Giá trị nhân đạo trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân

Đề bài : Phân tích Giá trị nhân đạo trong vợ nhặt của Kim Lân
Bài làm:
Mỗi nhà văn, khi đặt bút viết, chắc hẳn đã phải tìm cho mình một đối tượng để hướng tới. Trong văn học cách mạng, sau 1945 mỗi tác phẩm đều hướng về cuộc chiến đấu dũng cảm, thể hiện lòng yêu thương nhân đạo của mỗi nhà văn. Trong đó có Kim Lân, hoàn thành vợ nhặt sau 1955, trên cơ sở một bản thảo cũ viết sau cách mạng tháng tám. Vì lí do khoảng cách đó, ông đã có một cái nhìn khác về cuộc sống và con đường đi tới ánh sáng của con người. Qua đó bộc lộ một tinh thần nhân đạo sâu sắc của ông.
Còn gì đau khổ hơn khi ta chìm ngập trong cái chết, nhất là cái chết đang dần dần xâm chiếm tới, không giết ta một ngày ngay chốc lát, mà lấn chiếm từ từ, có thể khiến ta bị chết dần, chết mòn, chết đói vào ngày mai, ngày kia… mà ta không còn sức để chống trả lại nữa. Tác phẩm đã khắc họa thành công sự thay đổi của xóm ngụ cư khi cái đói đang dần xâm chiếm. Anh cu tràng, một chàng trai vui vẻ và tính hơi dở, mọi ngày khi được bọn trẻ yêu mến là thế, nhưng hôm nay vì cái đói nên “đi từng bước mệt mỏi… cái đầu trọc nhẵn chúi về đằng trước”. Vậy đấy, và còn rất nhiều những con người xam xám như những bóng ma, mùi gây của xác người giăng mắc khắp nơi. Và còn Thị, người phụ nữ Tràng gặp khi kéo kho thóc, người đàn bà đã bị cái đói đọa đày hành hạ, làm mất đi nhân cách phẩm chất của một cô gái, trở nên “chỏng lỏn” “sưng sỉa” và hạ mình vì một chắp bát bánh đúc vì đói. Không những thế, Thị còn không một điều kiện, theo không Tràng về làm vợ. Nhưng không, ta không thể nhầm lẫn điều đó, đó là cái nhìn bề ngoài, đi sâu vào bên trong ta sẽ thấy một con mắt yêu đời yêu người thắm thiết của Kim Lân. Ông đã thể hiện sự sống của con người khát khao hướng về hạnh phúc dù ngay cả khi con người đương đối diện với cái chết của chính mình.
Và hơn nữa, Kim Lân đã dùng tình yêu thương, nhân đạo sâu sắc của mình để khắc họa những cảm nhận tinh tế, tươi vui và dí dỏm của Tràng khi đưa Thị về làm vợ, và cả cô Thị nữa. Hơn hai mươi lần Kim Lân đã nhắc cho ta về nụ cười của Tràng “phởn phơ” khi thì lại cười nụ một mình dù quần áo cô gái đi bên cạnh rách như tổ đỉa, nhưng Tràng vẫn cảm thấy vui vẻ và cực kì tự hào vì đã “nhặt” được Thị về làm vợ. Còn Thị, không hề có cảm giác gì như một người được nhặt về, Thị thỉnh thoảng lại nói “bé lắm đấy!” hay một vài từ ngữ đáng yêu như “khí gió” rồi “phát đánh đét” tất cả đã tạo nên một bầu không khí vui tươi, và nó như truyền ngọn lửa ấm áp, tươi mát đến cuộc sống đương đau khổ ngoài kia, người dân xóm ngụ cư cũng như cảm nhận được, những đứa trẻ thì hớn hở  gào lên: “chông vợ hài!” đầy thích thú, còn những người trong xóm thì “bỗng dưng  rạng rỡ hẳn lên”, Phải, chính đây là lòng nhân đạo thầm kín của Kim Lân, ông đã tạo nên một thứ thật khác, đối lập với sự đói khát đang hoành hành, ông đã thổi mát vào cuộc sống tăm tối, nhân lên bằng tình yêu niềm tin và lạc quan mà không phải ở nhà văn nào cũng khéo léo làm được.
Và một lần nữa, sự nhân đạo ấy được thể hiện qua cuộc gặp gỡ với bà Cụ Tứ. Những hình ảnh như sự “mừng lòng” của bà, hay niềm tin bà gieo vào các con, ăn nồi cháo cám mà vui như được nồi cháo khoán. Hay những cuộc đối thoại về tin tức người dân cùng Việt Minh phá kho thóc của Nhật. Tất cả đều tràn ngập niềm tin, tình yêu thương Kim Lân gửi gắm vào con người.
Kết thúc truyện ngắn vợ nhặt, bằng ngòi bút nhân đạo của mình, ta như cảm nhận một hơi ấm len vào trái tim mình. Cảm ơn Kim Lân, một nhà nhân đạo lớn của văn học Việt Nam. Tư tưởng nhân đạo của ông không chỉ đẹp mà còn có tính chiến đấu cao, qua đó còn nhân lên sự ý nghĩa trong lòng bạn đọc muôn thế hệ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *