– Tự nhiên: Phần mở bài cũng chỉ nên dùng các ngôn từ giản dị, mộc mạc, tránh sáo rỗng, tránh gượng ép. Bởi điều này sẽ gây cho người đọc cảm giác mơ hồ, khó chịu về sự giả tạo.
– Tránh lạc đề: Nên nhớ đây là bài thi, nếu phần mở bài của bạn lạc đề thì không những mất điểm mà còn mất luôn cảm tình của người chấm! 

  • Cấu trúc của một mở bài

Cấu trúc của một mở bài gồm 4 nội dung chính:
– Dẫn dắt vấn đề: Nêu một vài ý liên quan đến luận đề cần bàn, chuẩn bị tư tưởng dẫn dắt người đọc, người nghe vào nội dung bàn luận hay tình huống có vấn đề đặt ra ở đề bài. Điều quan trọng ở phần này là tạo được sự hấp dẫn, thu hút người đọc. (VD: Liên hệ bông hoa → ong bướm).
– Nêu vấn đề: Nêu vấn đề một cách ngắn gọn, khái quát và chính xác. Vấn đề mà mở bài nêu ra chính là vấn đề mà nội dung bài viết đề cập tới. 
– Nêu giới hạn vấn đề : Nêu được phạm vi bàn luận trong khuôn khổ tư liệu nào (1 đề tài, 1 tác phẩm hay nhiều tác phẩm…)
– Nêu thao tác nghị luân chính của bài: Phân tích, bình luận, chứng minh, giải thích…
– Ngoài 4 nội dung chính vừa nêu trên, cấu trúc của một mở bài có thể có thêm một nội dung phụ, đó là: Nêu nhận định về tầm quan trọng của vấn đề, ý nghĩa của vấn đề đối với cuộc sống, xã hội, dòng văn học; với trước đó và đương thời… (phần này không nhất thiết phải có, tuỳ thuộc vào từng vấn đề cụ thể).
Cách xác định vấn đề
Bằng cách đặt và trả lời cho câu hỏi: Bài làm cần viết về cái gì? Từ đó xác định trọng tâm kiến thức cần nêu. Hãy dùng bút tô đậm những từ chìa khóa trong đề ra và lấy đó làm từ trọng điểm cho phần mở bài của mình.
Xác định vấn đề bàn luận là điều căn bản cốt yếu nhất vì nếu xác định sai thì coi như toàn bộ nội dung bài viết sẽ chệch hướng hoàn toàn, như vậy nghĩa là lạc đề. Muốn xác định được vấn đề thì phải tìm hiểu kỹ đề bài. Thông thường đề bài có hai dạng:
* Dạng nổi (Lộ thiên)
Dạng nổi là dạng đề mà các yêu cầu về nội dung, hình thức, cách thức, phương hướng, phạm vi, mức độ nghị luận được nêu ra trực tiếp và rõ ràng trong đề bài. Ở đề bài này vấn đề cần bàn luận đã có sẵn.
Ví dụ 1: Vai trò của biển với đời sống nhân loại.
Vấn đề trọng tâm đã được nói rõ ở đề bài đó là khẳng định vai trò quan trọng của biển đối với sự tồn tại và phát triển của nhân loại.
Ví dụ 2: Tình yêu với biển đảo quê hương của thanh niên Việt Nam.
Vấn đề cần tìm đã rất rõ ràng, đó là tình yêu biển đảo của thanh niên Việt Nam.
Lưu ý: Nhiều khi đề có đoạn dẫn rất dài, hãy chú ý đọc kỹ để tìm vấn đề được chỉ rõ ngay trong đề. Ở những trường hợp này nhiều đề bài sau khi nêu nội dung (đoạn trích thơ, văn hoặc nhận định) thường có yêu cầu thí sinh phải làm rõ điều gì đó. Đấy chính là vấn đề cần lý giải.
Ví dụ: Hãy phân tích đoạn Mỵ ở nhà thống lý Pá Tra để thấy được nỗi đau và sức sống tiềm tàng của người phụ nữ mèo vùng Tây bắc.
Vấn đề đã rất rõ: Thể loại phân tích vấn đề để nêu bật 2 nội dung đề yêu cầu: Nỗi đau khổ và sức sống tiềm tàng của nhân vật Mỵ.
* Dạng chìm
Dạng chìm là dạng đề trong đó người ra đề không cho dữ kiện rõ về các yêu cầu của nội dung cũng như cách thức, phạm vi… nghị luận. Bởi thế người viết phải phân tích, tổng hợp, khái quát nội dung vấn đề từ chính nội dung của đoạn văn, đoạn thơ, hoặc tác phẩm, câu trích…
Ví dụ: Biển đảo quê hương hôm nay với thanh niên Việt Nam.
Đề bài đưa ra một vấn đề “nóng” hiện nay, để làm rõ vấn đề cần có suy nghĩ: Biển đảo quê hương hôm nay có vấn đề gì? Vì sao phải đặt vấn đề đó hôm nay? Trách nhiệm của thanh niên với biển đảo…
Chú ý: Học sinh khi đọc đề cần xác định thật rõ ràng những yêu cầu của đề theo hướng:
– Về nội dung, cần xem yêu cầu vấn đề cần nghị luận có giới hạn ở đâu? Giai đoạn nào? Tác phẩm hay đoạn nào? Đề tài gì? Chủ đề gì?
– Về hình thức, cần quan tâm đến kiểu bài mà đề yêu cầu: Phân tích, bình luận, bình giảng… hay đi kèm 2 kiểu bài hoặc tổng hợp các kiểu?
Các cách mở bài
– Mở bài trực tiếp có hai cách: Mở thẳng vấn đề và mở trực tiếp có thêm phần dẫn dắt (thời gian, không gian và hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm).
– Mở bài gián tiếp: Mở bằng câu chuyện, mở bằng cách nêu câu hỏi, mở bằng cách nêu sự kiện, con số….
GS Nguyễn Đăng Mạnh tổng kết: “Các cách mở bài khác nhau chủ yếu ở phần dẫn dắt. Phần nêu vấn đề và phần giới hạn vấn đề thường không thay đổi, viết mở bài theo kiểu gì thì ai cũng phải nêu được phần này. Nói gọn lại cứ thay đổi phần dẫn dắt ta sẽ có một mở bài mới”.
Một số mẫu mở bài ứng dụng từ thực tế
Đặt vấn đề (mở bài) trực tiếp – trực khởi
* Mở thẳng vấn đề

– Dẫn dắt ngắn gọn bằng câu văn liên quan trực tiếp tới vấn đề.
– Nêu rõ vấn đề định bàn luận.
– Nêu giới hạn vấn đề.
Ví dụ: Phân tích nhân vật Mỵ trong “Vợ chồng A phủ ” của Tô Hoài.
Mở bài: Mỵ là nhân vật trung tâm trong tác phẩm “Vợ chồng A phủ ” (1). Hình ảnh Mỵ là hình ảnh của người phụ nữ Mèo đầy bi kịch trong xã hội thực dân phong kiến miền núi, nhưng đồng thời trong Mỵ tiềm ẩn sức sống mạnh mẽ vươn dậy làm chủ số phận của mình, đặc biệt khi gặp ánh sáng Đảng soi đường (2). Để thấy rõ điều này chúng ta cùng đi vào phân tích nhân vật Mỵ trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài (3).
Phân tích: Bài làm trên thực hiện giới thiệu luôn vấn đề: Mỵ là nhân vật trung tâm trong (câu 1) và xác định giới hạn nghị luận đó là bi kịch và sức sống tiềm tàng của Mỵ (câu 2), phạm vi tư liệu và thao tác nghị luân chính trong bài viết (câu 3).
* Mở trực tiếp có thêm phần dẫn dắt
– Dẫn dắt bằng cách nêu bối cảnh làm vấn đề xuất hiện như: thời gian, không gian, địa điểm xảy ra sự kiện liên quan đến tác phẩm/vấn đề; xuất xứ của tác phẩm văn học….
– Nêu rõ vấn đề định bàn luận.
– Nêu giới hạn vấn đề.
Ví dụ, với đề bài trên ta thêm câu dẫn để thành MB mới như sau:
Một trong những thành công của tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” là nghệ thuật xây dựng nhân vật, trong đó tiêu biểu là nhân vật người phụ nữ miền núi. Mỵ là nhân vật trung tâm trong tác phẩm “Vợ chồng A phủ ”. Hình ảnh Mỵ là hình ảnh của người phụ nữ Mèo với số phận đầy bi kịch trong xã hội thực dân phong kiến miền núi, nhưng đồng thời trong Mỵ cũng tiềm ẩn sức sống mạnh mạnh mẽ vươn dậy làm chủ số phận của mình, đặc biệt khi gặp ánh sáng Đảng soi đường. Để thấy rõ điều này chúng ta cùng đi vào phân tích nhân vật Mỵ trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài.
* Ưu điểm và hạn chế của cách mở bài này :
– Ưu điểm:
+ Đi thẳng ngay vào bài nên tránh được sự lan man, xa đề hoặc lạc đề.
+ Dễ vận dụng đối với các học sinh có kỹ năng lập luận yếu.
+Tiết kiệm được thời gian suy nghĩ cho người viết.
– Hạn chế: Ít tạo được ấn tượng lôi cuốn người đọc.
Đặt vấn đề (mở bài) theo cách gián tiếp – lung khởi
Theo kết luận của GS Nguyễn Đăng Mạnh, có thể rút ra kết luận bản chất của một mở bài hay hoặc không hay theo lối viết mở bài gián tiếp phụ thuộc hoàn toàn vào cách dẫn dắt. Và đây chính là những lời mở đầu sớm nhất của mở bài, nó thường gây khó khăn cho học sinh. Dưới đây chúng tôi trình bày một số cách mà học sinh dễ áp dụng và đạt hiệu quả cao.
Học sinh chỉ việc sử dụng theo công thức: (1) Đoạn dẫn + (2) Nêu vấn đề + (3) Giới hạn vấn đề + (4) Thao tác nghị luận chủ yếu + (5) Nhận định về tầm quan trọng của vấn đề, ý nghĩa.
Lưu ý: Sau đoạn dẫn thì 4 nội dung còn lại không nhất thiết phải xếp theo trình tự như đã nêu trên.
(1) Đoạn dẫn mở bài theo tư liệu tác giả
Yêu cầu: Nêu tên tác giả, vị trí tác giả trong nền văn học hoặc phong cách, đề tài tiêu biểu, tác phẩm tiêu biểu.
VD thêm đoạn dẫn vào ví dụ trên để có 1 mở bài gián tiếp theo cách (1).
Tô Hoài là một tác giả văn học nổi tiếng từ trước cách mạng tháng 8 và đồng thời cũng là nhà văn tiêu biểu của nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Trong số rất nhiều tác phẩm giá trị của ông có tập “Truyện Tây Bắc” mà trong đó ấn tượng nhất vẫn là “Vợ chồng A phủ”. Mỵ là nhân vật trung tâm trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ ”. Hình ảnh Mỵ là hình ảnh của người phụ nữ Mèo đầy bi kịch trong xã hội thực dân phong kiến miền núi, nhưng đồng thời trong Mỵ tiềm ẩn sức sống mạnh mạnh mẽ vươn dậy làm chủ số phận của mình, đặc biệt khi gặp ánh sáng Đảng soi đường. Để thấy rõ điều này chúng ta cùng đi vào phân tích nhân vật Mỵ trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài.
(2) Đoạn dẫn mở bài theo lối quy nạp
Yêu cầu: Tìm một vấn đề mang tính chất chân lý là tiền đề để khẳng định vẫn đề. 
VD thêm đoạn dẫn vào ví dụ trên để có 1 mở bài gián tiếp theo cách (2).
Thời gian không ngừng trôi và bốn mùa luân chuyển. Con người chỉ xuất hiện một lần trong đời và cũng chỉ một lần ra đi mãi mãi vào cõi vĩnh hằng. Nhưng những gì là thơ, là văn, là nghệ thuật đích thực… thì vẫn còn mãi mãi với thời gian. “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài là một tác phẩm nghệ thuật như thế. Một trong những lý do làm cho tác phẩm sống mãi là nhà văn đã xây dựng thành công nhân vật Mỵ. Mỵ là nhân vật trung tâm trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”. Hình ảnh Mỵ là hình ảnh của người phụ nữ Mèo đầy bi kịch trong xã hội thực dân phong kiến miền núi, nhưng đồng thời trong Mỵ tiềm ẩn sức sống mạnh mạnh mẽ vươn dậy làm chủ số phận của mình, đặc biệt khi gặp ánh sáng Đảng soi đường. Để thấy rõ điều này chúng ta cùng đi vào phân tích nhân vật Mỵ trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài.
(3) Đoạn dẫn mở bài theo lối so sánh hai vấn đề tương tự
Yêu cầu : Tìm 1 vấn đề tương tự (đề tài, chủ đề, hình ảnh , tác phẩm…) làm cầu nối so sánh với vấn đề của đề bài để tạo đoạn dẫn.
VD1 thêm đoạn dẫn vào ví dụ trên để có 1 mở bài gián tiếp theo cách (3).
Khi đọc “Mùa lạc” của Nguyễn Khải ta gặp nhân vật Đào, cô gái có quá khứ đau thương nhưng đã trỗi dậy mạnh mẽ khi đón nhận cuộc sống mới và những con người mới. Nhưng đau thương hơn và sự vươn dậy quyết liệt hơn phải kể đến nhân vật Mỵ trong “Vợ chồng A phủ ” của nhà văn Tô Hoài. Mỵ là nhân vật trung tâm trong tác phẩm. Hình ảnh Mỵ là hình ảnh của người phụ nữ Mèo đầy bi kịch trong xã hội thực dân phong kiến miền núi, nhưng đồng thời trong Mỵ tiềm ẩn sức sống mạnh mẽ vươn dậy làm chủ số phận của mình, đặc biệt khi gặp ánh sáng Đảng soi đường. Để thấy rõ điều này chúng ta cùng đi vào phân tích nhân vật Mỵ trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn.
VD2 Đề ra: Phân tích bi kịch của nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao.
Có thể mở bài như sau:
Viết về nỗi khốn cùng của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng có lẽ ít ai còn có thể vượt qua được “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, “Bước đường cùng” của Nguyễn Công Hoan. Viết về sự lưu manh tha hóa của con người có lẽ khó còn ai có thể sánh ngang với Nguyên Hồng trong tiểu thuyết “Bỉ vỏ”. Nhưng phải đến khi Chí Phèo ngật ngưỡng bước ra từ trong trang sách của nhà văn Nam Cao người ta mới thấy hết được cái khốn cùng, cái lưu manh, cái bi kịch bất hạnh của con người. Bi kịch sinh ra làm người mà bị xã hội từ chối quyền làm người.
(4) Đoạn dẫn mở bài theo lối so sánh hai vấn đề đối lập
Yêu cầu : Tìm 1 vấn đề đối lập tạo thế bắc cầu để giới thiệu vấn đề cần bàn.
VD thêm đoạn dẫn vào ví dụ trên để có 1 mở bài gián tiếp theo cách (4).
Chúng ta đã gặp không ít những số phận người phụ nữ bi thương trong các tác phẩm văn học Việt Nam, đó là một nàng Vũ Nương oan khuất, một nàng Kiều bi kịch, một Chị Dậu tủi hờn… Nhưng khi tiếp cận với dòng văn học cách mạng, vẫn những người phụ nữ ngày xưa ấy nay lại trỗi dậy mạnh mẽ đứng dậy làm chủ đời mình. Một trong những nữ nhân vật văn học tiêu biêu biểu là Mỵ trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của Nhà văn Tô Hoài. Mỵ là nhân vật trung tâm trong tác phẩm. Hình ảnh Mỵ là hình ảnh của người phụ nữ Mèo đầy bi kịch trong xã hội thực dân phong kiến miền núi, nhưng đồng thời trong Mỵ tiềm ẩn sức sống mạnh mạnh mẽ vươn dậy làm chủ số phận của mình, đặc biệt khi gặp ánh sáng Đảng soi đường. Để thấy rõ điều này chúng ta cùng đi vào phân tích nhân vật Mỵ trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài.
(5) Đoạn dẫn mở bài dựa vào lời đánh giá ấn tượng của một tác giả.
Yêu cầu : Lấy 1 đánh giá của một tác giả uy tín có nội dung trùng với vấn đề đã xác định làm điểm tựa để phát triển tiếp.
VD thêm đoạn dẫn vào ví dụ trên để có 1 mở bài gián tiếp theo cách (5).
Khi nhận định về nhân vật Mỵ, nhà nghiên cứu Trần Đình Sử viết: “Mỵ là linh hồn của truyện Vợ chồng A Phủ”. Mỵ là nhân vật trung tâm trong tác phẩm. Hình ảnh Mỵ là hình ảnh của người phụ nữ Mèo đầy bi kịch trong xã hội thực dân phong kiến miền núi, nhưng đồng thời trong Mỵ tiềm ẩn sức sống mạnh mẽ vươn dậy làm chủ số phận của mình, đặc biệt khi gặp ánh sáng Đảng soi đường. Để thấy rõ điều này chúng ta cùng đi vào phân tích nhân vật Mỵ trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài.
(6) Đoạn dẫn mở bài bằng cách dựa vào xuất xứ và những thông tin khác về tác phẩm
Yêu cầu : Lấy các thông tin liên quan đến vấn đề sau khi chọn lọc các chi tiết quan trọng, hấp dẫn, bố trí thành đoạn dẫn.
VD thêm đoạn dẫn vào ví dụ trên để có 1 mở bài gián tiếp theo cách này.
“Vợ chồng A Phủ” in trong tập truyện Tây Bắc (1954). Tập truyện được tặng giải nhất – Giải thưởng Hội văn nghệ Việt Nam 1954 – 1955. Truyện viết về cuộc sống của người dân lao động vùng núi cao, dưới ách thống trị tàn bạo của bọn thực dân phong kiến miền núi. Nổi bật lên là hình tượng nhân vật Mỵ. Mỵ là nhân vật trung tâm trong tác phẩm. Hình ảnh Mỵ là hình ảnh của người phụ nữ Mèo đầy bi kịch trong xã hội thực dân phong kiến miền núi, nhưng đồng thời trong Mỵ tiềm ẩn sức sống mạnh mạnh mẽ vươn dậy làm chủ số phận của mình, đặc biệt khi gặp ánh sáng Đảng soi đường. Để thấy rõ điều này chúng ta cùng đi vào phân tích nhân vật Mỵ trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài.
(7) Đoạn dẫn mở bài bằng cách liên hệ thực tế
Để viết được mở bài bằng cách này chúng ta cần quan sát những sự việc diễn ra trong thực tết cuộc sống rồi lấy đó làm phần dẫn dắt để mở bài.
Ví dụ : Bình luận về mối quan hệ giữa văn học nghệ thuật và hiện thực cuộc sống. Chứng minh bằng một số tác phẩm văn học.
– Mở bài: Có ai đó đã ví sáng tạo nghệ thuật như việc thả diều. Con diều dù có bay bổng bao nhiêu vẫn phải gắn với mặt đất bằng một sợi dây vững chắc. Ý tưởng ấy gợi cho ta nhiều suy nghĩ sâu sắc về mối quan hệ giữa văn học và hiện thực cuộc sống. Hãy đến với một số tác phẩm văn học lớn, chúng ta sẽ thấy rõ mối quan hệ máu thịt này.
(8) Đoạn dẫn mở bài bằng cách dẫn dắt từ một câu chuyện kể
Cách mở bài này là từ một câu chuyện kể chúng ta dẫn dắt vào mở bài. Cũng ví dụ trên ta có mở bài như sau:
“Thần thoại Hy Lạp” còn để lại một câu chuyện đầy cảm động về chàng lực sĩ Ăngtê và đất mẹ. Thần Ăngtê sẽ bất khả chiến bại khi chân chàng gắn chặt vào lòng đất mẹ Gaia. Có thể ví mối quan hệ giữa văn học và hiện thực cuộc sống hệt như quan hệ giữa Ăngtê và đất mẹ vậy. Chưa tin ư, chúng ta cùng khám phá những tác phẩm văn học lớn để thấy rõ điều này.
(9) Đoạn dẫn mở bài gắn với thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong cùng một giai đoạn lịch sử 
Ví dụ: Thông qua đoạn một của đoạn trích “Đất Nước” trích trong Trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm, anh chị hãy phân tích cảm hứng riêng về đất nước của nhà thơ? 
Mở bài: Cùng với Nguyễn Mỹ, Xuân Quỳnh, Lê Anh Xuân…, Nguyễn Khoa Điềm thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong khói lửa ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Nguyễn Khoa Điềm gắn bó sâu sắc với vùng Trị – Thiên, đặc biệt với thành phố Huế quê hương ông. Với những tác phẩm như tập thơ “Đất ngoại ô” và nhất là trường ca “Mặt đường khát vọng”, Nguyễn Khoa Điềm được coi là một nhà thơ giàu cảm xúc và đậm chất trí tuệ, biểu hiện tập trung những suy tư của người thanh niên trí thức nỗ lực đóng góp vào cuộc chiến đấu của dân tộc. Trường ca “Mặt đường khát vọng” được sáng tác vào mùa đông năm 1971 tại chiến trường Trị – Thiên và được in ở miền Bắc vào năm 1974. “Đất Nước” trích gần trọn chương V của trường ca thể hiện khá tập trung những cảm nhận sâu sắc mới mẻ về đất nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. 
(10) Đoạn dẫn mở bài xuất phát từ một sự kiện lịch sử
Ví dụ 1: Phân tích bài thơ “Việt Bắc” để thấy tình nghĩa thủy chung với ngọn nguồn của cách mạng và của dân tộc qua lối hát giao duyên của dân ca? 
Mở bài: Tháng 10 – 1954, cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi. Từ căn cứ địa cách mạng, Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ trở về Hà Nội. Đáp lại ân tình của đồng bào Việt Bắc đã chở che, đùm bọc cho cách mạng, nhà thơ Tố Hữu đã sáng tác bài thơ “Việt Bắc” theo lối hát giao duyên của dân ca để nói lên tình nghĩa thủy chung của nhân dân ta với ngọn nguồn của cách mạng, của dân tộc. 
Ví dụ 2: Phân tích vẻ đẹp của tình người và niềm hi vọng vào cuộc sống của các nhân vật Tràng, người vợ nhặt, bà cụ Tứ trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân? 
Mở bài: Nạn đói khủng khiếp dữ dội năm 1945 hằn in trong tâm trí Kim Lân. Một nhà văn hiện thực có thể xem là con đẻ của đồng ruộng, một con người có lòng đi về với “những gì thuần hậu nguyên thủy của cuộc sống nông thôn”. Ngay sau Cách mạng, ông bắt tay vào viết tiểu thuyết “Xóm ngụ cư”. Khi hòa bình lập lại (1954), nỗi trăn trở thôi thúc ông viết tiếp thiên truyện ấy. Và cuối cùng truyện ngắn “Vợ nhặt” ra đời. Trong lần này Kim Lân đã thật sự đem đến cho tác phẩm của mình một khám phá mới, một điểm sáng soi chiếu toàn tác phẩm. Đó là vẻ đẹp của tình người và niềm hi vọng vào cuộc sống của những người nông dân nghèo, tiêu biểu như Tràng, người vợ nhặt, bà cụ Tứ. Thiên truyện thể hiện thành công, khả năng dựng truyện, dẫn truyện và đặc sắc nhất là Kim Lân đã có khám phá diễn biến tâm lí nhân vật thật bất ngờ. 
(11) Đoạn dẫn mở bài xuất phát từ một đề tài quen thuộc. 
Ví dụ : Phân tích bài thơ “Sóng” của nhà thơ Xuân Quỳnh? 
Mở bài: Tình yêu là một đề tài quen thuộc trong thơ ca. Nhưng không phải vì thế mà nó thành đơn điệu và nhàm chán. Mỗi bài thơ, mỗi nhà thơ là một thế giới riêng, một nhu cầu, một khát khao riêng không ai giống ai. Chẳng thế mà ta gặp Xuân Diệu trong thi đàn Việt Nam với chất men say tình yêu nồng nàn, mãnh liệt, người tự cho mình là “kẻ uống tình yêu dập cả môi”, ta gặp Nguyễn Bính “dạt dào với những câu hát đồng quê” chân chất thật thà… và thật bất ngờ khi gặp một nữ sĩ với tâm hồn mãnh liệt và say đắm trong tình yêu – Xuân Quỳnh. Thơ tình yêu của Xuân Quỳnh chân thành nữ tính nhưng không kém phần cháy bỏng, nồng nàn. Điều đó thể hiện rõ nét trong bài “Sóng”. 

  • Lưu ý:

Ưu điểm và hạn chế của cách mở bài này ngược với ưu điểm và hạn chế trong cách mở bài trực tiếp. Khi mở bài theo cách này thì sang phần thân bài học sinh cần có một đoạn văn chuyển ý nêu khái quát về tác giả, tác phẩm, vừa làm cho bài viết uyển chuyển hơn vừa tránh thiếu ý của bài viết.
Có hàng trăm cách mở bài khác nhau, trên đây chỉ là vài gợi ý để học sinh có thể chủ động áp dụng.
Tóm lại:
Kết cấu của đoạn mở bài theo cách gián tiếp gồm 3 phần :
– Mở đầu đoạn :
+ Viết những câu dẫn dắt có liên quan gần gũi với vấn đề chính cần nghị luận.
+ Tuỳ nội dung vấn đề cần nghị luận mà người viết lựa chọn câu dẫn dắt có thể là một câu thơ, một câu danh ngôn, hoặc một câu chuyện kể…
– Phần giữa đoạn:
+ Nêu luận đề (nếu bình giảng thơ thì thường là nêu ấn tượng bao trùm mang tư tưởng chủ đề mà bản thân cảm nhận được).
– Phần kết đoạn: Nêu phương thức nghị luận và phạm vi tư liệu sẽ trình bày.
4. Những lời khuyên với học sinh

Trên đây, chúng tôi đã cố gắng tóm lược những vấn đề căn cốt của việc viết mở bài trong văn nghị luận. Học sinh cần đọc kỹ phần 1 trong bài sau đó mới theo ứng dụng tại phần 2. Điều quan trọng nhất là tìm vấn đề định nghị luận là gì? Hãy viết nháp nó ra hoàn chỉnh. Dựa trên bản nháp đó tùy theo sở trường, năng lực, điều kiện của mình, nếu gặp những kiến thức có các dạng gợi ý trên đây, học sinh sẽ thêm vào đoạn dẫn là có một mở bài hoàn hảo. 
( Chuyên đề được sưu tầm. Có chỉnh sửa và lược bớt một số phần )

Xem thêm :tuyển tập những mở bài hay và độc đáo :http://vanhay.edu.vn/tong-hop-nhung-mo-bai-ve-cac-tac-pham-lop-12

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *