Đề thi cuối năm ngữ văn 12 THPT Lí Thái Tổ

Giới thiệu với thầy cô và các em đề thi kết thúc học kì 2 môn ngữ văn 12 của SỞ GD&ĐT BẮC NINH TRƯỜNG THPT LÝ THÁI TỔ. Đề thi có 2 câu. Thời gian làm bài 90 phút
 Câu 1. (3.0 điểm)

Đọc đoạn thơ sau đây và trả lời các câu hỏi từ câu 1 đến câu 4:       

Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói

Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ

Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa

Óng tre ngà và mềm mại như tơ.

 

Tiếng tha thiết nói thường nghe như hát

Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh

Như gió nước không thể nào nắm bắt

Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh.

 

Dấu hỏi dựng suốt ngàn đời lửa cháy

Một tiếng “vườn” rợp bóng lá cành vươn

Nghe mát lịm ở đầu môi tiếng “suối”

Tiếng “heo may” gợi nhớ những con đường.

(“Tiếng Việt” – Lưu Quang Vũ)

  1. Nêu nội dung chính của đoạn thơ? (0.5 điểm)
  2. Xác định biện pháp tu từ được sử dụng ở hai dòng thơ: “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa – Óng tre ngà và mềm mại như tơ.” (0.5 điểm)
  3. Đặc sắc nào của tiếng Việt được tác giả nhắc đến trong hai khổ thơ in đậm của văn bản. (1.0 điểm)
  4. Theo em, làm thế nào để giữ gìn sự trong sáng và phát triển tiếng Việt? (1.0 điểm)

Câu 2. (7.0 điểm)

Trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” (Tô Hoài), Mị đã chủ động cắt dây trói cho A Phủ và tự giải thoát mình, còn ở tác phẩm “Vợ nhặt” (Kim Lân), trong bữa cơm ngày đói, người vợ nhặt đã nói: “Trên mạn Thái Nguyên, Bắc Giang người ta không chịu đóng thuế nữa… Người ta còn phá cả kho thóc của Nhật, chia cho người đói…”.

Cảm nhận của em về vẻ đẹp hai nhân vật Mịngười vợ nhặt qua hai chi tiết trên.

Đáp án

 Câu 1(3.0 điểm)

1. Nội dung chính của đoạn là tình cảm yêu quý, trân trọng tiếng mẹ đẻ của Lưu Quang Vũ.

(0.5 điểm)

  1. Biện pháp tu từ so sánh: tiếng Việt như đất cày, lụa, óng tre ngà, tơ để người đọc cảm nhận đặc trưng của tiếng Việt: mộc mạc, khỏe khoắn, tinh tế và mềm mại, là tiếng nói biểu hiện bản sắc dân tộc. (0.5 điểm)
  2. Đặc sắc của tiếng Việt là thứ tiếng nhiều thanh điệu, khiến lời nói có giai điệu, gợi hình,gợi thanh,  gợi cảm, có ý nghĩa sâu xa, có khả năng diễn tả mọi phương diện, mọi cung bậc cảm xúc của cuộc sống, con người Việt một cách giản dị, gần gũi. (1.0 điểm)
  3. Học sinh nêu quan điểm của bản thân về cách thức giữ gìn sự trong sáng và phát triển tiếng Việt:  (1.0 điểm)

            – Yêu và quý trọng tiếng Việt, có ý thức về sự phát triển của tiếng Việt.

            – Thường xuyên rèn luyện kỹ năng sử dụng tiếng Việt.

            – Bảo vệ tiếng Việt.

Chú ý: + Nội dung phải hợp lý, có sức thuyết phục, diễn đạt mạch lạc.

            + Có thể viết thành đoạn văn hoặc bài văn ngắn.

Câu 2 (7.0 điểm)

  1. a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0.5 điểm): trình bày đầy đủ các phần mở bài, thân bài, kêt luận, các phần liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề.
  2. b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0.5 điểm): vẻ đẹp của Mị và người vợ nhặt thông qua hai chi tiết nghệ thuật.
  3. c) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lý,có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, so sánh); kết hợp giữa nêu lý lẽ và đưa dẫn chứng. (5.0 điểm)

            Có thể trình bày theo định hướng sau:

  1. Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm, nhân vật và vị trí, nội dung hai chi tiết.(0.5 điểm)
  2. Phân tích vẻ đẹp của hai nhân vật qua hai chi tiết nghệ thuật. (3.0 điểm)

* Vẻ đẹp của Mị qua hành động cắt dây trói cho A Phủ và tự giải thoát mình (1.5 điểm)

– Khái quát: Mị là cô gái vùng núi caoTây Bắc xinh đẹp,có tâm hồn phong phú, đầy sức sống, giàu tình thương. Khi phải làm dâu nhà thống lí Pá Tra, Mị rơi vào thân phận trâu ngựa. Đêm tình mùa xuân, tâm hồn Mị được hồi sinh nhưng bị A Sử dập tắt. Đêm mùa đông, A Phủ bị trói, tình thương và lòng căm thù tội ác chiến thắng sự sợ hãi, Mị cắt dây trói giải thoát cho A Phủ và bản thân(0.5 điểm)

– Phân tích ý nghĩa của chi tiết: (1.0 điểm)

+ Là hành động tự phát vì bản thân Mị chưa được giác ngộ cách mạng nhưng có ý nghĩa bởi trong hoàn cảnh bị đày đọa bởi cường quyền và thần quyền, khổ cực đến vô cảm (hàng đêm vẫn dậy sưởi lửa hơ tay, dửng dưng khi thấy A Phủ bị trói), ở trong Mị vẫn còn ngọn lửa của tình người- thương mình, thương người (cảm thông, xót thương cho những người bất hạnh),từ đó thức tỉnh và cắt dây trói cho A Phủ.

+ Là hành động táo bạo, dũng cảm bởi từ một con người cam chịu, nhẫn nhục, vươn lên có sự phản kháng  mạnh mẽ không chịu khuất phục hoàn cảnh, đấu tranh làm chủ cuộc sống, số phận, khẳng định sức sống mãnh liệt, niềm khao khát tự do, hạnh phúc (vượt lên sự vùi dập, tê liệt cùng kiếp nô lệ,hành động giải thoát cho người đồng cảnh ngộ và bản thân)

* Vẻ đẹp của người vợ nhặt qua lời nói, suy nghĩ trong buổi sáng đầu tiên làm dâu nhà Tràng

 (1.5 điểm)

            – Khái quát:Thị đến với Tràng để tránh cái đói,  sự cô đơn và từ khi theo Tràng về làm vợ, thị đã thay đổi, “là người đàn bà hiền hậu, đúng mực”. Trong bữa cơm ngày đói thị cùng chia sẻ với bà cụ Tứ những dự định tương lai, ý tứ khi đưa những những miếng cháo cám đắng chát vào miệng và khi nghe tiếng trống thúc thuế thị đã kể lại những người dân không đóng thuế, phá kho thóc Nhật.

(0.5 điểm)

            – Phân tích ý nghĩa của chi tiết: (1.0 điểm)

            + Là nạn nhân của hoàn cảnh sống – nạn đói thảm khốc, chịu nỗi khổ cực về thể xác (ngoại hình thảm hại), tinh thần (đánh mất nữ tính), trong thị vẫn tiềm tàng một sức sống và vẻ đẹp: chia sẻ, yêu thương và lo lắng cho mái ấm nhỏ để mong cuộc sống tốt đẹp hơn; chấp nhận cuộc sống khó khăn, sẵn sàng đối diện với nạn đói trước mặt (cùng ăn bữa cơm đạm bạc, cùng vun vén cho những dự định nhỏ bé của gia đình…), phản kháng tội ác của thực dân Pháp và phát xít Nhật.

            + Vượt lên hoàn cảnh, người vợ nhặt hi vọng, tin tưởng, lạc quan vào ngày mai tươi sáng sẽ được đổi đời: lời nói về sự thay đổi của xã hội, nhen nhóm niềm tin trong lòng những người thân yêu.

  1. Nhận xét, khái quát, so sánh (1.5 điểm)

– Giống nhau:

+ Cả hai chi tiết đều tái hiện vẻ đẹp của tình yêu thương, sức sống tiềm ẩn, lòng khao khát hạnh phúc, tin tưởng, hy vọng vào tương lai tốt đẹp của hai người phụ nữ khi phải đối diện với hoàn cảnh khó khăn.

+ Đều là những chi tiết nghệ thuật độc đáo nằm ở cuối đoạn trích, làm tỏa sáng vẻ đẹp của hình tượng nhân vật chính.

– Khác nhau:

+ Mị cắt dây trói cho A Phủ là hành động mạnh mẽ để thay đổi số phận. Là hành động bất ngờ nhưng logic phù hợp với tâm trạng và đặc điểm tính cách nhân vật- hành động đổi đời.

+ Người vợ nhặt hình dung sự thay đổi cuộc sống trong sự thay đổi của thời đại lịch sử. Thị có niềm tin dù mơ hồ vào tương lai, những sự thay đổi nằm ở nhận thức, lời nói chứ chưa phải là những hành động mạnh mẽ- lời nói mở ra hướng đổi đời.

– Lý giải sự so sánh: do hoàn cảnh sống của mỗi nhân vật, do ngòi bút xây dựng nhân vật của mỗi tác giả, do tư tưởng và ý đồ sáng tạo nghệ thuật của nhà văn…

d) Sáng tạo (1.0 điểm): Bài viết có hiểu biết về kiến thức lý luận (chi tiết nghệ thuật, nhân vật, tác phẩm tự sự…), hành văn lưu loát, giàu cảm xúc, cách diễn đạt chính xác, độc đáo, sáng tạo.

Xem thêm :Tổng hợp những đề thi về các tác phẩm trọng tâm lớp 12
Tuyển tập đề thi và những bài văn hay về vợ chồng a phủ
Tuyển tập đề thi và những bài văn hay về vợ nhặt

, ,

3 bình luận trong “Đề thi cuối năm ngữ văn 12 THPT Lí Thái Tổ

  1. co oi, o dap an phan lam van, phan sang tao noi rang hs co hieu biet ve kien thuc ly luan trong bai lam. vay nghia la sao vay co? va lam the nao de co the dat diem o phan sang tao ay? em cam on co

    1. sáng tạo được 0,5 điểm, phần này hs cần nêu những ý hay, ngoài đáp án của Bộ.kiến thức lí luận bao gồm : kiến thức về đề tài, chủ đề, tư tưởng tp. về kết cấu văn bản, về ngôn từ, thể loại, đặc trưng của mỗi thể loại, phương pháp phân tích nhân vật,… nói chung phần này dành cho học sinh giỏi em nhé

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *