Đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn số 77

PHẦN I:  ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:
 
“ …Trồng cây hạnh phúc cũng giống như trồng một cái cây xanh. Bạn sẽ phải vất vả chăm bón, tỉa tót, tưới tắm lúc nó còn nhỏ, và tận hưởng cái cảm giác sung sướng khi nó lớn lên, đơm hoa kết trái. Còn gì hạnh phúc hơn khi được ngồi dưới bóng mát của cái cây do chính tay mình vun trồng và tận hưởng vị ngọt thơm mát từ hoa trái của nó?
Một cây hạnh phúc có thể lớn mạnh phải cần đến một vùng đất tốt, hay nói cách khác là môi trường sống tốt. Với sự tấn công ngày càng mạnh mẽ của các loài “sâu bọ”, hay đất đai ngày càng trở nên “cằn cỗi”, việc tìm cho cái cây của bạn một môi trường sống xung quanh tốt là một điều hết sức quan trọng. Đó là việc mà bạn phải tự tay bạn làm mới được.
Đôi khi bạn giành quá nhiều thời gian cho cái cây bạn bè, cây công việc, cây mua sắm, cây truyền hình… mà bạn quên mất rằng cái cây hạnh phúc của bạn đang ngày càng khô héo vì thiếu sự chăm sóc. Thường thì chúng ta chẳng để ý cho đến khi sự cố xảy ra hay “khi cây hạnh phúc chợt ngưng lá xôn xao” như Lê Uyên Phương từng viết: Chỉ khi yếu đau chúng ta mới nhận ra rằng những ngày tháng khoẻ mạnh thất đáng quý biết bao, chỉ khi tình đã đi xa ta mới thấy mình cần tình biết bao nhiêu…
Vậy ta phải làm gì để trả lại cho cái cây hạnh phúc sự xanh tươi vốn có của nó? Không khó lắm đâu, hãy làm những việc tốt, hãy làm cho người khác hạnh phúc, hãy sống vị tha… Có rất nhiều người nhầm tưởng rằng hạnh phúc có thể mua được. Họ đâu biết rằng hạnh phúc chính là sự cho đi, là sự hy sinh vì tha nhân, là tình yêu đồng loại… Đó chính là những “gầu nước mát” giúp cho cây hạnh phúc mãi xanh tươi, đơm hoa kết trái và mang lại hoa thơm quả ngọt.”
 
                                   (  Trích “Trồng cây hạnh phúc”- Phạm Thị Hồng Hạnh)
 
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt của đoạn văn bản.
Câu 2:Theo anh (chị) để “trồng cây hạnh phúc” mãi xanh tươi, đơm hoa kết trái và mang lại hoa thơm quả ngọt sẽ cần phải phụ thuộc vào những yếu tố nào?
Câu 3: Nêu ý chính của đoạn văn bản.
Câu 4: “Với sự tấn công ngày càng mạnh mẽ của các loài “sâu bọ”, hay đất đai ngày càng trở nên “cằn cỗi”, việc tìm cho cái cây của bạn một môi trường sống xung quanh tốt là một điều hết sức quan trọng”. Chỉ ra biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn trên và nêu ý nghĩa?
PHẦN II: LÀM VĂN (7,0 điểm):
Câu 1. (2,0 điểm)   Hãy viết một đoạn văn ngắn khoảng 200 từ trình bày suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến được nêu trong đoạn văn bản ở được trích từ phần Đọc hiểu “ Hạnh phúc chính là sự cho đi”
Câu 2. ( 5,0 điểm)   Trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài), giữa không khí đón tết ở Hồng Ngài, “Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bổi hổi. Mị ngồi nhẩm thầm bài hát của người đang thổi.
Mày có con trai con gái rồi
Mày đi làm nương
Ta không có con trai con gái
Ta đi tìm người yêu.”
Và lúc say, Mị nghĩ đến tình cảnh của mình: “Nhớ lại, chỉ thấy nước mắt ứa ra. Mà tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lửng lơ bay ngoài đường.
Anh ném pao, em không bắt
Em không yêu, quả pao rơi rồi…”
Đến khi bị trói: “… Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi. Em không yêu, quả pao rơi rồi – Em yêu người nào, em bắt pao nào…. Mị vùng bước đi. Nhưng tay chân đau không cựa được. Mị không nghe tiếng sáo nữa.”
(Vợ chồng A Phủ, Ngữ văn 12 , tập 2, NXBGD, 2008)
Cảm nhận của anh (chị) về âm thanh tiếng sáo được miêu tả trong đoạn trích trên.
Đáp án :
PHẦN I : ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Câu 1 (0, 5 điểm) : Phương thức biểu đạt:  Nghị luận, biểu cảm
Câu 2 (0, 5 điểm) : Phụ thuộc vào nhiều yếu tố:
+  Phải vất vả danh nhiều thời gian, chăm bón, tỉa tót, tưới tắm lúc nó còn nhỏ cũng như khôn lớn.
+ Cây hạnh phúc có thể lớn mạnh phải cần đến một vùng đất tốt, hay nói cách khác là môi trường sống tốt
+ Cần phải có tình yêu thương, sự cảm thông thấu hiểu, lòng vị tha và sự hy sinh
Câu 3 (1 điểm):  Nội dung chính

  • Hạnh phúc do mình tạo ra, do mình quyết định.
  • Mỗi người cần phái biết chăm sóc, vun trồng, cần phải có sự cảm thông thấu hiểu, tình yêu, lòng vị tha và sự hy sinh để cho hạnh phúc mãi bền vững

Câu 4 (1 điểm) :
 – Biện pháp tu từ: Ẩn dụ
– Ý nghĩa:
+  Câu văn không chỉ đơn thuần miêu tả mà còn giầu sức gợi nhờ diễn đạ có hình ảnh, do đó  trở nên sâu sắc hơn, biểu cảm hơn.
+ Gợi liên tưởng đến những khó khăn, thử thách và mách bảo mọi người cần phải có sự cảnh giác với những kẻ  luôn rình rập phá vỡ hạnh phúc của con người.

  1. PHẦN II : LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2 điểm)
– Về hình thức, HS cần viết đúng yêu cầu đoạn văn (khoảng 200 từ)  (0.5 điểm).
– Về nội dung, HS có thể trình bày theo các cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các yêu cầu :
 Trình bày chân thành suy nghĩ, quan điểm của mình về “ hạnh phúc chính là sự cho đi” nghĩa là con người cảm thấy hạnh phúc khi biết cảm thông , chia sẻ  trước những khó khăn đau khổ của người khác, phải biết hi sinh  lợi ích cá nhân mình để đặt lợi ích của mọi người, của tập thể, của cộng đồng , dân tộc lên trên hết . Đó là một truyền thống đạo lí tốt đẹp của người Việt từ bao đời, cần phải giữ gìn và phá huy. Cần phê phán lối sống vị kỉ, vô cảm, không có nghĩa tình…
Bài viết phải có lí lẽ, lập luận chặt chẽ và có dẫn chứng chính xác, sinh động để minh họa cho lí lẽ lập luận (1.5 điểm)
Câu 2 (5 điểm)

  1. Yêu cầu về kĩ năng

– HS biết cách làm bài nghị luận văn học về một đoạn thơ.
– Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp….

  1. Yêu cầu về kiến thức

– Giới thiệu vài nét về tác phẩm ‘ Vợ chồng A Phủ,  nhà văn Tô Hoài và giới thiệu hoàn cảnh xuất hiện tiếng sáo trong đêm tình mùa xuân (0,5đ)
 
 – Tiếng sáo là một trong những yếu tố ngoại cảnh quan trọng nhất có sức lay động và làm thức tỉnh tâm hồn Mị (0.25đ)
– Tiếng sáo trước hết là biểu tượng cho mùa xuân là nơi gọi bạn tình. Nó được miêu tả từ gần đến xa, được tái hiện qua nhiều cung bậc: Tiếng sáo lấp ló đầu núi, tiếng sáo văng vẳng đầu làng, tiếng sáo bay lơ lửng ngoài đường, tiếng sáo rập rờn trong đầu Mị.-Tiếng  sáo góp phần gợi ra bức tranh phong tục và không gian văn hóa đậm chất Tây Bắc khi xuân về.(0,75đ)
– Tiếng sáo chính là tiếng ca hạnh phúc, là  biểu tượng cho tiếng gọi cuộc sống, cho  tình yêu và khát vọng  tự do ; nó đã lay gọi, đánh thức,  khơi gợi lòng yêu đời, yêu cuộc sống tự do trong Mị (0.5đ)
–  Tiếng sáo có sự tác động mạnh mẽ đến diễn biến tâm lí của nhân vật Mị (0.75đ)
+  Sự đứt nối, liền mạch trong những kỉ niệm về quá khứ; tiếng sáo – kí ức tươi đẹp như một bản tình ca của thời tuổi trẻ làm sống dậy những khát khao hạnh phúc tưởng chừng đã mất.
+ Những sắc điệu riêng: say sưa ngọt ngào dẫn dụ (lần 1), hòa trộn giữa khát khao tình yêu tự do với những day dứt về thực tại (lần 2), bùng phát vượt khỏi thực tại và lịm tắt trong nỗi ai oán về kiếp người.
 
– Tiếng sáo là chất xúc tác làm cho chuỗi phản ứng tinh thần của Mị diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn, quyết liệt hơn để rồi đi đến hành động cắt day trói cho Aphủ, tự giải thoát cho bản thân Mị sau này (0.5đ)
– Thể hiện tư tưởng của tác phẩm: sức sống con người cho dù bị dẫm đạp, trói buộc nhưng vẫn luôn âm ỉ chờ cơ hội bùng lên . Đó là giá trị nhân đạo của tác phẩm (0.5đ)
– Chi tiết thể hiện tài năng miêu tả tinh tế, sinh động diễn biến tâm lí của nhân vật, góp phần làm nên giá trị tác phẩm và tên tuổi của nhà văn Tô Hoài (0.75đ)
– Ngôn ngữ giàu hình ảnh, gợi cảm, giàu chất thơ, mang bản sắc của dân Tây Bắc (0.25)
– Giọng văn đầy chất thơ, nhẹ nhàng, tha thiết (0.25)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *