Đề thi thử THPT QG so sánh Tây Tiến và Đây thôn Vĩ Dạ

KỲ THI TRUNG HỌC PHỔ THÔNG QUỐC GIA NĂM 2018
 Bài thi: NGỮ VĂN
                                                               Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề
ĐỀ THAM KHẢO 1
ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ Câu 1 đến Câu 4:
Thế giới của chúng ta có muôn vàn điều thú vị để khám phá. Cho dù bạn đang ở độ tuổi nào, bạn cũng nên phá vỡ các giới hạn của nhận thức và luyện cho mình kĩ năng quan sát bằng cách ra khỏi nhà, ra ngoài thiên nhiên và chú ý tới mọi điều xung quanh. Hãy đặt cho bản thân những câu hỏi như: “Tại sao…?” Tại sao không…?” và thử tự tìm các câu trả lời hay sự trợ giúp của những người quen biết. Đừng bao giờ tự cao tự đại nói rằng: “Tôi biết hết rồi, anh/chị sẽ không chỉ cho tôi được điều gì mới đâu!”. Vì chỉ khi chúng ta nhận thức được rằng vẫn còn nhiều điều có thể học, chúng ta mới có thể bổ sung được nhiều kiến thức mới.
            Hãy nghe nhạc cổ điển, đến thăm các viện bảo tàng và các phòng trưng bày nghệ thuật, hãy đọc sách về nhiều chủ đề khác nhau, hãy có những sở thích như khiêu vũ, chơi đàn, hội họa hay tập luyện một bộ môn thể thao. Dù bạn chọn cho mình một bộ môn nào đi nữa, bạn cũng nên theo học đến cùng và tìm hiểu không ngừng nghỉ cho đến khi đạt được kiến thức sâu sắc về lĩnh vực đó mới thôi. Đừng chỉ “chạm đến một lần rồi bỏ xó”. Hãy quyết tâm rèn luyện và củng cố trí tò mò để nó trở thành một phần cá tính của bạn. Biết đâu, trong một lần tò mò hay thắc mắc như vậy, bạn sẽ tìm ra được niềm đam mê cho bản thân. Có khát vọng khám phá và tìm tòi là một trong những động lực giúp bạn tiếp cận với thế giới và  vươn ra biển lớn
(Trích Tìm kiếm niềm đam mê, Hộ chiếu xanh đi quanh thế giới, Nhà xuất bản Thế giới, 2017, tr17, 18)
Câu 1: Anh/chị hãy xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản? (0,5 điểm)
Câu 2: Theo tác giả, vì sao “Đừng bao giờ tự cao tự đại nói rằng: “Tôi biết hết rồi, anh/chị sẽ không chỉ cho tôi được điều gì mới đâu!”? (0,5 điểm)
Câu 3: Anh/chị hiểu như thế nào về ý kiến: “Có khát vọng khám phá và tìm tòi là một trong những động lực giúp bạn tiếp cận với thế giới và  vươn ra biển lớn”? (1,0 điểm)
Câu 4: Anh/chị có đồng tình với quan niệm: “Hãy quyết tâm rèn luyện và củng cố trí tò mò để nó trở thành một phần cá tính của bạn”? (1,0 điểm)
LÀM VĂN (7 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm): Từ nội dung văn bản phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn trình bày suy nghĩ của mình về ý nghĩa của niềm đam mê trong cuộc sống?
Câu 2 (5,0 điểm): Anh chị hãy làm rõ sự khác nhau trong nội dung cảm xúc của nhân vật trữ tình qua hai đoạn thơ sau:
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi !
            Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
            Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
            Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
(Trích Tây Tiến của Quang Dũng – in trong Ngữ văn 12 Tập một, NXBGD, 2008, tr. 88)
Sao anh không về chơi thôn Vĩ ?
            Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
            Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
            Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
(Trích Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử – in trong Ngữ văn 11 Tập hai, NXBGD, 2007, tr. 39)
GỢI Ý ĐÁP ÁN
ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Câu 1: (0,5 điểm) Phương thức biểu đạt: nghị luận.
Câu 2: (0,5 điểm) Vì chỉ khi chúng ta nhận thức được rằng vẫn còn nhiều điều có thể học, chúng ta mới có thể bổ sung được nhiều kiến thức mới.
Câu 3: (1,0 điểm)
– Khát vọng khám phá và tìm tòi giúp chúng ta có đủ động lực và sức mạnh để tiếp cận và nắm bắt thế giới.
– Khát vọng khám phá và tìm tòi giúp chúng ta tiến xa khỏi vị trí mà mình đang đứng để “vươn ra biển lớn”.
Câu 4: (1,0 điểm)
– Đồng tình, nếu “rèn luyện và củng cố trí tò mò” để phục vụ những điều có ích cho bản thân và cộng đồng.
– Không đồng tình, nếu “rèn luyện và củng cố trí tò mò” để thỏa mãn những nhu cầu không trong sáng, không lành mạnh, không chính đáng.
LÀM VĂN (7 điểm)
Câu 1 (2 điểm):
Yêu cầu về kĩ năng:
– Đoạn văn có câu mở đoạn, thân đoạn và kết đoạn.
– Lập luận chặt chẽ, không mắc lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp.
Yêu cầu về kiến thức:
“Đam mê” là gì?:
+ Niềm đam mê là sở thích ở mức độ cao và khát khao đạt được mục đích mà mình theo đuổi.
+ Những miềm đam mê tích cực luôn cần thiết cho tất cả chúng ta.
Biểu hiện của niềm đam mê?
+ Một vài lĩnh vực của niềm đam mê: say mê nghiên cứu khoa học kĩ thuật, say mê văn học nghệ thuật…
+ Biểu hiện của niềm đam mê: dồn tâm huyết và tình cảm cho niềm đam mê, luôn suy nghĩ và tìm cách để thực hiện, mong muốn và khát khao đạt được sở nguyện…
Ý nghĩa của niềm đam mê?
+ Con người không có đam mê sẽ mất đi nỗ lực để chinh phục những đỉnh cao.
+ Không có đam mê, con người sẽ đánh mất động lực để hoàn thành sở nguyện của bản thân.
+ Ca ngợi, tôn vinh những ai dám theo đuổi đam mê và đem đam mê của mình để phục vụ cộng đồng. Phê phán những kẻ yếu hèn đã sớm giã từ đam mê khi gặp khó khăn, thử thách.
Bài học nhận thức và hành động?
+ Biết nuôi dưỡng đam mê lành mạnh và theo đuổi đam mê đến cùng.
+ Sống cần phải có đam mê mới có cống hiến cho đời.
Câu 2 (5,0 điểm)
Yêu cầu về kĩ năng: Thí sinh biết cách làm bài văn nghị luận văn học ; vận dụng tốt các thao tác lập luận ; không mắc lỗi chính tả, dung từ, ngữ pháp. Khuyến khích những bài viết sáng tạo.
Yêu cầu về kiến thức: Trên cơ sở hiểu biết về tác giả, tác phẩm cùng với những cảm nhận sâu sắc về nội dung cảm xúc 2 đoạn thơ trích trong 2 bài Đây thôn Vĩ DạTây Tiến, học sinh có thể trình bày theo nhiều cách, nhưng cần làm rõ các ý sau đây:
a) Giới thiệu vài nét về tác giả và tác phẩm
b) Làm rõ những nét khác nhau trong nội dung cảm xúc của nhân vật trữ tình qua hai đoạn thơ
b.1. Nội dung cảm xúc trong đoạn thơ của Quang Dũng là nỗi nhớ Tây Tiến – nhớ con đường hành quân trên núi rừng Tây Bắc
– Nỗi nhớ đó được khơi dòng khi nhà thơ đã rời xa sông Mã – con sông gắn bó với người lính Tây Tiến. Đó là nỗi nhớ ấy mênh mang, đầy ắp, da diết và nó có khả năng mở ra một vùng hoài niệm.
– Nhớ con đường hành quân Tây Tiến là nhớ những địa danh xa lạ gắn với cái dữ dội, khắc nghiệt và cả cái vẻ thơ mộng của núi rừng Tây Bắc
– Từ nỗi nhớ Tây Tiến đã ta nhận ra tâm hồn lãng mạn của nhân vật trữ tình. Chính tâm hồn lãng mạn ấy đã giúp những những người lính Tây Tiến vượt lên gian khổ hy sinh để chiến đấu và chiến thắng.
b.2.  Nội dung cảm xúc trong đoạn thơ của Hàn Mặc Tử là những hoài niệm về thôn Vĩ – nơi có người tình trong mộng của nhà thơ.
– Hoài niệm thôn Vĩ được khơi dòng từ một câu hỏi mà tác giả tự phân thân để hỏi chính mình: Sao anh không về chơi thôn Vĩ ? Câu hỏi vừa chứa đựng niềm ao ước được về thăm thôn Vĩ vừa thể hiện sự mặc cảm về hoàn cảnh hiện tại và khả năng thực hiện ao ước của mình.
– Từ trong dòng hoài niệm cảnh thôn Vĩ hiện ra với vẻ đẹp trong trẻo, đắm say; người thôn Vĩ duyên dáng, kín đáo,  phúc hậu để lại trong lòng anh bao nhung nhớ.
– Lắng sâu trong bức tranh Vĩ Dạ ấy là cảm xúc đắm say mãnh liệt của nhân vật trữ tình khi nói về thôn Vĩ. Từ hoài niệm của nhân vật trữ tình, ta nhận ra được một tâm hồn khao khát cái đẹp và đầy ắp tình người của nhà thơ.
c) Đánh giá chung:
– Hai đoạn thơ đều thể hiện nỗi nhớ, hoài niệm của nhân vật trữ tình về một miền đất có nhiều kỉ niệm.
– Từ nội dung cảm xúc người đọc thấy được vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật trữ tình.
– Cách thể hiện nội dung cảm xúc của 2 nhà thơ rất tài hoa.
SỞ GD VÀ ĐT BÌNH ĐỊNH                                        Trường THPT Số 3 An Nhơn 

, , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *