Cách tìm ý cho bài văn nghị luận

Hướng dẫn cách tìm ý cho bài văn nghị luận, khắc phục lỗi viết lan man không trọng tâm.

Nhiều bạn học sinh chưa biết cách xác định luận điểm (tìm ý) cho bài văn nghị luận, dẫn đến việc viết lan man, nhớ đâu viết đấy, bài viết không rõ luận điểm. Bởi vậy dù có viết dài, viết sâu mà luận điểm không rõ ràng thì bài văn cũng không thể đạt điểm cao. Bài học hôm nay Admin sẽ hướng dẫn các em tìm ý cho bài văn nghị luận, khắc phục lỗi viết lan man, xa đề.
Mỗi dạng đề văn nghị luận đều có dàn ý riêng, muốn tìm ý cho bài văn nghị luận, trước hết các em cần nắm vững cấu trúc bài văn. Cô tạm chia ra các dạng đề sau :
+ Nghị  luận văn học

  • Phân tích, cảm nhận về nhân vật
  • Phân tích tình huống truyện
  • Phân tích , cảm nhận về đoạn thơ
  • Phân tích, cảm nhận về đoạn trích văn xuôi
  • Nghị luận ý kiến bàn về văn học
  • Dạng đề so sánh văn học: so sánh hai đoạn thơ, hai đoạn văn, hai nhân vật, hai hình ảnh, chi tiết trong tác phẩm…

+Nghị luận xã hội

  • Nghị luận về tư tưởng đạo lí
  • Nghị luận về hiện tượng đời sống
  • Nghị luận về vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học

Sau đây Admin sẽ hướng dẫn các em tìm ý ( Luận điểm, Luận cứ) phù hợp, khắc phục lối viết văn lan man, xa đề. Ở phạm vi bài viết này, Admin hướng dẫn các em tìm ý cho bài Nghị luận văn học. Hôm sau cô sẽ viết bài hướng dẫn cách tìm ý cho bài Nghị luận xã hội.

Bước 1 : Đọc kĩ đề bài

Đây là khâu đặc biệt quan trọng, vì nếu các em không đọc kĩ đề, sẽ dẫn đến việc xác định sai kiểu bài, thậm chí không hiểu vấn đề, và rơi vào ” chém gió ” là điều không tránh khỏi. Vậy chúng ta khai thác đề bài như thế nào? Đọc kĩ và gạch chân những từ trọng tâm. Cần trả lời các câu hỏi sau:

  • Đây là dạng đề nào
  • Đề đặt ra vấn đề gì cần giải quyết
  •  Viết lại rõ ràng luận đề ra giấy.

Có 2 dạng đề:

  •  Đề nổi, các em dễ dàng nhận ra và gạch dưới luận đề trong đề bài.
  •  Đề chìm, các em cần nhớ lại bài học về tác phẩm ấy, dựa vào chủ đề của bài đó mà xác định luận đề.

Ví dụ  :Nhiều bạn cứ cầm đề thi lên, nhìn thấy Mị, Vợ chồng A Phủ là cắm đầu cắm cổ viết, viết tràn lan không có luận điểm ,như vậy rất nguy hại . Các em cần gạch chân những từ khoá trọng tâm của đề bài để xác định hướng triển khai cho phù hợp! Những từ khoá này sẽ giúp các em xác định rõ phần thân bài sẽ phải viết những gì.

Bước 2 : Tìm ý cho bài văn.

Tìm ý như thế nào ? Các em dựa vào dàn ý chung của mỗi kiểu bài để tìm ý nhé. Muốn tìm đúng luận điểm, các em cần nắm vững các bước làm bài, đồng thời phải nắm được nội dung, nghệ thuật của tác phẩm.
Ví dụ : Nghị luận ý kiến bàn về tác phẩm có dàn ý sơ lược như sau :
Mở bài: dẫn dắt ý kiến

  • Thường giới thiệu  tác giả, tác phẩm và đi vào ý kiến.
  • Hoặc dựa vào nội dung của ý kiến để dẫn dắt và trích dẫn ý kiến

Thân bài:
+ Giải thích, làm rõ vấn đề:
Giải thích, cắt nghĩa các từ, cụm từ có nghĩa khái quát hoặc hàm ẩn trong ý kiến . Sau khi cắt nghĩa các từ ngữ cần thiết cần phải giải thích, làm rõ nội dung của cả ý kiến. Thường trả lời các câu hỏi: Ý kiến trên đề cập đến vấn đề gì? Câu nói ấy có ý nghĩa như thế nào?
+ Bàn bạc, khẳng định vấn đề. Có thể lập luận theo cách sau:
– Khẳng định ý kiến đó đúng hay sai? cụ thể?
– Lí giải tại sao lại nhận xét như thế? Căn cứ vào đâu để có thể khẳng định được như vậy?
– Điều đó được thể hiện cụ thể như thế nào trong tác phẩm, trong văn học và trong cuộc sống?phân tích và lấy dẫn chứng trong tác phẩm văn học.
+Mở rộng, nâng cao, đánh giá ý nghĩa của vấn đề đó với cuộc sống, với văn học.
• Kết bài:
+ Khẳng định lại tính chất đúng đắn của vấn đề.
+Rút ra những bài học cho bản thân từ vấn đề.
Từ dàn ý trên, các em có thể hình dung mình cần viết những luận điểm nào cho bài văn.
 
Ví dụ 2 : Kiểu bài phân tích,so sánh,  cảm nhận về hai nhân vật ta lại có dàn ý khác:
MỞ BÀI:
– Dẫn dắt (mở bài trực tiếp không cần bước này)
– Giới thiệu khái quát về  tác giả tác phẩm và nhân vật thứ nhất.
– Giới thiệu khái quát về  tác giả tác phẩm và nhân vật thứ hai.
-Giới thiệu vấn đề nghị luận
THÂN BÀI:
1. Phân tích nhân vật thứ nhất
2.Phân tích nhân vật thứ hai
Chú ý bám sát vấn đề nghị luận
3. So sánh: nét tương đồng và khác biệt giữa hai nhân vật
4. Lý giải sự khác biệt
KẾT BÀI:
– Khái quát những nét giống nhau và khác nhau tiêu biểu
– Có thể nêu những cảm nghĩ của bản thân.
Từ dàn ý trên, các em có thể tìm được luận điểm cho bài văn của mình, tránh sa đà vào phân tích văn xuôi như  kể chuyện và phân tích thơ như diễn xuôi.
Ví dụ 3 : Kiểu bài cảm nhận về đoạn thơ, đoạn trích văn xuôi
Mở bài:
– Giới thiệu tác giả, giới thiệu bài thơ, đoạn thơ, đoạn văn (hoàn cảnh sáng tác, vị trí,…)
– Dẫn bài thơ, đoạn thơ.
* Thân bài:
– Làm rõ nội dung tư tưởng, nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ , đoạn văn
– Bình luận về giá trị đoạn thơ, đoạn văn,…
* Kết bài:
Đánh giá vai trò và ý nghĩa đoạn thơ, bài thơ, đoạn trích văn xuôi trong việc thể hiện nội dung tư tưởng và phong cách nghệ thuật của nhà thơ.
Còn nhiều kiểu bài NLVH nữa, cô chỉ lấy 3 ví dụ tiêu biểu như trên.

Bước 3 : Tìm  luận cứ

Sau khi tìm được các luận điểm cho bài văn, chúng ta tiến hành tìm luận cứ. Khi xây dựng lập luận, điều quan trọng nhất là phải tìm cho được các luận cứ có sức thuyết phục cao.Luận cứ hiểu nôm na là những ý nhỏ, triển khai cho luận điểm. Luận cứ có thể là dẫn chứng, lí lẽ làm sáng tỏ cho luận điểm. Vậy tìm luận cứ như thế nào ? Cô hướng dẫn các em như sau :

  • +  Trước hết, luận cứ phải phù hợp với yêu cầu khẳng định của luận điểm. Nội dung của luận cứ phải thống nhất với nội dung của luận điểm.  Chẳng hạn: muốn bình bài thơ hay, cần chọn được bài thơ hay, câu thơ hay.
  • + Thứ hai, luận cứ phải xác thực, tức là nó phải đúng đắn.  Khi nêu luận cứ, người viết cần biết chính xác về nguồn gốc, các số liệu, các sự kiện, tiểu sử nhân vật,… Biết không chắc chắn thì chưa vội sử dụng. Tuyệt đối không được bịa đặt luận cứ. Nhiều bạn không thuộc thơ, không nhớ dẫn chứng văn xuôi, dẫn đến tình trạng “Chém gió”, “đoán mò “
  • + Thứ ba, luận cứ phải tiêu biểu. Nếu nhà thơ có nhiều câu thơ hay thì chọn câu thơ tiêu biểu cho phong cách độc đáo của nhà thơ ấy. Nếu chọn chi tiết về nhân vật thì chọn chi tiết tiêu biểu nhất cho tính cách của nhân vật ấy. Ví dụ phân tích nhân vật T Nú không thể bỏ qua hình ảnh đôi bàn tay bị đốt.
  • +Thứ tư, luận cứ phải vừa đủ, đáp ứng yêu cầu chứng minh toàn diện cho luận điểm : Ví dụ trong bài Tây Tiến- Quang Dũng nếu các em muốn chứng minh thiên nhiên miền Tây dữ dội, khắc nghiệt   thì cần lấy  những dẫn chứng ở đoạn thơ : “Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi…Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”., chỉ phân tích những câu thơ tiêu biểu về  vẻ  dữ dội, khắc nghiệt của thiên nhiên.

->> Cần trích dẫn chính xác. Nhớ nguyên văn thì đặt trong ngoặc kép, nhớ đại ý thì chuyển thành lời gián tiếp
Ví dụ minh hoạ :Để chứng minh cho luận điểm ” TNú là một con người gan góc, táo bạo, dũng cảm, trung thành tuyệt đối với cách mạng” Ta có các luận cứ sau :

  • Ngay từ nhỏ,TNú đã cùng Mai làm liên lạc cho cán bộ ở trong rừng mà không sợ bị chặt đầu hoặc treo cổ.
  •  Khi đi liên lạc,giặc vây các ngả đường thì TNú đã “xé rừng mà đi”.Qua sông, TNú “không thích lội chỗ nước êm” mà “cứ lựa chỗ thác mạnh mà bơi ngang, vượt lên trên mặt nước, cỡi lên thác băng băng như một con cá kình”, “vì chỗ nước êm thằng Mĩ hay phục”
  • Học chữ thua Mai thì lấy đá đập vào đầu .Điều ấy thể hiện ý thức của lòng tự trọng và ý chí quyết tâm cao.
  • Bị giặc bắt thì nuốt luôn cái thư vào bụng, bị tra tấn không khai; một mình xông ra giữa vòng vây của kẻ thù trong tay không có vũ khí; bị giặc bắt, bị đốt mười đầu ngón tay vẫn không kêu than..

Như vậy, để lấy được những luận cứ hay, có sức thuyết phục, các em cần nắm vững nội dung và nghệ thuật của tác phẩm ấy. Từ việc không thuộc , hoặc nhớ mang máng, dẫn đến tình trạng viết lan man là không thể tránh khỏi.
Mẹo : Ba bước trên đây chúng ta chỉ thực hiện trong 5-10 phút, sau đó dành thời gian viết bài. Gạch ý ra giấy nháp theo  từng ý lớn ý nhỏ, khi làm bài, thi thoảng nhìn giấy nháp để viết, sẽ tránh được tình trạng bỏ sót ý , hoặc ý trùng lặp.  Đang viết mà bất chợt nghĩ ra một ý tưởng hay, một câu thơ, câu nói liên quan, các em ghi nhanh ra giấy nháp để làm dẫn chứng cho bài văn.
Xem thêm :Tổng hợp những đề thi về các tác phẩm trọng tâm lớp 12
Những bài văn nghị luận xã hội hay lớp 12

3 bình luận trong “Cách tìm ý cho bài văn nghị luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *