Đề và đáp án chính thức THPT Quốc gia môn văn 2017

Bộ Giáo dục và đào tạo, kì thi THPT quốc gia năm 2017.
Môn Ngữ văn, thời gian làm bài 120 phút

I, Đọc hiểu ( 3 điểm )

Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu :
Lòng trắc ẩn có nguồn gốc từ sự thấu cảm. Thấu cảm là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ. Giống như cái lạnh thấu tủy hay cái đau thấu xương, thấu cảm là sự hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn một ai đó, khiến ta hiểu được những suy nghĩ của họ, cảm được những cảm xúc của họ, và tất cả xảy ra mà không có sự phán xét. Khả năng đọc được tâm trí và tâm hồn của người khác là một khả năng phát triển ở những người mẫn cảm. Thấu cảm khiến ta hồi hộp khi quan sát một người đang đi trên dây ở trên cao, làm chúng ta cùng vui buồn với một nhân vật trong truyện.
Thấu cảm xảy ra trong từng khoảnh khắc của cuộc sống. Một đứa trẻ ba tuổi chìa con gấu bông của mình cho em bé sơ sinh đang khóc để dỗ nó. Một cô gái nhăn mặt khi theo dõi bạn mình trên giường bệnh chật vật uống một viên thuốc đắng. Mùa EURO 2016 kết thúc với một hình ảnh đẹp: một cậu bé Bồ Đào Nha tiến tới an ủi một fan người Pháp cao to gấp rưỡi mình, đang ôm mặt khóc vì đội Pháp thua trận chung kết. Anh người Pháp cúi xuống ôm cậu bé mà người vẫn rung lên nức nở. Cậu đợi cho tới khi anh đi khuất hẳn rồi mới tiếp tục phất cờ mừng chiến thắng.
(Trích Thiện, Ác và Smartphone – Đặng Hoàng Giang, NXB Hội nhà văn, 2017, tr.275)
Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.
Câu 2. Theo tác giả, thấu cảm là gì?
Câu 3. Nhận xét về hành vi của đứa trẻ ba tuổi, cô gái có bạn bị ốm, cậu bé Bồ Đào Nha được nhắc đến trong đoạn trích.
Câu 4. Anh/ Chị có đồng tình với ý kiến: Lòng trắc ẩn có nguồn gốc từ sự thấu cảm? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1. (2.0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/ chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của sự thấu cảm trong cuộc sống.
Câu 2. (5.0 điểm)
Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất Nước là nơi ta hò hẹn
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm
Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”
Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”
Thời gian đằng đẵng
Không gian mệnh mông
Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ
Đất là nơi Chim về
Nước là nơi Rồng ở
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng
Những ai đã khuất
Những ai bây giờ
Yêu nhau và sinh con đẻ cái
Gánh vác phần người đi trước để lại
Dặn dò con cháu chuyện mai sau
Hàng năm ăn đâu làm đâu
Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ
(Trích Đất nước, trường ca Mặt đường khát vọng – Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr.118-119)
Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ trên. Từ đó, bình luận quan niệm về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm.

Dưới đây là đáp án tham khảo môn văn, kì thi THPT Quốc gia 2017.

Đáp án được soạn bởi các thầy cô

Phần 1 đọc hiểu :

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính : Nghị Luận
Câu 2: Theo tác giả thấu cảm là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác
Đặt mình vào cuộc đời của họ, là sự hiểu biết thấu đáo trọn vẹn một ai đó khiến ta hiểu được những suy nghĩ của họ, cảm nhận được những cảm xúc của họ, mà tất cả xảy ra không có sự phán xét.

Câu 3: hành vi của đứa trẻ 3 tuổi, cô gái có bạn bị ốm, cậu bé Bồ Đào Nha đã chứng tỏ cho chúng ta thấy, họ có sự đồng cảm với những người xung quanh dù là có quen biết hay không : “ đứa trẻ dù chỉ có 3 tuổi nhưng đã biết chia sẻ con gấu bông của mình để dỗ một em bé sơ sinh đang khóc , cô gái cảm nhận được nỗi đau của mình trên giường bệnh, cảm giác như chính cơ thể bị đau mà nhăn mặt. Cậu bé Bồ Đào Nha tuy là fan của đội bóng đối thủ, nhưng lại sẵn sang an ủi một người Pháp đang ôm mặt khóc vì đội Pháp thua trận chung kết “ Tất cả đều là những cử chỉ đẹp đẽ thể hiện được lòng trắc ẩn của những người được nhắc đến trong đoạn trích


Câu 4: Các em trình bày là đồng tình với quan điểm “ lòng trắc ẩn có nguồn gốc từ sự thấu cảm”
Giải thích theo quan điểm cá nhân nhưng đảm bảo các ý chính sau:
– Nếu không thấu cảm thì chúng ta không cảm nhận được nỗi đau của ng khác và cảm thong với những điều mà họ làm
– Không có sự thấu cảm chúng ta sẽ dễ bị chi phối và phán xét hành động của những người xung quanh
– Rút ra cho bản thân là trong cuộc sống nên biết thấu cảm, thấu hiểu , sẻ chia .


Phần làm văn


Câu 1 ( NLXH )


Bài nghị luận cần xoay quanh những ý sau :
* Giải thích sự thấu cảm là gì : Đặt mình vào cuộc đời của họ, là sự hiểu biết thấu đáo trọn vẹn một ai đó khiến ta hiểu được những suy nghĩ của họ, cảm nhận được những cảm xúc của họ, mà tất cả xảy ra không có sự phán xét.
*Chứng minh : đưa ra những dẫn chứng xác đáng mà em cho là phù hợp , có nguồn xác thực. Chú Ý hạn chế, hoặc không nên sử dụng dẫn chứng văn học
*
Bàn luận: Sự thấu cảm có ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống.
+ Sự thấu cảm là cội nguồn của lòng trắc ẩn, của tình yêu thương, mang con người lại gần nhau hơn.
+ Có cái nhìn hiểu biết, thấu đáo, trọn vẹn; giúp ta biết cảm thông và chia sẻ với niềm vui, nỗi buồn; vị tha với lỗi lầm của người khác.
+ Sự thấu cảm có thể mang lại sức mạnh kỳ diệu làm thay đổi con người, hướng con người tới sự hoàn thiện nhân cách.
* Phản biện : Thấu cảm không có nghĩa là chúng ta bao che cho những hành vi xấu , ác ( đạo đức, pháp luật ) của người khác.Phê phán những người sống thờ ơ, dửng dưng, lạnh lùng, vô cảm.
* Rút ra bài học :

+ Ý thức được ý nghĩa và sức mạnh của tình yêu thương và sự cảm thông.
+ Biết sẻ chia ngay từ những điều nhỏ bé của cuộc sống với mọi người xung quanh. “Có gì đẹp trên đời hơn thế Người yêu người sống để yêu nhau”.
+Hãy biết đặt mình vào người khác, không tùy tiện phán xét người khác.
NLVH :
Giới thiệu vấn đề
Đất nước luôn là tiếng gọi thiêng liêng muôn thuở, muôn nơi và của bao triệu trái tim con người . Đất nước đi vào đời chúng ta qua những lời ru ngọt ngào êm dịu, qua những làn điệu dân ca mượt mà và những vần thơ sâu lắng, thiết tha và rất đỗi tự hào của bao lớp thi nhân . Ta bắt gặp một hình tượng đất nước đau thương nhưng vẫn ngời lên ý chí đấu tranh trong trang thơ Nguyễn Đình Thi đồng thời cũng rất dịu dàng ý tứ trong thơ Hoàng Cầm . Nhưng với Nguyễn Khoa Điềm , ta bắt gặp một cái nhìn toàn vẹn, tổng hợp từ nhiều bình diện khác nhau về một đất nước của nhân dân . Tư tưởng ấy đã qui tụ mọi cách nhìn và cảm nhận của Nguyễn Khoa Điềm về đất nước . Thông qua những vần thơ kết hợp giữa cảm xúc và suy nghĩ, trữ tình và chính luận, nhà thơ muốn thức tỉnh ý thức, tinh thần dân tộc, tình cảm với nhân dân, đất nước của thế hệ trẻ Việt Nam trong những năm chống Mĩ cứu nước . ( trích thơ )
Giải quyết vấn đề
1, Ý khái quát
* Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm:
– Tác giả Nguyễn Khoa Điềm là nhà thơ trữ tình – chính luận, thơ ông chín cả trong cảm xúc và suy tư.
– Đoạn trích thuộc chương 5 – Trường ca “Mặt đường khát vọng” hoàn thành ở chiến khu Trị Thiên năm 1971, in lần đầu năm 1974, viết về sự thức tỉnh của thế hệ trẻ vùng đô thị tạm chiến miền Nam Việt Nam về non sông đất nước và sứ mệnh của thế hệ mình.
2, Phân tích
a. Cắt nghĩa Đất Nước ở không gian địa lý:
– Nguyễn Khoa Điềm chiết tự Đất Nước thành 2 thành tố “Đất” và “Nước”.
– Đất Nước không hề xa lạ, mà đó là không gian sinh tồn không thể thiếu của mỗi con người (nơi riêng tư thầm kín, chứng kiến tình yêu lứa đôi, sự hy sinh âm thầm lặng lẽ của nhân dân): “Đất là nơi anh đến trường Nước là nơi em tắm Đất Nước là nơi ta hò hẹn Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”.
– Đất Nước gần gũi, giản dị mà cũng thật thiêng liêng, lớn lao, kỳ vĩ:
+ Không gian rộng dài, giàu đẹp: “Đất là nơi… biển khơi” + Không gian đoàn tụ của dân tộc gắn liền với cội nguồn lịch sử cao quý, thiêng liêng con Rồng cháu Tiên.
b. Cắt nghĩa Đất Nước từ bình diện lịch sử: Từ không gian địa lý của Đất Nước, tác giả đã gợi những trang sử hào hùng vẻ vang của dân tộc, được kế thừa và nối tiếp qua các thế hệ: “Những ai đã khuất…giỗ Tổ”.
– Những câu thơ nhắc đến cội nguồn cao quý, lâu đời: dòng dõi Rồng Tiên, thời kỳ các Vua Hùng dựng nước.
– Những câu thơ vẽ ra hình ảnh các thế hệ nhân dân nối tiếp nhau trong công cuộc dựng nước và giữ nước.
– Những câu thơ nhắc nhở về sứ mệnh được lịch sử giao phó của các thế hệ nhân dân (lòng biết ơn và ý thức phát huy truyền thống).
Như vậy, Đất Nước không phải là một khái niệm trừu tượng mà Đất Nước hiện diện cụ thể trong cuộc sống của mỗi con người. Sự sống mỗi cá nhân không phải chỉ là riêng của cá nhân mà còn là của Đất Nước, bởi mỗi cuộc đời đều được thừa hưởng những di sản văn hóa tinh thần và vật chất của dân tộc, của Nhân dân.
– Về nghệ thuật:
Cách sử dụng điệp từ (Đất Nước), điệp cấu trúc (Đất Nước là nơi…); những động từ diễn tả cuộc sống sinh hoạt đời thường: đến trường, tắm, hò hẹn, đánh rơi bay về, về ở … chất chính luận và trữ tình và âm điệu câu thơ, điệu nói có tính chân thực và khái quát về suy nghĩ và hành động của đồng bào cùng chung nguồn gốc (những ai đã khuất, những ai bây giờ, yêu nhau và sinh con đẻ cái…cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ).
– Thể thơ tự do với nhịp điệu linh hoạt trong biểu đạt những cảm xúc, cách sử dụng điệp từ, điệp cấu trúc, hàng loạt động từ,… giọng điệu tâm tình dễ đi vào lòng người,…thể hiện rõ nét phong cách trữ tình – chính luận của thơ Nguyễn Khoa Điềm.
3.  Bình luận:
– Quan niệm về Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm vừa sâu sắc, vừa mới mẻ, gợi nhắc đến niềm tự hào về Đất Nước và ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc xây dựng và bảo vệ Đất Nước. Điều này có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh lúc bấy giờ.
– Quan niệm gắn liền với tư tưởng Đất Nước của Nhân dân, được thể hiện bằng hình thức biểu đạt giàu suy tư. Giọng thơ trữ tình chính luận thiết tha và các chất liệu văn hóa dân gian được sử dụng nhuần nhị, sáng tạo.
Kết  thúc vấn đề :
Qua đoạn trích Đất Nước, chúng ta phần nào nhận thấy đặc điểm của phong cách thơ Nguyễn Khoa Điềm là sự kết hợp giữa chính luận với trữ tình, giữa suy tưởng với cảm xúc. Chất chính luận nằm trong ý đồ tư tưởng của tác giả là nhằm thức tỉnh tinh thần dân tộc của thế hệ trẻ thành thị miền Nam, để họ dứt khoát trong sự lựa chọn đứng về phía nhân dân và cách mạng. Chất trữ tình không chỉ được biểu hiện ở những câu thơ bộc lộ trực tiếp tình cảm, cảm xúc của tác giả mà còn thấm vào trong cái nhìn, trong thái độ trân trọng, yêu quý đối với mỗi hình ảnh, chi tiết về Đất Nước gắn liền với Nhân dân được miêu tả và đề cập đến trong đoạn trích. Chính nhờ suy tưởng mà nhà thơ đã phát hiện được nhiều ý nghĩa mới mẻ và sâu sắc từ những điều quen thuộc: những truyện cổ tích, câu ca dao, những địa danh, thắng cảnh của đất nước đều chứa đựng tâm sự, quan niệm, lối sống, cuộc đời và máu thịt của nhân dân. Nhưng những suy nghĩ, phát hiện ấy không phải được nói lên bằng những mệnh đề khô khan, mà qua hình tượng thơ và những cảm xúc trữ tình. Trong đoạn thơ, sự triển khai cảm hứng của tác giả tuy phóng túng, đa dạng nhưng vẫn quy về điểm cốt lõi : Đất Nước của Nhân dân. Bài thơ khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc, cùng trách nhiệm công dân trong mỗi chúng ta.

Cập nhật đáp án chính thức của Bộ Giáo dục

I ĐỌC HlỂU 3.0
1 Chỉ ra được phương thức biểu đạt chính: nghị luận/ phương thức nghị luận.0.5
2 Theo tác giả, thấu cảm là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ,là sự hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn một ai đó… 0.5
3 Nhận xét được đó là những hành vi tưởng như bình thường nhưng có ý nghĩa trong đời sống; thể hiện sự thấu cảm, chia sẻ;… 1.0
4 Nêu rõ quan điểm đồng tình hoặc không đồng tình; lí giải họp lí, thuyết phục về mối quan hệ giữa lòng trắc ẩn và sự thấu cảm. 1.0
II LÀM VĂN 7.0
1 Trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của sự thấu cảm trong cuộc sống 2.0
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – họp, móc xích hoặc song hành. 0.25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận Ý nghĩa của sự thấu cảm trong cuộc sống. 0.25
c. Triển khai vấn đề nghị luận
Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù họp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng cần làm rõ ý nghĩa của sự thấu cảm đối với cá nhân và xã hội. Có thể theo hướng sau:
– Sự thấu cảm bồi đắp lòng nhân ái, giúp con người biết sống yêu thương, biết chia sẻ và có trách nhiệm.
– Sự thấu cảm tạo nên mối quan hệ thân thiện giữa người với người, giúp cho xã hội tốt đẹp hơn. 1.0
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt. 0.25
e. Sáng tạo
Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận. 0.25
2 Cảm nhận đoạn thơ và bình luận quan niệm về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm 5.0
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận
Mở bài giới thiệu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề. 0.25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Cảm nhận đoạn thơ và bình luận quan niệm về đất nước. 0.5
– triển khai vấn đề nghị luận
Vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.
Giới thiệu ngăn gọn vê tác giả, tác phâm, đoạn trích 0.5
* Cảm nhận đoạn thơ : thí sinh có thê cảm nhận theo nhiều cách nhưng cần đáp ứng các yêu cầu sau:
– về nội dung: Đoạn trích thể hiện cảm xúc, suy tư và là sự cắt nghĩa khái niệm đất nước của tác giả từ nhiều phương diện.
+ Địa lí: không gian đất nước rộng lớn, mênh mông mà gần gũi, thân quen; thiêng liêng mà bình dị; là nơi sinh tồn của bao thế hệ,…
+ Lịch sử: gắn với cội nguồn, sự tiếp nối của các thế hệ từ quá khứ đến hiện tại và tương lai, làm nên đất nước trường tồn,…
+ Văn hóa: gắn với những quan niệm, phong tục, tập quán,… kết tinh vẻ đẹp tâm hồn nhân dân.
– về nghệ thuật: Đoạn trích sử dụng hiệu quả, sáng tạo thể thơ tự do, chất liệu văn hóa và văn học dân gian; kết hợp hài hòa giữa chất trữ tình và chính luận; cách cắt nghĩa khái niệm Đất Nước theo lối chiết tự,… 2.0
* Bình luận quan niệm về đất nước
Thí sinh cần bình luận hợp lí, thuyết phục. Có thể theo hướng sau:
– Nguyễn Khoa Điềm quan niệm đất nước là sự tổng hợp, thống nhất các phương diện lịch sử, địa lí và văn hóa trong mối liên hệ gắn bó với đời sống nhân dân. Điều đó góp phần thể hiện tư tưởng cốt lõi của đoạn trích Đất Nước – tư tưởng Đất Nước của Nhân dân.
– Đây là quan niệm mới mẻ, sâu sắc, tiêu biểu cho quan niệm về đất nước trong văn học Cách mạng giai đoạn 1945 – 1975; góp phần thức tỉnh tinh thần dân tộc ở thế hệ trẻ đô thị vùng tạm chiếm miền Nam thời chống Mĩ; khơi gợi tình yêu, trách nhiệm với đất nước của tuổi trẻ ngày nay. 1.0
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt. 0.25
e. Sáng tạo
Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận. 0.5
TỔNG ĐIỂM: 10.0
 

1 bình luận trong “Đề và đáp án chính thức THPT Quốc gia môn văn 2017

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *