Cảm nhận đoạn thơ trong bài Tây Tiến : Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Bài văn mẫu phân tích bài thơ Tây Tiến SGK Ngữ văn lớp 12. Tuyển tập những bài văn hay, dàn ý cảm nhận bài thơ Tây Tiến.
Đề bài :

Phân tích,bình giảng cảm nhận đoạn thơ thứ 3 trong bài Tây Tiến

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu áo giữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Sông Mã gầm lên khúc độc hành

 MỞ BÀI CHO BÀI THƠ TÂY TIẾN :

          “Tây Tiến” là bài thơ nổi tiếng của Quang Dũng nói riêng, của thơ ca chống Pháp nói chung, được sáng tác năm 1948. Thông qua niềm thương, nỗi nhớ, cảm hứng lãng mạn của tác giả, bức tranh miền Tây Tổ Quốc nổi lên thật đa dạng về đường nét, phong phú về màu sắc, rất gợi cảm và gắn bó, gần gũi với cuộc sống người lính. Nổi bật lên trên bức tranh núi rừng Tây Bắc vừa hùng vĩ, dữ dội, vừa nên thơ, vẫn là hình ảnh những người lính thật oai phong lẫm liệt, thật sang trọng hào hoa.

THÂN BÀI:

1.Giới thiệu bài thơ và đoạn trích 

Bài thơ “Tây Tiến” ra đời năm 1948 tại Phù Lưu Chanh, sau khi Quang Dũng rời xa đơn vị ít lâu. Bởi thế, bài thơ là tiếng nói cảm xúc chân thành tha thiết của một người lính nhớ về đồng đội, nhớ về những tháng ngày gian khổ hóa kỉ niệm, hóa kí ức. Bắt nguồn từ nỗi nhớ sâu đậm, “Tây Tiến” như tái hiện trước mắt người đọc hình ảnh người lính trong sinh hoạt văn hóa của đồng bào miền Tây và người lính nơi chiến địa giữa hi sinh và thiếu thốn.
Đoạn thơ trên là đoạn thứ ba miêu tả người lính một cách trực tiếp nhất, ấn tượng nhất.
 

2.Vẻ đẹp lãng mạn của người lính Tây Tiến

Tây Tiến” là một bản anh hùng ca về người chiến sĩ, được cất lên từ một âm của một nỗi nhớ cháy bỏng da diết. Theo mạch phát hiện của nỗi nhớ, hình ảnh người lính Tây Tiến hiện lên trong vẻ đẹp lãng mạn hào hùng và kiêu dũng “Tây Tiến…….oai hùm”. Đằng sau những hình ảnh thơ ngang tàng chất chứa những chi tiết nghiệt ngã của hiện thực đời sống. Người lính Tây Tiến thiếu thốn về vật chất, chịu sự hành hạ của những cơn sốt rừng khiến cho tóc trên đầu không mọc được và nước da thì xanh xao, tiều tụy. Hình ảnh thơ gợi cho ta biết bao thương cảm. Những gì mà Quang Dũng miêu tả về cuộc sống gian khổ của người lính không mới. Rất nhiều nhà thơ cùng thời với Quang Dũng đã ghi lại những chi tiết chân thực này. Trong bài “Đồng chí”,  Chính Hữu đã từng viết:
“Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh” 
Còn Quang Dũng đã nói điều đó bằng cảm hứng lãng mạn, bằng bút pháp lãng mạn. Vì vậy hình ảnh người lính hiện lên dưới ngòi bút của ông có cái gì đó độc đáo kì lạ. Và di chứng của những trận sốt rét rừng, dấu vết của những khó khăn gian khổ khốc liệt cũng được nói bằng một giọng ngang tàng cứng cỏi. Nghe cứ như thể thái độ không cần, không thèm mọc tóc vậy. Đó là thái độ của những con người khinh thường gian khổ, hiểm nguy. Còn “quân xanh mà dữ oai hùm” lại nhấn mạnh sự tương phản giữa bề ngoài xanh xao tiều tụy với bản lĩnh kiên cường mãnh liệt bên trong. Biết bao khí phách và oai phong, lẫm liệt của người lính Tây Tiến được thể hiện trong hình ảnh “dữ oai hùm” ấy- oai hùm là oai hổ, chúa sơn lâm, biểu tượng cho sự oai phong dũng mãnh. Trong bài “Bình ngô đại cáo” một thiên cổ hùng văn Nguyễn Trãi đã viết:
“Sĩ khí chọn tay tùy hổ
Bề tôi chọn kẻ vuốt nanh”
Hình ảnh ấy vừa làm cho quân thù khiếp sợ, vừa có thể chế ngự được hoàn cảnh khắc nghiệt, dữ dội của rừng thông:
“Trong hang tối mắt thần khi đã quắc
Là khiến cho mọi vật đều im hơi
Ta biết ta là chúa tể của muôn loài
Giữa chốn thảo hoa không tên tuổi”
                                                                                                            (Thế Lữ)
Chỉ bằng hai hình ảnh thơ, Quang Dũng đã không chỉ nói được sâu sắc đầy đủ cuộc sống chiến đấu gian khổ của người lính, mà còn khắc họa được vẻ đẹp hào hùng, cái khí phách mạnh mẽ của họ.
Người lính Tây Tiến hầu hết là những chàng trai Hà Thành thanh lịch lãng mạn, mộng mơ. Vì vậy họ không chỉ mang phẩm chất hào hùng, mà còn mang vẻ đẹp hào hoa. Ban ngày họ phải hành quân gian khổ, thường xuyên phải tiếp xúc với thần chết, mà đêm về họ đã mơ nhiều giấc mơ dịu êm như thế đó:
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
Cái bóng hình lung linh trong giấc mơ của họ là hình ảnh những dáng kiều thơm Hà Thành quyến rũ. Đừng vội phê phán người lính Tây Tiến chưa rũ bỏ được tính cách tiểu tư sản yêu đời và còn mộng mơ, mà phải hiểu đó là chất mộng mơ, chất lãng mạn của người lính hào hoa. Chính giấc mơ lãng mạn với dáng kiều thơm thanh thoát đã là đôi cánh nâng đỡ tinh thần người lính, vượt lên trên khó khăn thử thách khốc liệt tưởng chừng như không thể vượt qua được. Nó đem lại cho người lính những khoảng lặng trong đời sống nội tâm. Đôi mắt với cuộc sống chiến đấu hàng ngày đầy gian khổ, hy sinh; họ ít khi có cơ hội đối diện với thế giới tinh thần của chính mình, sống thật khát khao, ước mơ của bản thân. Chỉ trong giấc mơ hằng đêm họ mới sống với những gì không có, chưa có trong đời thực:
“Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm
Nàng là hương hay nhan sắc là hương?”
Những người lính có đôi mắt trừng như lửa cháy hờn căm và phẫn nộ để thiêu đốt kẻ thù, nhưng lại vừa biết mơ về những cô gái Hà Thành thanh lịch kiều diễm đã nói với ta rất nhiều về vẻ đẹp anh bộ đội cụ Hồ có tầm hồn gần gũi, chân thực và rất phong phú.

3.Vẻ đẹp bi tráng của hình tượng người lính

Viết về đời sống người lính Tây Tiến, Quang Dũng cũng không hề che dấu sự hy sinh của họ. Chỉ có điều sự hi sinh lại được nói bằng cảm hứng lãng mạn mang màu sắc bi tráng. Mỗi lần  cảm xúc chìm vào đau thương lập tức nhà thơ lại nâng lên bằng đôi cánh lãng mạn mang màu sắc tráng hùng, bởi vậy lời thơ viết về sự hi sinh mà không hề có cảm giác bi lụy yếu đuối:
“Rải rác biên cương mỗn viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”
Hiện thực trực tiếp trong đời sống chiến đấu của người lính là những giây phút đối mặt kẻ thù, là những đau thương mất mát. Người xưa đã từng nói:
“Xưa nay những chốn chiến binh
Hỏi ai đem được thân mình về chưa?
Sự sống hàng ngày của người lính được đánh dấu bằng những ranh giới mong manh giữa còn và mất, giữa sống và chết, rất nhiều đồng đội của Quang Dũng đã ngã xuống trên mảnh đất miền Tây, gửi thân lại nơi nấm mồ viễn xứ. Một trong những thiếu sót dễ nhận thấy của thơ ca Cách Mạng là tác giả viết về chiến thắng, nhưng lại né tránh những hình ảnh chi tiết về sự mất mát, hi sinh. Quang Dũng không thế, ông nhìn cuộc sống của người lính Tây Tiến theo  đúng những gì ông nếm trải. Có khó khăn gian khổ, có ước mơ, nỗi nhớ riêng tư có nhiều nấm mồ viễn xứ. Câu thơ buồn đau nhưng không gây cảm giác quá bi thương. Những từ Hán Việt xuất hiện trong câu thơ như làm dịu đi, vơi đi sự mất mát nặng nề bằng không khí trang trọng của nó. Mà quan trọng hơn, sự hi sinh mất mát bị xóa nhòa bởi lí tưởng quên mình của người lính Tây Tiến. “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Câu thơ sau chìm xuống trầm lắng đi. Trong âm điệu tiếc nhớ buồn thương, câu thơ sau vuợt lên, vút lên bằng âm điệu dứt khoát, mạnh mẽ. Cảm xúc buồn thương ở câu thơ đầu được nâng đỡ lên thành bi hùng, nhờ đôi cánh lí tưởng lãng mạn ở câu sau: Người lính Tây Tiến đối mặt với hy sinh mất mát không phải bằng thái độ sợ hãi, mà bằng tư thế sẵn sàng nhập cuộc, sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc. Tư thế hiên ngang ấy khiến cho họ nhìn cái chết với đôi mắt thanh thản không hề nuối tiếc cuộc đời xanh non; “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Câu nói chắc nịch như một lời tuyên thề. Hai chữ “chẳng tiếc” với âm cao của thanh trắc mang sức nặng của lòng quyết tâm của lí tưởng quên mình. Đối với một con người, khoảng thời gian đẹp nhất là những ngày tuổi trẻ, là những ngày tóc đang còn xanh và sức sống đang căng. Nó là một đời xanh chẳng đi qua không bao giờ trở lại. Vậy mà người lính Tây Tiến chẳng tiếc đời xanh, chẳng tiếc tương lai đầy hứa hẹn phía trước. Vẫn biết trên chặng đường hành quân gian khổ, trong những tháng ngày hành quân chiến đấu mà rất có thể gục lên sung mũ bỏ quên đời hay làm một nấm mồ viễn xứ, nhưng với họ không có gì hạnh phúc hơn khi được chiến đấu cho lí tưởng, được đổ máu mình cho cây Tổ quốc đơm hoa độc lập kết trái tự do. Hai câu thơ của Quang Dũng tỏa sáng một triết lý, một lẽ sống tốt đẹp của tuổi trẻ thời ấy “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Đó là triết lý sống của những con người luôn luôn vang lên trong tim lời dạy thiêng liêng của Bác.
Với triết lý, lẽ sống cao đẹp ấy, người lính Tây Tiến cho đến giây phút trở về lòng đất mẹ vẫn sáng lên vẻ đẹp tâm hồn cao cả – Vẻ đẹp của sự hi sinh đến hai lần: “Áo bào… độc hành”. Quên mình vì Tổ quốc đó là lần hi sinh thứ nhất của người lính. Trở về đất mẹ bằng tấm áo giản dị thường ngày, đó là lần hi sinh thứ hai. Câu thơ mang ý nghĩa hiện thực sâu sắc “Tử sĩ nằm xuống không đủ manh chiếu để liệm” (Lời Quang Dũng) “Họ được chôn cất trong chiếc áo của chính  mình”. Cái hay của câu thơ là sự thực bi thương của người lính được nhà thơ tái hiện bằng đôi mắt lãng mạn, vừa yêu thương, vừa trân trọng thành kính. Nhà thơ phủ lên thi thể người đồng đội hình ảnh áo bào. Người đọc cảm nhận trong người lính Tây Tiến phảng phất dáng nét tráng sĩ xưa với tư thế hiên ngang lẫm liệt. Bởi thế giây phút đau đớn đưa tiễn người đồng đội về cõi bất tử được thiêng liêng hóa, vĩnh viễn hóa bằng hình ảnh áo bào đầy sang trọng cổ kính. Nhóm từ  “anh về đất” vừa làm giảm nhẹ sự mất mát đau thương, vừa là sự ngợi ca tinh thần hi sinh tự nguyện của người lính Tây Tiến. Với tấm bào ấy, người lính đã thanh thản đi về trong lòng đất mẹ ấm áp vĩnh hằng như thể người nông dân thanh thản vui vẻ trở về nhà sau một ngày đã hoàn thành công việc đồng áng vậy:
                                            “Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
Hình ảnh người lính ngã xuống không đơn độc bi thương mà họ được bao bọc bởi nghĩa tình đồng đội và âm vang tiếng nhạc chiêu hồn tử sĩ thật dữ dội của núi sông.
Câu kết là tiếng kèn bi tráng, trầm hùng đưa tiễn người lính đi vào cõi bất tử với biết bao niềm thương tiếc, giận dữ, ngậm ngùi thành hình.
 

KẾT LUẬN  CHO BÀI TÂY TIẾN:

Dòng sông Mã, một chứng nhân gần gũi mà thiêng liêng về cuộc đời bi tráng “sống hi sinh, chết cũng hi sinh, thật tột đỉnh quang vinh” của người lính Tây Tiến đã thay mặt cho quê hương đất nước tấu lên khúc độc hành rung chuyển núi sông, như cất lên bài ca anh hùng vang vọng mãi vào cõi thiên thu.
Bài viết sưu tầm.
Xem thêm : Tuyển tập đề thi và những bài văn hay phân tích Tây Tiến , Giáo án, chuyên đề Tây tiến : Tây tiến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *