Cách mở bài cho dạng đề so sánh văn học

Nhiều bạn phàn nàn không biết cách mở bài cho dạng đề so sánh, thực ra, đối với dạng đề này, mở bài các em cần :
+ Giới thiệu tác giả tác phẩm và đối tượng thứ nhất
+ Giới thiệu tác giả tác phẩm và đối tượng thứ hai
+ Giới thiệu vấn đề nghị luận ( cái mà đề bài yêu cầu, chính là tiêu chí và mục đích so sánh)
Đối tượng của dạng đề so sánh rất đa dạng: ss hai nhân vật, hai đoạn trích văn xuôi,  phong cách của hai nhà văn, hai đoạn thơ, hai chi tiết nghệ thuật, hai đoạn kết của hai tác phẩm,…Mở bài chúng ta cần giới thiệu được hai đối tượng so sánh hoặc tiêu chí so sánh, thông thường tiêu chí so sánh có ngay ở đề bài
Yêu cầu chung :Mở bài cần ngắn gọn, và nêu được vấn đề cần bàn luận, tránh viết lan man, giới thiệu dài dòng về tác giả tác phẩm. Phần mở bài chưa cần nêu cụ thể về tác giả hoàn cảnh sáng tác bởi như thế sẽ rất dài. Những nét chính về tác giả và hoàn cảnh sáng tác, chúng ta nêu ở thân bài. Mặt khác, Mở bài cũng cần  ấn tượng, tạo được thiện cảm cho người chấm. Yêu cầu này đa số các em học sinh chưa làm được.
Cô giới thiệu một số mở bài để các em tham khảo nhé :
Đề 1 :Cùng tái hiện vẻ đẹp của những đoàn quân ra trận, mỗi nhà thơ lại có cách khám phá thể hiện riêng. Trong bài Tây Tiến, Quang Dũng viết:“Tây Tiến đoàn binh không mọc tócQuân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
Trong Việt Bắc, Tố Hữu viết:
“Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan”
Bài làm:
Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”
Đã có những tháng ngày như thế, những tháng ngày đất nước hừng hực sục sôi trong khí thế của cuộc kháng chiến gian khổ mà anh hùng. Đã có những con người như thế, những con người nhỏ bé nhưng tạo sức mạnh của những đoàn quân một thời làm khiếp sợ kẻ thù, ra trận với ý chí “Quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh” để giành lấy độc lập, tự do cho dân tộc. Cùng tái hiện vẻ đẹp của những đoàn quân ra trận, mỗi nhà thơ lại có cách khám phá và thể hiện riêng. Trong bài Tây Tiến, Quang Dũng viết:
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
Trong Việt Bắc, Tố Hữu viết:
“Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan”.
(Mở bài của học sinh )
Mở bài 2 :
Thơ ca kháng chiến chống Pháp là những vần thơ có niềm cảm hứng mãnh liệt nhất về hình tượng người lính bộ đội cụ Hồ. Dưới ngòi bút của bao thi sĩ, hình tượng ấy hiện lên thật sinh động, gần gũi mà cũng rất bi tráng, hào hùng. Nằm trong số ấy có bài Việt Bắc của Tố Hữu và Tây Tiến của Quang Dũng. Cả hai bài thơ đều góp phần làm hiện lên vẻ đẹp của hình tượng người lính vừa có những nét chung gần gũi vừa có những vẻ đẹp riêng khó trộn lẫn. Tất cả được Quang Dũng và Tố Hữu thể hiện sâu sắc qua hai đoạn thơ:
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
(“Tây Tiến”– Quang Dũng)
 “Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan”
(“Việt Bắc” – Tố Hữu)
Đề 2 :
Cảm nhận của em về hai đoạn thơ sau:
Ta với mình, mình với ta
Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh
Mình đi, mình lại nhớ mình
Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu.
( Việt Bắc – Tố Hữu)
Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh một phương.
( Sóng – Xuân Quỳnh)
Bài làm
Trong cuộc đời mỗi con người, ai cũng có ít nhất một niềm thương, nỗi nhớ. Niềm thương, nỗi nhớ ấy luôn thường trực trong ta tạo nên những rung động mãnh liệt trong cảm xúc. Với các thi nhân , cảm xúc lại là yếu tố vô cùng quan trọng. Nó giúp cho các nhà thơ làm nên những thi phẩm say đắm lòng người. Tiếng nói từ trái tim sẽ đến được với trái tim. Đoạn thơ:
” Ta với mình, mình với ta
Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh
Mình đi, mình lại nhớ mình
Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu.”
trích trong bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu và đoạn thơ:
“Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh một phương.”
trích trong bài thơ “Sóng của Xuân Quỳnh là những vần thơ dạt dào cảm xúc như thế.
( Mở bài của học sinh)
Xem thêm : Tuyển tập những mở bài hay nhất về các tác phẩm lớp 12 

3 bình luận trong “Cách mở bài cho dạng đề so sánh văn học

  1. cô ơi, như trong các mở bài trên thì em ko thấy nêu rõ về tác giả, vậy cũng đc hả cô, tại em thường thấy trong cấu trúc mở bài nào cũng phải giới thiệu rõ về tác giả và tác phẩm và một ít đặc sắc nghệ thuật nổi bật của tác giả nữa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *