Đề thi thử THPT Quốc gia môn văn 2017 Đề 25

Đề thi thử THPT Quốc gia môn văn 2017 . đề đọc hiểu + Nghị luận xã hội 200 chữ :Tinh thần yêu nước của dân tộc ta. Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của người phụ nữ trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh.

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO YÊN BÁI
TRƯỜNG THPT VĂN CHẤN
(Đề thi có 02 trang)
 
KỲ THI TRUNG HỌC PHỔ THÔNG QUỐC GIA NĂM 2017
Môn: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.
Lịch sử ta có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta. Chúng ta có quyền tự hào vì những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê lợi, Quang Trung… Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc.
Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước. Từ các cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng trẻ thơ, từ những kiều bào ở nước ngoài đến những đồng bào ở những vùng bị tạm chiếm, từ nhân dân miền ngược đến miền xuôi, ai cũng một lòng nồng nàn yêu nước, ghét giặc. Từ những chiến sĩ ngoài mặt trận chịu đói mấy ngày để bám sát lấy giặc, đặng tiêu diệt giặc, đến những công chức ở hậu phương nhịn ăn để ủng hộ bộ đội, từ những chị phụ nữ khuyên chồng con đi tòng quân còn mình thì xung phong giúp việc vận tải, cho đến các bà mẹ chiến sĩ săn sóc, yêu thương bộ đội như con đẻ của mình. Từ những nam nữ công nhân và nông dân thi đua tăng gia sản xuất, không quản khó nhọc để giúp một phần vào kháng chiến, cho đến những đồng bào điền chủ quyên đất ruộng cho Chính phủ,… Những cử chỉ cao quý đó tuy khác nhau nơi việc làm, nhưng đều giống nhau nơi lòng nồng nàn yêu nước.
(Trích: Hồ Chí Minh, “Tinh thần yêu nước của dân tộc ta” – Báo cáo chính trị tại Đại hội II của Đảng Lao động Việt Nam tháng 2/1951).
Câu 1: Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ nào? Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của văn bản trên. (0,5 điểm)
Câu 2: Nêu nội dung chính và xác định câu văn thâu tóm nội dung của văn bản?(0,5 điểm)
Câu 3: Trong đoạn văn: “Từ các cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng trẻ thơ, từ những kiều bào ở nước ngoài đến những đồng bào ở những vùng bị tạm chiếm, từ nhân dân miền ngược đến miền xuôi, ai cũng một lòng nồng nàn yêu nước, ghét giặc. Từ những chiến sĩ ngoài mặt trận chịu đói mấy ngày để bám sát lấy giặc, đặng tiêu diệt giặc, đến những công chức ở hậu phương nhịn ăn để ủng hộ bộ đội, từ những chị phụ nữ khuyên chồng con đi tòng quân còn mình thì xung phong giúp việc vận tải, cho đến các bà mẹ chiến sĩ săn sóc, yêu thương bộ đội như con đẻ của mình. Từ những nam nữ công nhân và nông dân thi đua tăng gia sản xuất, không quản khó nhọc để giúp một phần vào kháng chiến, cho đến những đồng bào điền chủ quyên đất ruộng cho Chính phủ,…”, biện pháp nghệ thuật nào được sử dụng nhiều nhất? Nêu tác dụng của nó. (1,0 điểm)
Câu 4: Em hiểu câu “Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” có ý nghĩa như thế nào? Những từ ngữ nào thể hiện rõ điều đó? (1,0 điểm)
LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu trong đoạn  trích ở phần  Đọc hiểu: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta”.
Câu 2 (5,0 điểm)
   Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của người phụ nữ trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh.

——–Hết——–

 

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO YÊN BÁI
TRƯỜNG THPT VĂN CHẤN
(Đáp án gồm 05 trang)
 
ĐÁP ÁN – THANG ĐIỂM
ĐỀ THI THPT QUỐC GIA NĂM 2017
Môn: Ngữ Văn

YÊU CẦU CHUNG
– Giám khảo phải nắm được nội dung trình bày trong bài làm của thí sinh, tránh đếm ý cho điểm. Vận dụng linh hoạt Hướng dẫn chấm, sử dụng nhiều mức điểm một cách hợp lí, khuyến khích những bài viết có cảm xúc, sáng tạo.
– Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách nhưng nếu đáp ứng những yêu cầu cơ bản của đề, diễn đạt tốt vẫn cho đủ điểm.
– Điểm bài thi có thể cho lẻ đến 0,5 điểm và không làm tròn.
YÊU CẦU CỤ THỂ
 I.ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Câu 1: Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ nào? Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của văn bản trên. (0,5 điểm)
* Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ chính luận / chính luận
– Điểm 0,25: Trả lời đúng ý trên.
– Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.
* Phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ trên là phương thức nghị luận / nghị luận
– Điểm 0,25: Trả lời đúng ý trên.
– Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.
Câu 2:
* Nội dung chính của văn bản: Bài văn này nghị luận vấn đề tinh thần yêu nước của nhân dân ta.
– Điểm 0,25: Trả lời đúng ý trên.
– Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.
* Câu văn thâu tóm nội dung nghị luận trong bài: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta“.
– Điểm 0,25: Trả lời đúng ý trên.
– Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.
Câu 3
*Biện pháp nghệ thuật thể hiện trong đoạn văn: điệp cấu trúc “Từ…từ…” và phép liệt kê.
– Điểm 0,5: Trả lời đúng ý trên.
– Điểm 0,25: Trả lời được 1 biện pháp
– Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.
*Tác dụng: nhấn mạnh và khẳng định lòng yêu nước là một thứ của cải quý giá và rộng khắp. Nó có mặt trong mọi tầng lớp nhân dân.
– Điểm 0,5: Trả lời đúng ý trên.
– Điểm 0,25: Trả lời được ½ ý trên
– Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.
Câu 4:
* Ý nghĩa của câu văn: khẳng định lòng yêu nước là sức mạnh tinh thần to lớn. Chính lòng yêu nước của nhân dân ta đã giúp Việt Nam đánh bại bao kẻ thù để giữ vững nền tự do độc lập.
– Điểm 0,5: Trả lời đúng ý trên.
– Điểm 0,25: Trả lời được ½ ý trên
– Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.
*Các từ ngữ thể hiện rõ sức mạnh vô địch của lòng yêu nước:  “kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn”; “lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn”, “ nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”
– Điểm 0,5: Trả lời đúng ý trên.
– Điểm 0,25: Trả lời được 1/3 – 2/3 ý trên
– Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.
LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm): Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu trong đoạn  trích ở phần  Đọc hiểu: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta”.
* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận xã hội để tạo lập đoạn văn. Bài viết Đảm bảo hình thức của một đoạn văn, triển khai một vấn đề thống nhất, mạch lạc; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
* Yêu cầu cụ thể:
a) Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận (0,25 điểm):
– Điểm 0,25 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mở đoạn, Thân đoạn, Kết đoạn. Phần Mở đoạn nêu được vấn đề; phần Thân đoạn biết tổ chức thành nhiều câu văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết đoạn khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân.
– Điểm 0: Thiếu Mở đoạn hoặc Kết đoạn; hoặc bài viết có nhiều đoạn văn
b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,25 điểm):
– Điểm 0,25: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Yêu nước là truyền thống quý báu, thiêng liêng của dân tộc ta.
– Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.
c) Vấn đề nghị luận đúng, phù hợp; các câu được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai luận điểm; biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; phải có dẫn chứng từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động (1,0 điểm):
– Điểm 1,0: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:
+ Mở đoạn: Nêu vấn đề: Yêu nước là truyền thống quý báu, thiêng liêng của dân tộc ta.
+ Thân đoạn:
++ Giải thích:
+++ Lòng yêu nước là tình cảm cao cả, thiêng liêng của mỗi người dành cho quê hương đất nước. Đó là tình cảm yêu quý, gắn bó, tự hào về quê hương đất nước và tinh thần đem hết tài năng, trí tuệ để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
+++ Truyền thống yêu nước: những phẩm chất, giá trị…được hình thành, phát triển, duy trì trong một thời gian dài thể hiện mối quan hệ tình cảm, nghĩa vụ tích cực của mỗi công dân đối với đất nước…
-> Yêu nước là truyền thống quý báu, thiêng liêng của dân tộc ta.
++  Chứng minh truyền thống yêu nước của nhân dân Việt Nam qua những trang sử dựng nước và giữ nước oanh liệt hào hùng: Trong thời kỳ kháng chiến, lòng yêu nước chính là căm thù giặc sâu sắc, đứng lên, cầm súng ra trận chiến đấu với kẻ thù; Trong thời bình, lòng yêu nước thể hiện ở việc yêu thiên nhiên, tự hào về đất nước, chung tay xây dựng và phát triển đất nước.
++ Bình luận: Lí giải sức mạnh của truyền thống yêu nước (vấn đề trọng tâm)
+++ Truyền thống yêu nước luôn là yếu tố tinh thần của quá khứ có khả năng làm hiện hữu và tạo ra sức mạnh tinh thần hoặc vật chất, có khả năng nêu gương, động viên, khơi gợi…những phẩm chất, giá trị tốt đẹp trong mỗi con người trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
+++ Truyền thống yêu nước là sự nhắc nhở thiêng liêng và nghiêm khắc  đối với trách nhiệm của hậu thế trong việc nối tiếp, duy trì, phát huy những phẩm chất, giá trị tốt đẹp đã được hình thành từ những thế hệ trước để góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước.
+++ Truyền thống yêu nước giúp con người có niềm tự hào, niềm tin về những  phẩm chất, giá trị đang nối tiếp từ quá khứ; cung cấp những bài học kinh nghiệm cho hiện tại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
+ Kết đoạn: Bài học nhận thức và hành động cho bản thân.
– Điểm 0,75: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các ý còn chưa đầy đủ hoặc liên kết chưa thật chặt chẽ.
– Điểm 0,5: Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.
– Điểm 0,25: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.
– Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào nêu trên.
d) Sáng tạo (0,25 điểm)
– Điểm 0,25: Khuyến khích học sinh có tư duy phản biện, những góc nhìn mới, những lý giải sâu sắc, thấu đáo từ thực tế cuộc sống; cách tổ chức hình thức bài viết mới mẻ, diễn đạt, ngôn ngữ độc đáo, hấp dẫn; thể hiện được quan điểm và thái độ riêng, không trái với chuẩn mực đạo đức, pháp luật.
– Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,25 điểm):
– Điểm 0,25: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
– Điểm 0: Mắc nhiều lỗi.
Câu 2. (5,0 điểm) Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của người phụ nữ trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh.
* Yêu cầu chung : Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng ; văn viết có cảm xúc ; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt ; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết ; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
* Yêu cầu cụ thể :
a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm)
– Điểm 0,5 điểm : Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề ; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề ; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân.
– Điểm 0,25 : Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu trên ; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.
– Điểm 0 : Thiếu Mở hoặc Kết bài, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn.
b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm)
– Điểm 0,5 : Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh.
– Điểm 0,25 : Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, chỉ nêu chung chung.
– Điểm 0 : Xác định sai luận đề, lạc đề.
c) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp ; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, so sánh) ; biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng (3,0 điểm) :
– Điểm 3,0 : Đảm bảo các yêu cầu trên ; có thể trình bày theo định hướng sau :
+ Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận
+ Thân bài:
++ Giới thiệu hình tượng sóng: là một sáng tạo độc đáo của Xuân Quỳnh. Sóng là sự ẩn thân, hóa thân của nhân vật trữ tình “em”. Qua hình tượng sóng, Xuân Quỳnh diễn tả cụ thể, sinh động những trạng thái, cung bậc tình cảm, tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu: nhân hậu, khao khát yêu thương và luôn hướng tới một tình yêu cao thượng, lớn lao.
++ Cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu:
+++ Thể hiện tiếng nói của trái tim tuổi trẻ mang khát vọng tình yêu muôn thuở (Ôi con sóng ngày xưa/ Và ngày sau vẫn thế/ Nỗi khát vọng tình yêu/ Bồi hồi trong ngực trẻ).
+++ Khao khát khám phá sự bí ẩn của qui luật tình yêu nhưng không tìm thấy câu trả lời (Em cũng không biết nữa/ Khi nào ta yêu nhau).
+++ Bộc lộ một tình yêu sôi nổi, đắm say, nồng nàn, mãnh liệt, một nỗi nhớ cồn cào, da diết, chiếm lĩnh cả thời gian và không gian (Con sóng dưới lòng sâu/Con sóng trên mặt nước … Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức… ).
+++ Luôn hướng tới một tình yêu thủy chung, son sắt (Nơi nào em cũng nghĩ/ Hướng về anh – một phương).
+++ Ước vọng có một tình yêu vĩnh hằng, bất tử để làm đẹp cho cuộc đời (Làm sao được tan ra/ Thành trăm con sóng nhỏ/ Giữa biển lớn tình yêu/ Để ngàn năm còn vỗ).
++ Đặc sắc nghệ thuật: ẩn dụ (mượn hình tượng sóng để thể hiện tình yêu một cách sinh động, gợi cảm); thể thơ năm chữ với nhịp điệu linh hoạt, nhịp nhàng gợi âm vang của sóng; ngôn từ giản dị, trong sáng, hình ảnh thơ giàu sức gợi.
+ Kết bài:
++ Đánh giá chung: Sóng là bài thơ tiêu biểu của Xuân Quỳnh và của thơ ca Việt Nam hiện đại viết về đề tài tình yêu.
++ Khẳng định: Giá trị nhân văn của bài thơ chính là sự khắc họa vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu.
– Điểm 3,0: Đáp ứng được đầy đủ, sâu sắc các yêu cầu trên, lập luận thuyết phục, dẫn chứng phong phú, hợp lí.
– Điểm 2,5- 2,75: Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, dẫn chứng khá phong phú.
– Điểm 2,0- 1,75: Đáp ứng phần lớn các  yêu cầu trên, song một trong các luận điểm chưa triển khai đầy đủ, hoặc liên kết chưa chặt chẽ.
– Điểm 1,5- 1,75: Cơ bản đáp ứng các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm chưa triển khai đầy đủ, hoặc liên kết chưa chặt chẽ, dẫn chứng còn ít, một số dẫn chứng chưa phù hợp.
– Điểm 1,0-1,25:  Đáp ứng 1/2 hoặc 2/3 yêu cầu trên.
– Điểm 0,5- 0,75: Đáp ứng 1/3 các yêu cầu trên.
– Điểm 0,25:  Hầu như không đáp ứng được yêu cầu nào trong các yêu cầu trên. Đáp ứng 1/3 các yêu cầu trên.
– Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào nêu trên.
d) Sáng tạo (0,5 điểm)
– Điểm 0,5 : Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…); văn viết giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
– Điểm 0,25 : Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
– Điểm 0 : Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm)
– Điểm 0,5 : Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
– Điểm 0,25 : Mắc một số lỗi.
– Điểm 0 : Mắc nhiều lỗi.

…………………Hết…………..

Xem thêm : Tuyển tập những bài văn hay, những đề thi về bài thơ Sóng- Xuân Quỳnh : Sóng Xuân Quỳnh

,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *