Đề thi thử THPT Quốc Gia Ngữ văn trường Đoàn Thượng-Hải Dương

 

SỞ GD&ĐT HẢI DƯƠNG

TRƯỜNG THPT ĐOÀN THƯỢNG

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA LẦN III

NĂM HỌC 2014 – 2015

MÔN: NGỮ VĂN

(Thời gian làm bài: 180  phút)

Phần I. Đọc – hiểu (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4:
  Huyền bí và mênh mông đủ làm choáng ngợp, vẻ đẹp của Sơn Đoòng được báo chí quốc tế cho rằng xứng đáng với số tiền mà du khách đã bỏ ra khi khám phá nơi đây. Hang Sơn Đoòng dài khoảng 9km, có rừng rậm nhiệt đới và dòng sông. Không gian bên trong hang có thể chứa được… một tòa nhà 40 tầng.
 Nhưng điều quan trọng mà nhiều người chưa biết đến là việc hình thành hang động Sơn Đoòng không phải theo cách truyền thống – đá vôi bị hoà tan bởi nước mưa, lâu dần theo thời gian hàng triệu năm, nước bào mòn các hoà tan thành hang động vĩ đại. Với “siêu hang động” Sơn Đoòng, câu chuyện ở một hướng khác. 
Sơn Đoòng nằm trên một đường đứt gãy hướng Bắc – Nam, chính trục đứt gãy này tạo điều kiện cho hang động lớn nhất thế giới này hình thành một cách mạnh mẽ qua dòng chảy không gì cản được của dòng nước lũ và bào mòn thành hang động tuyệt vời mà các nhà khoa học gọi là “Một vũ trụ bị bỏ quên nằm ẩn mình trong một hệ sinh thái độc đáo. Điều này không được tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên hành tinh này”.  
(Theo dulich.dantri.com.vn ngày 17/05/2015)
Câu 1. Đoạn văn trên được viết theo phong cách ngôn ngữ nào? (0,25 điểm)
Câu 2. Hãy ghi lại câu văn nêu khái quát chủ đề của đoạn trích trên. (0,25 điểm)
Câu 3. Xác định phương thức biểu đạt chủ yếu được sử dụng trong đoạn trích. (0,5 điểm)
Câu 4. Từ nội dung của đoạn trích trên, anh/chị hãy viết một đoạn văn ngắn bày tỏ cảm xúc và suy nghĩ về trách nhiệm của bản thân đối với các danh thắng thiên nhiên của đất nước. (0,5 điểm)
Đọc đoạn  thơ sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 5  đến Câu 8:
… Hạt gạo làng ta
Có bão tháng Bảy
Có mưa tháng Ba
Giọt mồ hôi sa
Những trưa tháng Sáu
Nước như ai nấu
Chết cả cá cờ
Cua ngoi lên bờ
Mẹ em xuống cấy…
(Trích Hạt gạo làng ta – Trần Đăng Khoa)
Câu 5. Nêu hình ảnh đối lập được sử dụng trong đoạn thơ. (0,25 điểm)
Câu 6. Qua đoạn thơ, tác giả muốn khẳng định những giá trị gì của “hạt gạo làng ta”? (0,25 điểm)
Câu 7. Chỉ ra và nêu hiệu quả biểu đạt của phép tu từ được sử dụng trong hai câu thơ Nước như ai nấu/Chết cả cá cờ. (0,5 điểm)
Câu 8. Viết một đoạn văn khoảng 5 – 7 dòng trình bày suy nghĩ của anh/chị về thái độ cần có của mỗi người với những sản phẩm lao động giống như “hạt gạo” được nhắc đến trong đoạn thơ trên. (0,5 điểm)
 
Phần II. Làm văn (7,0 điểm)
Câu 1 (3,0 điểm):
“Tôi không nhớ đến chiến thắng, mỗi ngày đều nỗ lực như chưa giành được gì”. Đó là chia sẻ của Nguyễn Thị Ánh Viên sau khi giành huy chương vàng và phá kỉ lục SEA Games ở nội dung 200m bơi bướm chiều ngày 9 tháng 6 năm 2015.
Từ chia sẻ trên của Ánh Viên, anh/chị hãy viết một bài văn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ về sự nỗ lực của con người trong cuộc sống.
 
Câu 2 (4,0 điểm):
Về bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh, có ý kiến cho rằng: Bài thơ thể hiện quan niệm rất mới mẻ, hiện đại của Xuân Quỳnh về tình yêu. Lại có ý kiến khác cho rằng: Bài thơ thể hiện quan niệm về tình yêu mang tính truyền thống.
Từ cảm nhận về bài thơ, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên.

Đáp án đề thi thử THPTQG lần 3 môn Văn – THPT Đoàn Thượng năm 2015

Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm).
Câu 1. Phong cách ngôn ngữ báo chí; phong cách ngôn ngữ khoa học; phong cách ngôn ngữ báo chí kết hợp phong cách ngôn ngữ khoa học .
– Điểm 0,25: trả lời đúng một trong ba phương án trên
– Điểm 0: trả lời sai hoặc không trả lời
Câu 2. Câu văn nêu khái quát chủ đề của đoạn trích là: Huyền bí và mênh mông đủ làm choáng ngợp, vẻ đẹp của Sơn Đoòng được báo chí quốc tế cho rằng xứng đáng với số tiền mà du khách đã bỏ ra khi khám phá nơi đây.”
– Điểm 0,25: Ghi lại đúng câu văn trên
– Điểm 0: Ghi câu khác hoặc không trả lời
Câu 3. Phương thức biểu đạt chủ yếu: thuyết minh
– Điểm 0,5: Trả lời đúng theo cách trên
– Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời
Câu 4. HS có thể có những cảm xúc và suy nghĩ khác nhau, nhưng cần nêu bật được: Cảm xúc yêu mến, tự hào trước vẻ đẹp của hang Sơn Đoòng cũng như những danh thắng thiên nhiên khác có trên đất nước. Từ đó, nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn và huy những vẻ đẹp đó; đồng thời, phải có những hành động thiết thực để bảo tồn cũng như quảng bá các di sản thiên nhiên của đất nước.
– Điểm 0,5: HS trình bày được cảm xúc và suy nghĩ đúng đắn của bản thân
– Điểm 0,25: Chỉ nêu được cảm xúc hoặc chỉ bày tỏ được suy nghĩ về trách nhiệm của bản thân
– Điểm 0: Cảm xúc và suy nghĩ không đúng đắn hoặc không có câu trả lời
Câu 5. Hình ảnh đối lập: Cua ngoi lên bờ – Mẹ em xuống cấy
– Điểm 0,25: trả lời đúng như trên
– Điểm 0: trả lời sai hoặc không trả lời
Câu 6. Qua đoạn thơ, tác giả muốn khẳng định hạt gạo là sự kết tinh của cả công sức lao động vất vả của con người lẫn tinh hoa của trời đất. Vì thế, nó mang cả giá trị vật chất lẫn giá trị tinh thần.
– Điểm 0,25: Trả lời được những nội dung trên hoặc diễn đạt theo cách khác nhưng hợp lí, thuyết phục
– Điểm 0: Trả lời sai nội dung hoặc không trả lời
Câu 7.  Phép tu từ so sánh: Nước như ai nấu.
Hiệu quả: làm hình ảnh hiện lên cụ thể hơn, gợi được sức nóng của nước – mức độ khắc nghiệt của thời tiết; đồng thời gợi ra được nỗi vất vả, cơ cực của người nông dân.
– Điểm 0,5: Nêu đầy đủ phép tu từ và phân tích hiệu quả biểu đạt
– Điểm 0,25: Chỉ nêu được phép tu từ, không phân tích được hiệu quả biểu đạt (hoặc phân tích sai)
– Điểm 0: Trả lời sai hoàn toàn hoặc không trả lời
Câu 8. HS có thể có những suy nghĩ khác nhau, nhưng cần bày tỏ được thái độ tích cực: nâng niu, trân trọng những sản phẩm lao động; biết ơn và quý trọng những người đã làm ra những sản phẩm ấy.
– Điểm 0,5: Trình bày được quan điểm cá nhân hợp lí, thuyết phục
– Điểm 0,25: Câu trả lời còn chung chung, chưa rõ ý
– Điểm 0: Không có câu trả lời

Phần II. Làm văn (7,0 điểm)
Câu 1 (3,0 điểm):
* Yêu cầu chung: Học sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận xã hội để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; điễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
* Yêu cầu cụ thể:
1. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận (0,5 điểm):
– Điểm 0,5 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân.
– Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.
– Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.
2.  Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm):
– Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: sự nỗ lực của con người trong cuộc sống
– Điểm 0,25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, chỉ nêu chung chung.

– Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.
3. Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; dẫn chứng phải lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động (1,0 điểm):
– Điểm 1,0: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:
+ Giải thích:
“Nỗ lực”: là cố gắng đem hết công sức ra để làm việc gì đó; là toàn tâm toàn ý theo đuổi điều mình muốn và ráng sức biến điều đó thành hiện thực.
+ Phân tích – chứng minh:
++ Trong cuộc sống, mỗi người đều mong muốn có được những thành công nhất định. Song thành công không phải tự nhiên mà có. Đó là thành quả của cả một quá trình cố gắng, nỗ lực phấn đấu của bản thân mỗi người.
++ Sự nỗ lực trong cuộc sống của con người được biểu hiện rất đa dạng, phong phú: nỗ lực trong học tập; nỗ lực trong lao động sản xuất; nỗ lực trong thi đấu thể thao; nỗ lực trong nghiên cứu khoa học…
++ Sự nỗ lực của mỗi người sẽ mang lại những hiệu quả to lớn không chỉ cho cá nhân mà còn góp phần cải tạo cuộc sống của cả cộng đồng.
+ Bình luận:
++ Khẳng định sự nỗ lực là rất cần thiết đối với cuộc sống mỗi người.
++ Ca ngợi những tấm gương không ngừng cố gắng, phấn đấu và đã gặt hái được thành công như Nguyễn Thị Ánh Viên…
++ Cần biết phê phán một thực tế: trong xã hội vẫn còn biết bao kẻ lười nhác, không tự đặt ra mục tiêu nào để phấn đấu, ngại cố gắng vươn lên mà lại muốn có được ánh vinh quang của thành công.
+ Bài học nhận thức và hành động:
(HS có thể có những suy nghĩ và diễn đạt khác, nhưng phải hợp lí và có sức thuyết phục).
– Điểm 0,75:  Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (giải thích, phân tích, bình luận) còn chưa được đầy đủ hoặc liên kết chưa thực sự chặt chẽ.
– Điểm 0,5: Đáp ứng được  1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.
– Điểm 0,25: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.
– Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
4. Sáng tạo (0,5 điểm).
– Điểm 0,5 : Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…); có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
– Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
– Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật
5. Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm):
– Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
– Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
– Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

 
Câu 2 (4,0 điểm):
* Yêu cầu chung: Học sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc, thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; điễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
* Yêu cầu cụ thể:
1. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận (0,5 điểm):
– Điểm 0,5 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân.
– Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.
– Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.
2.  Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm):
– Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Bài thơ Sóng thể hiện quan niệm về tình yêu của Xuân Quỳnh: vừa truyền thống, vừa hiện đại, mới mẻ.
– Điểm 0,25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, chỉ nêu chung chung.

– Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.
3. Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, so sánh, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng (2,0 điểm):
– Điểm 2,0: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:
+  Giới thiệu về tác giả, tác phẩm:

++ Xuân Quỳnh (1942 – 1988) là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trẻ thời chống Mĩ cứu nước. Thơ Xuân Quỳnh in đậm vẻ đẹp nữ tính, thể hiện vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên, tươi tắn, vừa chân thành, đắm thắm và luôn da diết trong khát vọng về hạnh phúc đời thường.

            ++ Sóng được sáng tác năm 1967 trong chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền, là bài thơ đặc sắc viết về tình yêu, rất tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh. Bài thơ in trong tập Hoa dọc chiến hào (1968).

+ Giải thích 2 ý kiến:
++ Quan niệm mới mẻ, hiện đại là quan niệm ngày nay, quan niệm của n hững người có đời sống văn hóa, tinh thần tự do, dân chủ và không bị ràng buộc ý thức hệ tư tưởng phong kiến.
++ Quan niệm truyền thống là quan niệm có từ xưa, được bảo tồn trong cuộc sống hiện đại, trở thành nét đặc trưng về tư tưởng, văn hóa của một cộng đồng dân tộc.
+ Cảm nhận về bài thơ:
++ Bài thơ thể hiện quan niệm mới mẻ, hiện đại của Xuân Quỳnh về tình yêu
+++ Tình yêu là trạng thái tâm lí phong phú, đa dạng, luôn chứa đựng những biến động thao thức, bất thường; vừa nồng nàn, táo bạo, tha thiết; vừa tỉnh táo, đắm say.
+++ Trong tình yêu, người phụ nữ không cam chịu, nhẫn nhục mà luôn chủ động, khao khát kiếm tìm một tình yêu mãnh liệt, đồng cảm, bao dung; dám sống hết mình cho tình yêu, hòa nhập tình yêu cá nhân vào tình yêu rộng lớn của cuộc đời.
   ++ Bài thơ thể hiện quan niệm về tình yêu mang tính truyền thống
+++ Tình yêu gắn liền với nỗi nhớ khi xa cách.
+++ Tình yêu gắn liền với lòng chung thủy, đức hi sinh, yêu thương gắn bó, khát vọng về một mái ấm gia đình hạnh phúc.
   ++ Nghệ thuật thể hiện
+++ Bài thơ có âm hưởng vừa dạt dào sôi nổi vừa êm dịu, lắng sâu. Kết cấu song trùng hai hình tượng sóng em giúp người phụ nữ biểu hiện vẻ đẹp tâm hồn và những quan niệm về tình yêu vừa mới mẻ, hiện đại, vừa sâu sắc mang tính truyền thống.
+++ Ngôn ngữ giản dị, trong sáng, cách  ngắt nhịp linh hoạt, nghệ thuật so sánh, nhân hóa, ẩn dụ được sử dụng sáng tạo, tài hoa.
+ Bình luận hai ý kiến
++ Cả hai ý kiến đều đúng. Bài thơ Sóng thể hiện rất rõ những quan niệm mang tính mới mẻ, hiện đại, thậm chí táo bạo, chân thực, nồng nàn, đắm say, mãnh liệt của Xuân Quỳnh về tình yêu. Nhưng mặt khác, quan niệm về tình yêu của Xuân Quỳnh có gốc rễ sâu xa trong tâm thức dân tộc. Vì thế thơ Xuân Quỳnh nói chung và bài thơ Sóng nói riêng tạo được sự đồng điệu tâm hồn của nhiều thế hệ độc giả.

   ++ Hai ý kiến không đối lập mà bổ sung cho nhau, giúp người đọc cảm nhận sâu sắc về vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu: vừa truyền thống, vừa hiện đại.
(HS có thể có những cảm nhận và diễn đạt khác, nhưng phải hợp lí và có sức thuyết phục).
– Điểm 1,5 – 1,75:  Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (phân tích, bình luận) còn chưa được trình bày đầy đủ hoặc liên kết chưa thực sự chặt chẽ.
– Điểm 1,0 – 1,25: Đáp ứng được  1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.
– Điểm 0,5 – 0,75: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.
– Điểm 0,25: Hầu như không đáp ứng được yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
– Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
4. Sáng tạo (0,5 điểm).
– Điểm 0,5 : Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…); văn viết giàu cảm xúc; thể hiện sự tinh tế,  khả năng cảm thụ văn học tốt; có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
– Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
– Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật
5. Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm):
– Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
– Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
– Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
Xem thêm : Bộ đề thi thử THPT Quốc gia môn văn có đáp án
Xem thêm :Tổng hợp những đề thi về các tác phẩm trọng tâm lớp 12
Đề thi và những bài văn hay về Sóng Xuân Quỳnh
,

18 bình luận trong “Đề thi thử THPT Quốc Gia Ngữ văn trường Đoàn Thượng-Hải Dương

  1. Cô ơi, em thường bị nhầm lẫn giữa thao tác lập luận phân tích và bình luận, dù em đọc rất kĩ lí thuyết rồi mà vẫn k thể nào phân biệt được. Có có thể giúp em k ạ ?

  2. cô có thể giúp e đề này được k ạ
    e cảm ơn cô !
    “Sự kiện đốn hạ, thay mới 6700 cây xanh trên 190 tuyến phố ở Hà Nội đã tạo lên một làn sóng dư luận. Dưới đây là một ý kiến:
    Tiếng cây
    “…Phải cứu lấy cây xanh Hà Nội! Đó là mệnh lệnh trái tim của những người Hà Nội, những người yêu Hà Nội, những người mang trong hồn mình những vòm xanh cây lá gắn cùng văn hoá Hà Nội.
    Những cái cây chỉ đứng im ra lá ra hoa, chỉ đứng im che chở cho con người và các kiến trúc phong cảnh, chỉ đứng im lọc khí cho thành phố, chỉ đứng im trong nắng trong mưa giữ cho phố phường màu xanh sự sống. Nhưng cây có tiếng nói của lịch sử, của văn hoá ôm ấp trong lòng thành phố.
    Tiếng nói đó không thể bị tiếng máy cưa át được. Tiếng cây đã được nói lên trong những mảnh giấy các bạn trẻ dán lên thân cây rằng “Tôi còn mạnh khoẻ, xin đừng giết tôi”, rằng “Hãy bảo vệ chúng tôi”.
    Tiếng cây vang lên trong bức thư của nhà báo Trần Đăng Tuấn, trong những câu hỏi của giáo sư Ngô Bảo Châu gửi đến lãnh đạo Hà Nội. Tiếng cây bật ra ở tư thế ngồi trên cành cây để giữ cây của một số phụ nữ thủ đô. Tiếng cây dậy vang trên các trang mạng xã hội, trong hàng nghìn chữ kí và bình luận vào bản thỉnh cầu ngừng việc chặt cây.
    “Khi nghĩ về đời người tôi thường nhớ về rừng cây”, lời bài hát quen thuộc thật đúng những ngày này, nếu như cây bị triệt hạ một cách lạnh lùng, man rợ thì con người sẽ phải sợ cho cuộc sống của mình, Cứu lấy cây, chính là cứu lấy người”.
    (Trích theo Thạch Linh, tuoitreonline, 22/3/2015)
    Từ thông điệp bài báo trên, anh (chị) có suy nghĩ gì về vấn đề: Hãy giữ gìn môi trường một cách nhân văn. Trình bày quan điểm trong một bài viết khoảng 600 từ.

    1. vấn đề nghị luận: bảo vệ mt. cụ thể là bv cây xanh.
      bl cần có các ý sau: nêu thực trạng cây xanh ở HN.( phê phán) nguyên nhân. hậu quả. giải pháp giữ gìn môi trg . bài học nhận thức và hàh độg.

  3. Cô ơi em thấy câu nlxh chưa đủ ý.em nghĩ đây là câu nói của Ánh Viên tại sao mình k giải thích xong mới bình luận…em cảm giác gợi ý làm bài chỉ đơn thuần gắn với nỗ lực trog cuộc sống mà quên rằng điều đó đc rút ra từ câu nói của Ánh Viên.mong cô giải đáp thắc mắc.em cảm ơn cô nhiều.

  4. Câu nghị luận xã hội của đề này ý chính là bàn về sự nỗ lực của con người, còn câu nói của Ánh Viên chỉ đc đề cập trong mở bài thôi hay sao cô.

    1. xác định chủ đề dựa vào:
      +nhan đề bài viêt.
      + câu chủ đề ( thường nó nằm đầu hoặc cuối đoạn) .
      + xác địh chủ đề dựa vào nội dug chíh của đoạn
      +dựa vào thông điệp tác giả muốn gửi gắm

  5. Cô ơi cô cho em hỏi nếu gặp dạng đề NLVH mà cho 2 ý kiến, 1 đúng, 1 sai thì khi phân tích ý kiến đúng mình sẽ chỉ ra nó đúng ở đâu còn vs ý kiến sai thì cũng phải chỉ ra nó sai ở đâu ạ?

  6. Cô có thể chữa giúp em đề này đc ko ạ? Bàn về tình huống truyện Vợ nhặt, có ý kiến cho rằng: ” Đó là câu chuyện có ý nghĩa hệ trong của đời người đã biến thành một trò đùa” ý kiến khác lại cho rằng : ” Đó là một trò đùa đã biến thành điều nghiêm túc, thiêng liêng, 1 câu truyện hài hước ẩn chứa những bi kịch” . Theo cô ý kiến 1 có sai ko ạ, nếu sai thì trong quá trình phân tích phải có những bước gì ạ? Em cảm ơn cô nhiều lắm ạ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *