Cảm nhận của anh chị đoạn thơ: Ta về, mình có nhớ ta,Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung

Tài liệu Ôn thi THPT Quốc gia môn văn. Bộ đề luyện thi về Việt Bắc- Tố Hữu
Lưu ý : Bài ôn tập có nhiều phần, các em đọc những phần khác ở link này : http://vanhay.edu.vn/tag/viet-bac
Đề 3. Cảm nhận của anh chị đoạn thơ:

Ta về, mình có nhớ ta…

Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung

Yêu cầu của đề
Nội dung: Bình giảng đoạn thơ để thấy được vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên, con người Việt Bắc. Đây là đoạn được đánh giá là đẹp nhất về Việt Bắc trong nối nhớ của nhà thơ.
Đoạn thơ có 10 câu, có thể bình giảng theo nhiều cách nhưng phải làm nổi bật được các ý sau:
Nhớ cảnh qua các câu sáu và nhớ người qua các câu tám
Đặc sắc về nghệ thuật
Thao tác lập luận: Bình luận, bình giảng kết hợp với phân tích, chứng minh.
Lập dàn ý
Mở bài
Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
Đoạn thơ là một bức tranh đẹp nhất về thiên nhiên và con người Việt Bắc qua những nét vẽ pha màu nỗi nhớ của nhà thơ.
Ta về, mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hoà bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung.
Thân bài
Nhớ về Việt Bắc, nhà thơ không chỉ nhớ về một Việt Bắc trong gian khó đã cưu mang, nuôi dưỡng, chở che cán bộ chiến sĩ. Việt Bắc còn là một vùng đất thơ mộng. Đoạn thơ như bức tranh tươi sáng về cảnh và người quyện hoà thắm thiết.
Kết cấu đoạn thơ vẫn tiếp tục theo hình thức đối đáp của hai nhân vật trữ tình ta – mình tưởng như rất riêng nhưng lại có ý nghĩa lớn – đạo lí của dân tộc. Ta – mình thực chất là sự phân đôi và thống nhất của chủ thể trữ tình.
Mở đầu đoạn thơ là câu hỏi của người ra đi với người ở lại: “Mình về, mình có nhớ ta”, không đợi câu trả lời, người ra đi tiếp tục bày tỏ tâm tư và nỗi lòng của mình: Ta về ta nhớ những hoa cùng người. Nhớ hoa, nhớ người thực chất là nhớ người và nhớ cảnh. Cảnh và người Việt Bắc hoà quyện trong từng cặp câu lục bát. Câu sáu vẽ nên nỗi nhớ cảnh, câu tám khắc hoạ nỗi nhớ người. Thiên nhiên và con người Việt Bắc đẹp trong từng hình ảnh của bốn mùa thời gian:
+ Mùa đông hoa chuối đỏ tươi, nổi bật trên nền xanh ngút ngát của núi rừng. Màu đỏ của hoa chuối làm sáng bừng và ấm nóng của khu rừng lạnh lẽo hoang sơ. Con người Việt Bắc hoà mình trong bức tranh thiên ấy với ánh sáng lấp lánh của hình ảnh: dao gài thắt lưng.
+ Mùa xuân cả núi rừng được phủ trắng một màu hoa mơ. Sắc trắng của hoa mơ, sắc trắng lá nón, của sợi giang làm khu rừng như bừng sáng. Người đan non tỉ mẩn, cần mẫn với sự khéo léo: Chuốt từng sợ giang.
+ Mùa hạ có âm thanh râm ran của tiếng ve như làm hực lên sắc vàng của nắng, của rừng phách. Cảnh rực rỡ khác thường, câu thơ gọi lên những liên tưởng lạ lùng. Cách miêu tả của nhà thơ thật độc đáo, nửa hư, nửa thực gợi vẻ đẹp rất tiêng của Việt Bắc. Sự chuyển mình đột ngột của rừng phách như mang đến một mảng màu ấm áp về những tháng ngày kỉ niệm gắn bó với Việt Bắc trong lòng người cán bộ về xuôi. Hình ảnh của cô em gái Việt Bắc hái măng một mình gợi niềm thương, nỗi nhớ của người ra đi về sự đơn côi của người ở lại trong cảnh “hái măng một mình”.
+ Mùa thu của những năm đầu tiên miền Bắc giành được độc lập dường như trăng cũng sáng đpẹ, êm dịu hơn trong cuộc sống hoà bình. Tiếng hát trong đêm trăng chứa chan nghĩa tình, đó là tiếng hát của “ân tình thuỷ chung” trước sau một lòng không gì có thể đổi thay.
Bức tranh thiên nhiên Việt Bắc thật đặc biệt, không chỉ trải rộng bốn mùa mà còn có cả ngày và đêm, trăng và hoa, màu sắc và âm thanh sống động. Có người đã đánh giá: Thiên nhiên Việt Bắc trong đoạn thơ hiện ra như một bức tranh tứ bình của hội hoạ phương Đông. Mùa nào cũng đẹp, cũng đáng yêu. Mỗi mùa là một bức tranh cổ điển mà rất hiện đại. Hoà trong bức tranh thiên nhiên là hình ảnh con người Việt Bắc không chỉ cần cù chất phác mà điểm nhấn là phẩm chất “ân tình thuỷ chung”, có ân tình, ân nghĩa mới chung một mối thù nặng vai, “Thương nhau chia củ sắn lùi/Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”. Tấm lòng thuỷ chung son sắt của đồng bào với cách mạng, kháng chiến, với Đảng, với Bác Hồ luôn là điều đáng nhớ, đáng trân trọng khắc ghi nhất. Cảnh và người Việt Bắc hiện ra rất thực, rất đặc trưng, hoà quyện và tô điểm cho nhau, làm cho bức tranh thiên nhiên bớt hoang vu, hiu quạnh mà trở nên gần gũi, ấm áp. Trong nỗi nhớ của người ra đi, đậm đà và sâu sắc nhất là kỉ niệm về con người Việt Bắc cần cù, chịu thương chịu khó và thuỷ chung nghĩa tình. Đó là nỗi nhớ tri ân mang tính nhân văn cao đẹp.
Về nghệ thuật, đoạn thơ thể hiện rất rõ phong cách thơ Tố Hữu: trữ tình, sâu lắng, tha thiết, ân tình và đậm đà tính dân tộc. Thể thơ lục bát quen thuộc vừa dân dã, vừa cổ điển mà mang sắc màu của thời đại. Nhịp điệu thơ vừa ngân nga dìu dặt vừa thiết tha, mãnh liệt diễn tả cảm xúc nhớ nhưng chân thật, mặn mà, thắm thiết của nhà thơ với thiên nhiên và con người Việt Bắc.
Kết bài
Đoạn thơ năm trong tổng thể chung của bài thơ lại vừa có tính độc lập tương đối, mang âm hưởng trữ tình vang vọng khúc ca ngọt ngào, đằm thắm của tình đồng chí, đồng bào; của tình yêu quê hương, đất nước, con người. Nó không chỉ cảm xúc riêng của nhà thơ mà còn là cảm xúc chung của bào con người. Đó là đạo lí truyền thống cao đẹp của dân tộc Việt Nam.
Xem thêm : Phân tích bức tranh tứ bình Việt Bắc, nghị luận ý kiến bàn về bài Việt Bắc, những nhận định hay về bài thơ, Giáo án bài Việt Bắc, sáng kiến kinh nghiệm bài Việt Bắc, Đề thi học sinh giỏi. Tất cả đều có ở link này :
http://vanhay.edu.vn/tag/viet-bac

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *