Đề đọc hiểu văn bản : Tờ Hoa- Nguyễn Tuân

Đề đọc hiểu văn bản : Tờ Hoa- Nguyễn Tuân
Bộ đề đọc hiểu văn bản ngữ văn lớp 12 có đáp án, tài liệu ôn thi THPT Quốc gia môn văn.
Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi:
Tại một công trường làm đường Tây Bắc, 1966.
         Tôi nhìn ra cái tàu lăn nghiến đá mặt đường mới, nhìn ra những kíp thợ xây dựng mở đường, nhìn ra một tổ ong của anh chị em làm đường vừa mang được ong chúa về. Cửa sổ buồng tôi viết, lúc nào cũng nhộn nhịp cánh tay người và những cánh ong quen dần với tổ mới. Ong bay trên trang sổ tay tôi. Ong tua tròn trên trang giấy chữ nhật trắng, như là tàu bay đảo nhiều vòng chờ lệnh hạ cánh xuống. Buồng bên có người bị ong đốt. Bởi vì người đó hoảng hốt vừa giết ong một cách không cần thiết, và ngửi thấy mùi máu, bọn ong cùng tổ liền xông tới đốt. Rồi ong cũng lăn ra chết, tinh hồn  xuất theo luôn với nọc đốt. Con ong bé cũng như con voi to, vốn tính lành nhưng khiêu khích chúng thì chúng đánh lại ngay, dẫu rằng có phải lấy bổn mạng ra mà trả lời. Anh cán bộ địa chất liền cho tôi mượn một số tạp chí khoa học có mấy trang về nuôi ong. Giờ tôi mới biết rằng đó là một thế giới đầy sinh thú. Đời sống con ong để lại cho người đọc nó một bài học về kiên nhẫn, về cần lao, về tích lũy, chế tạo và sáng tạo. Người ta đã đánh dấu con ong, theo dõi nó, và thấy rằng cái giọt mật làm ra đó, là kết quả của 2.700.000 chuyến (bay) đi, đi từ tổ nó đến khắp các nơi có hoa quanh vùng. Và trong một nửa lít mật ong đóng chai, phân chất ra được 5 vạn thứ hoa. Tính ra thành bước chân người thì tổng cộng đường bay của con ong đó là 8.000.000 cây số.
      Giữa rừng Tây Bắc đầy hoa, đầy bướm, đầy ong, cái tôi thấy say say trong chính mình là dầu không được một chuyến đi bằng một đời ong, mình cũng là một con sinh vật đang nung một thứ mật gì. Sự tích lũy ở mình cũng ngày ngày có giọt ra mà phần nào đem thơm thảo vào sự sống. Đối hoa xuân lắng ong mật mà thêm ngẫm tới đàn bướm tốt mã chấp chới bay, lộng lẫy những sắc phấn của sáo ngữ ồn ào. Bướm phù phiếm cũng bay vào hoa, nhưng cặp cánh hào nhoáng cũng chẳng để lại gì. Từ ngày có lịch sử tiến hóa của loài người, chưa ai dám nói đến mật bướm.”
(Trích Tờ hoa – Nguyễn Tuân)
Câu 1. Nêu nội dung của đoạn văn.
Câu 2. Trong đoạn văn trên tác giả đã sử dụng những phương thức biểu đạt  nào?
Câu 3.Tôi nhìn…”, “Giờ tôi mới biết rằng…”, “cái tôi thấy say say…”
Qua các cụm từ trên anh/chị hiểu gì về cái “tôi” trong thể loại tùy bút?
Câu 4. Hãy thể hiện sự liên tưởng của anh/chị trước hình ảnh “ngọn lửa”.
ĐÁP ÁN
Câu 1. Nội dung của đoạn văn: Từ hình ảnh của đàn ong tác giả gợi liên tưởng tới công phu tích lũy và sự lao động bền bỉ của con người.
Câu 2. Trong đoạn văn trên tác giả đã sử dụng những phương thức biểu đạt: tự sự, miêu tả, biểu cảm
Câu 3. Qua các cụm từ trên ta thấy được đặc sắc của cái “tôi” trong thể tùy bút:

  • Cái tôi được thể hiện đậm nét, trực tiếp
  • Cái tôi chịu khó quan sát, trải nghiệm, suy tưởng.

Câu 4. Hãy thể hiện sự liên tưởng của anh/chị trước hình ảnh “ngọn lửa”
Yêu cầu: Liên tưởng hợp lí; có tính thẩm mĩ; diễn đạt rõ ràng.
Xem thêm :Tuyển tập bộ đề đọc hiểu ôn thi THPT Quốc gia ngữ văn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *